Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên có bài thi tổng hợp: Đề xuất cần được cân nhắc

03/02/2025 06:58
Mỹ Tiên

GDVN - Khi HS học đủ và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới đủ trải nghiệm để biết rõ sở trường, sở thích, mong muốn của mình và lựa chọn nhóm môn học phù hợp.

Ngày 30 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông từ năm 2025. Quy chế này sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2025.

Trong đó những quy định mới của Thông tư 30 về quy chế tuyển sinh trung học phổ thông (lớp 9 thi tuyển vào lớp 10) được đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh quan tâm.

GDVN_anh-minh-hoa-anh-hoai-an-8123.jpg
Ảnh minh họa

Tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025, môn thứ ba không tổ chức quá 3 năm liên tiếp

Kỳ thi vào lớp 10 sẽ gồm Toán, Văn và môn thứ ba cho địa phương lựa chọn nhưng phải thay đổi sau ba năm, công bố sau khi kết thúc học kỳ I.

Nội dung trên nằm trong quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong Thông tư 30.

Theo đó, các tỉnh có thể chọn thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 hoặc kết hợp. Riêng với thi tuyển, kỳ thi gồm Toán, Văn và môn thứ 3 (hoặc bài thi tổ hợp). Môn thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn từ các môn được đánh giá bằng điểm số, gồm: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học. Tuy nhiên, các tỉnh, thành không chọn một môn quá ba năm liên tiếp.

Thời gian làm bài của môn Văn là 120 phút, Toán 90, môn thứ ba 60 hoặc 90 phút, bài thi tổ hợp 90 hoặc 120 phút.

Các tỉnh, thành có thể công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn 31/3 hàng năm, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết quy chế mới được xây dựng trên ba nguyên tắc cốt lõi. Thứ nhất là không gây áp lực, tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội. Hai là thúc đẩy giáo dục toàn diện, chuẩn bị bước đầu cho học sinh những phẩm chất, năng lực để có điều kiện học tập ở cấp cao hơn hoặc theo định hướng nghề nghiệp. Ba là xây dựng được quy định thống nhất trong toàn quốc.

Vẫn còn băn khoăn về học lệch

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2024 trở về trước được thực hiện theo quy định tại theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT, theo đó giao Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành quyết định môn thi, tuy vậy những năm gần đây để giảm áp lực cho học sinh đa số các địa phương chọn môn Toán - Ngữ văn hoặc Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh.

Thực tế việc quy định chỉ thi tuyển sinh chỉ tập trung chủ yếu vào 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ giảm áp lực cho học sinh.

Tuy vậy, người viết cho rằng bất cập lớn nhất của việc thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ tập trung vào 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ khiến các trường trung học cơ sở xem 3 môn trên là môn chính, chỉ tập trung vào dạy 3 môn trên, các môn còn lại cũng rất quan trọng, định hướng nghề nghiệp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Âm nhạc và Mĩ thuật,…không được xem trọng coi như là môn phụ.

Vì chỉ tập trung vào 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và vì học nhưng không thi nên học sinh và phụ huynh cũng ít quan tâm, giáo viên cũng thiếu động lực để giảng dạy cho tốt.

Học sinh có thể học tốt Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân,…không giỏi môn Toán, Ngữ văn là điều hết sức bình thường nhưng các em đó lại sẽ rất thiệt thòi khi thi tuyển sinh vào lớp 10 là hạn chế của việc thi tuyển sinh chỉ tập trung vào 3 môn là chưa phù hợp.

Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 có điểm mới đáng ghi nhận là ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, môn còn lại được lựa chọn trong các môn học: Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học. Tuy nhiên, các tỉnh, thành không chọn một môn quá ba năm liên tiếp.

Điểm mới này, cũng là nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay đổi môn thi thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để tránh học lệch, tuy vậy, đây cũng chưa phải là giải pháp tối ưu.

Như kỳ tuyển sinh năm học 2025-2026, năm đầu tiên áp dụng quy chế tuyển sinh mới theo Thông tư 30, nhưng theo thông tin từ những địa phương đã công bố môn thi thứ ba cho thấy Ngoại ngữ là môn thứ 3 được chọn.

Việc giao các Sở Giáo dục và Đào tạo được quyền chọn môn thứ ba không quá 3 năm liên tiếp cũng khiến các nơi chưa yên tâm về việc chọn môn thi khách quan, có thể chọn môn Ngoại ngữ 3 năm, sau đó chọn 1 môn khác, sau đó quay trở lại chọn môn Ngoại ngữ ở 3 năm tiếp theo, vẫn tập trung chủ yếu vào 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, chưa thể hiện giáo dục toàn diện.

Đề xuất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có 1 bài thi tổng hợp nên được cân nhắc

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất 4 nhóm giải pháp khắc phục tồn tại khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ông nêu, việc đổi mới căn bản và toàn diện phương thức và nội dung thi cử. Như đã nêu ở trên, thi cử tuy là khâu cuối nhưng lại có tác động lớn đến việc thực hiện chương trình. Vì thế, quyết liệt thay đổi phương thức và nội dung thi cử là một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, đặc biệt đối với kì thi chuyển cấp vào lớp 10.

Khác với trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (ở đó học sinh được lựa chọn môn học hướng đến nghề nghiệp sau này), từ lớp 1 đến lớp 9 là giai đoạn giáo dục bắt buộc, chỉ có "học gì thi nấy" thì học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu của chương trình.

Ở góc độ quản lý giáo dục hiện nay, chưa có giải pháp nào tốt hơn là can thiệp bằng kỳ thi để chống việc học lệch, chống việc cắt xén chương trình nhằm duy trì chất lượng giáo dục tối thiểu.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái đề nghị, ngoài môn Toán, Ngữ văn, cần có thêm bài thi tổng hợp có phần nội dung của tất cả các môn học đánh giá bằng điểm số ở cấp trung học cơ sở.

Khi học sinh học đủ và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới có đủ trải nghiệm để biết rõ sở trường, sở thích, mong muốn của mình và lựa chọn nhóm môn học phù hợp khi vào lớp 10.[1]

Người viết cho rằng đề xuất việc thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm 2 môn Toán, Ngữ văn là 2 môn bắt buộc và 1 môn còn lại là tổng hợp các bài thi thuộc các môn đánh giá bằng điểm số kết hợp nhận xét (Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học) là đề xuất rất hợp lý, rất đáng được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét, để tránh tình trạng học lệch, coi trọng môn chính môn phụ, đảm bảo giáo dục toàn diện, bình đẳng giữa các môn học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/4-nhom-giai-phap-khac-phuc-ton-tai-khi-thuc-hien-chuong-trinh-gdpt-2018-post717915.html

[2] Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên