Nếu đến trường mà HS không vui, thấy ám ảnh thì thầy cô, nhà trường cần xem lại

28/04/2023 06:48
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ý kiến từ các nhà giáo cho rằng, muốn tránh bạo lực học đường thì nhà trường cần phải nắm bắt được tâm lý của học sinh.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều vụ bạo lực trong trường học ở các mức độ khác nhau, có cả hành vi bạo lực giữa thầy cô giáo và học sinh.

Vì vì thế, không ít ý kiến cho rằng, những hành vi bạo lực xuất hiện sẽ làm "ô nhiễm" môi trường giáo dục.

Ngay cả trong tình huống sư phạm cũng phát sinh hành động có dấu hiệu bạo lực

Vào cuối tháng 11/2022, trong giờ học môn Địa lý của lớp 11B2 của Trường Trung học phổ thông Trường Chinh (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) buổi sáng, em N.T.B.M. bị cô Tuyết Hạnh là giáo viên bộ môn (kiêm Chủ tịch Công đoàn trường) dùng tay đánh vào sau đầu 2 lần.

Lý do là vì cô Hạnh muốn mượn điện thoại của một học sinh trong lớp, để kiểm tra xem tin nhắn mà học sinh Đ. nhắn cho cả lớp nhắc chuyện chép phạt. Tuy nhiên, cô Hạnh đã nói đến 4 lần, nhưng không có học sinh nào trong lớp này mang điện thoại cho cô xem.

Cũng cùng lúc đó, học sinh T. lấy điện thoại của mình đưa cho học sinh M. mượn để nhập mật khẩu wifi của trường, thấy M.cầm điện thoại, cô Hạnh lúc đó đang đứng gần đã dùng tay đánh vào đầu sau đầu của học sinh M., và lấy điện thoại đập mạnh lên bàn, rồi lại dùng tay đánh em M. thêm lần nữa.

Trường Trung học phổ thông Trường Chinh, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: P.L)

Trường Trung học phổ thông Trường Chinh, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: P.L)

Sau đó, cô Hạnh đã mời toàn bộ những học sinh có liên quan đến vụ việc này lên phòng giám thị làm việc. Do chưa có sự thống nhất trong cách hiểu giữa cô và trò nên cô Hạnh có mời 4 phụ huynh của các học sinh liên quan đến sự việc lên gặp cô.

Ít ngày sau, phụ huynh của em M. đã đến trường, trực tiếp gặp cô giáo chủ nhiệm của lớp 11B2 và cô giáo Hạnh để tìm hiểu sự việc.

Trong cuộc nói chuyện này, cô Hạnh đã chủ động xin lỗi phụ huynh và học sinh vì hành động đánh em M.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/4, thầy Nguyễn Minh Hoàng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ngay từ đầu học kỳ 2 của năm học 2022 – 2023, trường đã đổi giáo viên dạy bộ môn Địa ở lớp này.

Sự việc của cô Hạnh là một tình huống sư phạm, nhưng cách xử lý tình huống không khéo léo đã dẫn đến những ứng xử không mong muốn.

Còn đối với học sinh, những vụ việc bạo lực được phát hiện cũng khiến rất nhiều người lo lắng về cách ứng xử của học trò với nhau trong môi trường học đường.

Đơn cử như cuối năm 2022, tại phòng nội trú của Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông (Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) xảy ra một vụ việc nữ sinh lớp 10 bị nữ sinh lớp 12 đánh, tát, chỉ vì nghi ngờ em nữ sinh lớp 10 đi nói với thầy cô chuyện các học sinh nữ lớp 12 sử dụng thuốc lá điện tử.

Tránh bạo lực học đường: Nhà trường cần nắm bắt tâm lý học sinh

Về tình trạng bạo lực học đường, thầy Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, đây là điều đáng buồn của ngành giáo dục, mặc dù các cấp đều có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, lưu ý về bạo lực học đường.

Thế nhưng, trên thực tế, tại các khu vực trong cả nước vẫn xảy ra tình trạng bạo lực học đường dưới nhiều hình thức khác nhau.

Với các em học sinh, thường bạo lực học đường xuất phát từ nguyên nhân không có gì lớn. Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, nếu bình tĩnh và sáng suốt đều có thể giải quyết được, hay nếu người lớn mà kịp thời quan tâm, theo dõi và thấy những biểu hiện khác thường, có thể gặp gỡ và động viên học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Ngai cho biết, mâu thuẫn của học sinh thường chỉ do việc nói xấu nhau trên mạng xã hội; hay cùng có tình cảm chung với một bạn nào đó; có thể có những cử chỉ, lời nói thiếu cân nhắc với bạn mình, kéo theo những xung đột, đánh nhau.

