Hiệu trưởng trường THPT chuyên ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 6 môn từ năm 2025

19/10/2023 06:33
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lãnh đạo trường trung học phổ thông chuyên cho rằng nên thi theo phương án 4+2 mới thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của Đảng và nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (phương án thi) với 2 lựa chọn gồm:

Lựa chọn 4+2: thí sinh học chương trình trung học phổ thông thi 04 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 02 môn tự chọn. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và 02 môn tự chọn.

Lựa chọn 3+2: thí sinh học chương trình trung học phổ thông thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 02 môn tự chọn (bao gồm cả môn Lịch sử). Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi bắt buộc 02 môn (Ngữ văn, Toán) và 02 môn tự chọn.

Trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2: thí sinh học chương trình trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thi bắt buộc 02 môn (Toán, Ngữ văn) và 02 môn tự chọn (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).

Trước các phương án trên, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hoài Nam – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 nên sử dụng phương án 4+2 tức là bao gồm 04 môn thi bắt buộc (Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 02 môn tự chọn bởi nó phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Đảng và nhà nước.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Theo thầy Nam, hiện nay, theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, môn Lịch sử là môn học bắt buộc. Do đó, việc đưa môn Lịch sử vào môn thi bắt buộc là phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước. Vì nếu đã là môn học bắt buộc mà lại không thi bắt buộc sẽ không hợp lý.

Trong khi đó, nếu lựa chọn phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông không cho môn Lịch sử là môn thi bắt buộc sẽ có độ vênh giữa chủ trương của Đảng, nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ phải tính toán đến việc này để đảm bảo sự nhất quán, thông suốt khi đưa ra quyết định số môn thi tốt nghiệp cho năm 2025. Hơn nữa, ở những giai đoạn sau khi chúng ta nhận thấy môn thi nào không phù hợp thì có thể điều chỉnh sau.

Tuy nhiên, thầy Nam cũng cho rằng, trong 2 môn thi tự chọn còn lại sẽ có một số khó khăn bởi bên cạnh các môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các em sẽ lựa chọn 4 môn học lựa chọn trong số 9 môn: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Trong khi đó, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chủ yếu sử dụng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng hiện dù học sinh đã lựa chọn các tổ hợp môn học tự chọn nhưng các trường đại học vẫn chưa đưa ra hướng dẫn, kế hoạch dự kiến xem từ năm 2025 ngành học nào xét tuyển những môn nào.

Đặc biệt là đối với những môn đặc thù như giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, … càng cần có những hướng dẫn về cách thức thi cụ thể hơn.

Do đó, ở thời điểm hiện tại, cả học sinh, phụ huynh và nhà trường đều đang khá lúng túng và khó đưa ra định hướng phù hợp cho các em vì năm 2025 là năm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên của chương trình mới.

Mặt khác, theo thầy Nam, đối với phương án thi 2+2 gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 mặc dù giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí cho nhà nước, xã hội nhưng không phù hợp với xu thế hiện nay. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, ngoại ngữ là một môn học không thể thiếu nên cần được thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hơn nữa, nếu chỉ còn có 4 môn thi sẽ làm hạn chế đi cơ hội lựa chọn vào các ngành học mong muốn của các em cũng như khiến các trường khó chọn được những thí sinh có đầu vào tốt như mong muốn.

Thầy Nam mong rằng, ngay từ khi kết thúc năm học 2023-2024, các trường đại học, cao đẳng cần phải đưa ra những phương án tuyển sinh của mình và các ngành học có những lựa chọn về môn thi ra sao để thuận lợi trong việc định hướng ngành nghề cho học sinh.

Sau năm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục cần tiếp tục lắng nghe dư luận xã hội và đưa ra phương án phù hợp hơn cho những năm tiếp theo.

Cũng bàn về vấn đề trên, thầy Phan Văn Chương- Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, quan trọng là chúng ta phải thực hiện được bài toán so sánh các phương án với nhau và lựa chọn phương án nào có tính hiệu quả, phù hợp nhất.

Đơn cử như nếu lựa chọn phương án 4+2 sẽ đi theo đúng tinh thần là học gì thi nấy, đã là những môn học bắt buộc sẽ phải thi bắt buộc. Hơn nữa, việc để môn Lịch sử là môn thi bắt buộc sẽ giúp các em chú trọng hơn vào việc học Lịch sử, từ đó giúp giáo dục cho các em về lòng tự hào dân tộc.

Trong khi đó, theo Thạc sĩ Vũ Ngọc Hòa - giáo viên môn Toán tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Đồng Nai) lại cho rằng, phương án 2+2 với 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn là phù hợp nhất. Trong 2 môn tự chọn, tùy theo ngành học các em mong muốn mà lựa chọn môn thi cho phù hợp. Em nào muốn vào học các ngành liên quan đến khối xã hội nhân văn có thể chọn Lịch sử, Địa lý hay muốn thi khối ngành sức khỏe có thể chọn Hóa học, Sinh học,...

Phương án 2+2 này sẽ giảm tải áp lực thi cử cho các em và tiết kiệm được nguồn lực cho nhà nước, xã hội. Hơn nữa, khi chỉ còn thi 4 môn, các em sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào ôn thi các môn giúp mình vào được ngành học mong muốn.

"Nhìn nhận từ quãng thời gian dài công tác trong nghề, tôi thấy rằng, thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 5 môn hay 6 môn đều gây ra nhiều áp lực cho học sinh.

Hơn nữa, chính việc chúng ta còn nặng nề trong thi cử nên mới sinh ra vấn nạn học thêm tràn lan, nhiều trường sợ học sinh rớt tốt nghiệp, ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường nên bắt học sinh học thêm, gây nên áp lực không nhỏ đối với các em", thầy Hòa nói thêm.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dành cho khóa học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, do vậy, thầy Hòa cho rằng, cần lưu tâm một số vấn đề.

Thứ nhất, đảm bảo rằng giáo viên được đào tạo về những thay đổi trong chương trình học và cách triển khai kỳ thi tốt nghiệp mới. Điều này giúp họ nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để hướng dẫn học sinh.

Thứ hai, tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh, bao gồm cung cấp tài liệu, phương pháp học tập hiệu quả, và hỗ trợ tư vấn để giúp các em hiểu rõ yêu cầu của kỳ thi và nắm vững kiến thức.

Thứ ba, xây dựng một hệ thống đánh giá công bằng và chính xác để đảm bảo tính công bằng trong kỳ thi tốt nghiệp. Điều này đảm bảo rằng học sinh được đánh giá dựa trên năng lực và kiến thức thực sự của mình.

Thứ tư, đảm bảo giáo viên và học sinh đều được cung cấp đầy đủ tài liệu và hướng dẫn về nội dung, cấu trúc và yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp mới để có thể định hình kế hoạch học tập và ôn tập một cách hiệu quả.

Thứ năm, sau khi triển khai kỳ thi, cần đánh giá và cải tiến quá trình triển khai kỳ thi để đảm bảo tính liên tục và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tường San