Phân biệt giữa ngành Đạo diễn sân khấu và Đạo diễn điện ảnh, truyền hình

16/04/2025 09:55
Thảo Lê
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cùng đào tạo về đạo diễn nhưng ngành Đạo diễn sân khấu và Đạo diễn điện ảnh, truyền hình có nhiều khác biệt. Điểm chuẩn và học phí 2 ngành cũng có sự chênh lệch.

Ngành Đạo diễn sân khấu (mã ngành: 7210227) và Đạo diễn điện ảnh, truyền hình (mã ngành: 7210235) cùng thuộc lĩnh vực Nghệ thuật nhưng có sự khác biệt khá lớn từ cách thức tuyển sinh đến chương trình đào tạo.

Nếu như Đạo diễn sân khấu chú trọng vào khả năng ứng biến trực tiếp thì Đạo diễn điện ảnh, truyền hình sẽ truyền đạt tác phẩm thông qua những hình ảnh quay phim và kỹ thuật hậu kỳ. Do đó, mỗi ngành học đòi hỏi thí sinh cần có tố chất cũng như sự chuẩn bị khác nhau.

Phân biệt ngành Đạo diễn sân khấu và ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Dương Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng khoa, Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chia sẻ, dù cùng có cụm từ "đạo diễn" nhưng ngành Đạo diễn sân khấu có nhiều khác biệt so với ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình.

"Đây là hai ngành học hoàn toàn khác nhau cả về tính chất lẫn chuyên môn. Với ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình có ngôn ngữ chính là hình ảnh. Với Đạo diễn sân khấu, ngôn ngữ được thể hiện chủ yếu là hành động và đặc biệt điều khác nhất đó là không gian. Không gian của sân khấu chỉ bó hẹp ở một phạm vi nhất định, vai trò của người đạo diễn là tái hiện cho khán giả cảm nhận được bối cảnh ở đó sống động như thế nào.

Trong khi đó, đạo diễn điện ảnh, truyền hình sẽ truyền tải câu chuyện qua quay phim, người xem sẽ được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật đã qua quay dựng hậu kì. Còn với đạo diễn sân khấu, họ phải làm việc chủ yếu với đội ngũ diễn viên, ở sân khấu khán giả sẽ được xem trực tiếp tác phẩm và tương tác với những diễn viên ở đó.

Từ những sự khác biệt này, mà ngành Đạo diễn sân khấu sẽ có sự khác biệt về chương trình học tập so với ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình".

CÔ THANH HUYỀN

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tuyển sinh và đào tạo ngành Đạo diễn sân khấu cả hệ chính quy (4 năm) và hệ vừa làm vừa học (3 năm). Thạc sĩ Dương Thị Thanh Huyền cho biết, từ sau năm 2009, khi phân tích nhu cầu học tập và mục tiêu đào tạo ngành Đạo diễn sân khấu, nhà trường quyết định sẽ tập trung tuyển sinh hệ vừa làm vừa học với ngành này. Các sinh viên theo học chủ yếu là diễn viên có hiểu biết về sân khấu.

Nhà trường tuyển sinh ngành Đạo diễn sân khấu hệ vừa làm vừa học theo hình thức thi tuyển và xét tuyển. Thí sinh dự thi cần tham gia 2 vòng bắt buộc gồm: sơ tuyển và chung tuyển.

Vòng sơ tuyển là buổi thi viết kiến thức chung về văn hóa và văn học nghệ thuật. Vượt qua vòng sơ tuyển, thí sinh sẽ đến vòng chung tuyển. Tại vòng chung tuyển, nhà trường xét tuyển bằng tổ hợp S00 (Ngữ văn, Năng khiếu sân khấu điện ảnh 1, Năng khiếu sân khấu điện ảnh 2).

Về cách thức làm bài thi, với môn Năng khiếu 1, thí sinh sẽ được xem tác phẩm sân khấu sau đó viết một bài phân tích. Trải qua môn thi này, thí sinh tiếp tục thi môn Năng khiếu 2, sáng tác và tự trình diễn một tiểu phẩm dựa trên một trong các dữ liệu theo đề thi: đạo cụ, tranh vẽ… trong thời gian không quá 15 phút và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo.

