Học phí ngành Kinh tế xây dựng đa dạng, dao động từ 14,2-29,4 triệu đồng/năm

03/02/2025 06:24
Thu Thuỷ

GDVN - Cùng đào tạo ngành Kinh tế xây dựng nhưng mức học phí ở mỗi cơ sở giáo dục đại học trên cả nước lại khác nhau. 

Kinh tế xây dựng là ngành kết hợp giữa lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng, với các công việc cụ thể như tài chính, kế toán, thống kê; công tác lập và thẩm định dự án đầu tư các công trình xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định dự toán, thanh toán quyết toán xây dựng công trình…

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu và thống kê tổng quan về học phí, điểm chuẩn, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường đối với ngành học này ở một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước trong 3 năm trở lại đây để thí sinh, phụ huynh thuận tiện đối sánh.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, theo đề án tuyển sinh năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển 450 chỉ tiêu ngành Kinh tế xây dựng ở 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 202; xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông; xét kết quả các kỳ thi do các cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.

Theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2022, ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn là 22,95 điểm và giảm còn 22,4 điểm vào năm 2023.

Tuy nhiên, đến năm 2024, điểm chuẩn của ngành Kinh tế xây dựng là 23,9 điểm, tăng 1,5 điểm so với năm 2023.

Năm học 2024-2025, học phí ngành Kinh tế xây dựng của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đối với sinh viên chính quy là khoảng 16,4 triệu đồng/ năm.

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường đối với ngành này là 92,98%.

7c879d9adbda2c8475cb-scaled.jpg
(Ảnh minh họa: sinh viên Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội)

Trường Đại học Giao thông vận tải (cơ sở phía Bắc), theo đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Kinh tế xây dựng tuyển 130 chỉ tiêu. Nhà trường tuyển sinh theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế; xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy năm học 2023-2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh; xét tuyển kết hợp.

Theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2022, ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn là 24,1 điểm. Trong trường hợp thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng điểm trúng tuyển cần thêm tiêu chí phụ là điểm môn Toán học >=8,6 điểm và thứ tự nguyện vọng <=1.

Năm 2023, theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn là 23,98 điểm, thấp hơn 0,12 điểm so với năm 2022. Trong trường hợp thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng điểm trúng tuyển cần thêm tiêu chí phụ là điểm môn Toán học >=8 điểm và thứ tự nguyện vọng bằng 1.

Năm 2024, theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn là 24,45 điểm, cao hơn 0,47 điểm so với năm 2023. Trong trường hợp thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng điểm trúng tuyển cần thêm tiêu chí phụ là điểm môn Toán học >=8,4 điểm và thứ tự nguyện vọng bằng 1.

Năm học 2024-2025, ngành Kinh tế xây dựng thuộc chương trình đại trà, khối ngành V nên có học phí khoảng 553,604 đồng/ tín chỉ, tương đương 78,612 triệu đồng/ khoá (142 tín chỉ), khoảng 19,653 triệu đồng/ năm. Mỗi năm tiếp theo, dự kiến học phí tăng 10%.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng năm 2023 đã có việc làm chiếm 96%.

GDVN_bieudohocphi.png

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, theo đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Kinh tế xây dựng tuyển 130 chỉ tiêu với 3 phương thức: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển thẳng; xét bảo lưu kết quả thi trung học phổ thông 2022, 2023.

Theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2022, ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn là 23,45 điểm. Năm 2023, điểm chuẩn ngành này giảm 0,55 điểm, còn 22,9 điểm. Năm 2024, ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn tăng so với 2 năm trước, với mốc 23,6 điểm.

Năm học 2024-2025, ngành Kinh tế xây dựng của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thuộc chương trình đào tạo đại trà nên có học phí khoảng 16,4 triệu đồng/ năm, thời gian học 4,5 năm.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành này có việc làm sau 1 năm ra trường là 98,98%.

Trường Đại học Vinh, theo đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Kinh tế xây dựng tuyển 50 chỉ tiêu, trong đó có 20 chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, 20 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ), 3 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh, 5 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo Đề án của Trường Đại học Vinh và 3 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức.

Điểm chuẩn của ngành Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Vinh theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như sau:

Năm 2022, điểm chuẩn ngành này là 17 điểm và giữ nguyên vào năm 2023. Năm 2024, điểm chuẩn ngành Kinh tế xây dựng giảm 1 điểm, còn 16 điểm.

Mức thu học phí năm học 2024 - 2025 đối với ngành Kinh tế xây dựng dao động khoảng 14,2-14,9 triệu đồng/ sinh viên/ năm học. Mức học phí này dự kiến sẽ tăng từ 5-10% cho năm tiếp theo.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đối với ngành Kinh tế xây dựng là 80%.

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, theo đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Kinh tế xây dựng tuyển 120 chỉ tiêu, trong đó 1 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo; 84 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 20 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); 5 chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường.

Năm 2022, theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn là 19 điểm.

Năm 2023, điểm chuẩn ngành Kinh tế xây dựng là 20 điểm.

Năm 2024, ngành Kinh tế xây dựng là 21,6 điểm.

Mức học phí năm học 2024-2025 đối với ngành Kinh tế xây dựng là 28,7 triệu đồng/ năm. Lộ trình tăng học phí cho từng năm theo quy định.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2022 đối với ngành Kinh tế xây dựng là 100%.

Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, theo đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Kinh tế xây dựng (chuyên ngành Kinh tế xây dựng) tuyển 140 chỉ tiêu, gồm 63 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 36 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ); 5 chỉ tiêu sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; 36 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo Đề án của cơ sở đào tạo.

Theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2022, ngành Kinh tế xây dựng có điểm chuẩn là 15 điểm.

Đến năm 2023, điểm chuẩn của ngành Kinh tế xây dựng (chuyên ngành Kinh tế xây dựng) là 24,5 điểm, tăng 9,5 điểm so với năm 2022.

Năm 2024, ngành Kinh tế xây dựng (chuyên ngành Kinh tế xây dựng) có điểm chuẩn là 19 điểm.

Năm học 2024-2025, mức học phí ngành Kinh tế xây dựng thuộc chương trình tiên tiến khoảng 980.000 đồng/tín chỉ (14.700.000 đồng/ 1 học kỳ chính). Một năm gồm 2 học kỳ, lộ trình tăng học phí hằng năm không tăng 3 năm đầu.

Thu Thuỷ