Vụ tham ô hơn 186 tỷ ở Trường ĐH Bách khoa: Trách nhiệm Đại học Đà Nẵng ở đâu?

26/07/2024 06:56
Nhi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dư luận đặt ra băn khoăn, việc lấy tiền của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng xảy ra nhiều năm, từ năm 2020 nhưng đến đầu năm 2023 mới bị phát hiện. 

Vừa qua, Tòa án nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã tuyên án đối với 5 bị cáo liên quan vụ tham ô hơn 186 tỷ đồng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (sau đây gọi là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng).

Cựu thủ quỹ Lâm Thị Hồng Tâm (thủ quỹ nhà trường) bị tuyên tử hình. Bị cáo Hoàng Quang Huy cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhận án chung thân. Ông Đoàn Quang Vinh, 62 tuổi, cựu hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, bị tuyên 4 năm tù.

Án chung thân cũng được tuyên với bị cáo Phạm Thị Huỳnh Như, 38 tuổi, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Khánh Dương, 27 tuổi, bị phạt 20 năm tù.

Theo cáo trạng, ngày 3/2/2023, khi phát hiện việc chậm trả tiền lương cho cán bộ, viên chức và học bổng cho sinh viên, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có sai phạm.

Từ đây, công an xác định, từ ngày 15/7/2020 đến ngày 10/2/2023, bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm (thủ quỹ nhà trường), Hoàng Quang Huy (Trưởng phòng kế hoạch tài chính) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy hơn 186,2 tỷ đồng của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng cho rằng thiệt hại của vụ án lên tới hơn 186 tỷ đồng là rất lớn nhưng mức khắc phục hậu quả của các bị cáo lại rất hạn chế. Việc này đã ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của các sinh viên cũng như uy tín của nhà trường [1].

Những người có tội đã bị xử lý nhưng còn đó câu hỏi về trách nhiệm quản lý của Đại học Đà Nẵng.

Dư luận băn khoăn, tại sao hành vi trên xảy ra nhiều năm, từ năm 2020 nhưng đến đầu năm 2023 mới bị phát hiện? Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng giai đoạn đó đã bị "qua mặt" nhưng còn Đại học Đà Nẵng thì sao? Công tác kiểm tra, giám sát, trách nhiệm quản lý của Đại học Đà Nẵng đối với trường thành viên đến đâu mà không phát hiện được để vi phạm xảy ra thời gian dài như vậy?

Khoản 4, Điều 2, Chương I, Quyết định số 2762/QĐ-HDĐH về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Đà Nẵng nêu: Các trường đại học thành viên, các đơn vị thuộc, trực thuộc Đại học Đà Nẵng chịu sự quản lý trực tiếp của Đại học Đà Nẵng.

Khoản 9, Điều 28, Chương VIII, Quyết định số 2762/QĐ-HDĐH về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Đà Nẵng nêu, một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Đại học Đà Nẵng là xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính và thông báo quyết toán đối với Đại học Đà Nẵng, các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng; tổng hợp báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính của toàn Đại học Đà Nẵng. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong công tác quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng theo quy định của pháp luật.

Vi phạm kéo dài, tại sao Đại học Đà Nẵng không phát hiện được?

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, công tác quản lý tài chính tại các trường đại học có vai trò rất quan trọng đảm bảo việc huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí cũng như hoạt động thu chi nhằm phát triển nhà trường. Vụ việc tham ô tài sản đến 186,2 tỷ đồng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho thấy sự quản lý tại đơn vị này đang có sự lỏng lẻo, có kẽ hở để các cá nhân lợi dụng, trục lợi trái quy định.

co-an-2-16653881343741817835538.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: chinhphu.vn

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An băn khoăn, việc cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn để “rút ruột” ngân sách nhà trường đã diễn ra trong suốt thời gian dài, tính theo đơn vị năm, vậy tại sao không có bộ phận nào phát hiện ra?

Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phê duyệt quyết toán hàng năm của trường thành viên đã được Đại học Đà Nẵng thực hiện như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An đánh giá: “Việc này gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến dư luận xôn xao, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng như Đại học Đà Nẵng. Tôi có đọc quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Đà Nẵng, trong đó chương VIII có đề cập đến vấn đề tài chính, tài sản.

Như vậy, rõ ràng theo quy chế đã có quy định rất rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của Đại học Đà Nẵng. Ngoài những cá nhân liên quan trong vụ việc tham ô 186,2 tỷ đồng tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã bị xử lý thì chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn về công tác quản lý tài chính còn có phần lỏng lẻo, chưa chặt chẽ và sâu sát của Đại học Đà Nẵng đối với trường thành viên. Đây cũng là bài học sâu sắc, là hồi chuông cảnh báo các đơn vị cần siết chặt công tác quản lý tài chính để không xảy ra những vụ việc tương tự".

Hơn thế nữa, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, để quản lý, điều hành tốt các hoạt động của nhà trường, vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Theo đó, năng lực quản lý tài chính của lãnh đạo nhà trường có tính quyết định không chỉ đối với các hoạt động sự nghiệp của nhà trường mà còn đối với mọi hoạt động thu chi để phục vụ cho sự phát triển của chính đơn vị đó. Vì vậy, cần thiết phải có những lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý tài chính cho lãnh đạo các nhà trường", bà An chia sẻ thêm.

Liên quan đến vụ việc tham ô tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiệu quả quản lý tài chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Trong quản lý tài chính, việc thường xuyên kiểm tra nguồn tiền, hoạt động thu chi một cách minh bạch, rõ ràng là vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo hoạt động của trường đại học. Thêm vào đó, nhà trường cần tập trung thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, các khoản thu, chi phải được công khai, bàn bạc thống nhất trong toàn hội đồng nhà trường.

Mặc dù các đơn vị thành viên được tự chủ trong tổ chức và hoạt động, nhưng chính đại học quản lý trực tiếp cũng cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh trong phạm vi cho phép.

dbqh-pham-văn-hoa.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Báo Thanh tra.

“Rõ ràng, vụ việc tham ô xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng là một bài học không chỉ cho đơn vị này mà còn cho các trường đại học khác nữa. Việc quản lý về mặt tài chính chưa chặt chẽ, có những kẽ hở nào đó mới để cho kế toán, thủ quỹ tham ô, gây thất thoát số tiền lớn như vậy.

Ngoài ra, sai phạm của trưởng phòng kế hoạch tài chính, thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa bắt đầu từ năm 2020 nhưng đến tận tháng 2/2023 mới bị phát hiện ra, vậy thì trong thời gian đó vai trò, trách nhiệm quản lý của Đại học Đà Nẵng như thế nào? Điều này phần nào phản ánh công tác thanh tra ở đơn vị và của cấp trên về mặt quản lý tài chính hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tôi cho rằng đây là trách nhiệm chung của cả Trường Đại học Bách khoa và Đại học Đà Nẵng”, Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá.

Theo đại biểu, về nguyên tắc, 6 tháng, hàng năm đều phải lập tổ kiểm tra để kiểm tra nguồn tiền mặt, quyết toán trên sổ sách, giấy tờ… Hơn thế nữa, việc kiểm tra này phải làm một cách nghiêm túc, chặt chẽ, minh bạch để tránh xảy ra những vụ việc tương tự, ảnh hưởng xấu đến danh tiếng nhà trường cũng như để đảm bảo quyền lợi cho người học, cán bộ, giảng viên tại đây.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: “Liên quan đến tài chính là phải quản lý kỹ càng, minh bạch. Trách nhiệm của Đại học Đà Nẵng ở đây là quản lý lỏng lẻo, chúng ta cần có sự nhìn nhận thẳng thắn, nghiêm túc xử lý để rút ra những bài học kinh nghiệm, không để xảy ra những vụ việc như vậy trong tương lai”.

"Siết" quản lý tài chính một cách chặt chẽ, minh bạch, công khai

Cùng trao đổi, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội nhận định: “Tôi thấy rằng tất cả các trường đại học, dù là đại học công lập hay tư thục, trong vấn đề tài chính cần có sự quản lý một cách chặt chẽ, minh bạch, công khai.

Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chịu sự quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra của Đại học Đà Nẵng. Do đó, để xảy ra vụ việc tham ô số tiền lớn như vậy, Đại học Đà Nẵng cũng phải có trách nhiệm. Còn nếu chưa làm rõ được trách nhiệm ở đây, tôi đề nghị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc để làm rõ".

gdvn-le-nhu-tien-6642-3166.jpg
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Ông Lê Như Tiến băn khoăn, hành vi "rút ruột" ngân quỹ tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chủ yếu diễn ra trong thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2023, tuy nhiên tại sao không bị phát hiện? Có chăng đã có sự buông lỏng quản lý của đơn vị này? Đồng thời ông cũng đặt dấu hỏi về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của Đại học Đà Nẵng.

Theo ông Tiến, để các trường có thể quản lý tài chính một cách hiệu quả, tránh những vụ việc đáng tiếc như tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cần có những giải pháp đồng bộ, tổng thể.

Hằng năm, cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện kiểm toán và công khai tài chính, việc sử dụng các nguồn tài chính phải theo quy định của pháp luật. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra cần được chú trọng, chặt chẽ hơn nữa.

"Tôi cho rằng vai trò của hội đồng trường rất quan trọng. Bởi trường nào cũng có hội đồng trường quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, đào tạo, chuyên môn cũng như tài chính và các vấn đề khác. Hơn thế nữa, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của đại học vùng đối với các trường thành viên", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://tienphong.vn/tuyen-tu-hinh-nu-thu-quy-tham-o-hon-180-ty-dong-tai-truong-dh-bach-khoa-da-nang-post1657439.tpo

Nhi Anh