Bảo hiểm y tế đã chi trả cho nhiều học sinh, sinh viên mắc bệnh nan y, mạn tính
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đặng Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh (Hà Giang) đánh giá vai trò của bảo hiểm y tế học đường: Với tỉ lệ chiếm 25% dân số, việc thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đóng góp vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Không những thế, thực hiện tốt bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên còn góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ý thức sống cộng đồng cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên như sau: cần mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với một số nhóm tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó có học sinh, sinh viên.
Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2013 cũng yêu cầu tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đối với nhóm học sinh, sinh viên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ 1/1/2015) quy định nhiệm vụ phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên cụ thể cho cả ngành giáo dục và đào tạo, chính quyền các cấp... Trong Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, Chính phủ cũng chỉ rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, đảm bảo đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Theo đó, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, đảm bảo có 100% đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế.
Từ khi thực hiện Luật Bảo hiểm y tế đến nay, cùng với tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tăng dần qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu bảo hiểm y tế dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên luôn được cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến kịp thời, tạo nguồn lực quan trọng phát triển y tế trường học.
“Quan trọng hơn, như mọi đối tượng tham gia chính sách nhân văn này, trong xu thế quyền lợi bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được tăng lên, học sinh, sinh viên cũng đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (bình quân khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, thậm chí có trường hợp chi tới hàng tỷ đồng...
Đặc biệt, nhóm học sinh, sinh viên có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ quỹ Bảo hiểm y tế. Mặc dù Luật Bảo hiểm y tế hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm học sinh, sinh viên vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi thông qua hoạt động y tế học đường tại nhà trường.
Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu dành cho học sinh, sinh viên thường xuyên, liên tục có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai” - cô Đặng Thị Kim Hoa chia sẻ thêm.
Chia sẻ về tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế học đường trên địa bàn huyện Yên Minh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trong các năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của ngành bảo hiểm xã hội và ngành giáo dục và đào tạo, tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tăng dần qua các năm. Tỉ lệ tham gia năm học 2023-2024 là 100%.
Đối với giáo viên: Thực hiện bảo hiểm y tế theo chế độ bắt buộc với tỉ lệ người lao động đóng 1,5%, nhà trường (được ngân sách nhà nước đóng) đóng 3%; tổng là 4,5% theo hệ số lương, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề.
Đối với học sinh: Thực hiện Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và mức hỗ trợ cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hà Giang có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024 và trước đây là giai đoạn 2021-2023 thực hiện theo Nghị quyết số 40/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020, theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên”.
Hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên hộ cận nghèo
Thầy Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng chia sẻ về thực tiễn triển khai bảo hiểm y tế học đường trên địa bàn tỉnh: “Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo hiểm y tế, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo và cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Văn bản triển khai thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành văn bản liên ngành số về việc thực hiện bảo hiểm y tế học sinh sinh viên.
Trong công tác quản lý chỉ đạo, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu, trong đó chỉ đạo; Các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, vai trò ý nghĩa của bảo hiểm y tế đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh, sinh viên; vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo quy định; phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trên địa bàn hướng dẫn, giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên.
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có tổng số 473 trường có học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, tỉ lệ giáo viên tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Số học sinh tham gia bảo hiểm y tế đạt: 197.923/202.881, tỉ lệ 97,56% (một số học sinh chủ yếu tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ chưa tham gia bảo hiểm y tế vì điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định, không thuộc diện được cấp bảo hiểm y tế hoặc đã tham gia các loại hình bảo hiểm khác)”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng cho biết, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực từ 01/01/2015, quy định rõ: Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó học sinh, sinh viên là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh, sinh viên tự đóng 70%).
Ngày 09/02/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên, theo đó người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo của Chính phủ được hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm y tế; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên được hỗ trợ 50% tiền đóng bảo hiểm y tế hằng tháng.
Theo Quyết định này, học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100%; học sinh, sinh viên thuộc khu vực khác trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 50% đóng bảo hiểm y tế. Với mức hỗ trợ này đã hỗ trợ học sinh, phụ huynh học sinh khi tham gia bảo hiểm y tế đồng thời giúp tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên toàn tỉnh.
Ngoài sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế, đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không may đau ốm nặng hoặc tai nạn đều nhận được sự quan tâm giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của các thầy cô giáo và học sinh trong nhà trường.
“Nếu không có bảo hiểm y tế, khi đi khám bệnh sẽ phải tốn rất nhiều tiền”
Theo thầy Nguyễn Văn Đoạt, Điện Biên là một tỉnh nghèo, đa số học sinh thuộc gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, do đó, việc thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ không nhỏ cho học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trước tiên, các nhà trường đủ điều kiện được cấp kinh phí khám chữa bệnh ban đầu đã sử dụng hiệu quả số kinh phí trích lại từ tổng thu Quỹ Bảo hiểm y tế để tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ngay từ trong nhà trường. Khi bệnh tật, tai nạn xảy ra, được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh 80%-95% đến 100% (tùy từng mã thẻ), với mức hỗ trợ điều trị, khám chữa bệnh này đã giảm bớt khó khăn cho học sinh và gia đình và đã phát huy được vai trò, tác dụng đối với việc chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Do đó, vị Giám đốc Sở cho rằng, tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số đã mang lại những lợi ích thiết thực như: Được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học; được tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn… qua đó nâng cao chất lượng đời sống học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
“Một cô giáo hiện đang công tác tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, đang điều trị ung thư tại Bệnh viện K Trung ương, hằng tháng chi phí khám, chữa bệnh rất tốn kém. Ngoài ra, còn phải chi trả tiền thuốc ngoài danh mục của bảo hiểm y tế. Do đó, việc hỗ trợ 80% chi phí khám, chữa bệnh theo danh mục thuốc của bảo hiểm y tế đã hỗ trợ rất nhiều cho cá nhân và gia đình trong điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn” - thầy Nguyễn Văn Đoạt thông tin thêm.
