Theo quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, với hình thức thi tuyển vào lớp 10, số môn thi, bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 (một) trong 02 (hai) phương án sau: Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp; Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
Theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuyển sinh trung học phổ thông là kỳ thi có tính cạnh tranh cao và khó nhất trong hệ thống thi cử của Việt Nam, tác động lớn đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, chúng ta bắt buộc phải giải quyết bài toán thi vào lớp 10. Khác với cấp trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ở đó học sinh được lựa chọn môn học theo công việc tương lai, cấp tiểu học đến trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục cơ bản, bắt buộc, chỉ có “học gì thi nấy” học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu của chương trình.
Thầy Thái nhấn mạnh, dứt khoát phải chuyển đổi từ tâm lý “thi gì học nấy” sang “học gì thi nấy”. Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, ngoài môn Toán và Ngữ Văn là 2 môn bắt buộc, điển hình cho 2 loại hình tư duy tối cần thiết để con người tồn tại và phát triển trong xã hội, cần có thêm 1 bài thi tổng hợp bao gồm nội dung của tất cả các môn học đánh giá bằng điểm số ở bậc trung học cơ sở.
Bài thi tổng hợp giúp đánh giá toàn diện học sinh
Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Chu Văn An (Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Đây là một cách để kiểm tra toàn diện kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, theo tôi, nên cố gắng giảm áp lực thi cử đối với học trò và phụ huynh, nhất là với học sinh ở độ tuổi trung học cơ sở, tạo áp lực vừa đủ sẽ hiệu quả hơn.
Đặc biệt là hình thức thi nên ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc tổ chức kỳ thi, đảm bảo tính công khai, minh bạch và giảm tải căng thẳng. Với hình thức thi viết, vì quá nhiều nội dung, lại ôn tập trong khoảng thời gian ngắn sẽ gây ra áp lực không cần thiết cho học sinh.
Đặc biệt, tôi cho rằng, để thi tốt, trong suốt quá trình, học sinh phải chú tập học tập, rèn luyện, không bị động, chờ đợi, luôn sẵn sàng với những thay đổi ngay từ khi bắt đầu".
Thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi) cho biết: "Tôi ủng hộ có bài thi tổng hợp, bên cạnh bài thi môn Toán và Ngữ Văn để đánh giá tổng hợp kiến thức của học sinh.
Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thiết kế bộ đề mẫu theo dạng câu hỏi trắc nghiệm với ít nhất 50 câu, nội dung kiểm tra là kiến thức cơ bản, không nhất thiết phải “đánh đố” học sinh".
Còn với quan điểm của thầy Phạm Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Quảng Hợp (Quảng Bình): "Bài thi tổng hợp này có thể nặng với các em học sinh, trong khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và đào tạo, Quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành cũng tác động đến việc dạy thêm trong nhà trường.
Hiện tại, học sinh có nhiều nguồn tài liệu để tự học. Tuy nhiên, với lứa tuổi ở cấp trung học cơ sở, các em vẫn cần người hướng dẫn, chỉ bảo. Học sinh có thể học ở các trung tâm bên ngoài nhưng học phí không rẻ, điều kiện cơ sở vật chất, quản lý các trung tâm này cũng cần phải quan tâm. Đây cũng là vấn đề nan giải với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, không có trung tâm dạy thêm.
Do vậy, bài thi tổng hợp nên tập trung vào nội dung cơ bản, dựa vào thời lượng môn học để quy đổi số lượng câu hỏi phù hợp. Ví dụ, môn Khoa học tự nhiên 15 câu hỏi, Lịch sử và Địa lý 15 câu hỏi… Bên cạnh đó, cũng có thể thêm số ít câu hỏi nâng cao nhằm phân loại học sinh.".
![Thầy Phạm Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Quảng Hợp (Quảng Bình). Ảnh: NVCC. z5974748174966_ee79d3433478e7ae8297af2a0bd870c5.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/zfryxqvsxr/2025_02_08/z5974748174966-ee79d3433478e7ae8297af2a0bd870c5-8044-4915.jpg)
Lựa chọn môn Tiếng Anh có cả ưu, nhược điểm
Theo Điểm a), Khoản 1, Điều 13, Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT: "Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp".
Hiện tại, một số Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố đã chọn môn thi thứ ba là Tiếng Anh như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang, Khánh Hòa, Hải Dương, Nghệ An, Cần Thơ... Điều này khiến một bộ phận cho rằng, tình trạng học lệch vẫn sẽ xảy ra, học sinh chỉ tập trung vào ôn thi Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh.
Chia sẻ về vấn đề trên, thầy Nguyễn Anh Tuấn nói: "Việc chọn môn Tiếng Anh là giải pháp có nhiều ưu điểm bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa như bây giờ, ngoại ngữ vẫn cần được ưu tiên.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang có mục tiêu dần đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Đây sẽ là công cụ để thế hệ trẻ Việt Nam hội nhập.
Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT cũng quy định, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp bởi vậy cũng sẽ đảm bảo tính công bằng, đồng thời giúp cho học sinh không có tâm lý chỉ ưu tiên mục tiêu thi ngắn hạn".
