Học ngành Kỹ thuật xây dựng ĐH Kiến trúc TPHCM: Nhiều ưu thế có "một không hai"

10/09/2024 10:26
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM có 3 cơ sở tại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Lạt, mang đến nhiều lựa chọn học tập cho những ai yêu thích ngành Kỹ thuật xây dựng.

Ngành Kỹ thuật xây dựng không chỉ mang đến kiến thức chuyên sâu về thiết kế và thi công mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, với chương trình đào tạo chất lượng tại các cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, và Đà Lạt, sinh viên của trường sẽ được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để thành công trong lĩnh vực xây dựng nói chung và ngành Kỹ thuật xây dựng nói riêng.

Sinh viên có thể theo học ngành Kỹ thuật xây dựng tại cơ sở phù hợp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Thành, Trưởng khoa Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Ngành Kỹ thuật xây dựng là một lĩnh vực học chuyên sâu về tư vấn, thiết kế, tổ chức thi công, quản lý giám sát và nghiệm thu các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Các công trình này bao gồm nhà ở, cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, nhà xưởng, nhà ga, sân vận động, cầu đường, cảng biển, và nhiều hạng mục khác.

z5796778338032_e8c38640448748bf3f8f45c7b0b41518.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Thành, Trưởng khoa Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (hàng trên cùng, bên trái) đại diện Khoa Xây dựng ký kết biên bản ghi nhớ giữa Khoa Xây dựng và Hiệp hội Xây dựng tỉnh Kagawa (Nhật). Ảnh: NTCC

Tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Kỹ thuật xây dựng không chỉ được đào tạo tại cơ sở chính ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn đào tạo tại hai cơ sở khác là Cần Thơ và Đà Lạt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Thành cho biết, tại cả hai cơ sở Cần Thơ và Đà Lạt, trường đều đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất với không gian rộng rãi và trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là các phòng thí nghiệm và thực hành, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giảng viên tại đây đều là những thầy cô có nhiều kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng đào tạo tương đương với cơ sở chính.

Hơn nữa, chi phí sinh hoạt tại cả hai địa phương này cũng thấp hơn so với thành phố Hồ Chí Minh, giúp sinh viên tiết kiệm chi phí. Chỉ tới học kỳ cuối cùng và bảo vệ đồ án tốt nghiệp, toàn bộ sinh viên tại các cơ sở sẽ tập trung tại cơ sở chính để cùng học tập với nhau.

Riêng tại cơ sở Đà Lạt, vì đang trong giai đoạn nâng cao chất lượng đào tạo nên sĩ số sinh viên trong một lớp không nhiều, không quá 20 sinh viên. Ngoài ra, cơ sở này có ký túc xá ngay trong khuôn viên trường, giúp giảm thiểu chi phí sinh hoạt và thời gian di chuyển cho sinh viên.

Nhìn chung, cả hai cơ sở đều mang lại những lợi thế riêng biệt. Với chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra tương đương với cơ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, người học đăng ký xét tuyển ngành Kỹ thuật xây dựng tại hai cơ sở này sẽ dễ dàng tiếp cận và trở thành sinh viên chính quy của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

z5796776248191_3bce6d45d92413e8ad46a6b502395bae.jpg
Lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tại cơ sở Đà Lạt. Ảnh: NTCC

Theo thầy Thành, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật xây dựng tại trường sẽ được trang bị kiến thức từ tổng quát đến chi tiết về thiết kế, thi công, giám sát và quản lý các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Chương trình học bao gồm các học phần đại cương như Toán học và Vật lý ứng dụng, các học phần cơ sở ngành như Sức bền vật liệu và Cơ học kết cấu, và các học phần chuyên ngành về thiết kế và thi công. Ngoài ra, còn có các học phần về Quản lý dự án, Thực hành tin học, và Đồ án tốt nghiệp.

Để đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trưởng khoa Khoa Xây dựng cho biết việc đầu tư vào cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo là rất quan trọng. Việc thiếu đầu tư sẽ làm giảm chất lượng giáo dục và khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong tương lai. Nhân lực được đào tạo tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển xã hội bền vững.

