Tôi thấy đề thi vào 10 môn Ngữ văn của TPHCM đã tiệm cận chương trình mới

24/06/2024 08:39
Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề thi môn Ngữ văn kì thi tuyển sinh 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2024-2025 đã bắt nhịp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 là kì thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đề thi môn Ngữ văn kì thi tuyển sinh năm nay được giáo giới đánh giá cao vì đã bắt nhịp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, câu đọc hiểu (câu 1) câu nghị luận xã hội (câu 2) và đề 2 câu nghị luận văn học (câu 3) được nhiều giáo viên (dạy môn Ngữ văn) nhận xét có độ mở cao, thí sinh hoàn toàn có thể làm bài tốt mà không cần lệ thuộc sách giáo khoa.

gdvn-thisinhtruocgiolambaivan-1503-5965.jpg
Ảnh minh hoạ, nguồn: P.L, giaoduc.net.vn.

Câu đọc hiểu (Câu 1)

Đội ngũ ra đề thi môn Ngữ văn đã tổng hợp thông tin từ các bài viết trên một tờ báo bàn về tuổi trẻ với biển, đảo quê hương để làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu.

Việc tổng hợp thông tin ở phần đọc hiểu có một số ưu điểm, đó là tạo được một văn bản có dung lượng vừa phải, phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh.

Cùng với đó, nội dung tổng hợp được chắt lọc từ những đoạn văn hay, giàu tính thẩm mĩ, giáo dục, giúp thí sinh có thêm cảm xúc, hứng thú khi làm bài.

Từ nội dung ngữ liệu, đề yêu cầu trả lời 4 câu hỏi (a, b, c, d), trong đó câu c, d hỏi theo hướng mở, thí sinh được bày tỏ quan điểm cá nhân, miễn sao hợp lí là có thể đạt điểm tuyệt đối.

Cụ thể, câu c hỏi: Đoạn thơ Những dòng này tôi viết ở Trường Sa/ Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ/ Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ/ Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên giúp em hiểu gì về những người lính ở quần đảo Trường Sa?

Thí sinh trả lời đại ý: Người lính ở quần đảo Trường Sa có tình yêu biển, đảo; mạnh mẽ, bản lĩnh vượt qua gian lao, thử thách để bảo vệ chủ quyền của biển, đảo quê hương.

Thí sinh có thể trả lời tương đương vẫn đạt điểm, ví dụ, người lính có tình yêu Tổ quốc; can trường, dũng cảm, không ngại khó khăn; ngày đêm canh giữ từng tấc đất của quê hương.

Câu d hỏi, nếu được tổ chức một hoạt động để khơi lên nhịp đập trái tim dành cho biển, đảo quê hương ở các bạn trẻ, em sẽ tổ chức hoạt động gì? Vì sao?

Thí sinh cần nêu rõ tên một hoạt động phù hợp và giải thích để thấy được hoạt động đó đã khơi lên những cảm xúc, tình cảm cụ thể dành cho biển, đảo quê hương ở các bạn trẻ.

Một số giám khảo cho biết, thí sinh trả lời câu hỏi này với các hoạt động rất phong phú, đa dạng, ví dụ: ủng hộ quỹ vì biển, đảo; làm clip, vẽ tranh giới thiệu vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam,...

Một số học sinh nêu hoạt động chưa rõ ràng nhưng giải thích được theo quan điểm cá nhân thì các em vẫn có điểm từ 0,25 đến 0,5 (tổng 1 điểm).

Câu nghị luận xã hội (Câu 2)

Thông thường người ta nghĩ bằng khối óc – suy nghĩ, nhận thức, đánh giá,… về con người, cuộc sống bằng lí trí, trí tuệ, kiến thức,… Nhưng trong quyển sách Một nghệ thuật sống (Nhà xuất bản Trẻ, 2018), tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần lại khuyên: Biết nghĩ bằng con tim.

Em có đồng ý với lời khuyên trên không? Hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của em.

Giám khảo chia sẻ, họ rất thú vị khi chấm câu nghị luận xã hội - có độ mở rất cao, thí sinh được tự do bày tỏ ý kiến (đồng ý/ không đồng ý/ đồng ý một phần với ý kiến trong đề), miễn sao không vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

Theo giám khảo, thí sinh có 3 luồng ý kiến khi làm câu nghị luận xã hội và đa phần các em đều đạt mức điểm dao động từ 1,5 đến 2,5 điểm (tổng 3 điểm).

Nghĩa là, học sinh có lực học từ yếu, trung bình, khá, giỏi đều làm được câu này và điểm thi có sự phân hoá rất rõ ràng.

Thứ nhất, một luồng ý kiến cho rằng, con tim là biểu tượng cho cảm xúc của con người. Nghĩ bằng con tim là nhận thức, đánh giá về cuộc sống và con người bằng sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ.

Thứ hai, một luồng ý kiến khác nêu suy nghĩ ngược lại: việc nghĩ bằng lí trí khiến con người đánh giá tỉnh táo và phát hiện đúng bản chất của sự vật, hiện tượng mà không bị tình cảm chi phối, kiểm soát. Từ đó chúng ta có những ứng xử khách quan, phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Thứ ba, một luồng ý kiến lại dung hoà giữa biết suy nghĩ giữa con tim và lí trí để việc đánh giá, suy xét những vấn đề của cuộc sống và con người được toàn diện, đa chiều, thấu tình đạt lý.

Nhiều học sinh khá, giỏi có sự phản biện sắc sảo, đó là không đồng tình với những người quá lí trí khiến cuộc sống khô khan, cứng nhắc; những người quá cảm tính, luôn bị cảm xúc chi phối dẫn đến thiếu khách quan khi nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống.

Giám khảo cho biết, một số thí sinh làm câu nghị luận xã hội rất tốt, sáng tạo, đạt mức điểm 2,75/3 điểm.

Có thí sinh nêu suy nghĩ, lúc còn học lớp 9, đã có lúc em này vi phạm kỉ luật nhiều lần, bị giáo viên chủ nhiệm la rầy, kể cả phạt.

Theo nội dung bài viết, việc xử phạt học sinh là giáo viên đang làm theo lí trí, theo nội quy của nhà trường.

Tuy nhiên, sau khi xử phạt thì giáo viên chủ nhiệm không hề trách mắng em, ngược lại còn quan tâm, động viên em nhất là những ngày ôn thi tuyển sinh - như thế thầy cô biết nghĩ bằng con tim chứ không phải chỉ bằng lí trí.

Cũng có em học sinh thẳng thắn nêu quan điểm, nhiều cha mẹ vì quá yêu thương con, nuông chiều con nên luôn nghĩ đến con bằng con tim. Đó cũng là lí do khiến nhiều đứa con ỷ lại, sống ích kỉ, thậm chí hư hỏng ngay từ nhỏ.

Câu nghị luận văn học (Câu 3)

Đề 2

z5532596326769_f413a11712539e5cceccf2297a72591d.jpg

Giám khảo cho biết, người ra đề đã rất công phu, tử tế khi thể hiện hình thức đề thi (Đề 2 Câu 3) với câu chữ ngắn gọn, súc tích, thể hiện tình cảm đong đầy yêu thương gửi đến thí sinh.

Nội dung đề như một bức thư ngắn, dẫn lời chia sẻ của một học sinh lớp 9 về chủ đề sinh hoạt tháng 6 của câu lạc bộ là "Những nhịp tim dành cho thơ".

Học sinh này bày tỏ cảm thấy khó khăn trong việc phân tích thơ và mong được chia sẻ, đặc biệt là những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên.

Có thể hiểu, nội dung đề yêu cầu thí sinh phân tích một khổ/đoạn/bài thơ để làm nổi bật vẻ đẹp của tác phẩm và những rung động của bản thân (khi phân tích).

Bên cạnh đó, thí sinh chia sẻ thêm về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên và chỉ ra những tác động của tình cảm đó đối với bản thân.

Với cách ra đề theo truyền thống như thường thấy, đề thi của nhiều tỉnh, thành sẽ hỏi: Cảm nhận của em về đoạn thơ/bài thơ... Hoặc phân tích đoạn thơ/bài thơ để làm rõ... Cách hỏi như thế này rất đơn điệu, gây nhàm chán cho thí sinh.

Nhưng đề thi môn Ngữ văn của Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi từ hình thức đến nội dung, tạo sự hứng thú cho thí sinh khi làm bài.

Điều đáng bàn thêm, để làm được câu nghị luận văn học (Câu 3 Đề 2) đạt mức từ 3/4 điểm (tương đương 7,5/10 điểm) đòi hỏi thí sinh phải thực sự có năng lực văn chương. Câu hỏi này có độ mở và độ phân hoá cao, phù hợp với kì thi tuyển sinh lớp 10.

Nhìn chung, theo người viết, đề thi môn Ngữ văn kì thi tuyển sinh 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2024-2025 đã bắt nhịp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Anh