Đầu điểm thứ ba là điểm môn Ngữ văn, nhà trường sẽ xét học bạ lớp 12 với môn này. Điểm đầu vào mỗi môn thi phải lớn hơn hoặc bằng 5 điểm, kết quả trúng tuyển sau khi làm tròn hai chữ số thập phân, kết quả trúng tuyển của thí sinh sẽ được lấy từ cao xuống thấp.

Nếu sinh viên lựa chọn hình thức đào tạo đại học chính quy (4 năm) ngành Đạo diễn sân khấu, có thể đăng kí xét tuyển vào một trong 2 chuyên ngành: Đạo diễn sự kiện lễ hội hoặc Đạo diễn âm thanh - ánh sáng sân khấu. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh mỗi chuyên ngành 15 chỉ tiêu.

Về hình thức xét tuyển, 2 chuyên ngành này đều xét tuyển bằng tổ hợp S00. Tuy nhiên, môn năng khiếu sẽ có nội dung khác nhau, phù hợp với tính chất đào tạo. Với chuyên ngành Đạo diễn sự kiện lễ hội, môn Năng khiếu 1: thí sinh viết đề cương một kịch bản lễ hội; môn Năng khiếu 2: vấn đáp về nghệ thuật dàn cảnh và tổ chức phối hợp các yếu tố trong lễ hội.

Với chuyên ngành Đạo diễn âm thanh - ánh sáng sân khấu, môn Năng khiếu 1: viết bài về ý tưởng thiết kế âm thanh, ánh sáng cho một tình huống kịch theo đề thi; môn Năng khiếu 2: vấn đáp về tư duy đạo diễn âm thanh, ánh sáng cho một chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu.

Trong khi đó, ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình cũng có hình thức tuyển sinh tương tự nhưng khác biệt ở môn năng khiếu. Với ngành này, môn Năng khiếu 1 là xem phim và viết bài phân tích phim; môn Năng khiếu 2 là vấn đáp và dựng ảnh liên hoàn theo chủ đề tự chọn sau đó trả lời câu hỏi liên quan đến bài thi. Nhà trường đào tạo ngành này hệ đại học chính quy gồm 2 chuyên ngành: Đạo diễn điện ảnh và Đạo diễn truyền hình.

Điểm chuẩn 3 năm gần đây theo hình thức thi tuyển hệ đại học chính quy của ngành Đạo diễn sân khấu và ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội như sau:

White & Green Modern Bar Chart Graph (1).png

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tỉ lệ sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp là 100%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình là 87%.

Theo Thạc sĩ Dương Thị Thanh Huyền, năm học 2025 - 2026, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội dự kiến tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh với hệ đào tạo vừa làm vừa học. Cô Huyền cho biết việc này sẽ giúp tăng cơ hội với thí sinh thuộc hệ đào tạo này, vừa đáp ứng tốt nhu cầu chung của xã hội với ngành Đạo diễn sân khấu và thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh tại nhà trường.

Bên cạnh đó nhà trường sẽ giữ mức học phí đối với sinh viên hệ đại học chính quy là khoảng hơn 6 triệu đồng/sinh viên/năm học, hệ vừa làm vừa học là khoảng hơn 10 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển sinh ngành Đạo diễn sân khấu từ năm 2012. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh ngành học này theo hệ đại học chính quy với 14 chỉ tiêu và hệ đại học vừa làm vừa học với 28 chỉ tiêu.

Nhà trường tuyển sinh ngành Đạo diễn sân khấu thông qua hình thức thi tuyển và xét tuyển. Với hình thức thi tuyển, thí sinh sẽ tham gia trực tiếp vòng thi chung tuyển, không cần trải qua vòng sơ tuyển. Nhà trường sử dụng tổ hợp xét tuyển S00 (Phân tích, Năng khiếu, Ngữ văn) để tuyển chọn thí sinh theo học hệ đại học chính quy và hệ đại học vừa làm vừa học, trong đó môn Phân tích nhân hệ số 2.

Với môn thi Phân tích, thí sinh được xem một trích đoạn tác phẩm sân khấu và viết bài phân tích. Với môn thi Năng khiếu, thí sinh sẽ trình bày tiểu phẩm theo chủ đề (theo tình huống, chủ đề, đạo cụ cho sẵn) trong thời lượng không quá 10 phút sau đó trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Với môn thi này thí sinh có thể tham gia diễn xuất hoặc không. Đối với môn Ngữ văn thí sinh sẽ được xét điểm học bạ cả năm lớp 12.

THAY TEXT
Ảnh Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp.

