Trong lịch sử giáo dục của dân tộc và thế giới, hình ảnh giáo sư luôn gắn liền với sự uyên bác, mẫu mực và tinh thần khai sáng.
Đó không chỉ là người truyền dạy tri thức, mà còn là người lan tỏa ảnh hưởng trí tuệ và đạo đức đến nhiều thế hệ, góp phần định hình nhân cách cá nhân và tầm vóc quốc gia.
Trong bối cảnh mới của giáo dục đại học hội nhập, chuyển đổi số, chuyển biến xã hội - việc xây dựng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư cho đất nước càng trở nên cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược.
Không chỉ là chuyện học hàm, học vị, chúng ta đang bàn đến một chuẩn mực cao hơn: Xứng danh – Xứng tâm – Xứng tầm, để từ đó hình thành những trí thức tiêu biểu, dẫn dắt học thuật, truyền cảm hứng và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước trong kỉ nguyên tri thức.
Xứng danh - không chỉ mang một tước vị
Danh xưng "giáo sư", "phó giáo sư" là biểu hiện của sự ghi nhận từ học thuật, nhưng cũng dễ trở thành chiếc áo rộng nếu không đi kèm nội dung xứng đáng. Đó không phải là một sự phong tặng để "được gọi tên", càng không phải là một danh hiệu trang trí để "giữ ghế". Giáo sư, phó giáo sư - ở nghĩa đúng và đẹp nhất - là người được giới học thuật tín nhiệm, đồng nghiệp trân trọng và học trò kính yêu.
Họ xứng danh không phải chỉ vì số lượng công bố, công trình khoa học hay đề tài, dự án thực hiện, mà vì họ để lại ảnh hưởng học thuật bền vững, bằng năng lực tư duy độc lập, bằng con đường nghiên cứu nghiêm túc và bằng vai trò kiến tạo tri thức mới cho ngành, cho trường, cho xã hội…
Cái "danh" ấy cần được hiểu là danh phận trí thức trong xã hội - gắn liền với chuẩn mực tri thức, chuẩn mực đạo đức và một tâm thế công dân mang trách nhiệm khai sáng.

Xứng tâm – là người có đạo đức và tinh thần học thuật
Một xã hội học thuật bền vững không thể chỉ dựa vào những người giỏi chuyên môn mà thiếu chiều sâu đạo đức. Giáo sư, phó giáo sư, trước tiên phải là người thầy - người có nhân cách làm mẫu mực, có phẩm hạnh làm điểm tựa cho thế hệ đi sau. Đó là người giữ vững lương tâm khoa học trong nghiên cứu, công bằng trong đánh giá, bao dung trong phản biện và trung thực trong mọi ứng xử học thuật.
Tinh thần học thuật không chỉ thể hiện ở số lượng bài báo, mà còn ở chiều sâu tư tưởng, ở thái độ với cái đúng, cái sai trong khoa học và trong đời sống. Một giáo sư thật sự là người không ngừng học hỏi, luôn đi tìm sự thật và biết lan tỏa khát vọng tri thức ấy đến học trò và cộng đồng.
Trong từng lời giảng, từng cách ứng xử, từng công trình công bố, họ toát lên sự nghiêm cẩn, niềm đam mê và niềm tin rằng khoa học có thể cải thiện cuộc sống và nâng cao nhân sinh.
Xứng tầm - là người tạo ra ảnh hưởng học thuật và xã hội
Một giáo sư đúng nghĩa không dừng lại ở sự uyên bác cá nhân. Họ phải là người dẫn dắt học thuật, kiến tạo môi trường nghiên cứu, mở rộng mạng lưới hợp tác, xây dựng các nhóm nghiên cứu trẻ, thiết kế chương trình đào tạo hiện đại và đóng góp cho chiến lược phát triển ngành.
Họ cũng là người góp tiếng nói có trọng lượng trong các vấn đề lớn của xã hội - từ cải cách giáo dục, hoạch định chính sách đến phản biện khoa học. Họ không thể đứng ngoài những thách thức của thời đại. Trong kỉ nguyên số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu, hơn bao giờ hết, đất nước cần những trí thức thực sự xứng tầm quốc gia, sánh vai quốc tế…
Những người như thế không chỉ phục vụ trường lớp, mà còn phục vụ cộng đồng, từ hội thảo chuyên môn đến chính sách công, từ phòng thí nghiệm đến thực tiễn đời sống…
Hình mẫu trí thức: cần được khích lệ chứ không thể “sản xuất hàng loạt"
Không thiếu người có nhiều công bố, nhưng lại thiếu người có tâm hồn học thuật. Không thiếu người đạt chuẩn xét duyệt, nhưng lại thiếu người được công nhận bởi học trò, đồng nghiệp và cộng đồng khoa học. Vì vậy, tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư không thể chỉ dựa vào “điểm số” mà cần hướng đến những giá trị mang tính nền tảng và lan tỏa lâu dài.
Chúng ta cần những hình mẫu như: Có đạo đức nghề nghiệp, thể hiện qua ứng xử với tri thức, với đồng nghiệp, với người học và với chính mình;
Có tinh thần học thuật chân chính, không chạy theo phong trào, mà đi sâu vào những câu hỏi có ý nghĩa, dũng cảm chọn con đường ít người đi để tìm giá trị thật;
Có đóng góp cụ thể cho giáo dục, cho khoa học, cho cộng đồng, không chỉ bằng các bài báo quốc tế mà còn bằng sự đồng hành phát triển con người và cải thiện thực tiễn cuộc sống.
Từ cống hiến thật sự đến trách nhiệm dẫn dắt
Để đội ngũ giáo sư, phó giáo sư thật sự trở thành nguồn lực học thuật và quốc lực trí tuệ, việc xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm cần theo 4 định hướng cốt lõi:
Một là, đảm bảo tính học thuật, sư phạm và đạo đức nghề nghiệp. Không thể có giáo sư thực thụ nếu không có nền tảng đạo đức và thái độ mẫu mực trong dạy - học - nghiên cứu.
Hai là, tôn vinh giá trị cống hiến, không chỉ là thành tích số lượng. