STEM là xu hướng nhất thời hay chiến lược cốt lõi?

01/04/2025 06:37
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cốt lõi của giáo dục STEM nằm ở tư duy liên ngành, khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn và kết nối tri thức để tạo ra giá trị.

Trong những năm gần đây, thuật ngữ STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics) trở thành một trào lưu, được quan tâm đặc biệt trong giáo dục và đào tạo.

Hầu như trường học nào, cấp học nào cũng nhắc đến STEM; các chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, hội thi liên quan đến STEM nở rộ; nhiều địa phương đưa STEM vào kế hoạch phát triển giáo dục và kì vọng vào nguồn nhân lực chất lượng ở tương lai.

Tuy nhiên, giữa một làn sóng sôi động ấy, câu hỏi đặt ra là, chúng ta đã thực sự hiểu đúng và hành động đúng nghĩa về STEM chưa? STEM là một phong trào hay là một chiến lược cốt lõi để phát triển đất nước? Có lẽ cần nhận diện đúng để hành động thiết thực ngay từ hôm nay.

stem.jpg
Ảnh minh họa: vnua.edu.vn

STEM – Không phải là một phong trào giáo dục

STEM không đơn thuần là bốn môn học riêng lẻ, cũng không phải là những buổi học lập trình hay làm robot, hoặc buổi trình diễn kĩ thuật cơ khí, chế tạo...

Cốt lõi của giáo dục STEM nằm ở tư duy liên ngành, khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn và kết nối tri thức để tạo ra giá trị.

Một chương trình STEM thực sự có giá trị không chỉ giúp người học hiểu về khoa học, công nghệ mà còn rèn luyện tư duy phản biện, sáng tạo và kĩ năng hợp tác.

Tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, giáo dục STEM được triển khai theo hướng tích hợp thực tiễn, gắn kết với doanh nghiệp và cộng đồng. Người học không chỉ học về nguyên lí khoa học mà còn ứng dụng để giải quyết các vấn đề xã hội, từ năng lượng tái tạo đến công nghệ sinh học...

STEM trở thành một phần trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, thay vì chỉ là một chương trình giáo dục phổ thông đơn thuần.

Tại Việt Nam, STEM đang có xu hướng phát triển nhưng cũng còn bộc lộ nhiều bất cập, cụ thể là:

Thứ nhất là còn thiếu tính hệ thống. Nhiều chương trình STEM chỉ mang tính phong trào, tổ chức rời rạc mà chưa có chiến lược tổng thể từ phổ thông đến đại học và thị trường lao động.

Thứ hai là vẫn còn thiên lệch về hình thức. Một số nơi chỉ tập trung vào các hoạt động bề nổi như cuộc thi robot, lớp học lập trình, trình diễn kĩ thuật… mà chưa chú trọng đến bản chất STEM ở khía cạnh tư duy giải quyết vấn đề và sáng tạo liên ngành.

Thứ ba là đâu đó còn mang tính thương mại hóa. Không ít tổ chức lợi dụng danh nghĩa STEM để thu hút người học, mà thiếu nội dung thực chất, dẫn đến sự ngộ nhận và mất lòng tin từ xã hội.

Thứ tư là chưa gắn kết với doanh nghiệp và thực tiễn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo liên quan đến STEM nhưng vẫn thiếu kĩ năng thực hành, thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Vậy làm sao để giáo dục STEM ở Việt Nam thực sự phát huy giá trị thay vì chỉ là một phong trào nhất thời?

Để STEM thực sự đóng góp cho sự phát triển?

Thứ nhất, ở cấp phổ thông cần quan tâm hơn ở khía cạnh nâng cao tư duy, phát triển năng lực người học hơn là chỉ tập trung trau dồi kiến thức các môn học riêng rẽ.

Cần tích hợp STEM vào chương trình giảng dạy theo hướng liên ngành, giúp học sinh học thông qua thực hành, khám phá và giải quyết vấn đề thực tế; hạn chế việc “làm STEM theo phong trào”, thay vào đó, các trường cần xây dựng lộ trình bài bản, phù hợp với năng lực học sinh và điều kiện cơ sở vật chất của từng trường, từng vùng, từng địa phương.

Chú trọng nguồn lực giáo viên có năng lực triển khai STEM thực chất; không đơn thuần ở dạy công nghệ mà còn giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo và các kĩ năng thực hành.

Thứ hai, ở cấp đại học cần liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với các doanh nghiệp và thị trường lao động; tập trung cải tiến chương trình đào tạo các ngành STEM theo hướng ứng dụng, tăng cường thực hành và các dự án thực tế.

Hợp tác với doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên có cơ hội thực tập, tiếp xúc với công nghệ mới và phát triển kĩ năng nghề nghiệp.

Khuyến khích nghiên cứu đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực STEM, giúp sinh viên không chỉ đi làm thuê mà còn có thể tự tạo ra sản phẩm và công nghệ mới.

Thứ ba, ở cấp quốc gia cần xây dựng STEM như một chiến lược phát triển nhân lực. Cần có chính sách dài hạn để phát triển nguồn nhân lực STEM, ưu tiên cho các ngành then chốt như AI, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo…

Đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo STEM, học hỏi từ các quốc gia phát triển để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Điều thực sự quan trọng vẫn là đội ngũ giáo viên phổ thông. Nếu không có chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bài bản và dài hạn, thì dù các trường đại học hay doanh nghiệp có nỗ lực đến đâu, những giải pháp ấy cũng chỉ là phần ngọn, thiếu nền tảng bền vững.

Định vị STEM đúng chỗ – Cơ hội cho Việt Nam bứt phá

Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng để tận dụng được cơ hội này, STEM không thể chỉ là một khẩu hiệu hay một trào lưu. Chúng ta cần một cách tiếp cận bài bản, có chiều sâu và mang lại tác động thực sự.

Nếu chỉ xem STEM là một phong trào, nó sẽ không đủ sức tạo ra sự chuyển biến bền vững. Những cuộc thi khoa học kỹ thuật, nếu không đổi mới, có nguy cơ trở thành hình thức, mất dần ý nghĩa thực tiễn.

Mặt khác, nếu chúng ta xem STEM là một chiến lược phát triển quốc gia, nó sẽ tạo ra những thế hệ nhân lực có đủ năng lực làm chủ công nghệ, đưa Việt Nam lên một vị thế mới.

Hoạch định chính sách cho giáo dục, đào tạo và phát triển quốc gia có liên quan mật thiết với nhau. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy và có những hành động cụ thể để biến STEM thành một chiến lược thực sự, không chỉ trong giáo dục mà trong cả với chiến lược phát triển đất nước trong kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hướng Sáng