Khó tự chủ khi cơ quan chủ quản chưa từ bỏ vai trò độc quyền quản lý trực tiếp

21/12/2023 06:38
Phạm Minh (thực hiện)
GDVN-Xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản để ngăn chặn tệ nạn quản lý kiểu xin-cho nhưng không phủ nhận vai trò lãnh đạo quan trọng của cơ quan QLNN và của cấp ủy Đảng.

Vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục – đào tạo nói chung, nhất là của các cơ sở giáo dục đại học, từ lâu đã được đề cập trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước.

Cơ chế tự chủ cũng đã mở đường để nhiều trường đại học phát triển, đạt được những thành tựu khởi sắc ngoạn mục.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực đạt được cũng đang cho thấy nhiều vấn đề bất cập, thậm chí tiêu cực nảy sinh. Điều đó cho thấy rằng, về mặt chủ trương thực hiện cơ chế tự chủ của các trường đại học là đúng đắn và có sự nhất trí cao; nhưng đồng thời đang có những sự khác biệt cả về mặt nhận thức, sự bất cập và chưa phù hợp của một số quy định pháp lý, cơ chế, chính sách, và cả những bất cập, yếu kém, thậm chí sai lệch trong tổ chức thực hiện.

Để làm rõ những vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Phạm Minh

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Phạm Minh

Phóng viên: Thưa ông, tự chủ đại học không phải là vấn đề mới, những năm qua, chúng ta đã bàn luận rất nhiều, nhưng thực sự đây vẫn là vấn đề nan giải của nhiều cơ sở giáo dục đại học. Không ít trường đại học vẫn còn bỡ ngỡ khi thực hiện triển khai các công việc liên quan đến quy định về tự chủ? Vậy chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề này như thế nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tự chủ được xem là hệ giải pháp có cấu trúc chặt chẽ hướng đến việc cải thiện môi trường giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học; là con đường để tìm kiếm phương cách thúc đẩy sự xuất sắc trong học thuật, trong quản lý tài chính, và trong quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Do đó trong cải cách giáo dục đại học, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Thế nhưng, thực tế là nhiều trường đại học ở nước ta hiện nay chưa sẵn sàng và chưa đủ năng lực để bước vào tự chủ.

Xét về mặt pháp lý hiện chỉ mới có 23 trường đại học công lập được quyền thí điểm thực hiện tự chủ đại học, các trường đại học còn lại vẫn đang được hoạt động theo cơ chế chủ quản.

Do đó trước khi triển khai đại trà tự chủ đại học, Chính phủ nên cho định kỳ đánh giá việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của 23 cơ sở giáo dục đại học công lập này (theo Nghị quyết 77/NQ-CP), đặc biệt qua mô hình thí điểm tự chủ đại học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tuy nhiên mấy năm qua, Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng như chỉ đạo từ một số cơ quan quản lý lại làm cho các trường đại học và cả xã hội lầm tưởng rằng tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều được trao quyền tự chủ đầy đủ.

Qua một số cuộc điều tra gần đây có thể thấy nhiều trường đại học, kể cả không ít trường đại học lớn và đã làm thí điểm tự chủ, còn chưa sẵn sàng tự nguyện chuyển qua cơ chế tự chủ. Vì vậy, họ bước vào tự chủ với tâm thế chưa sẵn sàng, và các trường sẽ còn nhiều bỡ ngỡ khi triển khai các công việc hay thực hiện theo các quy định liên quan đến tự chủ đại học.

Theo tôi, chúng ta chưa nên thực hiện tự chủ đại học đồng thời ở tất cả các trường đại học công lập mà cần phải có lộ trình phù hợp. Ngoài ra, nhà nước cần có nhiều mức độ tự chủ khác nhau cho các cơ sở giáo dục đại học khác nhau.

Trước mắt, Nhà nước cần chia các trường đại học công lập thành 3 nhóm: trường tự chủ, trường bán tự chủ và trường chưa tự chủ.

Điều này hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học nên có một “phổ” khá rộng tùy theo các loại hình và năng lực của các cơ sở đó.

Ngay ở Mỹ, mức độ tự chủ đại học cũng có một phổ khá rộng, từ mức nhà nước chỉ giám sát (state supervising) ở các đại học nghiên cứu cho đến mức nhà nước kiểm soát (state control) ở các cao đẳng cộng đồng.

Phóng viên: Như ông nói, có những trường đại học chưa nên bước vào tự chủ. Nhưng theo quy định, các trường đại học đều phải kiện toàn bộ máy Hội đồng trường và các trường đều được trao quyền tự chủ nhất định?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho một tập thể lãnh đạo có trí tuệ (tức Hội đồng trường), không thể trao cho cá nhân Hiệu trưởng. Trường hợp ngược lại Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài (ngành giáo dục đã có những bài học rất sâu sắc về việc này). Do đó chỉ các trường đại học công lập được tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.

Hoàn toàn không hợp lý khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các năm vừa qua chỉ đạo thành lập đại trà Hội đồng trường ở cả những trường còn chưa được chuyển qua cơ chế tự chủ và ở những trường mà cơ quan chủ quản còn chưa tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền quản lý trực tiếp của mình đối với cơ sở giáo dục đại học (tức là vẫn muốn giữ định chế có cấu trúc kiểu tập quyền như cũ).

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, cần có lộ trình phù hợp cho các trường đại học công lập thực hiện tự chủ đại học. Ảnh minh họa: Đại học Đà Nẵng

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, cần có lộ trình phù hợp cho các trường đại học công lập thực hiện tự chủ đại học. Ảnh minh họa: Đại học Đà Nẵng

Hệ quả là ở nhiều cơ sở giáo dục đại học, Hội đồng trường chỉ mang tính hình thức, thành lập cho có và chưa có thực quyền. Điều này không tạo nên được những bước chuyển mình hay sự thay đổi trong quản trị đại học và không giúp các trường phát triển.

Theo tôi, Hội đồng trường chỉ nên thành lập ở những trường công lập đã hội đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm giải trình của mình. Để giúp các trường tự đánh giá năng lực của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành chuẩn giáo dục đại học (Điều 68, Luật 34/2018/QH14). Ngoài ra năng lực này cũng cần được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đánh giá rất thận trọng khi thẩm định Đề án tự chủ của các trường.

Thứ hai, đã được giải phóng khỏi cơ chế cơ quan/bộ chủ quản. Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường (nếu có) được thực hiện qua ý kiến và lá phiếu của các đại diện của mình trong Hội đồng trường (thậm chí chấp nhận có số lượng tham gia chiếm tỷ lệ cao).

Ngoài ra không nên chấp nhận trao ngay quyền tự chủ toàn diện cho trường mà chỉ đòi hỏi trường cam kết không nhận ngân sách nhà nước như quy định ở Điều 1, Nghị quyết 77/NQ-CP.

Phóng viên: Thế nhưng ngay cả những trường đại học đã được thí điểm tự chủ, vẫn có Hội đồng trường còn chưa thể phát huy hết thực quyền. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Dù đã được thí điểm tự chủ nhưng các trường vẫn tồn tại cơ chế cơ quan chủ quản dưới danh nghĩa “cơ quan quản lý trực tiếp”, các trường vẫn vận hành theo cơ chế xin – cho, như chúng ta vẫn nói là đang “tự chủ nửa vời”, tự chủ mà còn nhiều “trói buộc”, chưa thể tạo đà cho trường đại học chủ động, sáng tạo để phát triển bứt phá. Mà nếu đã vậy thì làm sao có thể nói rằng trường đã “được trao quyền tự chủ”.

Điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều người, thậm chí cả các nhà quản lý ở các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa nhận ra được vai trò quan trọng, cấp thiết của Hội đồng trường khi thực hiện tự chủ đại học.

Có thể nói ngắn gọn: Trong tổ chức quản trị xã hội và Nhà nước nói chung, các tổ chức vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận nói riêng, có hai loại cơ chế hay định chế tổ chức (Institution) chính được sử dụng đồng thời và rất phổ biến.

Một là định chế “có cấu trúc kiểu tập quyền” (Hierachical – như trung ương có nhiều tỉnh, tỉnh có nhiều huyện, huyện có nhiều xã…), cấp trên “cử” cấp dưới, chủ yếu cấp dưới phải nghe cấp trên nên mối liên hệ là kiểu liên kết dọc bất đối xứng. Cách ra quyết định ở đây là những quyết định của cá nhân.

Hai là định chế “điều phối tự quản” (Self-regulation) kiểu “hội đồng” (Board/ Council) theo cách “bầu chọn” các đại diện của các “nhóm lợi ích có liên quan” (Stakenholders). Những người đại diện này có địa vị ngang nhau nên mối liên hệ là kiểu liên kết ngang bình đẳng. Cách ra quyết định ở đây lại là những nghị quyết của tập thể hội đồng.

Về mặt quản trị nhà nước, bên cạnh cơ chế Chính phủ còn có cơ chế Quốc hội, bên cạnh Ủy ban nhân dân tỉnh còn có Hội đồng nhân dân, bên cạnh thị trưởng còn có hội đồng thành phố…

Ở các công ty cổ phần, bên cạnh tổng giám đốc với tính chất là người thực thi công việc của người khác (Executive Agent) hoặc “trưởng quan chức thực thi” (CEO- Chief Executive Officer) còn có hội đồng quản trị (Board of Directos) hoặc hội đồng công ty (Corporate Board).

Ở trường đại học và nhiều tổ chức xã hội khác, bên cạnh hiệu trưởng, “thủ trưởng” còn có “hội đồng ủy thác” (Board of Trustees).

Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò và sự cần thiết của Hội đồng trường trong các trường đại học tự chủ. Ngày nay luật pháp quan niệm “những nhóm lợi ích có liên quan” như cơ quan chủ quản, giảng viên, cán bộ công nhân viên, sinh viên, khách hàng, nhà tài trợ, trường đại học bạn, người đóng thuế, người dân trong vùng… đều là những người có chủ quyền đối với trường đại học. Ở các tổ chức có tính chất “chủ sở hữu cộng đồng” như vậy, thường có ba đặc điểm sau đây liên quan đến sự cần thiết của một hội đồng:

Thứ nhất, nhiều vấn đề cần phải ra quyết định trong thực tế thường có tính chất “đa mục tiêu”. Khi đó, gần như không có khái niệm lời giải tốt nhất, lời giải đúng theo nghĩa thông thường mà chỉ có “lời giải thích hợp” phụ thuộc vào “sở thích” (Preference) của người ra quyết định. Sở thích ở đây phải là sở thích của “chủ sở hữu cộng đồng”, mà hội đồng là những người đại diện cho họ chứ không phải của cá nhân người “thủ trưởng” của tổ chức đó.

Thứ hai, một tổ chức luôn luôn cần sự thay đổi để đổi mới. Nhưng mọi thay đổi luôn kèm theo “rủi ro”. Người thủ trưởng thực thi, để yên vị được “chiếc ghế” của mình, thường không dám chấp nhận những rủi ro đó. Chỉ có hội đồng đại diện của “chủ sở hữu cộng đồng” mới dám chấp nhận những hành động “may nhờ rủi chịu” như vậy. Chính vì vậy, người ta nói “ảnh hưởng chủ yếu của hội đồng" là tạo ra sự thay đổi.

Thứ ba, ở các tổ chức này luôn có sự tách rời giữa quyền sử dụng và quyền sở hữu. Quyền sử dụng là của người quản lý nhưng quyền sở hữu là của “chủ sở hữu cộng đồng”. Vì vậy, dường như luôn có một “tổn thất” của “chủ sở hữu cộng đồng” gọi là “tổn thất do giao quyền”. Sự tồn tại của cơ chế hội đồng gồm những đại diện của chủ sở hữu còn là để hạn chế những tổn thất đó.

Do vậy Hội đồng trường là một cơ chế được sử dụng rất phổ biến trong quản trị giáo dục đại học ở các nước phát triển trên thế giới đi kèm với chủ trương trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Và điều quan trọng là phải xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản để ngăn chặn tệ nạn quản lý kiểu “xin-cho”, nhằm giúp cho Hội đồng trường có thực quyền, nhưng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của cấp ủy Đảng. Phải phân định rạch ròi vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và của Hội đồng trường đối với Hiệu trưởng và tập thể Ban giám hiệu.

Để khẳng định nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng, như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy nhất thiết phải là người có uy tín cao nhất trong trường để xứng đáng kiêm chức Chủ tịch Hội đồng trường. Trong vai trò đó Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm quán triệt và thuyết phục các thành viên Hội đồng trường để đưa những nghị quyết quan trọng của Đảng ủy sớm đi vào cuộc sống thông qua sự chuyển hóa thành các Nghị quyết của Hội đồng trường.

Phóng viên: Thưa ông, một trong những khía cạnh quan trọng của tự chủ về mặt tổ chức là phải phân định và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng). Không ít trường đại học vẫn lúng túng trong vấn đề này. Quan điểm của ông như thế nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường và Hiệu trưởng đã được quy định khá rõ tại Luật Giáo dục đại học 2018 (Điều 16 và Điều 20).

Theo đó Hội đồng trường làm chức năng quản trị còn Hiệu trưởng làm chức năng quản lý nhà trường. Hội đồng trường đại diện cho quyền quyết định đường lối chiến lược của trường đại học. Hiệu trưởng đại diện cho quyền điều hành công việc hàng ngày của trường đại học.

Hội đồng trường đại diện cho chủ sở hữu trước pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn của các nghị quyết do mình đưa ra. Trong khi đó Hiệu trưởng đại diện cho nhà trường trước pháp luật, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong điều hành hoạt động của nhà trường cũng như trước Hội đồng trường (chứ không phải trước từng thành viên Hội đồng trường, kể cả Chủ tịch Hội đồng trường) trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường

Không nên đặt vấn đề giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, ai to quyền hơn ai. Theo Giáo sư Phạm Phụ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là mối quan hệ đồng cấp, ngang hàng để hỗ trợ nhau, không có chuyện “ai trên ai”. Chính giải quyết hợp lý mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của quản trị trường đại học cũng như đảm bảo quyền tự chủ đại học.

Về chức năng – nhiệm vụ, Hội đồng trường làm việc một phần thời gian, nhưng phải ra quyết định tập thể ít nhất là về ba loại vấn đề:

Thứ nhất là làm chiếc cầu nối giữa nhà trường và chủ sở hữu cộng đồng. Hội đồng trường luôn phải hiểu họ là người được “chủ sở hữu cộng đồng” ủy thác cả về quyền sở hữu, quyền đại diện pháp lý lẫn một phần quyền định đoạt lợi ích phát sinh để đảm bảo giá trị kinh tế - xã hội của nhà trường và đáp ứng được nhu cầu và những quan tâm của “chủ sở hữu cộng đồng”.

Chính vì vậy người ta nói, Hội đồng trường lãnh đạo trường bắt đầu từ bên ngoài chứ không phải từ bên trong trường đại học.

Thứ hai là xây dựng chính sách. Chính sách là công cụ để cai quản của Hội đồng trường và đây là nhiệm vụ trọng tâm của họ. Chính sách có thể bao gồm: các mục tiêu cần phải đạt được như về chiến lược phát triển, huy động vốn (Fund Raising), chi phí đào tạo, chất lượng đào tạo… các phương thức để đạt được mục tiêu như cách làm việc của Hội đồng trường, “các giới hạn về mặt thực thi” (Executive limitations)… các mối quan hệ trong nhà trường…

Cũng chính vì vậy người ta nói, Hội đồng trường lãnh đạo theo kiểu nhìn về tương lai nhiều hơn là nhìn về quá khứ.

Thứ ba là đảm bảo (theo nghĩa bảo hiểm) sự hoàn thành nhiệm vụ của bộ phận thực thi, thông qua việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra cho các thành viên của nhà trường.

Và trong nhiều trường hợp, Hội đồng trường cũng có thể có những chức năng khác. Tuy nhiên, nhìn chung Hội đồng trường thường phải quyết định tập thể những vấn đề mang nhiều màu sắc “chủ quan” và tạo ra “sự thay đổi”. Chính vì vậy, có Hội đồng trường mới có được sự sáng tạo và đổi mới như đã nêu ở trên.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của Hội đồng trường là bầu chọn Hiệu trưởng và Hội đồng trường chỉ có một “nhân viên” duy nhất là Hiệu trưởng.

Tuy nhiên, công việc của Hội đồng trường không phải là loại công việc “chồng lên trên” công việc của Hiệu trưởng. Hiệu trưởng chỉ có trách nhiệm đối với Hội đồng trường như là một thực thể và do vậy không có trách nhiệm đối với từng thành viên của Hội đồng trường, thậm chí đối với các ủy ban của Hội đồng trường (nếu có).

Mối quan hệ giữa Hiệu trưởng và các thành viên của Hội đồng trường là cộng sự chứ không phải là cấp trên, cấp dưới trong cấu trúc tập quyền (hierachical). Quan hệ giữa chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng cũng là “quan hệ ngang hàng để hỗ trợ nhau” (Supportive peers). Hội đồng trường cũng không có mối quan hệ chính thức (official) với các thành viên khác của nhà trường, trừ khi có yêu cầu của Hiệu trưởng.

Về vai trò của hiệu trưởng, hiệu trưởng là người có vị trí cao nhất trong “chủ thể thực thi” (CEO) của nhà trường, là “cầu nối” giữa Hội đồng trường và cán bộ nhà trường và chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường về việc hoàn thành nhiệm vụ của nhà trường.

Cụ thể hơn, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường về: hoàn thành các mục tiêu đã được Hội đồng trường xác định; không vi phạm những chính sách có liên quan đến “các giới hạn về mặt thực thi” do Hội đồng trường thiết lập. Hiệu trưởng có quyền ra quyết định tất cả các vấn đề có tính chất thực thi miễn là nằm bên ngoài ba “quyền lực” nói trên của Hội đồng trường.

Về cách thức kiểm soát, nguyên tắc kiểm soát của Hội đồng trường là chỉ kiểm soát những chính sách đã được thiết lập, “nếu có cái gì chưa nói phải như thế nào thì không được hỏi: nó đã như thế nào”.

Việc giám sát đó được thực hiện qua ba cách: Báo cáo của hiệu trưởng về các chính sách đã được thiết lập; sử dụng người kiểm tra bên ngoài trường về một chính sách cụ thể nào đó, ví dụ phổ biến là cách sử dụng kiểm toán trong tài chính; Thanh tra trực tiếp hay thanh tra tại chỗ của Hội đồng trường về một chính sách nào đó, có thể bằng cách lựa chọn ngẫu nhiên hay quy định định kỳ.

Đây cũng là cơ sở để có sự quản lý minh bạch (Transparency) ở trường đại học. Qua đó, Hội đồng trường đánh giá công việc của nhà trường cũng như công việc của hiệu trưởng. Và đây cũng chính là cơ sở để Hội đồng trường “bảo hiểm” sự hoàn thành nhiệm vụ của bộ phận thực thi như đã nói ở trên.

Chức năng và các mối quan hệ của Hội đồng trường với hiệu trưởng có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của quản trị cơ sở giáo dục đại học cũng như đảm bảo quyền tự chủ đại học.

