Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài Hiệu trưởng TH-THCS-THPT Phan Chu Trinh nói “không nhất thiết phải công khai” (09/5/2025) và bài Hiệu trưởng nói “không nhất thiết phải công khai”, Sở GD&ĐT Bình Dương lên tiếng (10/5/2025).
Là một hiệu trưởng, người đứng đầu của một ngôi trường liên cấp ngoài công lập đang thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh, nhưng phát ngôn của hiệu trưởng, cô Đặng Thị Ngọc Bích, đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Quan trọng hơn, những quan điểm và cách hiểu của vị hiệu trưởng này đi ngược lại với tinh thần công khai của Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT. Là độc giả, tôi xin nêu vài ý kiến như sau:
Phát ngôn của hiệu trưởng thiếu tinh thần trách nhiệm
Thứ nhất, phát ngôn “không nhất thiết phải công bố lên cho người khác xem” và “chỉ thực hiện những yêu cầu của sở giáo dục và đào tạo” chưa thể hiện tầm nhìn của một nhà lãnh đạo.
Theo Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 03/6/2024, có hiệu lực thi hành ngày 19/7/2024, quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: nội dung công khai, cách thức và thời điểm công khai, tổ chức thực hiện.

Về cách thức công khai, Điều 14 Thông tư 09 quy định có 3 cách: Công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục; Cơ sở giáo dục mầm non, trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử thực hiện niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục; Phổ biến hoặc phát tài liệu về nội dung công khai vào đầu khóa học, năm học mới.
Trong đó, công khai trên cổng thông tin điện tử là hình thức bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục (trừ giáo dục mầm non và trường dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử). Thông tin phải được đăng tải và duy trì tối thiểu 5 năm.
Trong thời đại công nghệ số, website của trường là một kênh thông tin quan trọng, giúp phụ huynh và những người quan tâm dễ dàng nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ.
Đồng thời, thông tin minh bạch của cơ sở giáo dục sẽ góp phần tạo dựng lòng tin giữa nhà trường và phụ huynh.
Nhưng, hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phan Chu Trinh cho rằng “phụ huynh liên hệ với trường thì họ đã đến trường tìm hiểu rồi còn nhà trường không nhất thiết phải công bố lên cho người khác xem”.
Hiệu trưởng nói như vậy là chưa cởi mở và làm hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin của mọi người. Không công khai thông tin trên website là đi ngược lại xu hướng minh bạch hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục.
Có thể hiểu, Thông tư 09 quy định hình thức công khai trên cổng thông tin điện tử là chính, còn niêm yết là hình thức thay thế do các đơn vị chưa có cổng thông tin.
Theo quan điểm người viết, các cơ sở giáo dục nếu kết hợp cả hai hình thức thì càng tốt, đảm bảo thông tin được tiếp cận rộng rãi.
Như vậy, quan điểm “chỉ thực hiện những yêu cầu của sở giáo dục và đào tạo” của hiệu trưởng là chưa đúng với tinh thần của Thông tư 09.
Đó là một cách hiểu phiến diện, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu và chưa tạo được niềm tin cho cộng đồng xã hội.
Việc thực hiện theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo và công khai trên cổng thông tin điện tử là 2 việc hoàn toàn khác nhau.
Bởi Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những căn cứ pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện và áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Các quy định trong Thông tư có hiệu lực pháp lý và có tính bắt buộc. Sở Giáo dục và Đào tạo không thể chỉ đạo ngược với Thông tư của Bộ.
Thứ hai, phát ngôn “khi người ta có tội thì mới phải giải trình” là một cách hiểu sai lệch về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.
Điều 2 Thông tư 09 nêu mục đích của công khai là: “1. Minh bạch các thông tin có liên quan của cơ sở giáo dục để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động, người học, gia đình người học và xã hội biết, tham gia giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục. 2. Tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục”.
Theo đó, trách nhiệm giải trình là một yêu cầu thường xuyên, liên tục, thể hiện trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ và giúp cộng đồng giám sát khách quan, góp phần đảm bảo về chất lượng giáo dục. Khi nào công khai thông tin được chủ động thì khi đó nhà trường xây dựng được uy tín và tạo dựng được niềm tin với phụ huynh và xã hội.
Vì vậy, “giải trình” ở đây được hiểu là cung cấp thông tin theo quy định, tiếp thu phản hồi và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động giáo dục của nhà trường. Cách hiểu “có tội thì mới phải giải trình” của hiệu trưởng là chưa đúng và đi ngược lại tinh thần của trách nhiệm giải trình trong nền giáo dục hiện đại.
Lý lẽ của hiệu trưởng hoàn toàn không thỏa đáng
Người đứng đầu một đơn vị giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng văn hóa và xây dựng thương hiệu nhà trường.
Do đó, chuẩn mực trong lời nói, nhất là khi phát ngôn trước công chúng hay báo chí là một yêu cầu cần thiết. Nhưng những phát ngôn của hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phan Chu Trinh không thuyết phục người nghe.
Những câu nói “kinh phí của người ta lại bảo công khai là sao”, hay “những thông tin riêng của trường tại sao lại yêu cầu người ta phải nói lên” của hiệu trường là hoàn toàn không thỏa đáng.
Theo quy định trong Thông tư 09, những nội dung cần công khai như cam kết chất lượng giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên), thu chi tài chính, kết quả kiểm định... được quy định tại Điều 4, 5, 8, 9.
Điều 4, quy định về nội dung công khai chung đối với các cơ sở giáo dục như tên cơ sở giáo dục, địa chỉ, loại hình, cơ quan quản lý; sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu; tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của trường, quy chế tổ chức và hoạt động; thông tin người đứng đầu và các bộ phận chức năng để cộng đồng liên hệ.
Điều 5 yêu cầu các trường phải công khai minh bạch về thu chi tài chính, các khoản thu từ người học và chính sách hỗ trợ học sinh trong cơ sở giáo dục.
Điều 8 và 9 quy định về việc công khai các yếu tố đảm bảo chất lượng của trường như đội ngũ, cơ sở vật chất, kiểm định; và kế hoạch, kết quả hoạt động giáo dục trong năm học như tuyển sinh, chương trình, phối hợp, kết quả học tập, tốt nghiệp. Đối với các trường có chương trình nước ngoài hoặc tích hợp, cần công khai thêm thông tin liên quan đến chương trình đó.
Thông tư khẳng định rõ ràng về việc các cơ sở giáo dục, không phân biệt công lập hay ngoài công lập, bắt buộc phải công khai nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng và tài chính,…
Đó không phải là thông tin riêng, thông tin cá nhân cũng không phải là thông tin mật. Nếu là thông tin mật thì không được công khai: “Quy định về công khai trong Thông tư này không áp dụng đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật” (khoản 1, Điều 4).
Như vậy, những thông tin Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập đến không phải là thông tin mật mang tính bí mật kinh doanh hay đời tư. Mà đây là quyền lợi của người học và trách nhiệm của nhà trường.
Việc minh bạch các thông tin này giúp phụ huynh có cơ sở để đánh giá, lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp cho con em mình, đồng thời giám sát việc sử dụng các khoản đóng góp.
Tóm lại, những phát ngôn gây tranh cãi của hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Phan Chu Trinh là chưa phù hợp với vai trò người đứng đầu trường học.
Việc thực hiện nghiêm túc Thông tư 09 là một yêu cầu tất yếu của giáo dục hiện đại. Đó là điều cần phải làm, không phân biệt trường công hay ngoài công lập để xây dựng văn hóa và thương hiệu của trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.