Thi tốt nghiệp 5, 6 môn sẽ gây áp lực cho cả thí sinh và cán bộ làm nhiệm vụ

05/11/2023 07:22
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 dự kiến sẽ gồm 5, 6 môn, có những ưu điểm nhất định nhưng sẽ gây áp lực cho thí sinh và cán bộ coi thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là kì thi tốt nghiệp) từ năm 2025.

Theo đó, có 3 phương án đề xuất: 1) phương án thi 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn; 2) phương án thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn lựa chọn; 3) phương án thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn,Toán) và 2 môn lựa chọn.

Người viết (là giáo viên bậc trung học phổ thông) nhận thấy, dự kiến phương án thi tốt nghiệp gồm 5, 6 môn sẽ gây áp lực cho thí sinh và cán bộ coi thi vì những lí do sau đây.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Vì sao thi 5, 6 môn sẽ rất áp lực cho thí sinh và cán bộ coi thi?

Thứ nhất, với phương án thi 6 môn, thí sinh sẽ làm bài như sau: buổi sáng ngày thứ nhất thi môn Ngữ văn; buổi chiều thi môn Toán; buổi sáng ngày thứ 2 thi môn Ngoại ngữ, Lịch sử; buổi chiều thi 2 môn lựa chọn.

Như vậy, thí sinh phải đến điểm thi 2,5 ngày, trong đó có 2 ngày dự thi chính thức và 1 buổi đến làm thủ tục giống như kì thi tốt nghiệp hiện nay - nghĩa là các em không được giảm tải, vẫn rất áp lực.

Thứ hai, với phương án thi 5 môn, thí sinh sẽ làm bài như sau: buổi sáng ngày thứ nhất thi môn Ngữ văn; buổi chiều thi môn Toán; buổi sáng ngày thứ 2 thi môn Ngoại ngữ và 1 hoặc 2 môn lựa chọn.

Giả sử, buổi sáng ngày thứ 2 tổ chức thi môn Ngoại ngữ và 1 môn lựa chọn thì buổi chiều thí sinh tiếp tục thi môn lựa chọn thứ 2, các em sẽ phải đi 2 ngày.

Nếu buổi sáng ngày thứ 2 tổ chức thi môn Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn thì buổi chiều thí sinh được nghỉ, các em chỉ đi 1,5 ngày.

Mặc dù thí sinh được nghỉ 1 buổi chiều nhưng việc làm bài thi 3 môn liên tục khiến các em rất căng thẳng, không khác gì việc thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội như kì thi tốt nghiệp hiện nay.

Thứ ba, thí sinh thi 5, 6 môn thì điểm thi sẽ kéo dài thời gian làm việc như kì thi tốt nghiệp hiện nay. Cụ thể, lãnh đạo điểm thi, thư kí phải làm việc 5 ngày: ngày thứ nhất họp lãnh đạo; ngày thứ 2 họp triển khai việc coi thi; ngày thứ 3, 4 làm nhiệm vụ thi; ngày thứ 5 dự phòng.

Tương tự, cán bộ thanh tra, giám thị và nhân viên (văn phòng, bảo vệ, an ninh) làm việc 3 ngày: ngày thứ nhất họp triển khai nhiệm vụ; ngày thứ 2, 3 làm nhiệm vụ kì thi.

Có thể nhận thấy, thí sinh thi 5, 6 môn gây tốn kém công sức, tiền bạc cho thí sinh và xã hội. Ví dụ, chỉ cần thí sinh thi thêm 1 môn thì chi phí tiền bạc cho giấy thi, giấy nháp, đi lại và thù lao cho cán bộ làm nhiệm vụ là rất lớn.

Thứ tư, phương án thi 5, 6 môn khiến tất cả các cán bộ làm nhiệm vụ thi tại điểm thi cũng rất áp lực. Áp lực nhất là giám thị làm nhiệm vụ coi thi và sau đó là cán bộ làm công tác thanh tra cắm chốt điểm thi.

Thí sinh thi 2, 3 môn/buổi buộc giám thị phải làm các công việc có liên quan một cách nhanh chóng mới kịp thời gian. Đó cũng là lí do nhiều giám thị thường mắc các lỗi như kí nhầm ô, phát nhầm mã đề... buộc trưởng điểm thi phải lập biên bản bất thường.

Mỗi khi trưởng điểm thi lập biên bản bất thường thì giáo viên sẽ bị hiệu trưởng phê bình trong cuộc họp hội đồng sư phạm. Bài thi bị lập biên bản thì giám khảo phải phải chấm bài chung cũng rất vất vả.

Không nhất thiết phải thi tốt nghiệp 5, 6 môn

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng không nhất thiết phải tổ chức thi 5, 6 môn cho kì thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Thứ nhất, kì thi tốt nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay được tổ chức rất nhẹ nhàng nhưng chất lượng đầu ra thí sinh vẫn đảm bảo.

Chẳng hạn, tại Nga thí sinh chỉ thi hai môn bắt buộc Tiếng Nga và Toán. Nếu có nguyện vọng học tiếp đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi môn học mà hệ thống đại học, cao đẳng đó yêu cầu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Hay ở Trung Quốc, thí sinh thi tốt nghiệp ba môn bắt buộc là Toán, Trung văn, tiếng Anh và một môn tự chọn. Ở Mỹ hiện nay hầu hết bỏ kỳ thi tốt nghiệp dành cho bậc trung học phổ thông, chỉ còn 8 bang duy trì kỳ thi này. [1]

Có thể nhận thấy, việc thi hay công nhận tốt nghiệp đều được các nước triển khai theo hướng gọn nhẹ, tôn trọng học sinh, phát huy sở trường, thế mạnh của người học.

Ở nước ta yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp phải được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội nhưng đảm bảo độ tin cậy, khách quan là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển trên thế giới.

Đó cũng là lí do theo dự thảo, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 được xây dựng trên các nguyên tắc "chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp".

Vậy nên, nếu tổ chức thi tốt nghiệp từ năm 2025 với 3, 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn như một số chuyên gia đề xuất sẽ rất nặng nề cho học sinh và cán bộ làm nhiệm vụ thi, đi ngược tinh thần đổi mới, gọn nhẹ của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ hai, thí sinh chỉ làm 1 bài thi/môn nhưng lại lấy kết quả này để đánh giá cả quá trình học (3 năm trung học phổ thông) của các em là chưa khách quan.

Hiện tại, học sinh được kiểm tra thường xuyên, định kì (giữa kì và cuối kì), thiết nghĩ đã đủ độ tin cậy để ngành giáo dục "làm căn cứ đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục" như dự thảo đề cập.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtc.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-thi-tot-nghiep-thpt-the-nao-ar821396.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài