Đùn đẩy, làm việc cầm chừng là do cán bộ năng lực yếu kém và sợ trách nhiệm

22/05/2023 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một bộ phận cán bộ làm việc cầm chừng, đùn đẩy công việc lên trên vì họ quan niệm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”.

Đùn đẩy do yếu kém, sợ trách nhiệm

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập chính là chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tình trạng này chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, nguy cơ làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy, cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Tình trạng sợ trách nhiệm thường do một số nguyên nhân: Thứ nhất là năng lực yếu kém nên không đủ nhận thức, không đủ trình độ để xem xét, giải quyết một vấn đề xảy ra trong thực tiễn. Thứ hai, đùn đẩy trách nhiệm, thẩm quyền của mình nhưng lại đi xin ý kiến người khác, để sau này, có lý do trốn tránh trách nhiệm.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Thứ ba, cũng có một bộ phận “đổ lỗi” cho tình hình đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, lo sợ đến trách nhiệm của bản thân. Nhưng đó không phải “cái gốc”; “cái gốc” là do năng lực yếu kém và cố tình đùn đẩy”.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cũng phân tích thêm: “Đùn đẩy trách nhiệm thực sự đang tồn tại không ít trong đội ngũ cán bộ hiện nay. Mà chính vì tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm như vậy, khiến nhiều khi, người dân phải chờ đợi một quyết sách kéo dài không cần thiết...

Như trường hợp tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, trong một năm mà gửi gần 600 văn bản xin ý kiến phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có quá nhiều câu hỏi cần giải đáp.

Đáng lẽ, những gì thuộc thẩm quyền của mình thì nên sớm giải quyết, xử lý. Một là công việc thuộc thẩm quyền của mình thì tự giải quyết một cách sốt sắng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, thứ hai, sẽ đáp ứng mong đợi của người dân.

Thế nên, cần có đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước công việc được giao. Nếu cứ để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm kéo dài, thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chẳng hạn như trong vấn đề Quy hoạch điện VIII suốt mấy năm không được rốt ráo triển khai, đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước như thế nào... Đó là thể hiện năng lực yếu kém ở cán bộ, hoặc có thể là tiêu cực, sợ trách nhiệm. Tình trạng đó cần chấm dứt sớm, nếu không mọi bức xúc trong xã hội không được giải quyết được”.

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng bày tỏ: “Trong thời gian qua, tôi cũng trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng, có một bộ phận không nhỏ cán bộ hiện nay đang có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.

Đó là một thái độ thờ ơ với mọi công việc, thậm chí, đôi khi sợ trách nhiệm đến mức không dám làm gì, vì họ quan niệm, “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”... Bộ phận này còn có một tư tưởng rất lạ, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”; bởi nếu không làm gì thì chỉ bị kỷ luật vì thiếu tinh thần trách nhiệm thôi, nhưng nếu làm thì có khi lại vướng vào vòng lao lý, đứng trước nguy cơ của một vụ án hình sự”.

Chính vì lẽ đó, ông Lê Như Tiến chỉ ra: “Bây giờ, chúng ta phải có chính sách động viên, khuyến khích, khích lệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tất nhiên, một khi cán bộ đã làm đúng lương tâm, đúng đạo đức và đúng pháp luật thì không bao giờ phải lo sợ gặp vấn đề gì cả; chỉ sợ là làm nhưng có vụ lợi, thu vén cá nhân, vì lợi ích của bản thân hoặc lợi ích nhóm thì mới sợ. Còn cán bộ mà dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có sai sót gì thì sửa chữa, khắc phục sai sót đó... thì mới là tinh thần của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nếu chỉ vì sợ trách nhiệm mà không ai làm gì, thì xã hội không thể phát triển được”.

Cần sớm có chính sách cụ thể để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, “mấu chốt” trong vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, hay để giải quyết triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người và yếu tố niềm tin. Do đó, ông Thuyền cho rằng, căn cơ nhất vẫn là lựa chọn được cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm; đồng thời, ngoài việc xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm trong các tiêu cực, cũng phải chú trọng xây dựng được lòng tin.

Bàn về dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Lê Như Tiến bày tỏ sự ủng hộ, tuy nhiên cũng nhấn mạnh một số ý: “Chúng ta đã và đang từng bước xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm, để họ vững tâm, dám làm và chịu trách nhiệm... Tuy nhiên, phải có những quy định hết sức cụ thể, đủ sức bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, bởi khi họ dám nghĩ, dám làm, cũng có thể có những rủi ro nhất định.

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đặc biệt, chúng ta phải tính đến phòng ngừa rủi ro. Vì những người dám nghĩ, dám làm, nhất là trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, cần phải có quỹ phòng ngừa rủi ro, bởi không phải lúc nào cũng thành công.

Có thể, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đó có suy nghĩ đúng, đề xuất ý tưởng đúng, nhưng lại không thực hiện được do một số yếu tố khách quan, mà gây ra những hậu quả nhất định.

Thậm chí, có những người dám nghĩ, dám làm lại đứng trước nguy cơ đối mặt với tiêu cực, đối mặt với tham nhũng, hoặc có cán bộ lại phải đối mặt với kẻ thù, đối mặt với động cơ đê hèn của những kẻ tham nhũng, tiêu cực khác...

Không có cơ chế chính sách rõ ràng như trên, không thể nào khuyến khích, động viên, khích lệ người dám nghĩ, dám làm”.

Ngân Chi