Theo thầy Nguyễn Phúc Lộc, việc lựa chọn môn thi thứ ba thay vì môn Tiếng Anh như thường thấy trong kì thi tuyển sinh trung học phổ thông có hai mặt.
Về ưu điểm, điều này tránh được tình trạng học sinh học lệch, chỉ tập trung vào môn để thi vào lớp 10 dẫn đến bỏ bê các môn học khác; tạo điều kiện để các em ôn tập kiến thức đầy đủ, không bỡ ngỡ khi bước vào cấp học trung học phổ thông; hạn chế được sự chênh lệch về điểm số tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vốn không có nhiều điều kiện thuận lợi để học ngoại ngữ.
Về bất cập, thời gian công bố môn thi thứ ba chậm nhất là ngày 31 tháng 03 hằng năm có thể gây khó khăn cho học sinh cũng như các trường trung học cơ sở trong vấn đề tổ chức ôn tập, đặc biệt là khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã được ban hành và có hiệu lực vào ngày 14 tháng 02 sẽ có tác động đến việc dạy thêm trong nhà trường.
Nhược điểm tiếp theo đó là, nếu môn thi thứ ba không phải môn Tiếng Anh, năng lực ngoại ngữ của học sinh có thể sẽ bị mai một. Thực tế, sinh viên đại học để tốt nghiệp vẫn cần đáp ứng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ mà chủ yếu là Tiếng Anh.
![Thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi). Ảnh: NVCC. Thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi). Ảnh: NVCC.](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/zfryxqvsxr/2025_02_08/z6292771161332-f882738c161a397a92b00de133a72081-3325-2538.png)
Thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi). Ảnh: NVCC.
Nên tránh tâm lý chỉ có thi mới có học
Thông tin về công tác chuẩn bị cho học sinh thi trong kỳ thi chuyển cấp, thầy Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn về các bài thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo chỉ đạo chung, ngay từ đầu năm, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An đã có kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với các trường khác trong quận, thành phố để trao đổi đề thi nhằm giúp học sinh có thêm kỹ năng ôn luyện, làm bài, tiếp cận với kiến thức đa chiều. Các hoạt động kiểm tra, đánh giá, khảo sát theo định kỳ cũng được thực hiện theo kế hoạch.
Còn về phía học sinh phụ huynh, họ có phần sốt ruột vì chưa biết chính xác về môn thi thứ ba. Theo quan điểm của các bậc cha mẹ, thời gian ôn thi sẽ không được nhiều. Tuy nhiên, phía trường có chia sẻ rằng, quan trọng nhất vẫn là học sinh duy trì việc học tốt và học đầy đủ sẽ yên tâm.
Theo quan điểm của thầy Nguyễn Anh Tuấn: "Trong quá trình học tập, học sinh phải học tất cả các môn. Tuy nhiên, chúng ta thường mắc phải tâm lý, chỉ có thi mới có học. Nhà trường cũng như cha mẹ học sinh cần nhận thức được tầm quan trọng của mọi môn học đối với việc hình thành nhân cách cũng như sức khỏe và kỹ năng của học sinh.
Kể cả trong những thời điểm ôn thi, chúng tôi vẫn dạy các môn nghệ thuật, giáo dục thể chất như bình thường và nhận được sự hào hứng của học sinh. Điều này cũng giúp cân bằng cả việc học tập cũng như rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần cho các em.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng hướng đến đổi mới để môn học có sức hấp dẫn với học sinh. Chúng ta muốn có những con người toàn diện thì cũng cần những nỗ lực toàn diện.
Về lâu dài, theo tôi làm sao để có thêm cơ sở giáo dục trung học phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục cả công và tư để giảm bớt áp lực lựa chọn của cha mẹ học sinh. Lúc đó, kỳ thi tuyển sinh cũng trở nên đơn giản, phù hợp và vừa sức với học sinh hơn".
![Ảnh minh họa: Đào Hiền. gdvn-tot-nghiep-nen-8490.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/zfryxqvsxr/2025_02_08/gdvn-tot-nghiep-nen-8490-9959-898.jpg)
Đối với Trường Trung học cơ sở Nghĩa Thắng, được biết, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, giáo viên đã bắt đầu ôn tập cho học sinh lớp 9 để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Trước mắt, nhà trường tập trung dạy 3 môn là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Khi có thông báo môn thi thứ ba từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi, thầy cô giáo sẽ trao đổi với phụ huynh học sinh để có phương án triển khai tiếp theo. Nhà trường không thu học phí theo đúng quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Thầy Phạm Văn Sơn chia sẻ, sau khi Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐTđược ban hành, ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Quảng Hợp đã nghiên cứu và triển khai đến toàn thể hội đồng sư phạm. Riêng với 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ Văn, nhà trường đã tiến hành ôn tập cho học sinh từ đầu năm học.
Với môn thi thứ ba, hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình chưa công bố. Do đó, nhà trường vẫn tiếp tục chăm lo, tích cực giảng dạy tất cả các môn học trong chương trình để sẵn sàng cho học sinh tham gia kì thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cũng đặc biệt quán triệt, nâng cao chất lượng dạy học, chống bệnh thành tích, đánh giá kiểm tra thực chất nên phía nhà trường cũng thực hiện chặt chẽ.