Kiến nghị thay đổi cơ chế về học phí ĐH để ngăn tình trạng tăng quy mô nhanh

25/02/2024 06:23
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai tự chủ ở một số cơ sở giáo dục đại học vẫn còn khó khăn nhất định. 

Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019. Qua quá trình triển khai bên cạnh những thuận lợi, một số cơ sở giáo dục đại học vẫn gặp khó khăn nhất định khi thực hiện tự chủ.

Những thuận lợi khi thực hiện cơ chế tự chủ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, tự chủ đại học là đòi hỏi khách quan, xu thế phát triển của giáo dục đại học trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện trong Luật số 34/2018/QH14; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về học thuật chuyên môn của mỗi cơ sở giáo dục đại học và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Từ năm 2022, Trường Đại học Công nghệ bắt đầu áp dụng tự chủ đại học, tự đảm bảo chi thường xuyên. Đến nay, nhà trường đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác đào tạo, đảm bảo chất lượng, khoa học công nghệ và chính sách về học phí.

Nổi bật, trong năm 2023, hoạt động khoa học công nghệ của nhà trường tiếp tục có sự gia tăng về số lượng và kinh phí đề tài các cấp, số lượng và chất lượng các sản phẩm khoa học (cán bộ nhà trường đã công bố 428 công trình khoa học trong đó có 271 công trình công bố trên cơ sở dữ liệu WoS và SCOPUS, đạt 104% chỉ tiêu Đại học Quốc gia Hà Nội giao).

Thêm tiêu đề phụ (1).png

Cùng chia sẻ về những thuận lợi khi thực hiện cơ chế tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện học viện đạt tỷ lệ tự chủ chi thường xuyên hơn 90% và chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ chi thường xuyên sử dụng ngân sách nhà nước. Dự kiến năm 2025, học viện sẽ tự chủ chi thường xuyên (là Đơn vị nhóm 2 theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP).

Theo thầy Tiến, việc thực hiện tự chủ theo luật giúp học viện có nhiều điều kiện thuận lợi, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của học viện.

Kỳ vọng của lãnh đạo cơ sở giáo dục.png

Thầy Tiến cho biết, khi tự chủ về tài chính, học viện có thuận lợi trong xác định, lựa chọn tối ưu hơn các hoạt động trong điều kiện nguồn lực có hạn (đặc biệt trong phát triển chương trình, tài liệu, cải tạo sơ sở vật chất, mua sắm tài sản); cân đối các nguồn lực thu chi tài chính chặt chẽ, hiệu quả; có mục tiêu rõ ràng, quyết tâm thực hiện khai thác các nguồn lực từ bên ngoài và sử dụng hiệu quả tài sản của đơn vị. Bên cạnh đó, việc tự chủ tài chính cũng giúp học viện cân đối thu chi, liên tục cải thiện chế độ chính sách thu nhập, phúc lợi cho viên chức, người lao động. Từ đó, giúp học viện tuyển dụng, thu hút được nhiều nhân sự có trình cao làm việc toàn thời gian.

Với tự chủ nhân sự và tổ chức bộ máy giúp học viện xây dựng đề án vị trí việc làm, từ đó kiện toàn tổ chức, nhân sự theo hướng hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu chuyên môn. Những năm gần đây, học viện đã hình thành một số khoa, viện và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số phòng, trung tâm nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Việc tự chủ học thuật tạo cơ chế để học viện triển khai nhiều hoạt động cải tiến chất lượng dạy và học, thay đổi cơ chế khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ; chủ động liên kết, giao lưu học thuật, để giảng viên và người học có nhiều cơ hội, môi trường thực tế, thực hành bên ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, học viện đã chủ động mời các chuyên gia quốc tế về giảng dạy cho sinh viên, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi đào tạo; từ đó nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường.

Còn đó nhiều khó khăn

Ngoài những thuận lợi, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện cơ chế tự chủ cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo thầy Chử Đức Trình, cơ sở đào tạo của trường ở nội thành có diện tích khá hạn chế nên ảnh hưởng đến năng lực giảng dạy và học tập toàn diện. Thời gian qua đã có một phần sinh viên của trường chuyển lên cơ sở Hòa Lạc dù trước đó, nhà trường đã vận hành một số phòng thí nghiệm và thực hiện giảng dạy một phần sinh viên năm nhất tại Hòa Lạc. Tuy nhiên, để Hòa Lạc thực sự là một thành phố của giáo dục và khoa học công nghệ thì bên cạnh hệ thống đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, hệ thống giao thông đường sắt Văn Cao – Hòa Lạc sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định vị thế của đô thị Hòa Lạc.