Theo tôi, Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi nó đại diện thực sự cho cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ đại diện cho tập thể các thành viên của nhà trường theo cơ chế sở hữu tập thể của trường đại học dân lập kiểu cũ, lại càng không phải là tổ chức tư vấn của hiệu trưởng). Cơ cấu thành viên của Hội đồng trường nên hướng tới thể hiện tính “cộng đồng” thật sự của chủ sở hữu và phải gồm những đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.

Để tránh tác động của nhóm lợi ích nội bộ, số lượng các thành viên “ngoài trường” trong Hội đồng trường phải chiếm tỷ lệ cao (khoảng trên 50%). Ngoài ra để đảm bảo cho Hội đồng luôn có được sự khách quan, các thành viên ngoài trường không nên hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hoặc lương của nhà trường. Không hạn chế tuổi tác của thành viên “ngoài trường” trong Hội đồng trường.

Phóng viên: Thưa ông, Hội đồng trường là đại diện thực sự cho cộng đồng xã hội, vậy cơ cấu thành viên của Hội đồng trường cần được xác lập như thế nào để thể hiện tính “cộng đồng” thực sự của chủ sở hữu?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Để bảo đảm Hội đồng trường là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học công lập tự chủ và đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của cộng đồng xã hội đối với nhà trường thành phần của Hội đồng trường ở các trường công lập nên được xác lập như sau:

Đối với các trường đại học tự chủ (khi không còn cơ quan chủ quản): Hội đồng trường bao gồm các thành viên trong trường (Bí thư Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, giảng viên và cán bộ quản lý) và các thành viên ngoài trường (đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, các cựu lãnh đạo Đảng và nhà nước có uy tín, các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng, các doanh nhân tiêu biểu, vừa có tâm vừa có tầm, các cựu sinh viên thành đạt,…). Để bảo đảm tính khách quan của các quyết nghị của Hội đồng trường (không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ) thành phần ngoài trường phải chiếm quá 50%.

Đối với các trường đại học bán tự chủ (khi vẫn còn cơ quan chủ quản): Hội đồng trường vẫn bao gồm các thành viên với thành phần như ở các trường đại học tự chủ nhưng tỉ lệ thành viên đại diện cho cơ quan quản lý trực tiếp (chủ quản) ban đầu có thể tương đối cao. Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường (nếu có) chỉ được thực hiện qua ý kiến và lá phiếu của các đại diện của mình trong Hội đồng trường.

Cơ cấu và nhân sự của Hội đồng trường ban đầu không nên do tập thể lãnh đạo trường và cơ quan chủ quản đề xuất/quyết định (như trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP) mà nên được chỉ định bởi một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Chính phủ đối với các đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương được phân cấp quản lý đối với các trường đại học, học viện) dựa trên đề xuất (bằng nghị quyết) của Đảng ủy trường.

Trao quyền tự chủ cho trường đại học thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đại học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ. Phải gắn liền việc trao quyền tự chủ với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của trường đại học.

Phóng viên: Bên cạnh việc giải quyết mối quan hệ giữa Hội đồng trường – Ban giám hiệu (Hiệu trưởng), để tự chủ đại học đi vào thực chất, theo ông, trước mắt chúng ta cần giải quyết những vấn đề gì?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng điều quan trọng là chúng ta không được đánh đồng tự chủ với tự túc về nguồn lực như quan niệm hiện nay. Quy định các trường đại học tự chủ phải chấp nhận cắt giảm ngân sách chi thường xuyên là không ổn. Theo tôi, Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Cùng với đó, các quy định đã ban hành của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan Nhà nước cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với tinh thần của các Nghị quyết 29 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương và Luật Giáo dục đại học 2018 (Luật 34/2018/H14).

Cần có Nghị định riêng cho các cơ sở giáo dục đại học đã được tự chủ dựa trên tinh thần của Kết luận 14- KL/TW của Bộ Chính trị để các trường này hoạt động thuận lợi và chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước sớm đi vào cuộc sống.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến!

Phạm Minh (thực hiện)