Tuyển sinh vào 10: Tổ chức ra sao để không học lệch, phân biệt môn chính, phụ

11/03/2024 06:40
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Quy định hiện nay có thể tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thực chất đơn giản là một kỳ thi để các em lớp 9 được học tập ở một ngôi trường lớp 10 tốt hơn, các em không đạt trường top đầu thì học các nơi xa hơn hoặc học các trường nghề, học bổ túc,...về bản chất, kỳ thi không phải để loại học sinh mà nhằm tạo điều kiện cho các em học đúng với năng lực của mình, định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, kỳ thi lớp 10 hiện nay được đánh giá là rất áp lực, thậm chí còn lớn hơn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được đánh giá rất tốn kém cả về nhân lực, vật lực, kinh phí.

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Các phương án tuyển sinh lớp 10 hiện nay

Theo quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định bắt buộc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, mà tùy theo điều kiện cụ thể, địa phương có thể tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển.

Đa số các địa phương trong cả nước vẫn tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 như các năm trước đây, chưa có thay đổi nhiều. Phương án nhiều địa phương thực hiện là học sinh thi 3 môn Toán (hệ số 2), Ngữ Văn (hệ số 2), Ngoại ngữ (thường là Tiếng Anh) hệ số 1; một số địa phương cũng tuyển sinh 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nhưng không nhân hệ số; một số địa phương tuyển sinh 2 môn Toán, Ngữ văn; một số địa phương thi 4 môn; vẫn có số ít địa phương xét tuyển vào lớp 10 để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh,…

Cho dù tổ chức theo hình thức nào cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như chỉ tập trung vào 2,3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ dẫn đến tâm lý coi trọng "môn chính, môn phụ", học lệch, dạy thêm học thêm tràn lan,...

Ở bậc trung học cơ sở, học sinh được học hơn 10 môn, nhiều hoạt động, trải nghiệm,...nhưng chỉ dựa vào 2,3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ để xác định học sinh trúng tuyển vào lớp 10 là chưa thật sự thuyết phục.

Các phương án để kỳ thi tuyển lớp 10 để không học lệch, phân biệt môn chính, phụ

Hiện nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn là một kỳ thi được đánh giá là rất áp lực, căng thẳng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay việc để thực hiện xét tuyển lớp 10 cần phải có lộ trình, nếu không dễ tạo bất công, bất bình đẳng do việc đánh giá giữa các trường là không đồng đều, tình trạng chạy theo thành tích khiến tình trạng làm đẹp học bạ, nâng điểm,…vẫn còn.

Hiện nay, đa số kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn theo lối cũ là 3 môn Toán , Ngữ Văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh) hoặc thêm môn thứ 4 .

Theo người viết việc thi tuyển sinh lớp 10 với 2 môn Ngữ văn và Toán hoặc 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ được cho là đỡ tốn áp lực. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến học lệch, phân biệt môn chính môn phụ, dạy thêm học thêm tràn lan,... chưa đúng với quan điểm về chương trình mới, chưa phù hợp sự phát triển toàn diện của học sinh.

Việc chỉ thi 2 hoặc 3 môn cố định sẽ khiến nhà trường, học sinh chỉ tập trung vào các môn để thi tuyển sinh vào lớp 10, các môn khác dễ bị xem thường, coi nhẹ.

Cùng với đó, cũng dẫn đến thiệt thòi khi tuyển sinh của các em có những năng lực đặc thù khác như Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý hay năng lực các môn năng khiếu (thẩm mĩ, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ,...).

Nếu tổ chức tuyển sinh 10 tất cả các môn thì lại bất khả thi, quá áp lực,...

Để giảm áp lực, tránh học lệch, phân biệt môn chính, môn phụ, người viết xin được đề xuất 2 phương án tuyển sinh lớp 10 như sau:

Thứ nhất, xét tuyển học bạ từ lớp 6 đến lớp 9

Căn cứ Điều 5 Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định:
"Điều 5. Đối tượng và phương thức tuyển sinh
1. Đối tượng tuyển sinh là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên có độ tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quy chế này.
2. Tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức sau:
a) Xét tuyển: dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó;
b) Thi tuyển;
c) Kết hợp thi tuyển với xét tuyển."

Theo đó, hiện nay không có quy định bắt buộc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, mà tùy theo điều kiện cụ thể, có thể tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển.

Mục đích cuối cùng cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh được đến trường, được đi học, được phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn. Nên, người viết cho rằng, các địa phương nên nghiên cứu và có những hướng dẫn cụ thể để có thể thay thế kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tốn kém, áp lực hiện nay bằng hình thức xét tuyển, sẽ giảm áp lực, kinh phí.

Để kết quả xét tuyển khách quan, công bằng, toàn diện người viết đề xuất xét học bạ từ lớp 6,7,8,9 ở tất cả các môn học.

Phương án này có lợi thế là đánh giá được toàn diện học sinh, tránh tình trạng nâng điểm ở lớp 9, chạy theo thành tích,...khó có chuyện chạy theo thành tích, nâng điểm cho cả 4 lớp 6,7,8,9.

Tuy nhiên, cũng có những lo lắng với việc chạy theo điểm số ở cả 4 lớp, sự đánh giá, cho điểm không đều tay giữa các trường,...

Thứ hai, tuyển sinh lớp 10 gồm 2 môn ngẫu nhiên

Để tránh tình trạng học lệch, phân biệt môn chính môn phụ, để tránh các trường chỉ dạy và học tập trung vào 2 môn Toán, Ngữ văn hoặc 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các trường học bắt buộc phải dạy và học nghiêm túc ở tất cả các môn, người viết đề xuất phương án thi 2 môn nhưng không cố định 2 môn Toán, Ngữ văn mà Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành sẽ công bố 2 môn ngẫu nhiên được lựa chọn từ các môn học trong chương trình vào thời điểm đầu tháng 4.

Phương án này theo người viết sẽ tránh được tình trạng dạy lệch học lệch, không phân biệt môn chính, môn phụ, các trường sẽ tập trung tất cả các môn từ lớp 6 đến lớp 9 để có hành trang, kiến thức cho học sinh vào lớp 10.

Thứ ba, thi tuyển sinh 2 môn Ngữ văn, Toán và 1 môn ngẫu nhiên.

Cũng có thể lấy phương án tuyển sinh lớp 10 là 3 môn trong đó 2 môn bắt buộc là Ngữ Văn, Toán và 1 môn ngẫu nhiên được công bố vào đầu tháng 4.

Phương án này được xem là giảm được áp lực, vừa tránh dạy lệch, học lệch, tuy nhiên vẫn coi trọng môn Toán, Ngữ văn.

Nếu các trường trung học cơ sở đánh giá đúng năng lực người học, hạn chế tình trạng chạy theo thành tích, có công cụ đánh giá hiệu quả, an toàn, khách quan hơn thì xét tuyển vào lớp 10 là một lựa chọn phù hợp, giảm áp lực, giảm số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nếu chưa thể an tâm với xét tuyển thì nên tổ chức kỳ thi để tránh tình trạng học lệch, phân biệt môn chính môn phụ như hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa