Làm sao giải bài toán nhiều nơi thiếu GV, cử nhân sư phạm lại chật vật bám nghề

06/09/2024 06:38
Thu Thủy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo các chuyên gia giáo dục, để giải quyết nghịch lý thiếu giáo viên nhưng cử nhân sư phạm vẫn thất nghiệp cần hướng tới các giải pháp tổng thể, bền vững.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với nhiều địa phương để tìm hiểu về tình hình tuyển dụng giáo viên trước thềm năm học mới. Một số địa phương phản ánh tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở mọi cấp học. Nguyên nhân là địa phương không có nguồn tuyển hoặc giáo viên đã trúng tuyển nhưng không đến nhận nhiệm vụ. Trong khi đó, không ít sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành.

Cần điều chỉnh phân bổ nguồn giáo viên hợp lý

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Khoa học giáo dục chia sẻ, thực trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp trong khi ngành giáo dục lại thiếu hụt giáo viên đã diễn ra nhiều năm. Thực trạng này dẫn đến sự mất cân bằng từ cơ chế đào tạo đến tuyển dụng và phân bổ nguồn lực giáo viên.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên và dư thừa sinh viên sư phạm tốt nghiệp cần có sự điều chỉnh trong chính sách phân bổ giáo viên, đảm bảo rằng những khu vực thiếu giáo viên được ưu tiên nhận lực lượng lao động mới.

unnamed (7).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc. Ảnh: website Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc, một trong những vấn đề mà cần giải quyết trước tiên là quy hoạch mạng lưới trường (dựa trên dự báo phát triển dân số trong độ tuổi), từ đó sẽ ra quy hoạch nhân lực giáo viên của từng cấp học. Quy hoạch này phải của từng địa phương, dựa trên dự báo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng của cả nước nói chung. Sau đó, từng địa phương làm dự báo và quy hoạch mới sát với thực tế nhu cầu nhân lực tới từng môn học của từng cấp học.

“Cụ thể, chúng ta cần có cơ chế hợp lý về ngân sách, về nhân lực để triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm một cách triệt để.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những cơ chế quản lý chặt chẽ hơn về hệ thống các trường đào tạo giáo viên ở tất cả các khâu: cơ chế, chính sách từ tuyển sinh, đào tạo đến tuyển mộ, sử dụng…

Đồng thời, quán triệt giao cho ngành giáo dục các địa phương chịu trách nhiệm về nhân lực giáo viên của địa phương, điều phối giáo viên địa phương bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu, công bằng giáo dục giữa các quận, huyện, vùng khó khăn, vùng thuận lợi…”, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc nêu quan điểm.

Cô Lộc cũng chỉ ra các giải pháp cụ thể: Thứ nhất, cần thực hiện một đánh giá toàn diện về nhu cầu giáo viên tại các khu vực khác nhau.

Sự thiếu thừa giáo viên cục bộ giữa các môn cho thấy có sự bất cập trong phân bổ giáo viên. Để giải quyết vấn đề này, cần tiến hành các nghiên cứu chi tiết để xác định chính xác nhu cầu giáo viên của từng khu vực, dựa trên số lượng học sinh, cơ sở vật chất và đặc điểm vùng miền. Từ đó, các địa phương sẽ có cơ sở dữ liệu để điều chỉnh phân bổ giáo viên một cách hợp lý hơn.

Thứ hai, cần áp dụng các chính sách linh hoạt để thu hút giáo viên đến làm việc tại các khu vực còn thiếu nhân lực. Chẳng hạn như hỗ trợ nhà ở, tạo điều kiện làm việc tốt hơn, giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa các khu vực. Đồng thời, cần phải cải thiện các chính sách đào tạo và tuyển dụng để đảm bảo rằng các giáo viên được phân bổ có đủ trình độ và kỹ năng phù hợp với nhu cầu thực tế của từng khu vực.

Thứ ba, việc tăng cường đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên hiện tại là điều cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và các cơ sở giáo dục để đảm bảo rằng việc điều chỉnh phân bổ giáo viên không chỉ là một giải pháp tạm thời mà còn là một chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cuối cùng, việc điều chỉnh phân bổ giáo viên cần phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách của nhà nước, đảm bảo rằng các thay đổi không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu giáo dục chung. Do đó, việc cân nhắc để điều chỉnh hợp lý sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt tình trạng thiếu hụt giáo viên và đảm bảo rằng tất cả học sinh, bất kể ở khu vực nào đều được hưởng nền giáo dục tốt nhất.

Cần phối hợp 3 bên: Nhà nước - cơ sở đào tạo - người học

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam, Trưởng Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán; Chủ nhiệm chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán (sau đại học), Trường Đại học Sài Gòn nhận định: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa là do điều kiện sống và làm việc không thuận lợi.

“Ở những khu vực này, đời sống vật chất còn khó khăn, mức lương giáo viên thấp và ít có cơ hội thăng tiến. Điều đó khiến nhiều giáo viên, đặc biệt là các bạn trẻ không muốn gắn bó lâu dài.

Bên cạnh đó, môi trường sống và cơ sở vật chất hạn chế cũng là những yếu tố khiến nhiều người e ngại khi phải chuyển đến công tác ở những nơi này”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam chia sẻ.

anh1.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo thầy Nam, so với nhu cầu tuyển dụng đa dạng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm công việc giảng dạy ở các địa phương khác.

“Ở các thành phố lớn, sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở loại hình trường tư nhân, trường quốc tế hoặc các trung tâm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, việc trau dồi kiến thức, kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều hết sức cần thiết”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm của sinh viên sư phạm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam nêu quan điểm, cần có những giải pháp mang tính chiến lược từ phía nhà nước, các trường đào tạo và chính các sinh viên.

“Trước tiên, mức lương và điều kiện làm việc cần được xem xét nâng cao để thu hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài. Ngoài ra, đối với giáo viên công tác ở vùng khó khăn cần được tạo điều kiện hỗ trợ nhà ở. Một giải pháp khác là có chính sách để học sinh giỏi vùng cao học sư phạm và quay về giảng dạy tại quê hương.

Về phía cơ sở đào tạo giáo viên, nhà trường cần có chương trình đào tạo thực tế giúp sinh viên hiểu rõ hơn về công việc giảng dạy ở những vùng khó khăn, từ đó các em có sự chuẩn bị tốt hơn khi ra trường. Đồng thời, cần có sự kết nối giữa các trường đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục để đảm bảo sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Về phía sinh viên, điều quan trọng để giảng dạy tốt đó là giáo viên cần có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và giao tiếp tốt. Đặc biệt, giáo viên phải hiểu học sinh ở các khía cạnh: trình độ , hoàn cảnh, tâm lý và phong cách học tập. Từ đó, phấn đấu theo đuổi nghề giáo và trở thành giáo viên thực thụ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam nêu quan điểm.

Cũng đồng tình với quan điểm này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì các sinh viên sư phạm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng.

“Sinh viên sư phạm cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng thực hành, khả năng thích ứng với các điều kiện giảng dạy thực tế và có định hướng nghề nghiệp cụ thể. Mặt khác, đối với các trường đào tạo giáo viên nên đưa vào chương trình đào tạo những nội dung sát với thực tế, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ở những khu vực đang thiếu giáo viên”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc bày tỏ.

Linh hoạt cơ chế tuyển dụng để thu hút nhân tài

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang: Trong bối cảnh thiếu giáo viên nhưng sinh viên sư phạm ra trường lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, việc xây dựng các cơ chế tuyển dụng đặc thù và linh hoạt là cần thiết.

“Điều này đảm bảo rằng nguồn lực giáo viên được phân bổ một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các địa phương và các loại hình giáo dục khác nhau. Ngoài ra, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tuyển dụng giáo viên là các yêu cầu hành chính cứng nhắc, chẳng hạn như yêu cầu về hộ khẩu. Điều này hạn chế cơ hội việc làm cho cử nhân sư phạm đến từ các vùng khác không có hộ khẩu trong tỉnh, dẫn đến sự mất cân đối trong phân bổ giáo viên ở các vùng.

Những địa phương muốn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thì không nên có rào cản cho những người từ tỉnh ngoài và chỉ nên ưu tiên những người có năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang nhấn mạnh.

anh2.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang. (Ảnh: NVCC)

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang, đối với sinh viên sư phạm, việc thực tập không chỉ là một giai đoạn học tập quan trọng mà còn là cơ hội để khẳng định bản thân và tạo dựng nền tảng cho sự nghiệp sau này.

Trong thời gian thực tập, sinh viên nên phối hợp nhịp nhàng với sự phân công của cơ sở thực tập và thể hiện năng lực cá nhân một cách rõ ràng. Đây là những yếu tố quan trọng giúp sinh viên xây dựng mối quan hệ vững chắc, từ đó mở ra cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, các bạn cũng nên tìm kiếm thông tin và cơ hội việc làm ở những địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là các tỉnh thiếu giáo viên. Việc mở rộng địa bàn tìm kiếm việc làm và sẵn sàng di chuyển xa vừa giúp các bạn có cơ hội làm việc trong ngành giáo dục vừa có thể tích lũy kinh nghiệm phong phú và tạo sự khác biệt trong hồ sơ cá nhân.

Đối với những tỉnh còn thiếu giáo viên, việc các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp sẵn sàng đảm nhận công việc tại đây không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách của ngành giáo dục mà còn tạo ra những cơ hội nghề nghiệp lâu dài và bền vững cho bản thân các em.

“Việc xây dựng cơ chế tuyển dụng đặc thù và linh hoạt là một bước đi cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong khi sinh viên sư phạm ra trường lại gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực giáo viên mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các giáo viên trẻ, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của hệ thống giáo dục”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang bày tỏ.

Thu Thủy