Dạy môn tích hợp, trường vùng cao thiếu cơ sở vật chất và giáo viên

15/11/2024 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Qua thực tiễn triển khai, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn phù hợp để dạy các môn học tích hợp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Đinh Thị Hường cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những cải cách đáng kể so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Cụ thể, về tích hợp và liên môn: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng đến việc tích hợp kiến thức giữa các môn học, giúp học sinh có cái nhìn tổng thể và liên kết giữa các lĩnh vực.

Về phát triển năng lực và phẩm chất: Chương trình nhấn mạnh việc phát triển năng lực tự học, tư duy phản biện, và các kỹ năng mềm, không chỉ tập trung vào kiến thức hàn lâm.

Chương trình linh hoạt: Học sinh có thể lựa chọn một số môn học phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, giúp phát huy tính tự chủ và sáng tạo.

Giáo dục gắn với thực tiễn: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tập trung vào việc giáo dục những kiến thức và kỹ năng thiết thực cho cuộc sống, tạo điều kiện cho học sinh áp dụng vào thực tiễn.

giao vien biet phai 1.jpg
Hình ảnh minh họa.

Đánh giá đa dạng: Hệ thống đánh giá không chỉ dựa vào điểm số mà còn xem xét quá trình học tập và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Thông tin về sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình nhận định, có nhiều ưu điểm nổi bật.

Theo đó, nội dung cập nhật và hiện đại: Sách giáo khoa được biên soạn dựa trên kiến thức mới nhất, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, giúp học sinh tiếp cận những thông tin hữu ích và thực tiễn.

Tích hợp kiến thức liên môn: Sách giáo khoa chú trọng vào việc tích hợp các môn học, giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự liên kết giữa các lĩnh vực và ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.

Phát triển kỹ năng và năng lực: thiết kế các hoạt động và bài tập phát triển kỹ năng mềm, tư duy phản biện và sáng tạo.

Hình thức trình bày sinh động: Hình ảnh, đồ họa và minh họa phong phú, tạo sự hấp dẫn và dễ tiếp cận cho học sinh.

Tính linh hoạt: Cho phép giáo viên và học sinh có sự linh hoạt trong việc tổ chức dạy học, có thể điều chỉnh nội dung và phương pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Đánh giá đa dạng: Sách giáo khoa cung cấp nhiều dạng bài tập và hình thức đánh giá khác nhau, giúp học sinh phát triển toàn diện và tự đánh giá quá trình học tập của bản thân.

Hỗ trợ giáo viên: Sách giáo khoa có hướng dẫn giáo viên chi tiết, giúp họ có thể dễ dàng triển khai bài học và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều sự đổi mới

Theo một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự đổi mới toàn bộ và đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Nói về vướng mắc khi triển khai chương trình mới, theo lãnh đạo này cho hay, 'dạy học tích hợp" ở các trường vùng sâu vùng xa luôn trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất và thiếu giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của một số môn học cấp trung học cơ sở có tính tích hợp, liên môn cao, như: Lịch sử - Địa lí, Khoa học tự nhiên đã tạo ra một số khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và việc sắp xếp, bố trí giáo viên giảng dạy.

Qua thực tiễn triển khai, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn phù hợp để dạy các môn học tích hợp; chủ động sắp xếp phân phối chương trình của các môn học tích hợp nhằm tận dụng tối đa đội ngũ giáo viên hiện có của đơn vị và theo hướng dẫn tại Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 của Bộ về xây dựng kế hoạch dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp;

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng cho 272 giáo viên trung học cơ sở dạy Lịch sử - Địa lý và 417 giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên. Đến thời điểm hiện tại việc dạy môn Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên tại các cơ sở giáo dục cơ bản đã đi vào nền nếp.

Về việc đề xuất kiến nghị sau quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang nói, đơn vị đã đề xuất, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo một số nội dung sau để thực hiện được hiệu quả hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm học tiếp theo.

Cụ thể, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành trung ương tham mưu chính phủ không thực hiện giảm số lượng người làm việc trong ngành giáo dục của tỉnh Tuyên Quang hoặc cấp kinh phí hỗ trợ theo định mức biên chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để các cơ sở giáo dục công lập hợp đồng thêm người làm việc hoặc chi tiền dạy thêm giờ cho giáo viên theo quy định.

Tham mưu Chính phủ có phương án để giúp các địa phương như tỉnh Tuyên Quang thực hiện mục tiêu kiên cố hóa 100% phòng lớp học theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị.

Phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính sửa đổi, thay thế Thông tư 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo theo nguyên tắc chi trả đủ tiền làm thêm giờ cho giáo khi phải dạy vượt định mức quy định, kể cả trong trường hợp đã có đủ số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao.

Kiến nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014); kịp thời ban hành các chính sách mới để thúc đẩy phát triển giáo dục ngoài công lập.

"Tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện hiệu quả của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giai đoạn 2021-2025 để đề ra các giải pháp hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới", lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang thông tin.

Trong những năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như sau:

Thực hiện sắp xếp trường, điểm trường, lớp học theo hướng tinh gọn, hiệu quả: Toàn tỉnh có 407 trường phổ thông (giảm 04 trường so với năm học 2022-2023 do sáp nhập), 5.219 lớp, 171.060 học sinh, trong đó: cấp tiểu học có 124 trường (01 trường ngoài công lập); 2.922 lớp với 80.273 học sinh; cấp trung học cơ sở có 148 trường (36 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở); 1.635 lớp với 63.360 học sinh; cấp THPT có 35 trường (09 trường liên cấp có cấp trung học phổ thông); 662 lớp với 27.427 học sinh.

Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông theo Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 04/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh: Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố đã chủ động sử dụng các nguồn kinh phí được giao để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông;

Thực hiện mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu các khối lớp cho 100% các trường phổ thông theo lộ trình đổi mới Chương trình, sách giáo khoa, mua sắm bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, máy tính; phòng học thông minh...cho các nhà trường.

Toàn tỉnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ bản đảm bảo yêu cầu cần đạt của Chương trình. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định; tập huấn, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo chất lượng, hiệu quả; tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Các cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn theo hướng dẫn tại của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết phù hợp với khung thời gian năm học, đảm bảo tính khoa học, sư phạm; linh hoạt, chủ động trong tổ chức thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; kế hoạch giáo dục nhà trường thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung kịp thời các nội dung để phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Thực hiện giao quyền chủ động về kế hoạch giáo dục cho các cơ sở giáo dục phổ thông để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời phát huy trí tuệ tập thể, khả năng sáng tạo của Hiệu trưởng và tập thể cán bộ quản lí, giáo viên các nhà trường; thực hiện quản trị hoạt động dạy và học theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Mạnh Đoàn