ĐH tự chủ đang phải tự túc, Nhà nước nên cấp bù ngân sách khi chưa tăng học phí

15/09/2023 06:37
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhà nước nên cấp bù ngân sách khi chưa tăng học phí; đồng thời, tăng cường huy động các nhà đầu tư/tài trợ để đảm bảo cân đối giữa quy mô đào tạo và chất lượng.

Nhà nước nên cấp bù ngân sách khi chưa tăng học phí

Theo lãnh đạo một số trường đại học, dự kiến việc điều chỉnh Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng không tăng học phí năm học mới 2023-2024 nhằm chia sẻ với người học; tuy nhiên, cũng là một “bài toán” khó cho các trường đại học trong cân đối khoản thu - chi, đặc biệt, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, rất cần được đầu tư tương xứng.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu 3 kiến nghị. Trong đó, cần tăng đầu tư của Nhà nước đối với giáo dục đại học, và theo đó, trong trường hợp chưa tăng học phí, Nhà nước nên cấp bù ngân sách cho phần chưa được tăng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với kiến nghị trên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân chỉ ra: “Hiện tại, giáo dục đại học ở Việt Nam đang có điểm khác biệt so với thế giới ở chỗ: Trên thế giới, các trường đại học tự chủ nhưng không có nghĩa phải phụ thuộc vào nguồn thu học phí từ người học là chủ yếu, mà chỉ là trao quyền tự quyết nhưng lại có nhiều nguồn thu khác từ đầu tư của Nhà nước, từ các tổ chức phi Chính phủ, các nguồn nghiên cứu khoa học, cựu sinh viên... Còn ở Việt Nam, hầu hết các trường tự chủ vẫn đang phải tự túc kinh phí và chủ yếu thông qua nguồn thu học phí là chủ yếu.

Do đó, nếu không được tăng học phí, hầu hết các trường đại học sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, mấy năm vừa qua chưa tăng học phí.

Chính vì vậy, nếu chủ trương chưa tăng học phí trong năm học 2023-2024 theo lộ trình, tôi cho rằng, Nhà nước cũng nên có kế hoạch cấp bù ngân sách cho phần chênh lệch chưa được tăng học phí.

Cũng giống như trong các trường hợp có “trợ cấp thất nghiệp” hay chính sách “hỗ trợ Covid-19” cho công nhân, người lao động trong thời điểm dịch bệnh khó khăn".

Theo thầy Nhân, trong giai đoạn hiện nay, vai trò giữa Nhà nước và các nhà trường rất cần phải có sự gắn kết với nhau.

Bởi, trước đó, các trường đại học đã có tính toán dự trù kinh phí, tăng học phí theo lộ trình, nhưng lại không được tăng nên thu không đủ bù chi. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, với mức tăng trưởng xã hội ngày càng cao, nếu không có chế độ đãi ngộ phù hợp và mang lại thu nhập cao cho giảng viên, sẽ khó giữ chân giảng viên có trình độ cao”.

“Dài hơi hơn nữa, tôi cho rằng, giao quyền tự chủ cho các trường nhưng ở một số ngành, một số lĩnh vực cần phải được ưu tiên đầu tư kinh phí đào tạo. Chẳng hạn có những ngành chỉ có một vài sinh viên, không thể để trường đại học tự túc kinh phí bằng nguồn thu từ học phí” - thầy Nhân nhấn mạnh.

Học phí và hỗ trợ tài chính phải công bằng, tránh phân biệt đối xử

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam cho rằng, khoản học phí và hỗ trợ tài chính cần được thiết kế để đảm bảo tính công bằng và tránh tạo ra sự phân biệt đối xử.

Cụ thể, Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình phân tích: “Giáo dục đại học cần đảm bảo chất lượng cao trong quá trình đào tạo. Điều này bao gồm việc đầu tư vào cơ sở vật chất, giảng dạy, nghiên cứu, và đào tạo giảng viên. Các trường đại học cần tạo điều kiện tốt để giảng viên có thể phát triển trong cả nghiên cứu và dạy học.

Trong xu hướng tự chủ hiện nay, việc cân đối giữa quy mô và chất lượng luôn là bài toán khó, tuy nhiên vẫn có thể thực hiện được thông qua việc đa dạng hóa và cân đối các nguồn thu.

Ngoài học phí, các trường đại học có thể tăng thu từ nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển dịch vụ cộng đồng, hợp tác với doanh nghiệp và đặc biệt là tìm nhiều nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Thay vì dựa vào một nguồn thu duy nhất, các trường đại học nên tìm cách đa dạng hóa nguồn thu để đảm bảo tính bền vững và sự độc lập tài chính”.

“Để nâng tỉ lệ các nguồn thu khác, hiện nay và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ giảng viên tham gia vào các dự án nghiên cứu, tư vấn cho các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hướng phát triển thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu được cấp bản quyền.

Ngoài ra, chúng tôi đang phát triển tốt mô hình cung cấp dịch vụ đào tạo cho các doanh nghiệp. Như vậy, nguồn thu sẽ được đa dạng hơn thông qua các hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ và dịch vụ đào tạo.

Hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra cơ hội học tập và nghiên cứu cho giảng viên, đồng thời tăng được nguồn thu từ các dự án liên quan đến doanh nghiệp và từ các nguồn tài trợ bên ngoài. Tham gia vào các dự án nghiên cứu được tài trợ bởi tổ chức quốc tế, chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận để thu về nguồn tài trợ bổ sung.

Những biện pháp này có thể giúp trường nâng cao tỉ lệ các nguồn thu khác nhau, đồng thời duy trì mức học phí hợp lý và chất lượng đào tạo đáng giá cho người học” - vị Hiệu trưởng cho biết thêm.

Huy động các nhà đầu tư/tài trợ để đảm bảo bài toán cân đối

Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh: “Với tính tất yếu của xu hướng tự chủ hiện nay đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt đối với các cơ sở đại học công lập, Nhà nước hay các tổ chức, doanh nghiệp không thể đảm bảo hoàn toàn chi phí thường xuyên, không kể đảm bảo các khoản đầu tư cho quá trình phát triển của cơ sở giáo dục đại học, trong khi việc mở rộng và phát triển là nhu cầu tất yếu.

Do đó, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì việc huy động các nhà đầu tư/tài trợ để đảm bảo bài toán cân đối giữa quy mô đào tạo và đảm bảo chất lượng là cần thiết và cấp thiết, đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập có quy mô nhỏ, miễn là đảm bảo khoản đầu tư/tài trợ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không vì lợi nhuận (tức là các khoản đầu tư/tài trợ phải được tái đầu tư phát triển).

Như vậy, chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sẽ thực sự có hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững đối các trường đại học có quy mô nhỏ như Trường Đại học Dầu khí Việt Nam”.

Mộc Trà