Chính vì vậy, chương trình học của trường thường xuyên được cập nhật để đáp ứng nhu cầu của ngành và xu hướng công nghệ mới, giúp sinh viên dễ dàng thích nghi và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Ngành nghề có tiềm năng phát triển lớn

Ông Vũ Đức Tài, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Xây dựng Central cho biết, các ngành xây dựng nói chung và ngành Kỹ thuật xây dựng nói riêng có vai trò quan trọng đối với xã hội. Ngành này góp phần phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống thông qua việc xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác.

Ngoài ra, các công trình xây dựng an toàn và bền vững cũng giúp bảo vệ cộng đồng khỏi thiên tai và tai nạn. Thêm vào đó, các công trình giao thông và hạ tầng kết nối các vùng miền, thúc đẩy giao thương và di chuyển, cũng như khuyến khích sự sáng tạo trong thiết kế và vật liệu.

Ông Vũ Đức Tài nhấn mạnh, ngành Kỹ thuật xây dựng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu cơ sở hạ tầng, sự ứng dụng công nghệ tiên tiến và xu hướng phát triển bền vững. Mặc dù các ngành khác có thể chịu tác động từ sự phát triển công nghệ số và giảm nhu cầu nhân sự, nhưng ngành Kỹ thuật xây dựng vẫn giữ được vai trò quan trọng và những lợi thế nhất định trong sự phát triển chung của xã hội.

Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Xây dựng Central cũng khuyên rằng, để đạt được mức thu nhập cao trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, các kỹ sư cần chú trọng phát triển một loạt các kỹ năng quan trọng.

Đầu tiên là kỹ năng kỹ thuật chuyên môn, bao gồm việc nắm vững các nguyên tắc thiết kế và tính toán kết cấu, cùng với việc sử dụng thành thạo các phần mềm CAD, BIM và các công cụ thiết kế khác.

Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý dự án cũng đóng vai trò then chốt, yêu cầu khả năng lập kế hoạch, quản lý thời gian, phân bổ nguồn lực hiệu quả, cũng như kỹ năng lãnh đạo và phối hợp đội ngũ. Kỹ năng giao tiếp cũng rất quan trọng, từ việc trình bày và thuyết phục các bên liên quan đến giao tiếp trong môi trường đa văn hóa.

Thêm vào đó, kỹ sư cần có kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, bao gồm khả năng phân tích dữ liệu và xử lý tình huống phát sinh một cách sáng tạo. Hiểu biết về quy định và tiêu chuẩn xây dựng, kiến thức về công nghệ mới, kỹ năng thiết kế bền vững và kỹ năng đàm phán hợp đồng cũng là những yếu tố không thể thiếu để thành công trong ngành.

Với nhu cầu nhân sự cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Thành chia sẻ, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng có nhiều cơ hội làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Đầu tiên, trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các sinh viên có thể làm việc tại các Sở, ban, ngành liên quan đến xây dựng như Sở Xây dựng, Sở Giao thông và các ban quản lý dự án.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước cũng là điểm đến hấp dẫn cho các kỹ sư xây dựng trẻ. Sinh viên có thể làm việc tại các công ty thiết kế, dự toán, thẩm tra thiết kế công trình, tư vấn và giám sát thi công các dự án xây dựng, cũng như tại các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong nước và quốc tế.

Với niềm đam mê nghiên cứu và giảng dạy, sinh viên có thể trở thành chuyên viên nghiên cứu hoặc giảng viên tại các trường cao đẳng, đại học, hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm và trường đào tạo chuyên ngành xây dựng. Cơ hội học tập nâng cao trình độ cũng mở rộng cho các sinh viên muốn tiếp tục học đại học liên ngành hoặc theo học các chương trình sau đại học trong và ngoài nước.

“Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Xây dựng đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp xây dựng lớn và các hội nghề nghiệp như Hòa Bình, Coteccons, Cityland, Ricons, Central, Phước Thành, Victorycons, Dương Nhật, CC1, ATAD, và Hiệp hội Xây dựng Nhật Bản. Sự hợp tác này bao gồm trao đổi nguồn nhân lực và học thuật, giúp khoa và nhà trường hàng năm giới thiệu chỗ thực tập cho sinh viên đang theo học và hỗ trợ một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp.

Đặc biệt, với bề dày thành tích trong đào tạo, Khoa Xây dựng nhận được sự quan tâm và đóng góp từ các thế hệ cựu sinh viên, tạo không khí thi đua học tập và kết nối các thế hệ sinh viên”, thầy Thành cho hay.

z5796809649938_3ca6053852bd584cc433e72fb10fc634.jpg
 z5796776231473_8b1f0e0d4981af03d88fb86bf77e10d6.jpg
Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn, tạo nhiều cơ hội học tập và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên. Ảnh: NTCC

Em Cao Tuấn Thuyền, sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc lựa chọn học ngành Xây dựng xuất phát từ suy nghĩ rằng ngành này luôn có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai. Hơn nữa, ngành kỹ thuật xây dựng còn phù hợp với năng lực và sở trường của Thuyền, đặc biệt là tinh thần thích thử thách và đổi mới, cùng khả năng làm việc trong môi trường đa dạng, đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết và sáng tạo. Thuyền mong muốn được tham gia vào việc thiết kế và xây dựng các công trình có ý nghĩa, góp phần tích cực vào xã hội.

Vào đầu tháng 8 năm 2024, Thuyền đã hoàn thành bảo vệ đồ án tốt nghiệp, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình học tập của mình.

“Trong quá trình học tập, em nhận thấy nhà trường đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên thực hành. Thầy cô của Khoa Xây dựng rất yêu nghề và tận tâm, đặc biệt trong các học phần đồ án, thực hành và thí nghiệm. Những học phần như Thí nghiệm vật liệu xây dựng, Thực hành trắc đạc, địa cơ được hướng dẫn tận tình và cung cấp đầy đủ tài liệu học tập, giúp sinh viên nắm vững kiến thức”, Tuấn Thuyền bày tỏ.

Ngoài ra, Thuyền cũng đề cao sự kết nối chặt chẽ của nhà trường và khoa với các công ty và tập đoàn xây dựng lớn. Nhờ đó, nam sinh có nhiều cơ hội thực tập trong quá trình học tập tại trường. Từ năm học thứ ba, Thuyền đã có cơ hội thực tập tại văn phòng và công trường của Coteccons, giúp tích lũy được nhiều kinh nghiệm cần thiết trong ngành.

z5796776240287_09da5af5cb8e0e344edde636a458f2a9.jpg
Sinh viên Cao Tuấn Thuyền, ngành Kỹ thuật xây dựng, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Chia sẻ công tác tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng, thầy Thành cho biết, điểm đầu vào của ngành này tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt tại cơ sở chính ở thành phố Hồ Chí Minh, luôn cao hơn so với các trường trong khu vực có cùng ngành nghề.

Công tác tuyển sinh tại cơ sở chính khá thuận lợi, tuy nhiên, cơ sở Cần Thơ và Đà Lạt lại chưa được như kỳ vọng. Theo thầy Thành, nguyên nhân chính có thể là do học sinh chưa có đủ thông tin về chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng tại 2 cơ sở này.

“Để nâng cao công tác tuyển sinh, đặc biệt là tại cơ sở Cần Thơ và Đà Lạt, nhà trường và khoa đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo để đảm bảo sinh viên có kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thêm vào đó, nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên.

Ngoài ra, nhà trường tiếp tục mở rộng hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Phương thức tuyển sinh cũng được đa dạng hóa, bao gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Đặc biệt, công tác truyền thông và quảng bá về trường và các ngành nghề đào tạo cũng được đẩy mạnh, cung cấp thông tin rộng rãi cho thí sinh về chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, và chuẩn đầu ra của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tại tất cả các cơ sở đều đạt chất lượng cao và đồng đều”, Trưởng khoa Khoa Xây dựng nêu giải pháp.

Châu Anh