Tự chủ đại học mang lại sức sống mới, vì đâu nên nỗi có trường ngại thực hiện?

15/12/2023 10:25
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tự chủ đại học là giải pháp có tính đột phá, đem lại sức sống mới, động lực cho sự phát triển của GDĐH. Tuy nhiên, vẫn có trường e ngại không muốn tự chủ.

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đại diện đến từ khối các cơ sở giáo dục đại học đã chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp quan trọng liên quan tới tự chủ đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đầu tư phát triển nguồn nhân lực,...

Nghị quyết 29 có tính thực tiễn cao và đi vào đời sống

Trao đổi ý kiến tại hội nghị, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khẳng định, Nghị quyết 29 có tính thực tiễn rất cao và đi vào đời sống. Chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đã bước đầu phát triển, đáp ứng được yêu cầu của các đối tác lớn về công nghệ.

“Tất cả những doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Việt Nam trong những năm gần đây một phần là do nguồn nhân lực của chúng ta đã có những bước phát triển, tiếp cận được với các doanh nghiệp FDI. Một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu - Samsung nói rằng, khi vào Việt Nam, 30% quyết định là nhờ vào đánh giá nguồn nhân lực để họ quyết tâm đầu tư”, Phó giáo sư Đặng Hoài Bắc nêu dẫn chứng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Chia sẻ thêm, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, từ khi Nghị quyết 29 ra đời, Học viện đã tiếp thu và quán triệt tinh thần Nghị quyết, đặc biệt áp dụng vào chuyển đổi số - mang lại những giá trị tốt nhất cho người học.

Học viện thực hiện đổi mới trong quản trị đại học, phương pháp giảng dạy và tiếp cận các bài giảng quốc tế; đặc biệt áp dụng chuyển đổi số trong dạy và học các môn chính trị, mang lại những tiết học trực quan, sinh động, tăng khả năng tiếp thu cho sinh viên.

Góp ý tại hội nghị, Phó giáo sư Đặng Hoài Bắc cho rằng cần có các quy hoạch về giáo dục đại học một cách rõ ràng, đặc biệt với các trường tự chủ. Theo vị này, trường đại học thực hiện trong điều kiện không có được sự hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp và của xã hội thì rất khó cạnh tranh.

Phó giáo sư Đặng Hoài Bắc cũng bày tỏ mong muốn cần hình thành nền giáo dục chia sẻ, các trường phối hợp với nhau trong mọi lĩnh vực dưới sự định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mới có thể phát triển nhanh.

Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đề xuất, không chỉ các trường đại học nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà tương lai, tầm nhìn từ nay đến năm 2030, nước ta cũng nên mạnh dạn đầu tư thí điểm vào một số trường đại học có sức ảnh hưởng với nước ngoài để nâng tầm chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam.

Cuối cùng, Phó giáo sư Đặng Hoài Bắc nhấn mạnh tới đội ngũ sinh viên - lực lượng tinh hoa của đất nước. Theo vị lãnh đạo, các em sinh viên cần được định hướng, hỗ trợ từ nhà trường, xã hội, đặc biệt của doanh nghiệp để tạo động lực học tập, hình thành trí thức mới, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số của nước nhà.

Nhận thức và kỳ vọng của các bên về tự chủ đại học có sự khác nhau

Cũng trao đổi ý kiến tại hội nghị tổng kết, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhận định, Nghị quyết 29 đã tạo ra những bước phát triển cho giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương cho rằng vẫn còn nhiều công việc toàn ngành phải thực hiện.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương

Theo Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn, thời gian qua, nhận thức chung trong hệ thống chính trị về giáo dục và đào tạo đã có nhiều thay đổi. Trong đó, nhận thức chung của những người làm công tác quản lý, công tác giảng dạy, của người học và toàn xã hội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, đặt tiền đề cho sự phát triển của hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đào tạo nói riêng trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã có nhiều cái thay đổi tích cực. Đặc biệt, việc ban hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 và Luật Giáo dục 2019, là cơ sở nền tảng cho công tác quản lý, điều hành đối với các chủ thể tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo.

Các cơ sở giáo dục đại học phát triển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, xây dựng nhiều mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu có hiệu quả. Nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở vật chất đã được tăng cường.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo. Việc đối sánh các chương trình được triển khai một cách hiệu quả. Nhiều trường đại học Việt Nam đã chủ động đối với sánh các chương trình với nhiều trường đại học lớn, uy tín ở nước ngoài, làm cơ sở cho việc công nhận tín chỉ lẫn nhau và thực hiện trao đổi sinh viên giữa các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài.

Lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, tự chủ đại học là một giải pháp có tính đột phá. Trong thời gian vừa qua, tự chủ đại học thực sự đã đem lại sức sống mới, động lực cho sự phát triển của giáo dục đại học.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện tự chủ của giáo dục đại học nước ta hiện nay.

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, nhận thức và kỳ vọng của các bên về tự chủ đại học có sự khác nhau, đặc biệt giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân.

“Đôi khi chúng ta đồng nhất tự đại học với tự chủ tài chính, điều này dẫn tới một số cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý, mới chỉ chú trọng cắt giảm ngân sách đầu tư và chi tiêu thường xuyên, chưa chú trọng tới xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định quản lý phù hợp với tự chủ đại học”, Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn nêu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, nhiều quy định trong các văn bản hiện hành không phù hợp với tự chủ của giáo dục đại học, thậm chí còn hạn chế, xu hướng tự chủ đại học.

Việc triển khai tự chủ đại học thiếu một lộ trình rõ ràng. Cơ chế thị trường để các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, cạnh tranh bình đẳng với nhau chưa được hoàn thiện.

Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, trong quá trình tự chủ đại học, một số phương hướng đã xuất hiện. Trong đó, có thực tế một số cơ sở giáo dục đại học e ngại không muốn tự chủ do chưa nhận thức đúng, đầy đủ lợi ích của tự chủ mang lại. Một số cơ sở giáo dục đại học nghĩ đơn giản, tự chủ đại học đơn thuần là tự chủ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Những nội dung khác như xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, tuyển sinh, học thuật, tổ chức, nhân sự chưa được chú trọng một cách đúng mức.

Còn nhiều cơ sở giáo dục đại học hiểu sai quyền tự chủ và quyền được tự quyết định mọi việc, nên nhiều cơ sở giáo dục đại học còn lúng túng trong việc triển khai, thậm chí là làm chưa đúng với quy định của pháp luật.

Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ ở mức độ cao đã được thực hiện được và có nhiều kết quả trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn cho rằng vẫn còn có khó khăn trong việc tích lũy vốn cho đầu tư phát triển, và điều này cần có sự tháo gỡ từ phía nhà nước.

Đề xuất xây dựng nghị định mới về tự chủ đại học

Với những khó khăn, hạn chế đã nêu, Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá hoàn thiện hành lang pháp lý; Rà soát, điều chỉnh, xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật mới, dẫn dắt có hiệu quả tự chủ đại học.

“Để tiếp tục phát huy hiệu quả tự chủ đại học, chúng tôi mạnh dạn đề nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan liên quan xem xét có thể xây dựng một nghị định mới về tự chủ đại học để tạo đột phá cho sự phát triển trong bối cảnh mới”, lãnh đạo Trường Đại học Ngoại thương nêu đề xuất.

Theo Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn, nếu vẫn duy trì các quy định hiện nay thì tự chủ đại học khó có thể phát triển bền vững và tiếp tục được. Vị lãnh đạo nhấn mạnh, muốn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của tự chủ đại học, cần thiết phải có một nghị định mới liên quan tới lĩnh vực này.

Trong đó, Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn đề nghị chú ý tới việc tạo lập một môi trường lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học với các mô hình tự chủ đại học khác nhau.

Khuyến khích mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường giáo dục đại học.

Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Cuối cùng, hoàn thiện các mô hình tự chủ đại học, trong đó làm rõ mô hình ngành quản trị đại học theo các cấp độ tự chủ khác nhau đối với các đại học công lập.

Ngoài ra, Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn đề xuất xây dựng cơ chế đầu tư và phát triển, hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển của các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo cơ chế cạnh tranh.

“Hiện nay, các trường đại học công lập tự chủ không đủ vốn tích lũy để đầu tư phát triển, như vậy vẫn cần sự hỗ trợ của nhà nước. Do đó, kiến nghị nhà nước xây dựng những quỹ đầu tư để các trường cạnh tranh bằng các dự án liên quan đến sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới”, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ.

Cuối cùng, Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn đề xuất cơ quan quản lý nhà nước đầu tư đào tạo nguồn nhân lực để cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt đào tạo đội ngũ giảng viên, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình thực hiện Đề án 89.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn chia sẻ, cần có một nhận thức đúng về vai trò của tự chủ đại học trong bối cảnh mới, từ lãnh đạo đến viên chức, giảng viên và của người học.

“Cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường; cần quan tâm đầu tư nâng cao năng lực về mọi mặt của cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt về quản trị đại học và của đội ngũ giảng viên và quản lý”, Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.

Doãn Nhàn