Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, viết tắt là AI) xuất phát từ lĩnh vực khoa học máy tính, tạo ra những cỗ máy có khả năng hoạt động và phản ứng tương tự như con người. Lập trình AI hướng tới nhiều mục tiêu như: thu thập và xử lý thông tin, đưa ra lập luận, phán đoán và tự sửa lỗi,...
Năm 2025, AI tiếp tục là từ khóa được nhắc đến nhiều. Một số chuyên gia cũng dự đoán trong tương lai sẽ đặt ra bài toán về cách con người làm việc song song với AI. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đội ngũ giảng viên phục vụ đào tạo AI chưa đáp ứng được như kỳ vọng.
Việt Nam không đứng ngoài cuộc đua toàn cầu về AI. Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa vào đào tạo ngành/chuyên ngành liên quan đến AI.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với đại diện một số cơ sở giáo dục đại học về những kỳ vọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo AI trong bối cảnh mới.
Sở hữu nhân lực AI góp phần tăng khả năng cạnh tranh kinh tế và công nghệ
Chia sẻ về tầm quan trọng trong đào tạo nhân lực AI, Tiến sĩ Lê Đình Phong - Trưởng khoa Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Hoa Sen cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo đã và đang là chìa khóa phát triển cho mọi ngành nghề và tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống con người. Do đó, AI đang được ứng dụng trong mọi mặt của đời sống và không một cá nhân, tổ chức hay xã hội nào không bị ảnh hưởng bởi sự bao phủ của AI”.
Không chỉ ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực AI trên thị trường thế giới ngày càng tăng. Đây là cơ hội rất lớn cho việc đào tạo nhân lực này ở Việt Nam khi nước ta có thế mạnh về nhân lực IT (Information Technology) - người có hiểu biết sâu rộng về phần cứng, phần mềm, các ứng dụng trực tuyến và hệ điều hành cũng như khả năng khắc phục sự cố khi cần.
“Có được nhân lực AI góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia. Bởi, trong thời đại công nghệ số, quốc gia nào sở hữu nguồn nhân lực AI chất lượng cao sẽ có lợi thế trong cạnh tranh kinh tế và công nghệ”, thầy Phong cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay có nhiều thuận lợi để đào tạo AI. Điều này có thể được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau như đội ngũ giảng viên, hạ tầng kỹ thuật, mối quan hệ hợp tác, chiến lược quốc gia, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật,...
Cụ thể, nhìn chung các trường sở hữu đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu với chuyên môn về các lĩnh vực liên quan như Khoa học máy tính, Toán học, dữ liệu lớn,... Đây là nền tảng quan trọng để phát triển chương trình đào tạo AI một cách bài bản và chất lượng.
Thêm nữa, hạ tầng công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học ngày càng được đầu tư đầy đủ, hiện đại với phòng thí nghiệm AI, trung tâm dữ liệu và các công cụ thực hành tiên tiến. Điều này giúp sinh viên tiếp cận thực tế và làm quen với công nghệ mới nhất.
Chưa kể, quan hệ hợp tác doanh nghiệp và tổ chức quốc tế là một lợi thế cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo AI. Những mối quan hệ này không chỉ hỗ trợ nghiên cứu mà còn mở ra nhiều cơ hội thực tập và làm việc cho sinh viên. Ngoài ra, nhu cầu nhân lực AI ngày càng tăng từ thị trường toàn cầu, kết hợp với sự sáng tạo và đam mê học hỏi của thế hệ trẻ, tạo động lực mạnh mẽ để các trường đại học tập trung phát triển lĩnh vực AI. Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ đào tạo mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong hệ sinh thái AI tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, định hướng chính sách và chiến lược phát triển của quốc gia cũng tạo thuận lợi để các trường đào tạo AI. Việt Nam đang ưu tiên phát triển AI như một lĩnh vực chiến lược, tạo điều kiện để các trường đại học nhận được sự hỗ trợ về chính sách, kinh phí và định hướng phát triển trong tương lai.
“Sự kết hợp giữa đội ngũ, cơ sở vật chất, mối quan hệ hợp tác và chiến lược của quốc gia là những yếu tố thuận lợi giúp các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có nhà trường phát triển chương trình đào tạo AI một cách toàn diện và hiệu quả”, thầy Hiếu khẳng định.
Được biết, hiện nay Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đào tạo chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo; Trường Đại học Hoa Sen đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, năm 2025 là năm thứ tư Trường Đại học Hoa Sen tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo. Tiêu chí tuyển sinh ngành này của nhà trường là đề cao chất lượng, tập trung nguồn lực để phát triển. Tương tự như những năm trước, nhà trường chỉ tuyển sinh 1 lớp đối với ngành này. Trong tương lai, khi có sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo của nhà trường tốt nghiệp khóa đầu tiên bảo đảm chất lượng, nhà trường sẽ đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
“Đối với Trường Đại học Hoa Sen, chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo được xây dựng theo hướng ứng dụng, không quá sâu vào nghiên cứu học thuật. Cụ thể, sinh viên được đào tạo nền tảng như một cử nhân công nghệ thông tin và sau đó được học những kiến thức liên quan đến AI từ căn bản đến những hướng phát triển cụ thể như: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý ảnh, học máy,... Trong quá trình học, sinh viên sẽ được tiếp cận những dự án thực tiễn, những nền tảng công nghệ AI đang được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung hiện nay. Đặc biệt, sinh viên có thể tự do lựa chọn các hướng đi trong AI tùy theo sở thích, thế mạnh”, thầy Phong chia sẻ.
Bên cạnh việc xây dựng chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao với các môn học áp dụng hình thức thực hiện đồ án thay cho thi tự luận, sinh viên còn được tham gia các kỳ thực tập doanh nghiệp, tham quan trải nghiệm doanh nghiệp trong mỗi học kỳ, được dẫn dắt nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng bởi các chuyên gia.
Ngoài ra, một số chứng chỉ uy tín (Google, AWS) cũng được lồng ghép vào môn học liên quan để sinh viên vừa tích lũy kiến thức thực tiễn vừa có thêm các lợi thế cạnh tranh.
Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), chương trình đào tạo có liên quan đến AI được xây dựng với định hướng gắn kết thực tiễn, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường.
Nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp lớn như FPT Software, Axon Active, LogiGear và nhiều công ty công nghệ khác để thiết kế chương trình học, đảm bảo cập nhật các xu hướng công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn (Big Data) và phát triển phần mềm.
Sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế thông qua các buổi giảng dạy, hội thảo và khóa học do chuyên gia từ doanh nghiệp hướng dẫn. Từ năm thứ 3, sinh viên tham gia thực tập tại các doanh nghiệp, áp dụng kiến thức vào thực tế và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, quản lý dự án.
Đồng thời, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại và tài trợ học bổng, tổ chức các cuộc thi công nghệ để khuyến khích sáng tạo. Nhờ chương trình hợp tác này, sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm cao, nhiều em được nhận vào làm việc tại các công ty uy tín ngay sau khi ra trường, đồng thời sẵn sàng hội nhập quốc tế với kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ vượt trội.
Còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, thiếu đội ngũ chuyên gia AI
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, số lượng chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực AI chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu ngày càng tăng, trong khi việc đào tạo đội ngũ mới cần thời gian và nguồn lực đáng kể.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ tại nhiều trường vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn hiện đại của ngành AI, đặc biệt là các hệ thống máy tính hiệu năng cao, trung tâm dữ liệu lớn, và phần mềm chuyên dụng. Sự thiếu hụt ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển AI cũng là một trở ngại lớn, đặc biệt khi so sánh với các nước phát triển.
Ngoài ra, thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt dẫn đến hiện tượng "chảy máu chất xám" khi các chuyên gia AI bị thu hút bởi các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, gây khó khăn trong việc duy trì đội ngũ giảng viên chất lượng cao.
Một số chương trình đào tạo AI vẫn tập trung nhiều vào lý thuyết mà chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, khiến sinh viên thiếu kỹ năng ứng dụng thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo hiện tại cũng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của doanh nghiệp liên quan tới AI mặc dù đã thường xuyên cập nhật, điều chỉnh.
"Những khó khăn kể trên đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp và Chính phủ để đưa AI trở thành lĩnh vực đào tạo bền vững và hiệu quả”, thầy Hiếu bày tỏ.
Chỉ ra những khó khăn trong đào tạo AI, thầy Phong cho rằng, khó khăn lớn nhất là đội ngũ giảng viên. Hiện tại, đối với Trường Đại học Hoa Sen, các giảng viên trong Khoa Công nghệ thông tin đã và đang tham gia các khóa học về AI của các nền tảng nổi tiếng như Amazon Web Services và Google Cloud để giảng dạy cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường đang tuyển dụng thêm các giảng viên chuyên ngành AI hoặc mời các chuyên gia AI tham gia giảng dạy cho sinh viên. Tuy nhiên, thầy Phong đánh giá việc này không dễ.
“Giảng viên được đào tạo bài bản để giảng dạy chuyên về AI không nhiều. Đa phần vẫn là những giảng viên được đào tạo căn bản về công nghệ thông tin sau đó nghiên cứu về AI và tham gia đào tạo AI. Còn các chuyên gia đôi khi không có kỹ năng sư phạm để giảng dạy, chủ yếu vẫn là những buổi trò chuyện, chia sẻ hoặc hướng dẫn sinh viên trong các đề tài liên quan”, thầy Phong cho biết.
Cần hệ thống các giải pháp đồng bộ và chiến lược
Từ những khó khăn trong đào tạo AI, Tiến sĩ Lê Đình Phong cho biết, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp liên quan đến cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.
Cụ thể, trong những năm qua, ngoài việc trang bị phòng lab riêng với những máy tính có cấu hình mạnh phục vụ riêng cho ngành AI, các thiết bị công cụ liên quan như robot, thiết bị thu thập dữ liệu, đặc biệt là các thiết bị phần cứng trang bị chip AI cũng được đầu tư, nhằm phục vụ cho sinh viên có điều kiện thực hành hoặc nghiên cứu.
