Lùm xùm ở Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Cần sớm được xử lý dứt điểm

18/04/2024 07:23
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cơ quan quản lý nên vào cuộc thanh tra, làm rõ những lùm xùm đang xảy ra tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết đề cập đến thực trạng khủng hoảng quản trị kéo dài tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Từ lúc được thành lập (năm 1996) Giáo sư Trần Phương là hiệu trưởng nhà trường. Theo chia sẻ của một phó hiệu trưởng nhà trường, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, về mặt pháp lý thì đến thời điểm hiện tại, Giáo sư Trần Phương vẫn là hiệu trưởng. Như vậy, tính đến nay Giáo sư Trần Phương đã làm hiệu trường của trường đại học này liên tục trong suốt gần 30 năm.

Ngày 3/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 671/QĐ-TTg về việc chuyển đổi trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường đại học tư thục.

Điều này đồng nghĩa với việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải thành lập Hội đồng trường, sau đó Hội đồng trường sẽ tiến hành bổ nhiệm hiệu trưởng. Tuy nhiên, đến nay, trường đại học này vẫn chưa thành lập Hội đồng trường.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, không ít chuyên gia giáo dục tỏ ra băn khoăn, tại sao đã có các quy định cụ thể về vấn đề trên nhưng vẫn có một trường đại học tư thục không thực hiện theo các quy định nhưng vẫn cho hoạt động bình thường?

Duy trì ghế hiệu trưởng quá lâu tại một trường đại học dễ xảy ra sự cục bộ, lợi ích nhóm

Chia sẻ một số quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đang có tình trạng phớt lờ các quy định của nhà nước. Vì vậy cơ quan quản lý nên vào cuộc và có hình thức xử lý, tránh xảy ra các hệ lụy.

"Theo tôi, khi đã có những quy định cụ thể qua các văn bản luật thì các cơ sở giáo dục nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định đó cần tuân thủ thực hiện.

Về vấn đề nhiệm kỳ hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kéo dài gây băn khoăn dư luận thời gian gần đây, phía nhà trường cùng các cơ quan quản lý cũng nên có sớm có câu trả lời sớm.

Nếu theo các quy định đối với trường đại học tư thục hiện nay, trường hợp cơ sở giáo dục đó muốn kéo dài nhiệm kỳ hoặc bổ nhiệm hiệu trưởng thì sẽ do nhà đầu tư và Hội đồng trường tự quyết định. Điều này cũng là một bất cập khiến các cơ sở giáo dục có thể cố tình né tránh để không phải thực hiện các quy định đã được đề ra.

Vì thế, khi có những thông tin trên báo chí, các cơ quan quản lý cũng nên sớm vào cuộc thanh tra, làm rõ. Đồng thời yêu cầu nhà trường báo cáo về việc tại sao chưa thành lập hội đồng trường và để một người giữ chức vụ hiệu trưởng trong thời gian dài như vậy. Tất nhiên, những lý lẽ đó phải thuyết phục và công khai cho dư luận được biết.

Có thể hiệu trưởng đó làm khóa đầu tiên thấy hiệu quả, nhà đầu tư và Hội đồng trường tiếp tục cho làm khóa thứ 2 liên tiếp, nhưng đến khóa thứ 3 thì cần phải xem xét kỹ", Giáo sư Phạm Tất Dong bày tỏ.

giao-su-pham-tat-dong-anh-thuy-linh-6479-5151.jpg
Giáo sư Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam). Ảnh: T.L

Bên cạnh đó, vị giáo sư này cũng bày tỏ quan điểm đối với trường hợp của hiệu trưởng tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và cho rằng, yếu tố quan trọng là lãnh đạo trường thực sự có khả năng điều hành hoạt động của trường nữa hay không?

Qua đó, Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh: "Lãnh đạo trường lớn tuổi tất nhiên sẽ có trợ lý giúp việc, nhưng để có thể quản lý một trường đại học thì nó là cả một vấn đề lớn và cần người đó sự có sự linh hoạt để nắm bắt tình hình.

Đó là chưa kể đến việc, phải nhạy bén và thông thạo với các yếu tố công nghệ khi chúng ta đang dần chuyển đổi hình thức quản lý bằng số hóa. Với yêu cầu này, những người đã lớn tuổi thường sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể làm quen.

Ngoài ra vấn đề tư duy, đổi mới hoạt động của nhà trường theo xu thế mới. Nếu lãnh đạo đó vẫn dùng lối quản trị xưa cũ để áp đặt vào bộ máy nhà trường đang hoạt động trong thời đại mới thì không khác gì đang kéo nhà trường đó đi tụt lại".

Bày tỏ quan điểm của mình, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, với trình độ và độ tuổi của hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện tại thì nên "lui" về để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học hoặc làm cố vấn cho nhà trường thì sẽ được dư luận đánh giá cao hơn.

"Đã là nhân tài thì cho dù ở đâu cũng không thể thiếu đất dụng võ. Tuy nhiên với người có học vị cao khi đã lớn tuổi thì việc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu còn là để tạo ra những sản phẩm có đóng góp cho đời sống và xã hội", vị giáo sư này nhấn mạnh thêm.

pgs-nguyen-thien-tong-467.jpg
Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống.

Cùng quan điểm về vấn đề này, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, một phần nguyên nhân khiến cơ sở giáo dục đại học tư thục như Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện chưa nghiêm các quy định đã đề ra đến từ việc nể nang khi xử lý và tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ.

Qua đó, đối với sự việc này, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có đợt thanh tra, rà soát và tìm ra nguyên nhân của các "điểm nghẽn" tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Trong việc trường đại học này đến nay vẫn chưa thành lập được Hội đồng trường theo yêu cầu thì cũng nên xác minh làm rõ để sớm có câu trả lời cho dư luận được nắm rõ.

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh: "Bất cứ trong một tập thể nào có hoạt động quản trị nhân sự và tài chính thì không nên duy trì quá lâu một lãnh đạo. Đây cũng là nguyên nhân vì sao trong các văn bản luật có liên quan đã đề cập đến nhiệm kỳ của lãnh đạo cơ sở giáo dục.

Ở một cơ sở giáo dục như Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nếu tổ chức quản trị có lùm xùm thì nó còn ảnh hưởng đến quá trình đào tạo, giảng dạy với sinh viên. Đơn cử như sự việc vào tháng 9/2020 khi tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ khi có đến 2.000 sinh viên đã tốt nghiệp đại học nhưng không được cấp bằng".

Sinh viên năm thứ 4 lo sự việc chậm cấp bằng có thể lặp lại

Để có thêm góc nhìn về sự việc vừa qua tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phóng viên đã ghi nhận một số ý kiến sinh viên đang theo học tại trường đại học này trong chiều ngày 16/4.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều sinh năm thứ 4 tại trường có bày tỏ lo lắng. Các sinh viên này lo sợ rằng, "biến cố" về việc chậm cấp bằng tốt nghiệp xảy ra vào năm 2020 có thể sẽ bị lặp lại nếu việc khủng hoảng quản trị không sớm được giải quyết.

Về việc này, H.M - sinh viên năm thứ 4 ngành Công nghệ thông tin cho biết: "Việc nhà trường đến nay vẫn chưa có Hội đồng trường và tình hình sức khỏe hiện tại của hiệu trưởng em đã được biết qua các phương tiện truyền thông mấy ngày gần đây.

Thời điểm xảy ra sự việc nhiều sinh viên không được cấp bằng tốt nghiệp vào năm 2020 lúc đó em đang là sinh viên năm thứ nhất. Theo em sự việc này sẽ khó có thể lặp lại vì ban giám hiệu nhà trường chắc chắn cũng đã có những phương án của họ. Tuy nhiên, điều đó vẫn là một thứ lo lắng đang tồn tại vì chỉ còn ít tháng nữa em cũng phải hoàn thiện việc tốt nghiệp".

GDVN__a 1.jpg
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Ghi nhận với các sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai tại trường đại học này, đáng chú ý hầu hết các sinh viên được hỏi chia sẻ, nếu không qua báo chí thì họ không biết là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang không có Hội đồng trường.

Một số sinh viên cho biết, qua các bài báo, phụ huynh và bản thân các bạn cũng có lo lắng về việc lùm xùm ở trường. Họ mong muốn cơ quan chức năng sớm có phương án để giải quyết dứt điểm tình trạng này để tránh việc sinh viên có thể bị ảnh hưởng.

Trung Dũng