Chia sẻ về công tác triển khai bảo hiểm y tế trên địa bàn, cô Phạm Hoa Hòa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết: “Hiện tại, 100% học sinh tại các trường công lập trên địa bàn thành phố đã tham gia bảo hiểm y tế. Còn đối với học sinh tại các trường tư thục hiện chưa đảm bảo.
Còn về đội ngũ giáo viên, nhân viên trường học, do còn có sự thay đổi nhân sự thường xuyên, nên hiện tại chưa đạt 100%.
Những năm qua, cũng có một số trường hợp học sinh hoặc giáo viên bị bệnh nan y, cần sự điều trị lâu dài, khi có chế độ bảo hiểm y tế, cũng góp phần bớt “gánh nặng” chi phí dịch vụ và thuốc men..., bởi nhiều gia đình cũng rất khó khăn, nên được hỗ trợ phần nào cũng là rất quý.
Có những học sinh gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đóng bảo hiểm y tế, các nhà trường sẽ vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, hoặc chính các thầy cô trong trường sẽ bỏ tiền túi mua bảo hiểm y tế cho học sinh”.
Cô Phạm Hoa Hòa cũng chia sẻ thêm: “Hằng năm, phòng Giáo dục và Đào tạo cũng tích cực phối hợp với phòng Bảo hiểm xã hội thành phố, để cùng vận động, tuyên truyền, phát động các phong trào tham gia bảo hiểm y tế trong học đường”.
Một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, hướng tới mục tiêu 100% cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên và học sinh trong các trường học trên địa bàn toàn tỉnh được truyền thông, tiếp cận các biện pháp phòng, chống bệnh, tật học đường và phòng, chống dịch bệnh trong trường học; 100% học sinh trên địa bàn toàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế..., trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh, sinh viên về quyền lợi, lợi ích của bảo hiểm y tế đối cá nhân, gia đình và cộng đồng;
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tại địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tham gia bảo hiểm y tế của học sinh; có hình thức xử lý kịp thời với các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo hiểm y tế. Đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho học sinh tham gia bảo hiểm y tế theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ. Tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm/trạm y tế xã phường, thị trấn bảo đảm quyền lợi được chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh, sinh viên trong trường học.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện, quy định để đảm bảo các điều kiện về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại đơn vị. Tham mưu bổ sung đảm bảo số lượng nhân viên y tế trường học và thực hiện hợp đồng với trạm y tế xã, phường theo quy định (nếu thiếu nhân viên y tế).
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên y tế để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em học sinh, sinh viên ngay tại cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác tự kiểm tra việc phối hợp và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn; phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế và thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với giáo viên và học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng có một số đề xuất, kiến nghị, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện thị xã thành phố, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình giáo dục từ nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, bổ sung, sửa chữa, nâng cấp phòng y tế tại các cơ sở giáo dục.
Thứ hai, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban liên quan và chính quyền các xã phường, thị trấn tăng cường thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn,… góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh về ý nghĩa, trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế, đảm bảo tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong trường học đạt 100%; quan tâm đầu tư xây dựng phòng Y tế học đường và tuyển dụng bổ sung nhân viên y tế cho các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện.
Thứ ba, đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên được chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế. Phối hợp với các cơ sở giáo dục và cơ quan Bảo hiểm xã hội bảo đảm quyền lợi cho học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tiếp tục chỉ đạo các trạm y tế cấp xã phối hợp với các đơn vị trường học thực hiện ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho học sinh, sinh viên khi được đề nghị.
Thứ tư, đề nghị ngành bảo hiểm xã hội tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với ngành giáo dục và đào tạo, đặc biệt là thông tin về các trường hợp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế với giá trị lớn, các trường hợp chậm nộp hoặc không tham gia bảo hiểm y tế,… để ngành giáo dục và đào tạo phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ năm, đề nghị Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ sở giáo dục hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, tháo gỡ các khó khăn trong thanh toán tiền khám chữa bệnh khi học sinh, sinh viên đi khám chữa bệnh. Cụ thể là cung cấp số điện thoại thường trực giải quyết vướng mắc cho học sinh, sinh viên khi đi khám chữa bệnh (cơ quan thu phí bảo hiểm cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm với người đã đóng bảo hiểm để tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền của ngành giáo dục và đào tạo trong thu nộp bảo hiểm y tế).
Để triển khai công tác bảo hiểm y tế ngày càng hiệu quả, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh cũng kiến nghị: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể và các đơn vị. Đối với ngành giáo dục thực hiện việc kiểm tra thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho giáo viên, học sinh và việc sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội; tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, đa dạng về nội dung, có những minh chứng cụ thể để người dân đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều và hiểu, tự giác tham gia bảo hiểm y tế. Tập trung tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm y tế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành và trong toàn dân, nhất là đối với đối tượng học sinh, sinh viên.
Huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở trong công tác tuyên truyền, lồng ghép việc tuyên truyền về bảo hiểm y tế trong các sinh hoạt thường kỳ”.