“Một trong những thay đổi lớn của nhà trường trong đào tạo AI thời gian tới là chính sách thu hút giảng viên tài năng, có trình độ cao và kinh nghiệm lâu năm. Chính sách sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nhà trường nói chung và Khoa Công nghệ thông tin nói riêng trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, chính sách này không chỉ chú trọng vào lương thưởng, phúc lợi mà còn tạo môi trường tốt nhất có thể cho giảng viên phát huy, phát triển năng lực trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu”, thầy Phong chia sẻ.
Cùng đưa ra quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, để cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực AI, các trường đại học cần tập trung ban hành chính sách, chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên và chuyên gia thông qua trao đổi cán bộ với các trường, viện trên thế giới có thế mạnh về lĩnh vực AI, cũng như thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao và các khóa học chuyên sâu.
Thứ hai, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ. Cần có các phòng thí nghiệm hiện đại, trung tâm dữ liệu và hệ thống máy tính hiệu năng cao để sinh viên có thể thực hành và tiếp cận với công nghệ mới nhất. Chính phủ và doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ các trường đại học về tài chính để phát triển hạ tầng đào tạo AI thông qua nhiều dự án, chương trình hợp tác khác nhau.
Thứ ba, chương trình đào tạo cần được cải tiến để kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đặc biệt là trong các lĩnh vực học máy, học sâu và khai thác dữ liệu, đồng thời bổ sung kiến thức về đạo đức AI và ứng dụng của AI trong các ngành cụ thể.
Thứ tư, tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các trường cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các chương trình thực tập và nghiên cứu ứng dụng.
Nhấn mạnh đến giải pháp phối hợp giữa nhà trường - doanh nghiệp, thầy Hiếu khẳng định điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội.
Theo đó, doanh nghiệp nắm bắt rõ nhất các xu hướng công nghệ, nhu cầu thị trường, cũng như các ứng dụng thực tiễn của AI. Trong khi đó, nhà trường cung cấp nền tảng kiến thức và kỹ năng cơ bản, là môi trường nghiên cứu và đào tạo nhân tài. Khi hai bên phối hợp chặt chẽ, sinh viên không chỉ được trang bị lý thuyết mà còn tiếp cận với những bài toán thực tế, từ đó hình thành tư duy ứng dụng và khả năng giải quyết vấn đề thực tế hiệu quả.
Thầy Hiếu cho rằng, để đẩy mạnh sự phối hợp này, một trong những công việc cần tiến hành sớm và một số trường đã thực hiện trong đó có Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là xây dựng các chương trình đào tạo đồng thiết kế giữa nhà trường và doanh nghiệp, đảm bảo nội dung giảng dạy gắn liền với yêu cầu thực tế.
Các trường đại học cần mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, và đồng hành trong các dự án nghiên cứu. Đồng thời, cần thúc đẩy các chương trình thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp để sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đóng góp tài chính và công nghệ để hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, cung cấp các công cụ, dữ liệu thực tế để phục vụ đào tạo và nghiên cứu AI. Việc hợp tác tổ chức các cuộc thi, hội thảo và sự kiện liên quan đến AI cũng sẽ khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần đổi mới của sinh viên. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo AI mà còn tạo ra nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng các thách thức trong kỷ nguyên số hóa.
Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu bày tỏ kỳ vọng đào tạo AI nói chung và tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nói riêng sẽ đạt được những bước tiến mạnh mẽ.
“Nhà trường hướng đến việc xây dựng một môi trường đào tạo toàn diện, nơi sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức nền tảng vững chắc mà còn có cơ hội tiếp cận các công nghệ AI tiên tiến nhất. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, bao gồm các phòng thí nghiệm hiện đại, hệ thống máy tính hiệu năng cao và các nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Thường xuyên bồi dưỡng và tuyển dụng giảng viên mới có chất lượng.
Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Sự hợp tác này không chỉ giúp cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn mà còn tạo cơ hội thực tập, thực hành, và giải quyết các bài toán thực tế cho sinh viên. Năm vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp xây dựng được một số phòng thí nghiệm hiện đại và sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2025.
Ngoài ra, nhà trường sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghiên cứu ứng dụng AI, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như y tế, năng lượng, môi trường… thông qua quỹ khoa học công nghệ của nhà trường và hỗ trợ từ nhiều nguồn quỹ khác doanh nghiệp và Chính phủ.
Cuối cùng, tôi kỳ vọng đào tạo AI không chỉ dừng lại ở việc phát triển kỹ năng chuyên môn mà còn tập trung vào việc nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và ý thức đạo đức trong ứng dụng AI. Tôi tin rằng, với sự cam kết từ nhà trường, sự đồng hành của doanh nghiệp và nỗ lực không ngừng của giảng viên, sinh viên, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sẽ trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu AI hàng đầu tại Việt Nam, góp phần đưa ngành công nghệ này trở thành động lực phát triển cho đất nước”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu bày tỏ.