Nếu trường không đăng 3 công khai tối thiểu trong 5 năm sẽ bị xử phạt ra sao?

05/10/2023 11:25
Hà An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo còn quy định cụ thể hơn thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là liên tục 5 năm kể từ ngày công bố công khai.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh đến những quy định cốt lõi của dự thảo này. Cụ thể, nội dung công khai quy định tại Dự thảo Thông tư mang tính bao trùm (chủ yếu dựa trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và các quy định hiện hành của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết và các hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.

Nguyên tắc công khai phải bảo đảm đúng các quy định tại Thông tư này khi ban hành và các quy định của pháp luật liên quan. Thông tin công khai bảo đảm đầy đủ, chính xác, tin cậy, cập nhật, dễ hiểu, dễ tiếp cận, kịp thời, nhất quán với thông tin cập nhật trong cơ sở dữ liệu ngành. Nội dung công khai được sắp xếp khoa học theo chủ đề, được cập nhật trong năm; thuận lợi cho việc truy cập, sử dụng thông tin; phù hợp với quy định pháp luật liên quan và phù hợp với cấu trúc, định dạng của trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục với mục đích minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu, chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục.

Ảnh minh họa: Hà An

Ảnh minh họa: Hà An

So với Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết dự thảo thông tư lần này có một số điểm mới. Cụ thể:

Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là Thông tư 36) được ban hành từ năm 2017, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng làm căn cứ ban hành Thông tư 36 đều đã được thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới (gồm Luật Giáo dục năm 2019 thay thế cho Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục năm 2009; Luật Giáo dục đại học năm 2018 được Quốc hội thông qua sửa đổi nhiều nội dung của Luật Giáo dục đại học năm 2012; Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã được thay thế bởi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chịnh của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục… Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định mới có nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm công khai của các cơ sở giáo dục đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học).

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ), đã ban hành nhiều nghị định, thông tư, trong đó có nhiều nội dung quy định chi tiết về việc công khai của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học; ngoài việc thực hiện công khai còn phải cập nhật thông tin liên quan đến nội dung công khai trên cơ sở dữ liệu ngành. Trách nhiệm minh bạch, công khai thông tin của cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội trong bối cảnh thay đổi cơ chế quản lý nhà nước từ hành chính tập trung sang trao quyền tập trung vào quá trình và chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thực tế, do có nhiều quy định mới về nội dung, cách thức, thời gian công khai trong các văn bản nêu trên đã thay thế cho một số nội dung có liên quan tại Thông tư 36 làm cho Thông tư này không còn giữ nguyên tính tổng thể. Bên cạnh đó, nhiều nội dung công khai còn gắn với việc cập nhật số liệu trên trên cơ sở dữ liệu ngành, bảo đảm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật .

Vì vậy, với 21 biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 36 chi tiết các nội dung mà cơ sở giáo dục cần công khai có nhiều nội dung có thể bị chồng chéo, không bảo đảm tình thống nhất với yêu cầu quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác, không còn phù hợp với quy định hiện hành về tuyển sinh; mở ngành; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; công khai tài chính, cơ cấu tổ chức, bộ máy đối với đơn vị sự nghiệp công, cơ sở giáo dục tư thục, phần nào gây khó khăn cho cơ sở giáo dục khi thực hiện.

Dự thảo Thông tư mới được bố cục lại theo hướng giảm tối đa các biểu mẫu bắt buộc cơ sở giáo dục phải kê khai (từ 21 phụ lục giảm còn 02 phụ lục trong Dự thảo). Để tránh chồng chéo trong việc thực hiện công khai của cơ sở giáo dục, do thông tin cơ bản công khai theo quy định đều được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành, Dự thảo chỉ quy định nội dung, cách thức, thời điểm công khai và nguyên tắc công khai để cơ sở giáo dục chủ động xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cấu trúc của trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Về hình thức và thời điểm công khai, Dự thảo Thông tư đã bỏ quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai ở cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục mầm non chưa có cổng thông tin điện tử), mà thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư này trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, Dự thảo còn quy định cụ thể hơn thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là liên tục 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai.

Để giảm bớt thủ tục phiền hà trong báo cáo và tăng cường tính minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình của cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, Dự thảo lần này bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương, cơ sở giáo dục chỉ phải báo cáo về công tác công khai khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác sẽ tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một điểm mới của nữa của Dự thảo Thông tư là bổ sung quy đinh về nội dung Báo cáo thường niên. Báo cáo thường niên không phải là bản tổng hợp lưu thông tin công khai của Thông tư mà là một trong các hình thức công khai thể hiện bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục trong theo từng năm. Thông qua số liệu công khai trong Báo cáo thường niên, thông tin có giá trị đối sánh của năm sau so với năm trước để xã hội nhìn thấy sự phát triển và xu hướng của cơ sở giáo dục.

Khi dự thảo thông tư được thông qua và có hiệu lực, nếu các cơ sở giáo dục và đào tạo không thực hiện công khai trong hoạt động theo quy định, thì có chế tài nào xử lý không? Về nội dung này, Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho hay, chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công khai được quy định cụ thể trong Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Cụ thể: Vi phạm về công khai trong tổ chức quản lý cơ sở giáo dục được quy định tại điểm a khoản 1; điểm b, c khoản 2; điểm a khoản 5 Điều 7; vi phạm các quy định công khai liên quan đến tuyển sinh, văn bằng chứng chỉ, liên kết đào tạo… được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13; điểm a, b khoản 1 Điều 16; Điều 23; vi phạm về công khai trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục được quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 34; ...

Hà An