Tốt nghiệp ngành Thông tin - Thư viện đâu chỉ bó hẹp với vai trò cán bộ thư viện

10/02/2025 06:35
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngày nay, với sự tiến bộ của KHCN và bùng nổ thông tin trong nền kinh tế số, ngành Thông tin - Thư viện đã không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Thông tin - Thư viện là ngành học đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học thông tin và khoa học thư viện, trong đó tập trung về việc tìm kiếm, thu thập, phân tích, đánh giá, lưu trữ và khai thác thông tin.

Trong đó, Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những đơn vị đào tạo ngành học này.

Được biết, lĩnh vực thông tin thư viện được giảng dạy tại nhà trường từ năm 1996. Đến nay, Khoa Thông tin - Thư viện đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành, đã và đang nắm giữ những vị trí quan trọng ở các cơ quan thông tin, thư viện lớn trong cả nước.

Ngành Thông tin - Thư viện không còn bó hẹp trong không gian của kệ sách

Trao đổi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Khoa Thông Tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, hiện nay, ngành Thông tin - Thư viện đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, không chỉ bó hẹp trong vai trò của cán bộ thư viện như quan niệm truyền thống.

do-van-hung_1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Khoa Thông Tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: Website nhà trường)

Theo thầy Hùng, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và nhu cầu quản lý dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, ngành Thông tin - Thư viện đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng và giá trị cốt lõi của mình trong việc kết nối thông tin, phục vụ xã hội tri thức. Đây là một ngành không chỉ tập trung vào công tác quản lý thư viện mà còn mang đến những cơ hội việc làm đa dạng, bao gồm quản trị thông tin, phân tích dữ liệu, phát triển nội dung số và quản lý tri thức trong các tổ chức doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức.

“Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, các tổ chức luôn tìm kiếm những chuyên gia có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ, đảm bảo thông tin được lưu trữ, truy xuất và sử dụng một cách hiệu quả. Từ đó, sinh viên học ngành Thông tin - Thư viện có nhiều cơ hội việc làm. Minh chứng cho thấy, không ít sinh viên tốt nghiệp từ ngành này đã làm tốt vai trò quản trị hệ thống dữ liệu tại các công ty công nghệ, tư vấn thông tin cho các tổ chức nghiên cứu, hoặc tham gia vào việc xây dựng nền tảng thông tin số hóa tại các thư viện công cộng và trường học.

Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội việc làm hấp dẫn, các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó giúp sinh viên nắm được những kiến thức và kỹ năng như quản lý dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo ngành này cũng cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp để hiểu rõ nhu cầu của thị trường lao động, từ đó định hướng chương trình học phù hợp cho sinh viên”, thầy Hùng bày tỏ.

img_9332.jpeg
Sinh viên Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: Website nhà trường)

Thầy Hùng cho hay, ngoài những lợi thế trên, ngành này cũng đang đối mặt với một số thách thức. Nhiều người cho rằng, ngành này chỉ xoay quanh công việc tại thư viện, nhưng thực tế, sinh viên ngành Thông tin - Thư viện có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các doanh nghiệp luôn cần những chuyên gia tổ chức và quản lý thông tin để tối ưu hóa dịch vụ khách hàng. Hoặc trong lĩnh vực y tế, các bệnh viện cần đội ngũ quản lý dữ liệu y khoa để đảm bảo thông tin bệnh nhân được lưu trữ và truy cập an toàn...

“Theo tôi, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Thông tin - Thư viện ngày càng lớn, bởi một hệ thống thông tin hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm mà còn nâng cao chất lượng công việc và năng lực sáng tạo của cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, trong thời đại có nhiều thông tin sai lệch và chưa được kiểm chứng trên Internet, những người làm việc trong ngành này đóng vai trò như ‘người gác cổng’, đảm bảo thông tin được sàng lọc, tổ chức và cung cấp một cách chính xác, minh bạch.

Tôi tin, với sự nỗ lực từ cả người học, người dạy và các tổ chức, ngành Thông tin - Thư viện được kỳ vọng ngày càng phát triển, góp phần xây dựng một xã hội thông tin vững mạnh, nơi người dùng đều có thể tiếp cận tri thức một cách dễ dàng và công bằng”, Trưởng khoa Khoa Thông Tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể ứng tuyển ở nhiều vị trí khác nhau

Chia sẻ thêm về việc làm, ông Phạm Đức Tiến - Thủ khoa đầu ra K61 Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Đấu Thầu cho hay: “Ngành Thông tin - Thư viện, với tên gọi nghe có vẻ truyền thống, nhưng thực chất mang lại những cơ hội nghề nghiệp linh hoạt và đa dạng. Khi nhắc đến ngành này, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh của những thư viện lớn, nơi các thủ thư cần mẫn với những cuốn sách xếp ngay ngắn trên kệ.

Tuy nhiên, ngành Thông tin - Thư viện hiện đại đã mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ gói gọn trong quản lý sách vở mà còn bao gồm quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và ứng dụng công nghệ để phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội hiện đại”.

snapedit_1736316964582.jpeg
Ông Phạm Đức Tiến - Thủ khoa đầu ra K61 Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Theo ông Tiến, trong quá trình học tại Khoa Thông tin - Thư viện, sinh viên được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết, thông qua 2 nhóm ngành chính: Quản lý thông tin và Thông tin - Thư viện. Trong đó, Quản lý thông tin tập trung vào việc tổ chức, quản trị thông tin, dữ liệu, phân tích và ứng dụng dữ liệu, còn Thông tin - Thư viện thì sẽ tập trung nhiều hơn vào thư viện truyền thống, hướng tới việc tổ chức, lưu trữ, phân loại và cung cấp thông tin qua các loại tài liệu. Đặc biệt các môn học trong chương trình đào tạo không chỉ giúp sinh viên xây dựng kiến thức nền tảng mà còn phát triển kỹ năng thực tiễn, từ quản lý thông tin, quản lý dữ liệu đến các kỹ năng quản lý tổng quát. Những kỹ năng này là cơ sở để sinh viên có thể thích nghi với nhiều vị trí công việc khác nhau, từ trợ lý, thư ký cho đến các vị trí quản lý trong doanh nghiệp.

“Với cá nhân tôi, những kiến thức và kỹ năng được học ở nhà trường đã trở thành nền tảng quan trọng cho công việc hiện tại. Khi còn là sinh viên năm 3, tôi đã ứng tuyển vào một công ty hoạt động trên nền tảng dữ liệu và đảm nhận vị trí trợ lý giám đốc ngay sau khi tốt nghiệp. Nhờ học tại Khoa Thông tin - Thư viện, tôi đã tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm để phát triển trong công việc. Những kiến thức về quản tổ chức, quản trị thông tin, giá trị của thông tin đã giúp ích tôi rất nhiều ở vị trí quản lý, vì đây là một vị trí đòi hỏi phải có sự hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính kế toán, quản trị nhân sự, truyền thông marketing và kỹ thuật.

Đặc biệt, ngành Thông tin - Thư viện hiện nay mang lại cơ hội việc làm rộng mở, không bị giới hạn trong lĩnh vực thư viện truyền thống. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong các doanh nghiệp, tổ chức, từ trợ lý giám đốc, thư ký cho đến chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên marketing,... Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và dữ liệu lớn (big data), nhu cầu về các chuyên gia quản lý và phân tích thông tin ngày càng tăng, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho sinh viên tốt nghiệp ngành này”, ông Tiến nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, ngành Thông tin - Thư viện cũng đối mặt với một số thách thức. Trong quá trình làm việc, sinh viên tốt nghiệp ngành này thường phải đối diện với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi khả năng tổng hợp thông tin và giải quyết vấn đề tốt. Do đó, sinh viên nên trau dồi và rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm để sẵn sàng thích ứng với thị trường lao động cạnh tranh.

“Sinh viên mới ra trường có thể đạt mức lương ổn định, dao động từ 10-15 triệu đồng/ tháng tuỳ thuộc vào từng vị trí cụ thể, đơn vị công tác. Đồng thời, mức thu nhập của nhân sự ngành này có thể cao hơn, phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và khả năng tạo ra giá trị cho tổ chức”, Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Đấu Thầu bày tỏ.

Còn theo quan điểm bà Bế Quỳnh Trang - Cựu sinh viên Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện là Chánh văn phòng Hệ thống Trường Phổ thông FPT chia sẻ: “Lý do tôi lựa chọn ngành này là nhờ sự định hướng, dẫn dắt của bác tôi - một chuyên gia nghiên cứu xã hội học khi nhận thấy tôi có niềm đam mê với các bộ môn khoa học xã hội. Sau quá trình học tập và rèn luyện, tôi vừa được nắm chắc kiến thức cơ bản vừa trang bị những kỹ năng chuyên môn cần thiết trong thời đại số. Bởi thông tin là một tài nguyên quý giá trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và kỹ năng tổ chức, lưu trữ, khai thác thông tin một cách khoa học, hiệu quả và có đạo đức là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của việc tự học, tự nghiên cứu của bản thân sau này”.

Bà Trang nhớ lại, sau khi tốt nghiệp vào năm 2009, bà bắt đầu làm việc với vai trò cán bộ truyền thông tại một công ty mạng xã hội nhờ đề tài nghiên cứu khoa học về Chiến lược Marketing của Thư viện Đại học Yale qua Facebook. Trước đó, bà cũng có cơ hội thực tập và làm việc tại Thư viện Trường Đại học FPT và Thư viện Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), đảm nhận vai trò hướng dẫn sử dụng cơ sở dữ liệu số, phát triển văn hóa đọc và tổ chức các sự kiện học thuật ý nghĩa.

“Sau này, tôi được trải qua nhiều vị trí quản lý ở các lĩnh vực khác nhau trong tổ chức. Nhờ những kỹ năng được học ở trường, tôi đã điều phối các hoạt động, thông tin giữa các phòng ban, đơn vị hiệu quả và đảm bảo hệ thống được vận hành trơn tru. Đây cũng là một trong những thế mạnh tạo nên sự khác biệt của tôi trong quá trình làm việc”, bà Trang chia sẻ.

Bà Trang bày tỏ, bản thân đánh giá cao chất lượng đào tạo ngành Thông tin - Thư viện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đặc biệt là sau quá trình làm việc và đồng hành cùng các sinh viên thực tập, nhân viên chính thức được tuyển dụng từ khoa. Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo bài bản, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết nền tảng và thực hành thực tế, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, cập nhật nội dung giảng dạy để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

Tuy nhiên, trước bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, Chánh văn phòng Hệ thống Trường Phổ thông FPT kỳ vọng nguồn nhân lực tương lai trang bị những kỹ năng cụ thể như: Kỹ năng số hóa thông tin, khả năng phân tích và khai thác dữ liệu, tư duy linh hoạt, khả năng tự học không ngừng; kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ…

Bà Trang thông tin thêm, Hệ thống Trường Phổ thông FPT (FPT Schools) trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT, là hệ thống giáo dục chất lượng cao gồm 3 cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với nhiều cơ sở tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Do đó, nhà trường luôn coi trọng việc thu hút và giữ chân nhân tài thông qua chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện cho đội ngũ nâng cao trình độ và xây dựng môi trường giáo dục chất lượng, tử tế.

Theo đó, nhà trường đã xây dựng môi trường làm việc văn minh, công bằng và phát triển. Nhân sự ngành Thông tin - Thư viện có thể làm việc tại thư viện hoặc tại các bộ phận văn phòng, trợ lý, công tác học sinh, tư vấn tuyển sinh, phát triển nội dung số... thuộc các trường trong hệ thống. Hàng năm, các cán bộ đều được tham gia vào các khoá học bắt buộc tại đơn vị để nâng cao và phát triển kỹ năng nghề nghiệp và phát triển bản thân. Mọi nhân sự đều được xây dựng một lộ trình phát triển minh bạch, tạo cơ hội thăng tiến lên trưởng bộ phận, quản lý cấp cao hoặc các vị trí chiến lược khác trong tổ chức.

“Theo tôi, ngành Thông tin - Thư viện không còn bó hẹp trong không gian của những kệ sách. Đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp thú vị trong thời đại số. Do đó, sinh viên nên chủ động học hỏi, trau dồi kỹ năng mới và nắm bắt cơ hội để phát triển sự nghiệp của mình. Tôi tin rằng, khi kết hợp vững vàng kiến thức học thuật từ nhà trường với những kỹ năng thực tế nêu trên, các bạn sẽ mở ra nhiều cánh cửa cơ hội trong bối cảnh việc làm cạnh tranh hiện nay”, Chánh văn phòng Hệ thống Trường Phổ thông FPT bày tỏ.

Thu Thuỷ