Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Củ Chi, (Thành phố Hồ Chí Minh) đã ban hành công văn, đề nghị các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các nội dung, nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện nguồn kinh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo đúng quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Chỉ đạo nhấn mạnh: "Nguồn kinh phí này do ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, quyết định hình thức chi, mức chi trong phối hợp nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục…”. [1]
Tôi đã từng mệt mỏi, áp lực khi một phụ huynh giữ tiền quỹ hội bỏ đi
Đọc tới yêu cầu này, người viết là giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học nhớ tới bản thân đã từng rất mệt mỏi, áp lực khi một thủ quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp giữ khoản tiền phụ huynh ủng hộ nhưng khi lớp cần chi tiêu lại không thể liên lạc được và cuối cùng số tiền này cũng đã biến mất cùng vị phụ huynh.
Hơn chục năm về trước, khi Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT mới có hiệu lực, hiệu trưởng trường tôi lúc đấy đã không cho giáo viên và nhà trường giữ khoản tiền phụ huynh trong lớp ủng hộ làm kinh phí hoạt động mà yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh phải giữ.
Sau cuộc họp cha mẹ học sinh của lớp đầu năm, lớp tôi nhận được 3.500.000 đồng từ sự ủng hộ của phụ huynh. Thực hiện chỉ đạo từ nhà trường, một phụ huynh trong Ban đại diện của lớp đã được phân công giữ khoản tiền này.
Tôi và phụ huynh này cũng đã trao đổi, làm việc và đi đến thống nhất, khi lớp cần khoản chi nào, giáo viên sẽ thông báo và cùng với Ban đại diện bàn bạc để thực hiện. Ban đại diện sẽ cử người đi mua và cùng với giáo viên chủ nhiệm quyết toán lại.
Chỉ 2 tháng sau, lớp cần một khoản tiền chi bồi dưỡng cho học sinh tập văn nghệ và thuê đồ cho tiết mục múa minh họa vào dịp lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thế nhưng, tôi đã không có cách nào liên hệ được với vị phụ huynh đang giữ khoản tiền của lớp.
Gọi điện thoại chỉ thấy “thuê bao…”. Tôi đã phải tranh thủ giờ trống tiết dạy để lặn lội tìm đến tận nhà phụ huynh thì luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Hỏi hàng xóm cũng chỉ nhận được câu trả lời: " Nhà đó đi đâu cả tuần cũng không rõ”.
Tôi hỏi học sinh của mình, cô bé cũng chỉ biết trả lời: "Mẹ con đi làm xa, con đang ở với ngoại". Tôi cũng nghĩ, có thể họ bận việc gì đấy nên chưa về kịp.
Tôi cũng đành móc hầu bao ra lấy tiền của mình chi trước rồi sau này phụ huynh về sẽ thanh toán lại sau.
Tuy nhiên, một tháng, hai tháng rồi ba tháng, vị phụ huynh này vẫn bặt vô âm tín.
Hỏi học sinh mẹ đi đâu thì cô bé buồn rầu trả lời: "Con không biết! Lâu rồi mẹ cũng không về".
Tôi đã báo cáo sự việc lên trường. Nhà trường cũng chỉ động viên, cố gắng liên lạc bằng mọi cách “con họ đang đi học chắc không thể mất đâu”. Tuy thế, thời gian cứ trôi qua mà vẫn không tìm thấy vị phụ huynh ấy. Số tiền 3.500.000 đồng lúc ấy gần bằng một tháng lương của tôi.
Tôi không thể đền số tiền ấy vì thấy mình không có lỗi trong chuyện này. Để phụ huynh giữ tiền cũng là làm theo chỉ đạo của nhà trường. Tôi cũng không thể nói phụ huynh cả lớp phải ủng hộ thêm số tiền khác.
Nhưng lớp tôi vẫn phải cần, thậm chí rất cần có một khoản tiền để chi phí. Tôi đã phải trích một phần lương của mình để cho lớp có kinh phí hoạt động.
Không mất hết tiền hội phí như lớp tôi, một số đồng nghiệp của tôi tại trường thời ấy cũng than phiền khá nhiều khi cần chi tiêu cho lớp một khoản gì thì liên lạc với phụ huynh giữ tiền cũng rất khó.
Thế là, từ năm học tiếp theo, nhà trường đã không dám để tiền cho phụ huynh giữ. Tất cả số tiền các lớp quyên góp được đều nộp về thủ quỹ của trường quản lý.
Cũng may, số tiền quỹ lớp tôi năm đó ít nên mất đi giáo viên cũng bù lại được phần nào. Nếu số tiền nhiều như các lớp khác, thầy cô cũng sẽ vất vả nhiều hơn.
Thông tư 55/2011 quy định thế nào về khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh?
Khoản 2, Điều 10, Thông tư 55/2011 quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh:
a) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;
b) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
Rõ ràng, Điểm a, Điểm b cũng chỉ quy định về cách sử dụng kinh phí “Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ…” và "Trưởng ban Ban đại diện quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ ..." mà không nhắc gì đến việc bên nào sẽ cất giữ khoản tiền này.
Thế nên việc giáo viên hoặc nhà trường hay đại diện cha mẹ học sinh giữ khoản tiền này cũng không vi phạm gì. Miễn sao, khi cần sử dụng chi tiêu phải có sự bàn bạc, thống nhất giữa giáo viên và trưởng ban Ban đại diện như quy định tại Điểm a, b, Khoản 2, Điều 10 Thông tư 55/2011 là được.
Lớp tôi mới chỉ mất 3.500.000 đồng mà giáo viên đã thấy mệt mỏi và khá tội cho học sinh khi quyền lợi bị mất. Hiện nay, có không ít trường học, phụ huynh ủng hộ số tiền khá lớn (có khi lên đến vài chục triệu đồng).
Số tiền lớn này, giao cho một phụ huynh nào đó quản lý nếu xảy ra tình trạng vị phụ huynh bỏ đi hoặc mất khả năng chi trả thì sẽ thế nào? Nếu sau này có lấy lại được khoản tiền này thì năm học ấy cũng đã đi qua thì các em vẫn phải chịu một sự thiệt thòi khá lớn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/nha-truong-khong-duoc-giu-ho-kinh-phi-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-185241109131447811.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.