Cùng xét tuyển tổ hợp S00, tuy nhiên, môn Phân tích và môn Năng khiếu của ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình sẽ có sự khác biệt về nội dung. Cụ thể, môn Phân tích thí sinh sẽ được xem phim và viết bài phân tích phim; môn Năng khiếu thí sinh thi vấn đáp và dựng ảnh liên hoàn theo chủ đề tự chọn sau đó trả lời câu hỏi liên quan đến bài thi. Với ngành học này, nhà trường tuyển sinh 24 chỉ tiêu với hệ đại học chính quy và 20 chỉ tiêu với hệ đại học vừa làm vừa học.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, tổng điểm thi tuyển vào ngành Đạo diễn sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không thấp hơn 22.75 điểm (trong đó không có môn thi nào trong tổ hợp dưới 5 điểm).

Điểm chuẩn 3 năm gần đây theo hình thức thi tuyển hệ đại học chính quy của ngành Đạo diễn sân khấu và ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

White & Green Modern Bar Chart Graph (2).png

Thầy Lê Hùng, Trưởng phòng, Phòng đào tạo - nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến cho ngành Đạo diễn sân khấu ở năm 2025 sẽ không thay đổi so với năm 2024.

Theo Nghị định 81/2021/NĐ- CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; nhà trường dự kiến lộ trình tăng học phí năm học 2025 - 2026 với hệ đại học chính quy như sau:

Screenshot 2025-04-10 104325.png

Riêng với hệ đào tạo đại học vừa làm vừa học, mức học phí năm 2024 của trường là 11.400.000 đồng/học kỳ/sinh viên.

Cũng theo Trưởng phòng, Phòng đào tạo - nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được nhà trường thống kê vào năm 2024 đối với ngành Đạo diễn sân khấu là 92%. Tỷ lệ này ở ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình là 97%.

Ngoài ra, ngành Đạo diễn sân khấu cũng được đào tạo ở trường cao đẳng (mã ngành: 6210234). Tuy nhiên, các trường cao đẳng không đào tạo ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình. Thời gian đào tạo ngành Đạo diễn sân khấu ở trường cao đẳng sẽ kéo dài từ 2 - 3 năm, tùy vào nội dung chương trình đào tạo.

Tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, ngành Đạo diễn sân khấu thuộc khối ngành Nghệ thuật. Nhà trường đào tạo hệ cao đẳng chính quy, thời lượng là 2 năm, mỗi năm học gồm 3 học kỳ.

Từ thông tin tuyển sinh cao đẳng chính quy năm học 2024 -2025 của trường, ngành Đạo diễn sân khấu được xét tuyển theo 3 phương thức:

Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và 2023 trở về trước.

Phương thức 2: Xét tuyển điểm trung bình cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 hoặc điểm trung bình cả năm lớp 12 >= 5.0 (thí sinh bổ sung giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024).

Phương thức 3: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ.

Bên cạnh đó, thí sinh sẽ thi thêm một môn năng khiếu là bài thi viết kịch bản nếu xét tuyển vào ngành học này.

Học phí của khối ngành Nghệ thuật ở trường là 12.000.000 đồng/học kỳ/sinh viên, được duy trì từ năm 2022 đến nay và dự kiến giữ nguyên ở năm học 2025 - 2026. Khối kiến thức đào tạo của ngành Đạo diễn sân khấu được nêu chi tiết tại website nhà trường như sau:

Screenshot 2025-04-13 185733.png
Ảnh chụp màn hình website Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn.

Theo thông tin tuyển sinh năm 2025 của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Đạo diễn sân khấu được tuyển sinh theo hình thức thi tuyển. Nội dung thi tuyển bao gồm 2 môn thi năng khiếu. Cụ thể, môn Năng khiếu 1: diễn tiểu phẩm và cấu trúc tiểu phẩm; môn Năng khiếu 2: tiếng nói, nhạc cảm. Trong đó, môn Năng khiếu 1 sẽ được tính điểm hệ số 2.

Mức học phí của sinh viên ngành Đạo diễn sân khấu dao động từ 284.000 đến 316.000 đồng/tháng/sinh viên. Những nền tảng kiến thức của sinh viên được học bao gồm những môn học chung: Giáo dục chính trị, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, tiếng Anh,... và các môn học, mô đun cơ sở; môn học, mô đun chuyên môn.

Thảo Lê