Theo kế hoạch, năm 2024, Khu zone 1 (khu 1) của Trường Đại học Công nghệ (với diện tích sàn 35.000 m2) sẽ được khởi công. Dự án này là một trong ba tiểu dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

"Để Việt Nam thực sự trở thành một trung tâm sản xuất, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trên thế giới, một mặt thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ, các trường đại học phải tự đảm bảo chi thường xuyên, Nhà nước vẫn cần tập trung dành nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm, trang thiết bị, cơ sở vật chất để xây dựng hệ thống các cơ sở giáo dục đại học vững mạnh, đặc biệt cần tập trung cho các trường về công nghệ kỹ thuật, khoa học tự nhiên. Chúng ta cần có được hệ thống các phòng thí nghiệm mạnh để làm cơ sở có những kết quả về nghiên cứu khoa học tiên tiến ứng dụng vào thực tiễn", thầy Trình chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo thầy Trình, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập nhưng lại phân công, sử dụng sinh viên đó vào vị trí như những cán bộ chính nhiệm của doanh nghiệp. Do đó, nhiều sinh viên mải mê làm việc mà quên học tập. Chính điều này khiến sinh viên, và kể cả doanh nghiệp sử dụng sinh viên đó đang tự đưa bản thân và xã hội rơi vào “bẫy thu nhập”, “bẫy kiếm tiền “nhỏ” quá dễ”, quên đi việc trước mắt của sinh viên là tập trung vào học, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, làm nền tảng bền vững cho công việc ổn định lâu dài sau tốt nghiệp.

Còn theo thầy Tiến, Học viện Phụ nữ Việt Nam được thành lập từ cuối năm 2012, mặc dù kế thừa truyền thống của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương (thành lập năm 1960) nhưng những điều kiện về cơ sở vật chất còn hạn chế và chưa có tích lũy tài sản, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

"Mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự chủ chi thường xuyên được quy định ở mức thấp, trong khi yêu cầu về chất lượng giáo dục giữa các trường đại học là như nhau và ngày càng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và hội nhập quốc tế. Ngân sách nhà nước cấp cho học viện đảm bảo một phần chi thường xuyên ngày càng giảm nên nhà trường gặp khó khăn trong cân đối, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đặc biệt trong cải thiện chính sách thu hút nhân sự trình độ cao", thầy Tiến chia sẻ về khó khăn.

Chỉ ra thêm khó khăn khi thực hiện tự chủ, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, học viện đang triển khai đào tạo một số ngành học đặc thù nhằm góp phần thúc đẩy tiến bộ và công bằng, bình đẳng giới (ngành Công tác xã hội, Giới và Phát triển) nhưng nhu cầu của xã hội với các ngành học này còn thấp; thiếu sự hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế hỗ trợ việc làm cho những nhân sự được đào tạo trong các ngành nghề đặc thù.

Do đó, thầy Tiến mong muốn, với một số ngành, nghề góp phần cải thiện phúc lợi xã hội, chăm sóc các đối tượng yếu thế và cải thiện công bằng xã hội thì cần được nhà nước có chính sách hỗ trợ sinh viên từ khi đào tạo cho đến việc làm sau tốt nghiệp.

Cần thay đổi chính sách để doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với trường đại học

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam bày tỏ:

Một là, cần tiếp tục thay đổi cơ chế về học phí đại học để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và tạo điều kiện cho các trường cải thiện nguồn thu, yên tâm đầu tư nâng cao chất lượng, loại bỏ xu hướng gia tăng quá nhanh quy mô tuyển sinh, đào tạo trong điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự chưa đáp ứng.

Hai là, với trường đại học tự chủ tài chính thuộc Đơn vị nhóm 2 (theo Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP), nhà nước cần hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm tài sản để cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng đáp ứng với các tiêu chuẩn, quy định và thông lệ quốc tế; tiếp tục cải thiện chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Ba là, hiện các nguồn thu của trường đại học còn hạn chế, chưa cân đối, nguồn thu chính vẫn là từ học phí. Vì vậy, các bên liên quan cần thúc đẩy, thay đổi chính sách để doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ hơn với nhà trường, từ đó gia tăng các nguồn thu, trong đó có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Đồng tình với những đề xuất trên, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình chia sẻ thêm, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo thầy Trình, đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam cần được quan tâm nhiều hơn. Từ đó, xây dựng được một số trường đại học với thứ hạng cao trên thế giới, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Để xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học mạnh và phát triển bền vững trên toàn quốc, mong rằng, chính sách tự chủ đại học từng bước thực hiện mạnh mẽ và rõ ràng hơn, để các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ học thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tự chủ công tác tổ chức, tuyển dụng và sử dụng nhân lực", Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ mong muốn.

Ngọc Mai