Từ năm 2025, nếu thi tốt nghiệp THPT 5 môn sẽ giúp giảm áp lực, tốn kém

12/10/2023 06:45
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong hai phương án được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đều chọn phương án thi 5 môn.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về phương án tổ chức môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Trong đó có 2 lựa chọn gồm:

Phương án 4+2: Thi 4 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án 3+2: Thi 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Ngoài ra, trong quá trình đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang, đã có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2. Cụ thể, các thí sinh thi 2 môn Toán, Ngữ Văn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) cho biết: Theo kết quả khảo sát của trường, đa số các cán bộ, giáo viên đều chọn phương án thi 5 môn trong đó có 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Lý do mà cán bộ quản lý và giáo viên của trường chọn phương án này trùng với những lý giải, phân tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu.

Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Liên, Hà Nội. (Ảnh: Website nhà trường)

Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Liên, Hà Nội. (Ảnh: Website nhà trường)

Thứ nhất, ưu điểm của phương án thi 5 môn là công tác tổ chức thi và việc thi của thí sinh sẽ được giảm nhẹ hơn, giảm áp lực, giảm tốn kém so với hiện nay. Việc được chọn 2 môn sẽ giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét vào các cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, phương án này cũng kế thừa về cách lựa chọn môn thi đã ổn định trong thời gian dài: Chỉ chọn thi 3 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ)/tổng số các môn học bắt buộc gồm (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Tin học, Thể dục, Giáo dục Quốc phòng và An ninh); 6 môn học khác trở thành môn tự chọn trong 2 tổ hợp môn (Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học; Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Về ý kiến cho rằng thi 5 môn có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử cũng như mất cân bằng khối thi, môn thị, cô Hiền cho hay: “Việc học lệch môn Lịch sử cần có đánh giá trong thực tế, vì hiện nay tất cả chỉ là dự đoán những khả năng có thể xảy ra. Tới năm 2025 khi phương án thi này được áp dụng, lúc đó sẽ thống kê được kết quả từ các nhà trường, kết quả toàn ngành và phân tích, đánh giá. Từ đó mới có thể xác định được nhận định đó đúng hay chưa”.

Cùng tham gia góp ý kiến lựa chọn phương án thi 5 môn, cô Lê Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết:

“Nhà trường chọn phương án thi 5 môn (3 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn). Mỗi hình thức thi đều có ưu, nhược điểm khác nhau nhưng hình thức thi 3 môn bắt buộc này sẽ giảm tải cho học sinh cũng như đỡ tốn kém cho Nhà nước.

Còn về môn Lịch sử, phía nhà trường vẫn đảm bảo dạy và học nghiêm túc. Nếu đến lớp 12 học sinh không lựa chọn thi môn này thì các bạn vẫn phải đảm bảo được những kiến thức cơ bản để hoàn thành môn học và chương trình”.

Trong khi đó, cô Trần Thị Bích Hợp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đống Đa, Hà NỘi cho biết: Nhà trường đã tiến hành khảo sát ý kiến của các giáo viên trong toàn trường. Trong tổng số 89 giáo viên của nhà trường có 74 người lựa chọn phương án thi 5 môn (chiếm 83%), 15 giáo viên lựa chọn thi 6 môn (chiếm 17%).

Cô Trần Thị Bích Hợp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đống Đa. (Ảnh: Website nhà trường)

Cô Trần Thị Bích Hợp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đống Đa. (Ảnh: Website nhà trường)

Trong khi đó, ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết:

Thực hiện Công văn số 4430/BGDĐT-QLCL ngày 21/8/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc góp ý dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông tổ chức hội thảo nghiên cứu và lấy ý kiến của toàn bộ các giáo viên. Kết quả cụ thể như sau:

Về phương án thi 6 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử bắt buộc và 2 môn tự chọn), tỉnh Bắc Giang cho rằng ưu điểm của phương án này sẽ phù hợp với lộ trình đưa môn Lịch sử trở thành một trong những môn học bắt buộc; đánh giá được tầm quan trọng của việc dạy học môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Nhờ đó mà tất cả học sinh đều phải quan tâm học tập và ôn luyện Lịch sử.

Tuy nhiên, phương án thi này cũng có hạn chế là gây áp lực cho học sinh khi tham gia thi và thời gian tổ chức thi nhiều. Đồng thời việc tổ chức phòng thi cho các môn tự chọn cũng tương đối phức tạp.

Về phương án thi 5 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc và 2 môn tự chọn) có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh khi tham gia kỳ thi và thời gian tổ chức kỳ thi. Đảm bảo kế thừa những thành tựu của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm vừa qua. Tạo sự ổn định trong những năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang (bên trái). (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang)

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang (bên trái). (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang)

Quan trọng nhất là phương án thi này đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW là “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh làm cơ sở tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là phức tạp trong tổ chức phòng thi cho các môn tự chọn.

Nhật Lệ