Không đăng 3 công khai trong 5 năm, kiến nghị ngừng tăng chỉ tiêu tuyển sinh

17/10/2023 06:33
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo lãnh đạo trường ĐH, chỉ xử phạt hành chính thì khó có sức răn đe mạnh mẽ, thay vào đó nên có các biện pháp cứng rắn hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Dự thảo Thông tư thay thế cho Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2017.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là quy định về thời gian công khai. Cụ thể, dự thảo mới yêu cầu phải đăng báo cáo 3 công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là liên tục 5 năm kể từ ngày công bố. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai.

Công khai là xu hướng tất yếu

Đánh giá cao những thay đổi mới về quy định công khai đối với hoạt động cơ sở giáo dục, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên cho rằng những thay đổi mới là xu hướng tất yếu khi thực hiện tự chủ đại học.

Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

Theo Tiến sĩ Đăng, thực hiện đầy đủ báo cáo 3 công khai hàng năm là cơ sở dữ liệu quan trọng để hình thành nên “bức tranh” phát triển của một cơ sở giáo dục. Trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học ngày càng sâu rộng như hiện nay, báo cáo 3 công khai cũng là một cách thực hiện nghĩa vụ công khai và giải trình của cơ sở giáo dục đại học với người học.

Từ thực tiễn hoạt động, Tiến sĩ Đăng cho rằng việc đăng công khai các hoạt động của cơ sở giáo dục trong thời gian tối thiểu 5 năm sẽ là giải hiệu quả để xã hội giám sát, tránh tình trạng các trường học “mượn” giảng viên, từ đó giúp tăng sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học.

“Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phần mềm HEMIS nên rất dễ dàng phát hiện các trường hợp vi phạm như khai “khống” giảng viên, hay tình trạng một giảng viên đứng tên trong mã ngành ở nhiều trường,... Tuy nhiên báo cáo 3 công khai cũng là một kênh thông tin quan trọng giúp người học có thêm dữ liệu để quan sát, đối chiếu”, Tiến sĩ Đăng phân tích.

Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Phú Yên chia sẻ thêm, việc đơn giản hóa các biểu mẫu phải kê khai theo dự thảo nếu được thông qua sẽ giúp các trường dễ dàng hơn trong thực hiện công việc báo cáo, giảm bớt các nội dung kê khai chồng chéo.

Cụ thể, từ 21 mẫu phụ lục phải kê khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT, thì dự thảo chỉ đưa ra 2 mẫu phụ lục cần kê khai. Trong đó, mẫu phụ lục 1 dành cho trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; mẫu phụ lục 2 dành cho giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm.

Các yêu cầu công khai vẫn đảm bảo các nội dung quan trọng như: công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; công khai tài chính.

Chỉ ra lý do khiến việc thực hiện 3 công khai ở các cơ sở giáo dục hiện nay chưa đồng bộ, Tiến sĩ Đăng cho rằng lý do một phần liên quan tới hệ thống website, quá trình chuyển đổi số ở từng đơn vị,... Bên cạnh đó, với cơ sở giáo dục năng lực mạnh, các hoạt động đều công khai, minh bạch thì sẽ không ngại đăng 3 công khai liên tiếp trong nhiều năm. Tuy nhiên, với cơ sở giáo dục có hoạt động còn mập mờ sẽ dễ xảy ra tình trạng thực hiện 3 công khai không đầy đủ.

Kiến nghị trường nào không thực hiện đầy đủ báo cáo 3 công khai sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh

Cũng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á cho rằng, yêu cầu đăng báo cáo 3 công khai trên cổng thông tin của cơ sở giáo dục trong thời gian tối thiểu 5 năm là một cách thức giúp trường đại học chứng minh được sự phát triển của đơn vị.

“5 năm là một khoảng thời gian đủ dài để nhìn thấy được sự phát triển của một cơ sở giáo dục đại học, nó cũng tương ứng với chu kỳ đánh giá các cơ sở đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo chúng ta đang thực hiện.

Bên cạnh đó, 5 năm cũng là thời gian gắn với một nhiệm kỳ của lãnh đạo nhà trường. Các chiến lược, kế hoạch cũng thường được thực hiện trong 5 năm, như vậy việc đánh giá các thông số, dữ liệu sẽ đảm bảo tính khách quan hơn”, Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Dữ liệu báo cáo 3 công khai được công bố đầy đủ qua các năm cũng là căn cứ để người học yên tâm hơn khi lựa chọn trường từ việc đối sánh thông tin qua các năm, từ tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, chương trình đào tạo, học phí, cơ sở vật chất, giảng viên,…

Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn phân tích thêm, việc thực hiện báo cáo 3 công khai đầy đủ cũng là cách giúp cơ sở giáo dục và người học tránh những kiện cáo, hiểu lầm xảy ra do thiếu thông tin trao đổi giữa hai bên.

Đối với cơ quan quản lý, đây cũng là một trong các căn cứ để hỗ trợ việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục.

Bàn về hướng xử phạt nếu trường không đăng 3 công khai tối thiểu trong 5 năm, hoặc thực hiện công khai không đầy đủ, thông tin chưa chính xác,... Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn chia sẻ, trước tiên cần quy định việc thực hiện báo cáo 3 công khai là quy định bắt buộc.

Với đơn vị vi phạm, hiện đã có các quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công khai. Tuy nhiên, vị này cho rằng, chỉ xử phạt hành chính thì khó có sức răn đe mạnh mẽ cho các trường, thay vào đó nên có các biện pháp cứng rắn hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm, ví như không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh, hay đưa vào xếp hạng các trường,...

Minh Chi