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Điều mà thầy Ngai băn khoăn nhất chính là tình trạng khi xảy ra tình huống đánh nhau, có học sinh đứng xem, cổ vũ, lấy đó làm niềm vui, quay video clip đưa lên mạng xã hội mà không có hành động can ngăn, báo cho người lớn để kịp thời ngăn chặn.

“Đó là biểu hiện của sự thờ ơ, vô cảm, rất đáng buồn" – thầy Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên, gia đình cần phải có sự quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa tới con em mình.

Bởi lẽ, hiện nay, ba mẹ mải lo đi làm, kiếm sống, phần đông chưa gần gũi con, chưa hiểu con, nên không thể nắm bắt được tâm tư, tình cảm của con để có sự giáo dục thích hợp, ngăn ngừa những hành vi bạo lực có thể xảy ra. Chính nền tảng của gia đình và nhà trường vẫn là quan trọng nhất để giáo dục trẻ.

Đối với các nhà trường, thầy cô nên thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh, kịp thời phát hiện ra những thay đổi tiêu cực của các em, nếu có những mâu thuẫn phát sinh thì cần thực hiện hòa giải, ngăn ngừa ngay những phát sinh mang tính chất tiêu cực, bạo lực học đường có thể xảy ra. Nhưng muốn vậy, thầy cô phải là người gương mẫu đã.

Nói thêm câu chuyện về hiệu trưởng đánh hiệu phó nhập viện, thầy Nguyễn Văn Ngai khẳng định, các thầy cô là lãnh đạo trong trường học mà còn hành động bạo lực như vậy, thì sẽ ảnh hưởng đến tư cách là tấm gương dạy dỗ cho các em học sinh.

Chính vì thế, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, ngành giáo dục cũng cần xem lại công tác cán bộ, tăng cường việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng, hiệu phó để chọn lựa ra những người có đủ cả trình độ chuyên môn lẫn đạo đức nhà giáo. Có như vậy mới là những người chuyên tâm chăm lo cho các em không chỉ kiến thức, mà còn chú trọng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

Làm sao để trẻ đến trường là một ngày vui?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nhiều vụ bạo lực xảy ra trong trường học như vậy, thì làm sao để trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui?

Thầy Huỳnh Thanh Phú đặt vấn đề: Cần phải làm sao để học sinh cảm thấy ngôi trường là ngôi nhà thứ hai của mình, trong đó tất cả các thành viên trong cùng gia đình phải cùng yêu thương, trân quý lẫn nhau.

Học sinh mà có các tâm tư, tình cảm, những nguyện vọng hay khó khăn gì, nếu được nhà trường xem xét, giải quyết triệt để trên tình thần vì quyền lợi của học sinh, vì hạnh phúc khi đến trường của các em thì chắc chắn không bao giờ có bạo lực học đường xảy ra.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1. (Ảnh: CTV)

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1. (Ảnh: CTV)

“Nếu học sinh đến trường không còn thấy niềm vui, mà là nỗi ám ảnh của các em, thì thầy cô, nhà trường cần xem lại, cũng cần xem xét cho các em chuyển trường, chuyển lớp theo nguyện vọng.

Đồng thời, cần chấn chỉnh ngay tình trạng bạo lực học đường từ việc học sinh chia phe nhóm với nhau trong lớp, chấn chỉnh ngay cả những vấn nạn bạo lực học đường “vô hình” từ thầy cô, nhà trường mang lại cho học sinh” – thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết.

Song song đó, thầy Huỳnh Thanh Phú đề nghị, hiệu trưởng các đơn vị trường học cần tăng cường công tác đối thoại cùng phụ huynh, gần gũi hơn với các em học sinh.

Nếu các học sinh có những mâu thuẫn nội tại ngày càng lớn, thì rất có thể các em sẽ cảm thấy bế tắc, tự tìm cho mình một lối giải thoát, dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng.

Ban tư vấn học đường ở các trường cũng nên thay đổi cách làm việc, cần biết lắng nghe, chia sẻ, bảo vệ và giữ kín những câu chuyện của học sinh, thì tự khắc các em sẽ giãi bày vấn đề của mình.

Ngoài ra, cũng không nên chọn người tư vấn là những người chỉ còn vài tháng công tác trước khi nghỉ hưu, hay kiêm nhiệm để tư vấn cho học sinh vì sẽ khó có thời gian gắn bó để hiểu các em.

Việt Dũng