Trường Đại học Nha Trang có vi phạm về quản lý tài chính, tài sản

05/04/2024 08:40
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót và một số vi phạm về quản lý tài chính, tài sản của Trường Đại học Nha Trang.

Nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm về quản lý tài chính, tài sản

Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thanh tra hành chính Trường Đại học Nha Trang cho thấy, Trường Đại học Nha Trang được phân loại đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên tại Quyết định số 2466/QĐ-BGDĐT ngày 27/8/2020 và Quyết định số 3124/QĐ-BGDĐT ngày 24/10/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra rằng, trường chưa thực hiện phân loại và đánh giá mức độ tự chủ đối với các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Điều 35, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Về việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí, năm 2022, Trường Đại học Nha Trang xây dựng dự toán 25,69 tỉ đồng; dự toán năm trước chuyển sang hơn 1,33 tỉ đồng; ngân sách nhà nước được giao trong năm (cả bổ sung) là 25,04 tỉ đồng; ngân sách đã sử dụng và thanh quyết toán hơn 25,129 tỉ đồng; Kinh phí giảm trong năm là hơn 100 triệu đồng .

Riêng kinh phí thực hiện 16 đề tài Khoa học công nghệ (15 đề tài cấp Bộ và 01 chương trình khoa học công nghệ) sử dụng trong năm là 4.286.989.000 đồng (kinh phí năm trước chuyển sang là: 1.336.989.000 đồng và kinh phí được giao mới trong năm là: 2,95 tỉ đồng).

Đến nay, có 5 đề tài cấp Bộ đã hoàn thành và được nghiệm thu; 11 đề tài chưa hoàn thành, được chuyển nguồn kinh phí qua năm 2023 để tiếp tục thực.

dai-hoc-nha-trang.jpg
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót và một số vi phạm của Trường Đại học Nha Trang trong quản lý tài chính, tài sản (Ảnh: website nhà trường)

Đối với năm 2023, Trường tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ là 3,327 tỉ đồng để thực hiện 4 nhiệm vụ được giao mới.

Đến tháng 6/2023, có 4 đề tài hoàn thành và được nghiệm thu cấp cơ sở (đang hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo; 01 đề tài không hoàn thành (đang chờ thanh lý) .

Năm 2022, tổng thu sự nghiệp và thu dịch vụ của Trường Đại học Nha Trang là hơn 230 tỉ đồng và tổng chi bằng tổng thu.

Qua kiểm tra các khoản chi lương, chi công tác phí, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, Trường Đại học Nha Trang đã chi trả số giờ vượt định trong năm 2022 cho 63 giảng viên có số giờ giảng vượt định mức với tổng số tiền là 1.085.496.000 đồng là chưa phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, Điều 61 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong khi có 11 giảng viên chưa đủ giờ định mức.

Theo Kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ những hạn chế thiếu sót trong việc quản lý tài chính, tài sản của Trường Đại học Nha Trang.

Cụ thể, quy chế chi tiêu nội bộ của trường ban hành tại Quyết định số 1179/QĐ-ĐHNT ngày 22/11/2017 và được điều chỉnh bổ sung hằng năm bằng các Tờ trình hoặc Quyết định.

Tuy nhiên, việc ban hành Tờ trình sửa đổi bổ sung quy chế là chưa có căn cứ pháp lý đầy đủ; Quy chế chi tiêu nội bộ chưa được hợp nhất thành quyết định thống nhất, dẫn đến khó theo dõi và kiểm soát chi;

Quy chế chi tiêu nội bộ chưa quy định đầy đủ tỷ lệ trích khấu hao tài sản, chưa quy định nội dung chi, mức chi đối với các chi phí phát sinh tại các đơn vị trực thuộc là chưa bảo đảm tính công khai minh bạch.

Bên cạnh đó, hiện nhà trường được tỉnh Khánh Hoà giao 01 khu đất tại Khu Hòn Rớ I, Xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với diện tích: 4.976,02 m2, song đến nay đã 20 năm diện tích đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường đang sử dụng vượt định mức 07 xe ô tô theo quy định của Bộ; trong đó có 04 xe ô tô hết niên hạn sử dụng và bị hỏng, nhưng chưa đề xuất thanh lý;

Trường có 03 hạng mục tài sản đã cho thuê trước khi có Đề án được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, nhưng vẫn duy trì hợp đồng cho thuê do chưa hết hợp đồng.

Trường có 05 đơn vị hạch toán độc lập. Tuy nhiên, các đơn vị này chưa được phân loại và đánh giá mức độ tự chủ của các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng theo Kết luận Thanh tra, Trường Đại học Nha Trang ban hành Quyết định 1357/QĐ-ĐHNT ngày 8/12/2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ đào tạo dùng chung cho các phòng thí nghiệm và Quyết định 141/QĐ-ĐHNT ngày 27/12/2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa viện dẫn nghị quyết của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường vào phần căn cứ là chưa đầy đủ.

Đồng thời, nhà trường ban hành 05 Quyết định, nhưng không viện dẫn căn cứ về quy định tiêu chuẩn định mức máy móc, thiết bị chuyên dụng.

Gói thầu Đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ đào tạo dùng chung cho các phòng thí nghiệm, Gói thầu Mua sắm bổ sung dụng cụ, vật tư phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học năm 2023 chậm muộn tiến độ so với kế hoạch đã được phê duyệt.

Gói thầu sửa chữa, cải tạo giảng đường G7; đóng mới và sửa chữa cửa sổ tầng 2 nhà A2 phát sinh về giá.

Tờ trình số 06/TTr-TT.TNTH ngày 30/11/2021 xin phê duyệt chủ trương Đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ đào tạo dùng chung cho các phòng thí nghiệm, Quyết định 324/QĐ-ĐHNT ngày 17/3/2023 về việc phê duyệt danh mục và dự toán Mua sắm bổ sung dụng cụ, vật tư phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học năm 2023 chưa thuyết minh, làm rõ thực trạng thiết bị hiện có, nguyên nhân, nhu cầu, sự cần thiết phải đầu tư mua sắm từng thiết bị mới.

Điều đáng nói là, Trường Đại học Nha Trang chưa xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xác định mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác theo quy định tại Thông tư số 14.

Thanh tra Bộ Giáo dục cho rằng, trách nhiệm để xảy ra các hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc Lãnh đạo nhà trường phụ trách, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Trung tâm phục vụ trường học và các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Kiến nghị một số biện pháp xử lý

Theo thẩm quyền, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị một số biện pháp xử lý đối với Trường Đại học Nha Trang trong công tác quản lý tài chính, tài sản.

Cụ thể, nhà trường cần xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 14 làm cơ sở xác định mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác.

Chấm dứt việc thanh toán thừa giờ không đúng quy định; tuân thủ các quy định về giờ lao động, rà soát vị trí việc làm, sắp xếp và bố trí công việc phù hợp, đúng Quy định chế độ làm việc của giảng viên.

Thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, rà soát, báo cáo, xây dựng phương án xử lý đối với các xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng, hết khấu hao.

Đối với 03 hạng mục đã cho thuê từ trước khi có Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nhưng đến nay chưa hết thời hạn cho thuê. Trường tự rà soát, báo cáo Vụ Kế hoạch Tài chính đề xuất phương án xử lý.

Trường cần phân loại và đánh giá mức độ tự chủ của các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ đối với 08 đơn vị hạch toán độc lập.

Quy chế chi tiêu nội bộ cần quy định đầy đủ tỷ lệ trích khấu hao tài sản, quy định nội dung chi, mức chi đối với các chi phí phát sinh tại các đơn vị trực thuộc để bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Đối với việc quản lý đầu tư, mua sắm, Trường Đại học Nha Trang cần xây dựng kế hoạch rà soát đánh giá thực trạng, nhu cầu đào tạo đề xuất nhu cầu mua sắm bổ sung hằng năm bảo đảm tính chủ động, linh hoạt.

Việc xây dựng Danh mục mua sắm bổ sung hằng năm cần có sự tham gia các đơn vị chuyên môn và các cấp quản lý.

Lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật cần thuyết minh, làm rõ được thực trạng thiết bị hiện có, nguyên nhân, nhu cầu, sự cần thiết phải đầu tư mua sắm từng thiết bị mới.

Thiết lập gói thầu lớn bảo đảm đúng quy định, hạn chế các gói thầu nhỏ có thể dẫn đến cồng kềnh, phức tạp về hồ sơ, tăng chi phí và làm chậm tiến độ mua sắm.

Xây dựng kế hoạch trong quản lý, sử dụng, khai thác thiết bị; kế hoạch kinh phí duy tu bảo dưỡng nhằm làm tăng tuổi thọ của thiết bị.

Danh mục và dự toán các gói thầu phải thống nhất và phải đính kèm trong các văn bản: Quyết định phê duyệt dự án, Quyết định phê duyệt danh mục và dự toán, Quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu, Hợp đồng, Biên bản bàn giao và nghiệm thu thiết bị, Thanh lý hợp đồng. Phần mô tả thiết bị (thông số kỹ thuật) cần phải thống nhất với Hồ sơ mời thầu…

LÃ TIẾN