Đề xuất thi tốt nghiệp chỉ 2 môn bắt buộc là phương án hay

15/10/2023 06:39
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề xuất phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn lựa chọn là hợp tình hợp lí, giúp giảm áp lực cho thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sau đây gọi là kì thi tốt nghiệp) từ năm 2025.

Trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất thêm phương án thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).

Người viết - là giáo viên bậc trung học phổ thông, cho rằng việc đề xuất thi tốt nghiệp chỉ 2 môn bắt buộc từ 2025 là phương án hay vì những lí do sau đây.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, phương án thi này giúp giảm áp lực thi cử cho thí sinh so với kì thi tốt nghiệp hiện nay. Kì thi tốt nghiệp hiện nay gồm 6 môn, nếu từ năm 2025 giảm còn 4 môn thì học sinh sẽ đỡ vất vả hơn trong việc ôn tập, thi cử.

Theo đó, thí sinh sẽ thi trong 1,5 ngày (thay vì 2 ngày như hiện nay): buổi sáng ngày thứ nhất thi môn Toán, buổi chiều thi môn Ngữ văn và buổi sáng ngày thứ 2 thi 2 môn lựa chọn (buổi chiều dự phòng).

Phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bàn về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, thí sinh thi bắt buộc 2 môn (Ngữ văn, Toán) và 2 môn tự chọn, sẽ đáp ứng được các yêu cầu của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88. [1]

Thứ hai, tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp nhiều năm qua gần chạm mốc 100% nên không nhất thiết phải thi 5, 6 môn vì rất tốn kém.

Theo tôi, sau năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao kì thi tốt nghiệp cho các địa phương tự tổ chức cùng ngày giờ như cách kiểm tra định kì (kiểm tra cuối học kì II). Đề thi tốt nghiệp chỉ cần bám theo yêu cầu cần đạt của Chương trình mới là đảm bảo yêu cầu.

Thay vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ kì thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng để giúp các cơ sở đào tạo chọn lựa những thí sinh có có trình độ cao cho xã hội.

Như thế, các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức kì thi riêng hoặc các cơ sở đào tạo này có thể phối hợp với nhau cùng ra đề. Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên cho các trường đại học, cao đẳng lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Thứ ba, phương án thi tốt nghiệp chỉ 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Bên cạnh đó, phương án này tạo điều kiện cho các em dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Cùng với đó, học sinh được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp bản thân phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các em sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.

Trong khi đó, phương án thi 6 môn tác động đến việc lựa chọn môn học của học sinh, dẫn đến bất cập trong việc phân công giáo viên giảng dạy, nghĩa là thừa thiếu giáo viên cục bộ, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của nhà trường.

Còn phương án thi 5 môn cũng có thể dẫn đến xu hướng tăng việc lựa chọn tổ hợp tuyển sinh các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, làm giảm một phần vai trò của nhóm môn học tự chọn, đi ngược lại chủ trương của Chương trình mới.

Thứ tư, có luồng ý kiến cho rằng, nếu chỉ thi 2 môn thi bắt buộc và 2 môn lựa chọn thì có thể học sinh sẽ bỏ bê môn Lịch sử và Ngoại ngữ, nhưng theo tôi là không có cơ sở.

Bởi vì, Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông quy định các môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử (là 3 môn học bắt buộc) và 4 môn học lựa chọn trong số các môn Địa lý, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Công nghệ.

Như thế, học viên Giáo dục thường xuyên không học ngoại ngữ. Ngoại ngữ, cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, chỉ thật sự cần thiết với những ai cần để làm việc, để học tập, nghiên cứu, giao tiếp hàng ngày.

Trong nhiều thập kỷ, tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình học ở đại đa số các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ngày càng nhiều đề xuất tại Bắc Âu, Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc hay Pháp kêu gọi gỡ bỏ môn học này - đây là thông tin đáng quan tâm, tham khảo. [2]

Thứ năm, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, về bản chất, kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay thật ra vẫn chỉ là một trong nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, qua đó đánh giá chất lượng của hoạt động dạy và học ở các nhà trường phổ thông.

Vì vậy, tổ chức thi tốt nghiệp 5, 6 môn cũng không quan trọng bằng việc đánh giá trung thực khách quan chất lượng của hoạt động dạy và học. Muốn làm được như vậy thì cần chú ý đến khâu kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình học của học sinh ở trường phổ thông.

Hay nói cách khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngành giáo dục địa phương cần tập trung và quan tâm hơn nữa đến việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì của học sinh, chứ không nên chỉ nhìn vào kết quả từ một kỳ thi như hiện nay.

Hơn nữa, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu nội dung và chương trình sách giáo khoa hướng đến mục tiêu đánh giá về năng lực và phẩm chất chứ không đơn thuần chỉ kiểm tra kiến thức.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/dbqh-nguyen-thi-kim-thuy-ung-ho-phuong-an-thi-4-mon-o-ky-thi-tot-nghiep-tu-2025-post238479.gd

[2] https://vietnamnet.vn/loat-quoc-gia-de-xuat-loai-tieng-anh-ra-khoi-mon-bat-buoc-2195173.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên