Sư phạm và Ngôn ngữ là 2 nhóm ngành có điểm chuẩn cao ở Trường ĐH Thủ đô Hà Nội

31/05/2024 06:22
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2023, các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý có mức điểm chuẩn cao nhất (theo thang điểm 30) tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là trường đại học công lập do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý. Trường được thành lập ngày 31/12/2014 trên cơ sở nâng cấp, tiếp nối truyền thống 55 năm đào tạo ngành sư phạm của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Ngày 26/12/2016, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có quyết định sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đây cũng là một dấu mốc mới trong sự phát triển của trường.

Ngày 12/05/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trực thuộc Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Từ đây, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội mang sứ mệnh là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học. Tiếp tục coi trọng công tác đào tạo giáo viên theo định hướng ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, các sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, khu vực Thủ đô và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trở thành trường đại học thông minh hàng đầu, được tổ chức theo mô hình đại học gồm hệ thống các đơn vị thành viên là các trường Đại học, Viện nghiên cứu, trường thực hành có nhiều cấp học và các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Hiện nay, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn là Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.

Những điểm mới trong tuyển sinh năm 2024

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có 3 cơ sở đào tạo bao gồm: Trụ sở chính tại số 98 phố Dương Quảng Hàm, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội. Cơ sở 2 tại xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội và cơ sở 3 tại số 6 phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 nhà trường công bố, năm nay, trường chính thức tuyển sinh và đào tạo thêm cơ sở 4 ở Thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2021, 2022 nhà trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa vào Chứng chỉ chứng nhận năng lực ngoại ngữ quốc tế bậc 3 hoặc tương đương trở lên; Xét tuyển dựa vào kết quả thi Trung học phổ thông; Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết quả học tập học kì I lớp 12 bậc trung học phổ thông.

Năm 2023, trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển như sau: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa vào Chứng chỉ chứng nhận năng lực ngoại ngữ quốc tế bậc 3 hoặc tương đương trở lên; Xét tuyển dựa vào kết quả thi trung học phổ thông; Xét tuyển kết quả học tập học lớp 12 bậc trung học phổ thông.

Năm 2024, trường dự kiến giữ nguyên 4 phương thức tuyển sinh như năm 2023.

GDVN_PTTS.png

Với ngành Giáo dục thể chất yêu cầu điểm thi năng khiếu, cuộc thi tuyển năng khiếu được tổ chức thi trực tiếp tại trụ sở chính Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 98 Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội với 02 nội dung là Tại chỗ bật xa (thực hiện 2 lần, lấy thành tích ở lần thực hiện tốt nhất) và Chạy con thoi (thực hiện 4 lần x10m).

Về điều kiện đảm bảo chất lượng cũng có sự thay đổi theo các năm. Cụ thể năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 2088; tổng diện tích đất là 10,1 ha; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của nhà trường tính trên 1 sinh viên chính quy là 5,5m2/sinh viên; số chỗ ở ký túc xá là 800 chỗ.

Năm 2023, tổng diện tích đất của trường vẫn là 10,1 ha; tổng chỉ tiêu tuyển sinh được nâng lên là 2100. Theo đó, diện tích sàn tính trên 1 sinh viên chính quy giảm còn 4,7m2/sinh viên; số chỗ ở ký túc xá là 800 chỗ.

Năm 2024, vì có thêm cơ sở 4, tổng diện tích đất của trường được nâng lên là 24,1 ha; tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 2290 (tăng 190 chỉ tiêu so với năm 2023). Tuy nhiên, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của nhà trường tính trên 1 sinh viên chính quy theo trường công bố trong đề án tuyển sinh 2024 còn 3,65m2/sinh viên và số chỗ ở ký túc xá tăng lên 2608 chỗ (gấp 3,26 lần so với năm 2023).

Theo thông tin từ Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường, tại hạng mục danh sách giảng viên tính đến thời điểm hiện tại, trường có tổng số giảng viên là 386, bao gồm 315 là giảng viên cơ hữu, 71 giảng viên thỉnh giảng.

Tính đến thời điểm này, trong số 315 giảng viên cơ hữu trường có 9 phó giáo sư, 90 tiến sĩ, 210 thạc sĩ và 15 là giảng viên có trình độ đại học.

gdvn_dv trình độ.png

Theo thống kê của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trong 3 năm gần đây Trường Đại học Thủ đô Hà Nội liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể năm 2021, tổng chỉ tiêu là 1605 cho tất cả các ngành đào tạo. Năm 2022, trường tăng 503 chỉ tiêu so với năm học trước, nâng tổng chỉ tiêu lên 2108.

Năm 2023 và 2024, chỉ tiêu tuyển sinh tiếp tục tăng nhẹ nhưng không đáng kể: năm 2023 là 2139 chỉ tiêu và năm 2024 là 2290 chỉ tiêu.

GDVN_CHỈ TIÊU TS.png

Về số lượng các ngành đào tạo, trường cũng có sự thay đổi trong 3 năm gần đây.

Cụ thể, năm 2021, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tuyển sinh 22 ngành thay vì tuyển 23 ngành như năm 2020 (không còn tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường).

Năm 2022, trường trở lại tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và mở thêm 1 ngành học mới là ngành Giáo dục thể chất.

Năm 2023, trường mở thêm 5 ngành học mới bao gồm: Tâm lý học, Văn học, Tài chính - ngân hàng, Văn hoá học, Bảo hộ lao động.

Sư phạm và Ngôn ngữ là 2 khối ngành có điểm chuẩn cao

Về mức điểm đầu vào các ngành học trong 03 năm trở lại đây tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng có sự thay đổi theo từng năm.

Nhìn chung, khối ngành I (Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) và khối ngành VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường) luôn dẫn đầu mức điểm chuẩn tại trường.

Ở khối ngành I, ngành học đứng đầu là ngành Sư phạm Toán với 34,8 điểm trong năm 2021, giảm nhẹ còn 33,95 điểm trong năm 2022 (xét theo thang điểm 40).

Kế tiếp là ngành Sư phạm Ngữ Văn, năm 2021 điểm chuẩn đầu vào của ngành là 34,43 điểm và giảm trong năm 2022 với mức điểm 33,93.

Năm 2021, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử là 34,10 và tăng trong năm 2022, là ngành học có điểm chuẩn cao nhất trường với 36 điểm.

Với ngành Sư phạm Vật lý, năm 2021 điểm chuẩn đầu vào là 29 điểm và tăng nhẹ trong năm 2022 ở mức 29,87 điểm.

GDVN_ẢNH 4.png

Năm 2023, trường xét điểm chuẩn theo thang điểm 30. Cụ thể, ngành Sư phạm Toán học có điểm chuẩn là 26,15 điểm. Kế tiếp là ngành Sư phạm Ngữ văn với 25,8 điểm, Sư phạm Lịch sử là 25,15 điểm và Sư phạm Vật lý có mức điểm chuẩn 24,20 điểm.

Trong khối ngành VII, ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung quốc có điểm chuẩn cao nhất.

Xét theo thang điểm 40, năm 2021, ngành Ngôn ngữ Anh lấy điểm chuẩn là 34,55 điểm, "hạ nhiệt" trong năm 2022 còn 33,40. Năm 2023 khi xét theo thang điểm 30, ngành Ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn là 25,22 điểm.

GDVN_ẢNH 5.png

Với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, điểm chuẩn cao nhất là năm 2021 với mức điểm 35,07 và giảm trong năm 2022 còn 33,02 điểm (theo thang điểm 40). Năm 2023, điểm chuẩn ngành học là 25,31 điểm (theo thang điểm 30).

Điểm chuẩn của 05 ngành học mới bắt đầu được tuyển sinh trong năm 2023 cụ thể như sau: ngành Bảo hộ lao động có mức điểm chuẩn cao nhất với 26 điểm, kế tiếp là ngành Văn học 24,59 điểm. Ngành Tâm lý học có mức điểm chuẩn là 23,23 điểm, ngành Tài chính - ngân hàng là 22,55 điểm.

Ngành Văn hoá học thuộc nhóm các ngành có điểm chuẩn thấp nhất trường với mức điểm chuẩn 16.

Theo kết quả khảo sát năm 2023 về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp trong khoảng 12 tháng nhà trường ghi nhận, các ngành học Sư phạm Vật lý, Sư phạm Lịch sử, Quản lý công, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công tác xã hội, Chính trị học là các ngành đạt tỷ lệ 100%.

Bên cạnh đó, 2 ngành đạt tỷ lệ thấp nhất là ngành Quản lý giáo dục (75%) và ngành Giáo dục công dân (77,78%), các ngành còn lại đều đạt trên 80%.

Tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, mức học phí được quy định theo từng khối ngành đào tạo. Với khối ngành I (Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) và Khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, pháp luật), mức học phí dự kiến cho năm học 2024 - 2025 là 1.410.000 đồng/tháng, tương đương 14.100.000 đồng/năm.

Đến năm học 2025 - 2026 là 1.590.000 đồng/tháng, năm học 2026 - 2027 là 1.790.000 đồng/tháng và năm học 2027 - 2028 là 1.970.000 đồng/tháng.

Theo đó, thí sinh trúng tuyển và nhập học các ngành đào tạo giáo viên, để được nhận hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí khi nhà trường được giao nhiệm vụ, đặt hàng của Uỷ ban nhân dân các địa phương và sinh viên cần đáp ứng được các điều kiện về giao nhiệm vụ, đặt hàng của các địa phương, có đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn kinh phí theo quy định của Nhà nước.

Với những sinh viên không được địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc sinh viên không có đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn kinh phí theo quy định Nhà nước sẽ phải nộp học phí theo quy định.

Khối ngành IV (Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên), học phí dự kiến cho năm học 2024 - 2025 là 1.520.000 đồng/tháng. Năm học 2025 - 2026 là 1.710.000 đồng/tháng, năm học 2026 - 2027 là 1.930.000 đồng/tháng và năm học 2027 - 2028, mức học phí là 2.123.000 đồng/tháng.

Khối ngành V - (Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thuỷ sản, thú y), học phí cho năm học 2024 - 2025 là 1.640.000 đồng/tháng, năm học 2025 - 2026 mức học phí là 1.850.000 đồng/tháng.

Với năm học 2026 - 2027, mức học phí quy định là 2.090.000 đồng/ tháng và 2.300.000 đồng/tháng cho năm học 2027 - 2028.

Còn lại là khối ngành VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường), học phí năm học học 2024 - 2025 là 1.500.000 đồng/tháng, năm học 2025 - 2026 học phí là 1.690.000 đồng/tháng.

Năm học 2026 - 2027, mức học phí được quy định là 1.910.000 đồng/tháng và năm học 2027 - 2028, học phí 2.100.000 đồng/tháng.

Chi tiết các khối ngành của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội như sau:

Khối ngành I (Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) bao gồm ngành Quản lý giáo dục, Giáo dục đặc biệt, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục thể chất.

Khối ngành III (Kinh doanh và quản lý pháp luật) bao gồm ngành Luật, Quản trị kinh doanh.

Khối ngành IV (Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên) bao gồm Toán ứng dụng, Tài chính - Ngân hàng.

Khối ngành V (Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thuỷ sản, thú y) bao gồm Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Khối ngành VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường) bao gồm ngành Công tác xã hội, Chính trị học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Việt Nam học, Quản lý công, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Bảo hộ lao động, Văn hoá học, Văn học, Tâm lý học.

Đào Hiền