Hệ thống giáo dục tư thục có vai trò quan trọng, góp phần đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và sự lựa chọn của phụ huynh.
Đồng thời, trường tư thục cũng cung cấp cho học sinh một môi trường học tập chất lượng, cơ sở vật chất hiện đại, thử nghiệm nhiều phương pháp giáo dục mới, sáng tạo, hội nhập quốc tế góp phần thúc đẩy sự đổi mới trong giáo dục.
Đặc biệt, hệ thống giáo dục tư thục góp phần giảm bớt gánh nặng cho hệ thống giáo dục công lập đang quá tải. Tuy nhiên, những năm vừa qua hệ thống giáo dục tư thục vẫn chưa được ghi nhận tương xứng.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tuyến bài ghi nhận những đóng góp của hệ thống giáo dục tư thục, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giáo dục tư thục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của giáo dục Việt Nam.
Nhà nước cần “mở đường” cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển mạnh hơn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) chia sẻ, cần nhìn nhận, đánh giá lại vị trí và vai trò của hệ thống giáo dục tư thục, từ bỏ hẳn quan niệm coi hệ thống giáo dục tư thục chỉ là bộ phận bổ trợ, góp phần “chia sẻ gánh nặng” giáo dục cho hệ thống công lập, dẫn đến việc nhà nước và xã hội xem nhẹ và ít quan tâm đầu tư chăm lo phát triển hệ thống giáo dục này (thậm chí trước đây còn có quan niệm là giáo dục công lập là “con đẻ”, còn giáo dục tư thục là “con nuôi”).
“Hiện nay, vị trí, vai trò của hệ thống giáo dục tư thục đã được nêu tại nhiều văn bản, chính sách, pháp luật, từng bước nhìn nhận được vị trí và tầm quan trọng của giáo dục tư thục. Tuy nhiên, trên thực tế, giáo dục tư thục vẫn chưa được coi trọng một cách đúng mức, do đó hệ thống tư thục chưa khai thác được hết tiềm năng to lớn của nó.
Theo tôi, Nhà nước cần “mở đường” cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển mạnh hơn nữa. Việc này không chỉ nhằm huy động nguồn lực xã hội, như tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực, mà cũng nhằm sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực này của hệ thống tư thục đã tích lũy được, để giáo dục tư thục không những đóng góp vào việc chia sẻ gánh nặng tài chính của nhà nước mà còn đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm đào tạo cũng như khoa học và công nghệ cho nhà nước, cho xã hội; đó là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được đào tạo trình độ cao, là các sản phẩm khoa học, công nghệ chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội hiện nay.
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập nhanh với thế giới, hệ thống giáo dục đại học nước ta cần đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa, phải có sự chia sẻ chi phí (Cost-sharing) giữa ba chủ thể: Nhà nước, xã hội và cơ sở giáo dục đại học; vì thế phải tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hệ thống giáo dục đại học công lập ngày càng tự chủ cao hơn. Đồng thời mở rộng hơn nữa hệ thống giáo dục đại học tư thục, tăng tỷ lệ giáo dục tư thục lên khoảng 50-60%; đồng thời cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống giáo dục đại học công lập để giảm bớt số lượng cơ sở giáo dục đại học công lập (hiện nay vẫn có khoảng 70% là cơ sở giáo dục công lập, trong khi tư thục chỉ chiếm 30%). Tỷ lệ này còn quá chênh lệch, bất hợp lý. Có lẽ đã đến lúc tái cơ cấu hệ thống giáo dục đại học để tinh, gọn hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Do đó, tôi cho rằng trong thời gian tới cần đánh giá lại vị trí, vai trò của hệ thống giáo dục tư thục nói chung và giáo dục đại học tư thục nói riêng đồng thời mở ra cơ chế phù hợp để phát triển hệ thống này".

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, các cơ sở giáo dục tư thục thường là nơi đào tạo chất lượng cao hơn, vì nhờ khả năng đóng góp cao của người học (học phí của trường tư cao hơn nhiều so với trường công), hơn nữa sinh viên được lựa chọn tốt hơn, đồng thời mức độ tự chủ của trường tư cũng cao hơn.
Ví dụ như ở Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, hầu hết các trường đại học danh tiếng đều là trường tư thục. Còn hệ thống công lập, trừ những cơ sở giáo dục được nhà nước quy hoạch để ưu tiên đầu tư thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia, phần còn lại chủ yếu đóng vai trò cung cấp dịch vụ giáo dục giúp mọi tầng lớp xã hội đều có cơ hội tiếp cận nền giáo dục của đất nước.
