Trường Đại học Hàng hải Việt Nam không còn giảng viên hệ cử nhân vào năm 2045

15/04/2024 07:08
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đến năm 2045, số giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Hàng hải Việt Nam có 183 giáo sư, phó giáo sư; 732 tiến sĩ; 488 thạc sĩ và không còn giảng viên hệ cử nhân.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học lớn nhất ở thành phố Hải Phòng và cũng thuộc top lớn nhất trong ngành Giao thông vận tải của cả nước. Đây là nơi tập trung đội ngũ tri thức khoa học công nghệ và cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho sự phát triển kinh tế biển của thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

Đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Trường hiện đang đào tạo 08 chuyên ngành bậc tiến sĩ, 17 chuyên ngành bậc thạc sĩ, 47 chuyên ngành bậc đại học và 15 chuyên ngành bậc cao đẳng với quy mô hơn 15.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các hệ đang theo học.

Tuyển sinh đại học chính quy hàng năm duy trì ổn định ở mức trên 4.000 sinh viên/năm. Nhà trường hiện có 585 cán bộ, giảng viên, trong đó có 43 giáo sư, phó giáo sư; 204 trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học; 353 thạc sĩ, 28 trình độ đại học cùng hàng trăm thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và sĩ quan hàng hải đạt trình độ quốc tế.

GDVN_PGS.Pham-Xuan-Duong-2.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với tri thức khoa học của Thường trực Thành uỷ Hải Phòng (Ảnh: LT)

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trên, trong 5 năm qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực Khoa học công nghệ với gần 800 đề tài cấp cơ sở, 100 đề tài cấp Bộ và thành phố; gần 600 công trình khoa học được công bố trên các Tạp chí quốc tế uy tín.

Năm 2019, nhà trường đã được Hệ thống đánh giá các trường đại học Việt Nam (UPM - University Performance Metrics) xếp hạng trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học dẫn đầu về nghiên cứu tại Việt Nam (xếp thứ 21 toàn quốc về chỉ số nghiên cứu tổng thể và vị trí thứ 4 toàn quốc về chỉ số nội lực nghiên cứu).

Nhiều nhà khoa học của nhà trường trong những năm qua được vinh danh trong nước và quốc tế, như Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Giáo sư trẻ nhất năm 2021, gương mặt tiêu biểu của thành phố Hải Phòng năm 2020); Thạc sĩ Trần Bảo Ngọc Hà (một trong 30 phụ nữ xuất sắc được Amelia Earhart Fellowship vinh danh và trao giải thưởng cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, gương mặt tiêu biểu của thành phố Hải Phòng năm 2021); Tiến sĩ Trần Tiến Anh (Nhà khoa học được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022), và nhiều nhà khoa học khác đã đạt giải cao trong Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật của thành phố hàng năm.

Phó giáo sư Phạm Xuân Dương cho biết, trường cũng tích cực tham gia các Chương trình khoa học công nghệ mang tính chiến lược của thành phố, hiện là chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ biển mà thành phố giao;

Đồng thời tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội thông qua việc tham dự và đóng góp ý kiến tại các Diễn đàn, Hội nghị các vấn đề phát triển kinh tế đất nước như Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hội nghị giao ban vùng và Hội thảo khoa học “Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng”,...

GDVN_dhhh-khai-giang-3.jpg
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua (Ảnh: LT)

Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, các sở ban ngành… ký kết các chương trình hợp tác khoa học và công nghệ, đồng chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quan trọng, đóng góp, tham mưu cho thành phố nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ trí thức và khoa học công nghệ.

Có thể kể đến Hội thảo khoa học “Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ biển theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị”, “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số chuỗi cung ứng và dịch vụ Logistics qua cảng biển”, “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, “Khu Kinh tế ven biển phía Nam – Động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng”…

Đến năm 2045 có 183 giáo sư, phó giáo sư

Phó giáo sư Phạm Xuân Dương thông tin: “Ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị đã đưa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vào Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045: “xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu, đào tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển”.

Ngày 08/02/2023, Chính phủ đưa nhà trường vào Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Đầu tư, xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nhân lực đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực để phục vụ phát triển kinh tế biển”.

Theo đó, nhà trường đã và đang tiến hành xây dựng Đề án phát triển Trường với tầm nhìn và sứ mạng: Là trường đại học trọng điểm quốc gia, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, hội nhập quốc tế.

Đến năm 2030 ngang bằng với các trường đại học hàng hải của các nước phát triển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, năng động, sáng tạo, thích ứng trong mọi môi trường làm việc; nghiên cứu, thực nghiệm công nghệ mới, cung ứng sản phẩm về các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển có uy tín, chất lượng trong nước và quốc tế.

Đến năm 2045: Trở thành trường đại học thông minh, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ quốc gia trong lĩnh vực kinh tế biển.

“Để đáp ứng các mục tiêu lớn này, việc phát triển đội ngũ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đồng thời xây dựng môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức khoa học được coi là vấn đề then chốt”, Phó giáo sư Phạm Xuân Dương nhấn mạnh.

Theo đó, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ, tri thức khoa học đến năm 2030 và đến năm 2045.

Cụ thể, đến năm 2030, trường sẽ có 900 giảng viên cơ hữu, trong đó có 81 giáo sư, phó giáo sư; 450 tiến sĩ; 423 thạc sĩ; 27 cử nhân.

Đến năm 2045, số lượng giảng viên cơ hữu tăng lên 1.220 người, trong đó có 183 giáo sư, phó giáo sư; 732 tiến sĩ; 488 thạc sĩ và không còn giảng viên hệ cử nhân.

Để đạt được mục tiêu này, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam xác định một số giải pháp cơ bản để tập trung thực hiện.

Trường xác định các ngành nghề, lĩnh vực trọng tâm, hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cần quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo Nghị quyết số 36-NQ/TW và yêu cầu phát triển của của thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW như: hàng hải, vận tải biển, logistic, đóng tàu, cơ khí,...

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, thống nhất và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà giáo, nhà khoa học đáp ứng yêu cầu của quá trình tự chủ đại học; Đề cao tinh thần cống hiến, tâm huyết, trách nhiệm, nhằm phát huy tốt nhất năng lực của của đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đối với nhà trường, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành có uy tín trong các lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù của nhà trường.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ trí thức, nhà giáo, nhà khoa học; Tiếp tục động viên nhà giáo, nhà khoa học phát huy quyền làm chủ, đặc biệt quan tâm phát triển thêm các nhóm nghiên cứu mạnh thuộc các lĩnh vực đặc thù, chuyên sâu của trường;…

Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ; bám sát các chương trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng…

LÃ TIẾN