Một số cơ sở GDĐH chưa thực hiện 3 công khai hoặc công khai không đầy đủ

27/08/2023 10:09
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã có phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm học cũ, triển khai nhiệm vụ năm học mới của giáo dục đại học.

Ngày 26/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 của giáo dục đại học.

Trước khi vào Hội nghị chính thức, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa từ trần - người có đóng góp to lớn với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học (Ảnh: moet.gov.vn)

Trước khi vào Hội nghị chính thức, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa từ trần - người có đóng góp to lớn với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học (Ảnh: moet.gov.vn)

Trước khi hội nghị chính thức bắt đầu, các đại biểu tham dự đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa từ trần, người đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học của Việt Nam.

Số trường đại học bị xử phạt hơn gấp 3 lần

Phát biểu tại hội nghị này, ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay, Thanh tra Bộ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều hơn so với năm 2021.

Được biết, trong năm 2021, Thanh tra Bộ chỉ ra 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì chỉ từ năm 2022 đến tháng 9/2023, Thanh tra Bộ đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành.

Ông Nguyễn Đức Cường chỉ ra các sai phạm chủ yếu ở các mảng hoạt động, lĩnh vực trong công tác giáo dục, như các trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo; hội đồng trường chưa được kiện toàn thành phần theo quy định; chưa xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm; chưa kịp thời kiện toàn lại ban giám hiệu.

Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Nhiều đơn vị chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền, hoặc ban hành văn bản, quy chế chưa đầy đủ và đúng quy định theo pháp luật; đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động; quy chế tài chính; các vi phạm quy định trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức.

Một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định, chưa đảm bảo các điều kiện để mở ngành, duy trì ngành đào tạo, chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo, tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy, hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền.

Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện 3 công khai hay công khai không đầy đủ theo quy định, đặc biệt là thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí, tuyển sinh, các thông tin về văn bằng và chứng chỉ.

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa được chú trọng, nặng về hình thức, còn có những hoạt động mang tính đối phó.

Đối với các vi phạm quy định trong công tác quản lý tài chính, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết thêm, một số đơn vị đào tạo thực hiện các khoản thu, chi, trích lập các quỹ chưa đúng quy định.

Kết quả giải ngân chưa đúng tiến độ kế hoạch. Công tác quản lý hồ sơ của người học, thực hiện các chế độ chính sách đối với người học, thực hiện chế độ học bổng, học phí, miễn giảm học phí chưa thực hiện đúng.

Nguyên nhân của các sai phạm trong công tác quản lý giáo dục, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng có thể xuất phát từ các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Cụ thể: Hệ thống các văn bản pháp luật quy định về đào tạo đại học còn có những bất cập, ban hành văn bản quy định, văn bản hướng dẫn còn chậm.

Một số cơ sở giáo dục đại học chưa hiểu đúng về tự chủ đại học, nên triển khai chưa đúng.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đức Cường đề nghị cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục đại học, tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cần hoàn thiện thể chế nội bộ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của Bộ về tuyển sinh, đào tạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ.

4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong năm học mới

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh tới 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của giáo dục đại học trong năm học mới sắp đến.

Đó là tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học.

Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học, lấy chất lượng làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động giáo dục đại học, triển khai toàn diện các giải pháp đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu, tăng cường hợp tác, khai các nguồn lực từ bên ngoài cho giáo dục đại học.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động giáo dục đại học, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, gắn cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Dịp này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà giáo dục đại học cần triển khai trong năm học mới. Đó là:

Nghiên cứu, hoàn thiện, đề xuất các thể chế, chính sách liên quan đến giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống văn bản quy chế nội bộ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Chú trọng công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ đội ngũ giảng viên theo năng lực và hiệu quả.

Hoàn thiện các phương thức tuyển sinh của năm 2024 (khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích các dữ liệu), chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tăng cường hợp tác trên nền tảng chung.

Tổ chức thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, xây dựng, ban hành và thực hiện các chuẩn cơ sở đào tạo của các khối ngành/nhóm ngành, tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả hoạt động, nhất là các chỉ số cốt lõi.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện các đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu như khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, công nghệ, sức khỏe, nông lâm ngư nghiệp, văn hóa nghệ thuật…Trong đó cần đề xuất các cơ chế tài chính cụ thể để hỗ trợ người học.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường bảo đảm và kiểm định chất lượng theo Quyết định 78/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 1/2022, trong đó chú trọng tăng cường xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trọng.

Tăng cường hợp tác trong mạng lưới, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và của địa phương.

Nâng cấp các hệ thống thông tin quản lý, hoàn thiện cơ sở dữ liệu giáo dục đại học tại các cơ sở giáo dục đại học và tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (hệ thống HEMIS) để bảo đảm khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu, chủ động, tích cực tham gia thí điểm mô hình giáo dục đại học số và các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi tháng 1/2022.

Đối mới phương thức, nội dung truyền thông về giáo dục đại học, nhất là truyền thông chính sách, chú trọng hợp tác theo mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học theo lĩnh vực trong công tác truyền thông.

Việt Dũng