Đáng chú ý, hệ thống giáo dục tư thục ở nước ngoài vẫn nhận được sự tài trợ của ngân sách Nhà nước thông qua cơ chế đặt hàng. Trong quá trình cạnh tranh, trường tư thục đủ khả năng và năng lực thực hiện nhiệm vụ, họ vẫn được tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam chia sẻ: “Từ khi đất nước mở cửa những năm 1988-1989 thì bắt đầu hình thành hệ thống trường ngoài công lập. Từ đó đến nay, hệ thống trường ngoài công lập đã dần khẳng định được chất lượng và vị thế của mình. Năm học 2024-2025, Hà Nội có khoảng 600 trường tư thục. Trong đó, cấp trung học phổ thông có hơn 100 trường, tuyển sinh khoảng 30.000 học sinh lớp 10.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, toàn thành phố có 2.136 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Việc phát triển các loại hình trường ngoài công lập đã giảm áp lực cho giáo dục thành phố, đặc biệt tại các quận, huyện có dân số cơ học và quá trình đô thị hóa tăng cao, có nhu cầu cao về trường lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh.
Các bậc phụ huynh hiện nay cũng nhiều người lựa chọn cho con học trường tư thục vì chất lượng giáo dục tốt. Điều đó, mang đến những tác động tích cực cho hệ thống giáo dục quốc dân.
Hệ thống giáo dục tư thục cùng với hệ thống giáo dục công lập giống như 2 cánh của một con chim. Sự xuất hiện của hệ thống giáo dục tư thục đã góp phần đáp ứng nền kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Nhưng hiện nay, tư tưởng trọng công hơn tư vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Trường công có ưu điểm là học phí thấp, còn trường tư thì học phí cao. Do đó, nhiều người vẫn còn tư tưởng muốn vào trường công nhiều hơn vì được nhà nước "bao cấp".
Tuy nhiên, Đảng và Chính phủ đã nhấn mạnh kinh tế tư nhân phải được quan tâm, tạo điều kiện bình đẳng để phát triển và giáo dục tư thục cũng là một bộ phận của kinh tế tư nhân, cần được chú trọng nhiều hơn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: Các cơ sở giáo dục tư thục tạo điều kiện cho một bộ phận học sinh có thêm cơ hội học tập. Ngoài ra, hệ thống giáo dục tư thục đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế vì nó đang mang lại công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhiều giáo viên.
Trường tư thục chính là thành quả của xã hội hóa giáo dục. Khi số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng lên sẽ tạo ra những hình mẫu để các trường công có thể học tập. Đây là một điều khá phổ biến trên thế giới. Khi trường tư phát triển nó sẽ có tác động tích cực lên hệ thống công lập.
Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam các trường tư không nhận được sự hỗ trợ nhiều từ nhà nước, dẫn đến mức chi phí học tập tương đối cao so với mặt bằng thu nhập của người dân nên không phải ai cũng có thể sử dụng được dịch vụ này.
“Cần học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục tư thục ở các nước trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển đã có các chính sách hỗ trợ cho giáo dục tư thục, giảm bớt gánh nặng chi phí cho người học. Hoặc sử dụng dịch vụ giáo dục tư thục thay thế cho giáo dục công lập.
Ví dụ là ở Hà Lan, những nơi thưa dân hoặc ít người học sẽ phổ biến mô hình đấu thầu, nhà nước giao cho một tổ chức giáo dục tư thục thực hiện cung cấp dịch vụ giáo dục trên một địa bàn thay cho trường công. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho nhà nước mà vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhà nước sẽ không cần đầu tư cơ sở vật chất, chi phí duy trì bộ máy mà căn cứ vào yêu cầu của xã hội để giao cho tư thục thực hiện.
Hay ở ngay Đông Á, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, trường tư hoạt động vẫn có thể nhận được một khoản hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, họ cần tuân thủ một số điều kiện cụ thể như học phí không được quá cao... Nếu không đáp ứng yêu cầu, hoặc không muốn chịu sự ràng buộc này thì sẽ không nhận được hỗ trợ từ nhà nước. Tôi nghĩ Việt Nam cần học hỏi trong việc hỗ trợ phát triển giáo dục tư thục, vì điều này có lợi cho cả nhà nước, người dân và các cơ sở giáo dục tư thục”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh.

Cần có cơ chế thông thoáng, ưu đãi về thuế, đất đai cho giáo dục tư thục
Theo Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch, đối với giáo dục đại học nhà nước cần đảm bảo sự công bằng về việc tiếp cận nguồn ngân sách của Nhà nước giữa trường công lập và trường tư thục. Ngoài việc ưu tiên cơ chế về đất đai, tài sản, cơ sở giáo dục đại học tư thục còn phải được tiếp cận nguồn ngân sách nhà nước theo hình thức nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện nhiệm vụ (cả đào tạo và nghiên cứu khoa học).
Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh, theo quan điểm chỉ đạo mới đây của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó hệ thống giáo dục tư thục cũng là một bộ phận của kinh tế tư nhân. Do đó, cần sớm nghiên cứu sửa đổi các luật về giáo dục như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghề nghiệp để sớm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đồng bộ và thống nhất hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho phát triển giáo dục tư thục.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chỉ ra một số thủ tục hành chính còn vướng mắc, khiến hệ thống giáo dục tư thục gặp rất nhiều khó khăn.
“Hiện nay thủ tục công nhận trường đạt chuẩn quốc gia hoặc giao đất cho hệ thống tư thục đầu tư rất khó khăn. Nên giao đất miễn phí cho nhà đầu tư giáo dục để họ có thể giảm thiểu chi phí, từ đó, giảm mức học phí cho người học. Hãy để hệ thống giáo dục tư thục được cạnh tranh với công lập bằng chất lượng đào tạo.
Khi nhà nước không có đủ ngân sách để xây dựng, mở rộng thêm các trường công lập thì nên tạo điều kiện thuận lợi để tư thục phát triển. Vì hiện nay, hệ thống giáo dục công lập đang quá tải, nếu học sinh không học ở thục thì sẽ không có nơi để học. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục tư thục, mà trước hết là ưu đãi về đất đai.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác công - tư, để nhà nước có thể tham gia vào cùng tư nhân phát triển. Khi ấy, học phí cho học sinh tư thục sẽ giảm.
Đặc biệt hiện nay, việc giáo dục trẻ đặc biệt, tự kỷ, khuyết tật mặc dù đã có chính sách nhưng mức độ quan tâm lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trẻ em đặc biệt vẫn không thể đến trường. Chính vì thế, rất cần tư nhân tham gia vào mở thêm trường lớp dành cho giáo dục đặc biệt, cung cấp các dịch vụ chất lượng với mức chi phí hợp lý.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ khuyết tật ngày càng nhiều nhưng nhà nước chưa quan tâm đầy đủ. Số lượng trường học công lập cho giáo dục đặc biệt tại Hà Nội nhiều năm nay vẫn không thay đổi.
Bên cạnh đó, để động viên hệ thống giáo dục tư thục phát triển cần có những ghi nhận xứng đáng bằng cách khen thưởng kịp thời. Việc được khích lệ đúng lúc sẽ tạo động lực cho họ cống hiến. Tuy nhiên, việc khen thưởng cũng phải khách quan, công tâm và đặc biệt nên loại bỏ cơ chế xin - cho, gây cản trở sự phát triển của giáo dục”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương chỉ ra rằng, về mặt lý thuyết trong các luật hiện hành, nhà đầu tư giáo dục sẽ được nhận đất với mức giá ưu đãi để giảm chi phí. Tuy nhiên, thực tế, việc tiếp cận nguồn lực này với các nhà đầu tư giáo dục vẫn là vấn đề nan giải. Các chủ đầu tư cơ sở giáo dục tư thục vẫn phải tự mình lo phần đất đai. Đó cũng là một rào cản khó thu hút nhà đầu tư giáo dục.
Bên cạnh đó, quy định đất giáo dục không được chuyển đổi mục đích nhưng đâu đó vẫn có nhà đầu tư sau một thời gian lại chuyển đổi mục đích thành đất thương mại. Nguyên nhân là do hệ thống thực thi pháp luật còn lỏng lẻo. Điều này có thể gây ra một số tiêu cực trong giáo dục. Vì vậy, cần có cơ chế minh bạch, rõ ràng và có sự giám sát chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo rằng các quy định được thực hiện đầy đủ.
Trước đó, trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" của Tổng Bí thư Tô Lâm hay trong các buổi làm việc với các bộ, ban ngành về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Cần có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ mọi nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ, định kiến về kinh tế tư nhân, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, "người dân và doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm", nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn và chi phí thấp.
Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nêu một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng: "Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân; bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật...."
Hệ thống giáo dục tư thục cũng chính là một bộ phận của kinh tế tư nhân. Chính vì thế, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện tuyến bài viết ghi nhận những đóng góp của hệ thống giáo dục tư thục cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân.
Để hệ thống giáo dục tư thục phát triển đồng đều, chất lượng ngày càng nâng lên, khẳng định được vị trí, vai trò, uy tín trong xã hội cần có sự quan tâm thực chất hơn nữa của các cấp, các ngành. Quan trọng hơn là cần có những chính sách ưu đãi như miễn thuế, vay vốn ngân hàng, giao đất, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư cơ sở vật chất… cho các nhà đầu tư. Các trường tư thục cũng cần xây dựng lộ trình phát triển, chiến lược đào tạo bài bản, cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện tuyến bài viết ghi nhận những đóng góp của hệ thống giáo dục tư thục, từ đó có những đề xuất, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển.
Nhà đầu tư giáo dục, cơ sở giáo dục tư thục có thể đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm mở đường cho giáo dục tư thục phát triển thuận lợi đúng chủ trương của Nghị quyết 68-NQ/TW.
Mọi ý kiến chia sẻ xin vui lòng gửi về mail Tòa soạn tại địa chỉ hòm thư: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc qua số hotline: 0938.766.888. Tòa soạn sẽ cử phóng viên liên hệ trực tiếp.