Làm sao tổ chức kì thi tốt nghiệp từ năm 2025 giảm áp lực, đảm bảo độ tin cậy?

28/09/2023 06:40
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài viết đề xuất phương án và cách thức tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sao cho gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. [1]

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sau đây gọi tắt là kì thi tốt nghiệp) từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.

Là giáo viên bậc trung học phổ thông, người viết xin có đôi điều đề xuất phương án và cách thức tổ chức kì thi tốt nghiệp từ năm 2025 sao cho nhẹ nhàng, hiệu quả.

Ảnh minh họa: Lã Tiến/ giaoduc.net.vnẢnh minh họa: Lã Tiến/ giaoduc.net.vn

Thứ nhất, về hành lang pháp lí, sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất các phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo hướng:

Đánh giá được phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người học bảo đảm thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới, bảo đảm yêu cầu đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW. [2]

Như vậy, để kì thi tốt nghiệp được nhẹ nhàng thì cần xác định đúng mục tiêu của kì thi này là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 12.

Hay nói cách khác, kì thi này không đóng vai trò tuyển sinh đại học, cao đẳng mà chỉ cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Các trường đại học cần đẩy mạnh tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh, theo luật. Việc tuyển sinh không phụ thuộc nhiều vào điểm thi tốt nghiệp, thậm chí không còn xét bằng điểm thi tốt nghiệp sẽ là xu hướng từ năm 2025.

Theo Giáo sư Đỗ Đức Thái (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), phương thức thi và công nhận tốt nghiệp phải trực tiếp góp phần thực hiện thành công những chỉ đạo của Nghị quyết 29 về tính định hướng nghề nghiệp nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. [3]

Thứ hai, tôi đề xuất 1 trong 2 phương án thi tốt nghiệp sau đây để "giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh".

Phương án 1 chỉ thi 2 môn là Toán và Ngữ văn. Phương án 2 thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Với môn lựa chọn, học sinh chọn 2 môn trong số các môn: Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học.

Tôi cũng đồng tình với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Âm nhạc và Mỹ thuật là hai môn học đánh giá bằng nhận xét, khó thực hiện trên giấy, do đó không có mặt trong danh sách các môn thi trong dự thảo (thi tốt nghiệp từ 2025). [4]

Cá nhân tôi vẫn nghiêng về phương án thi thứ nhất bởi lẽ, Thông báo số 1489/TB-BGDĐT kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về dự thảo phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp từ năm 2025 cho biết phương thức xét tốt nghiệp: kết hợp giữa đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp. [5]

Như vậy, hiệu trưởng dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh.

Hiện tại, điểm trung bình cả năm lớp 12 chiếm 30% trong điểm xét tốt nghiệp. Cũng có thể, từ kì thi tốt nghiệp năm 2025 điểm học bạ chiếm đến 50% nên học sinh đỗ tốt nghiệp là rất nhẹ nhàng mà không cần phải thi nhiều môn.

Thứ ba, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, đại học từ nhiều năm qua rất cao, nhiều em chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp cũng là một trong những lí do để Bộ Giáo dục và Đào tạo không cần phải tổ chức thi nhiều môn.

Minh chứng, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp toàn quốc năm 2023 đạt 98,88%. Tỉ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp năm 2022 trên cả nước là 98,57%, tương đương năm 2020 và 2021. [6], [7]

Cùng với đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn một triệu thí sinh thi tốt nghiệp năm 2023, có 660.000 em đăng ký xét tuyển đại học, 99,3% trong số đó đủ điều kiện trúng tuyển đợt một. [8]

Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh trúng tuyển đại học không xác nhận nhập học năm 2023 là gần 118.000. [9]

Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 - 2023, số thí sinh thi tốt nghiệp nhưng không đăng ký xét tuyển đại học thường nằm trong khoảng 1/4 - 1/3 tổng số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp cùng năm. [10]

Những thí sinh này chọn lối đi như du học, học trường quốc tế, học cao đẳng, trung cấp, hoặc trực tiếp tham gia thị trường lao động.

Thứ tư, theo Thông báo số 1489/TB-BGDĐT, thực hiện tốt sự phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thi, nghiên cứu để tổ chức kì thi hàng năm vào thời điểm sớm hơn hiện nay.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức kì thi tốt nghiệp vào khoảng từ ngày 10/6 hàng năm là hợp tình, hợp lí. Hiện tại, kì thi tốt nghiệp được tổ chức vào cuối tháng 6 khiến thầy và trò rất mệt mỏi trong việc ôn thi.

Theo khung thời gian năm học hàng năm, khoảng 25/5 là tổng kết năm học. Khoảng giữa tháng 5 là học sinh đã hoàn tất việc kiểm tra học kì 2. Nhà trường có khoảng 10 ngày để hoàn tất hồ sơ sổ sách cho học sinh.

Sau thời gian này, nhà trường có khoảng nửa tháng để sửa sang cơ sở vật chất, ngành giáo dục cũng có đủ thời gian để chuẩn bị các khâu cho việc tổ chức cho kì thi tốt nghiệp. Riêng học sinh có thể tự ôn bài theo hướng dẫn của giáo viên mà không cần đến lớp.

Tổ chức kì thi tốt nghiệp đầu tháng 6 giúp giáo viên có thêm thời gian nghỉ hè, bồi dưỡng chuyên môn, học tập nâng cao trình độ. Hiện tại, giáo viên bậc trung học phổ thông hầu như không được nghỉ hè theo quy định vì liên quan đến kì thi tuyển sinh 10, kì thi tốt nghiệp.

Cùng với đó, sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho học sinh, phụ huynh học sinh vì con, em không phải ôn thi cả tháng. Trung bình một học sinh ôn thi tốn khoảng 1 triệu đồng, nếu được thi sớm thì sẽ tiết kiệm được một số tiền rất lớn.

Liên quan đến việc tổ chức kì thi tốt nghiệp từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến quý 4/2023 sẽ công bố phương án thi.

Hiện tại, các nhà trường trung học phổ thông đang đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp chính thức để điều chỉnh việc dạy học cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/chinh-phu-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-phai-bao-dam-gon-nhe-thiet-thuc-i342836/

[2] https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-sap-ban-hanh-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-post237216.gd

[3] https://thanhnien.vn/gs-do-duc-thai-khong-the-bat-thi-de-buoc-hoc-sinh-phai-hoc-185230921112853091.htm

[4] https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-giao-duc-giai-thich-ve-phuong-an-thi-11-mon-tot-nghiep-thpt-2025-20230920112948808.htm

[5] https://lawnet.vn/vb/Thong-bao-1489-TB-BGDDT-2023-ket-luan-Du-thao-Phuong-an-to-chuc-Ky-thi-tot-nghiep-pho-thong-8D4CE.html

[6] https://giaoduc.net.vn/ty-le-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-toan-quoc-nam-2023-dat-9888-post238093.gd

[7] https://giaoduc.net.vn/muon-co-hoc-ba-that-thi-nen-bo-co-cau-30-trong-diem-xet-tot-nghiep-post220339.gd

[8] https://www.vietnam.vn/hon-99-thi-sinh-do-dai-hoc/

[9] https://laodong.vn/giao-duc/gan-118000-thi-sinh-tu-choi-co-hoi-vao-dai-hoc-lua-chon-thuc-te-hay-nong-noi-1244957.ldo

[10] https://tuoitre.vn/ty-le-thi-sinh-khong-xet-tuyen-dai-hoc-nhung-nam-gan-day-ra-sao-20230803154700679.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên