Bàn luận về xu hướng của công nghệ ở lĩnh vực năng lượng, điện tử, tự động hóa

24/06/2024 09:25
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện nhu cầu nhân lực điện gió ngoài khơi rất lớn và chế độ hậu đãi cho người lao động ở lĩnh vực này rất cao.

Ngày 21/6, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đăng cai tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về năng lượng, điện tử và tự động hóa lần thứ nhất (hội nghị EEA 2024) với chủ đề "Xu hướng mới về công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, điện tử, tự động hóa". Hội nghị đã thu hút gần 400 đại biểu tham dự.

Hội nghị nhằm hiện thực hóa thỏa thuận hợp tác MOU về hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ được ký kết vào tháng 5/2023 bởi các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công thương.

1.jpg
Các đại biểu khách mời tham dự hội nghị EEA 2024. (Ảnh: NTCC)

Về phía khách mời, có Tiến sĩ Trần Quang Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.

Về phía lãnh đạo các trường trong nhóm ký kết thỏa thuận hợp tác, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hằng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.

Về phía Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, có Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng, cùng các thầy cô trong Ban Giám hiệu, giảng viên và sinh viên của nhà trường.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định, nhà trường coi việc tổ chức hội nghị EEA 2024 là cơ hội để giới thiệu năng lực nghiên cứu, quảng bá hình ảnh của nhà trường tới các nhà khoa học ở trong và ngoài nước. Theo thầy Đông, trong bối cảnh hiện nay, cuộc chạy đua tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, xanh và bền vững trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi nhu cầu về năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng lớn. Các nhà khoa học đã có nhiều bước tiến đột phá trong nghiên cứu khi hướng tới các nguồn năng lượng sóng biển, năng lượng gió ngoài khơi, nhiệt đại dương và năng lượng sinh học.

GDVN.jpg
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đông phát biểu trong hội nghị.

"Ngày nay, năng lượng, điện tử và tự động hóa được coi là mạch máu, hệ thần kinh và là xương sống của một nền công nghiệp hiện đại. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, việc tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật, tìm kiếm hướng nghiên cứu, xu hướng công nghệ mới, đặc biệt là nghiên cứu công nghệ liên ngành, đa lĩnh vực là xu thế tất yếu. Hội nghị được kỳ vọng là diễn đàn chuyên sâu, nơi để chuyên gia trong và ngoài nước hội tụ, giới thiệu, trao đổi chia sẻ và thảo luận vấn đề mới nhất về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa”, thầy Đông chia sẻ.

Phát biểu trong hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vinh dự khi được cùng các cơ sở đào tạo khác thuộc Bộ Công thương đồng chủ trì tổ chức hội nghị EEA 2024 theo nội dung thỏa thuận đã ký kết.

GDVN 1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trong hội nghị.

“Hội nghị năm nay có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, đề cập đến: vận hành tối ưu các hệ thống năng lượng, chẩn đoán sự cố trong các hệ thống, thu thập và truyền dữ liệu, hệ thống lưu trữ năng lượng, ứng dụng điện tử công suất, trí tuệ nhân tạo và điều khiển robot công nghiệp,... Đây là những công trình nghiên cứu thể hiện xu thế mới trong công nghệ năng lượng, điện tử, tự động hóa, cũng như tính cập nhật trong công tác đào tạo, nghiên cứu ở các trường”, cô Mai chia sẻ.

Vào năm 2026, hội nghị EEA lần thứ II sẽ do Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức. Do vậy, cô Mai mong muốn và đề nghị các đơn vị, các nhà trường cần hợp tác nhiều mặt, đa loại hình, lĩnh vực, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu chung, thúc đẩy các công bố khoa học từ các nhóm nghiên cứu liên trường. Đồng thời, tăng cường sử dụng chung cơ sở vật chất, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo và phục vụ cộng đồng.

GDVN 3.jpg
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đông tặng cờ cho Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị EEA 2026.

Hội nghị đã được nghe tham luận của 4 diễn giả uy tín. Trong đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Tân – Phó Trưởng khoa, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Phenikaa đã chia sẻ nội dung về “Cảm nhận thông minh và một số kỹ thuật xử lý tín hiệu trong kỹ thuật y sinh”.

GDVN 4.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Tân – Phó Trưởng khoa, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ trong hội nghị.

Kỹ thuật y sinh là lĩnh vực gồm nhiều lĩnh vực chuyên sâu, như hình ảnh y khoa, chẩn đoán hình ảnh, thiết bị và hệ thống y sinh, công nghệ tế bào và mô,... Trong phần chia sẻ, thầy Tân nhấn mạnh đến xử lý tín hiệu kỹ thuật y sinh, công nghệ thông tin y tế và nghiên cứu, có thể hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh chính xác hơn, hướng tới tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Thầy Tân cho biết, hiện có một số đơn vị đào tạo lĩnh vực kỹ thuật y sinh như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (bắt đầu đào tạo chuyên ngành Điện tử y sinh từ năm 2023), Trường Đại học Phenikaa. Nếu trong trường hợp các đơn vị đào tạo kỹ thuật y sinh không đủ các nguồn lực thì có thể đi sâu vào đào tạo về thiết bị hệ thống y sinh, xử lý tín hiệu y sinh – đây cũng là hướng được Trường Đại học Phenikaa lựa chọn để dạy cho sinh viên học chương trình đào tạo về kỹ thuật y sinh. Qua những chia sẻ của thầy Tân, các đại biểu, giảng viên và đặc biệt là sinh viên tham dự hội nghị có đã thêm thông tin về lĩnh vực kỹ thuật y sinh, trong đó có điện tử y sinh.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam – Nhật Bản (VJS), hiện đang công tác tại Đại học Kyushu Nhật Bản đã trình bày tham luận về “Xã hội Hydrogen”.

GDVN 5.jpg
Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam – Nhật Bản (VJS) chia sẻ trong hội nghị.

Theo đó, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường đã có những đánh giá tổng quan về việc ứng dụng hydrogen ở trên thế giới và ở Việt Nam. Ngoài ra, để tiếp cận được đến việc sản xuất ra hydrogen, đầu tiên Việt Nam phải có chiến lược đào tạo nhân lực năng lượng tái tạo nói chung và hydrogen nói riêng.

“Bài học kinh nghiệm trong phát triển điện mặt trời, điện gió ở nước ta đó là rất khát nguồn nhân lực. Do đó, để có nguồn năng lượng mới hydrogen thì cần phải phát triển nguồn nhân lực và tiếp cận với kiến thức công nghệ. Chỉ khi có đủ nguồn nhân lực và công nghệ thì mới có thể thực hiện được các dự án thí điểm về hydrogen. Ví dụ, Mỹ đã có một khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu về hydrogen,...”, Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam – Nhật Bản (VJS) chia sẻ.

GDVN 8.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Cùng chia sẻ trong hội nghị, ông Nguyễn Bá Hoài – Phó Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã đưa ra những thông tin cụ thể về hệ thống điện Việt Nam hiện nay như thế nào, các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam ra sao. Đặc biệt, ông Hoài cũng chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong tái tạo năng lượng và có giải pháp để tái tạo năng lượng này.

GDVN 7.PNG
Ông Nguyễn Bá Hoài – Phó Trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia chia sẻ trong hội nghị.

“Việt Nam hiện đang thiếu nguồn nhân lực cho phát triển năng lượng tái tạo. Minh chứng đối với Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia là giai đoạn năm 2019-2020 phát triển điện mặt trời và giai đoạn 2021-2022 phát triển điện gió, khi đó mỗi nhà máy cần ít nhất 5 Trưởng ca. Để có đủ nhân lực này, các chủ đầu tư phải tìm kiếm trong số tất cả những người từ ngành điện cho đến ngành khác. Những chia sẻ trước của một số diễn giả cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển năng lượng tái tạo đang rất cấp thiết, như tới đây, nếu muốn phát triển điện gió ngoài khơi thì không biết lấy đâu ra nguồn nhân lực”, ông Hoài chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, Tiến sĩ Dư Văn Toán – cán bộ Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng bày tỏ trăn trở trước tiềm năng phát triển của năng lượng điện gió ngoài khơi nhưng lại rất thiếu nguồn nhân lực.

GDVN 6.jpg
Tiến sĩ Dư Văn Toán phát biểu trong hội nghị.

Theo thầy Toán, công trình điện gió ngoài khơi phức tạp hơn các công trình điện gió trên bờ, phải có hệ thống cột trụ các công trình, đường cáp ngầm. Công việc thường xuyên phải làm ở trên biển nên lương của người lao động sẽ cao hơn rất nhiều so với làm ở đất liền. Tuy nhiên, hiện các cơ sở đào tạo ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng nguồn nhân lực cho các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng.

“Theo một số báo cáo, về lộ trình, giá điện sẽ xuống dưới 10 cent/1kWh, điện gió thủy triều và các điện gió khác đều rất có cơ hội phát triển, đồng thời các công việc về nghiên cứu và đào tạo nhân lực điện gió ngoài khơi sẽ phát triển theo”, thầy Toán chia sẻ.

Bên cạnh những tiềm năng phát triển, theo thầy Toán, ngành điện gió mới chỉ xuất hiện cách đây 30 năm – ngành còn non trẻ. Mặc dù có những doanh nghiệp lớn trên toàn cầu tham gia vào nhưng bất kỳ ngành công nghiệp non trẻ và đang phát triển nhanh chóng nào cũng có những thách thức về việc sáp nhập và mua lại, thay đổi chiến lược với tốc độ nhanh chóng hơn.

Thách thức đối với điện gió ngoài khơi của Việt Nam là việc quản lý, cấp phép nghiên cứu, khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi chưa đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, chưa có đầu mối một cửa trong việc quản lý, cấp phép dự án điện gió ngoài khơi ở cấp trung ương và địa phương. Hiện nay, việc khảo sát biển cho dự án điện gió ngoài khơi đang tạm dừng cấp phép, đợi sửa đổi các văn bản pháp lý chuyên môn. Chính sách, pháp lý, quy trình, trình tự thẩm định, phê duyệt dự án liên quan đến điện gió ngoài khơi chưa đầy đủ, đồng bộ; nhân lực khoa học công nghệ, STEM chất lượng cao chưa nhiều.

GDVN 10.jpg
Hội nghị thu hút nhiều sự quan tâm của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Từ những thách thức trên, thầy Toán đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam như: sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp lý cho phát triển điện gió (luật, cùng các văn bản nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi); chỉ định một cơ quan đầu mối quốc gia quy hoạch tổng thể cấp quốc gia về phát triển điện gió ngoài khơi và cấp phép một cửa cho các dự án điện gió ngoài khơi; thúc đẩy việc sản xuất, nội địa hóa thiết bị cho việc phát triển và sử dụng các nguồn điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn và dài hạn với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và tập huấn về nguồn điện gió ngoài khơi; xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Đồng thời, cần quan tâm đến đào tạo nhân lực cho điện gió ngoài khơi nói riêng, cho ngành Năng lượng tái tạo nói chung.

“Việc đào tạo nhân lực cho điện gió ngoài khơi cần có những hợp tác quốc tế kể cả về các chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên. Chúng ta cần hợp tác sâu rộng hơn nữa với các quốc gia phát triển về điện gió ngoài khơi như Đan Mạch, Anh, Đức... bởi hiện nhu cầu nhân lực điện gió ngoài khơi là rất lớn và chế độ hậu đãi cho người lao động ở lĩnh vực này rất cao”, thầy Toán chia sẻ.

GDVN 2.jpg
Ban tổ chức hội nghị chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả.
Ngọc Mai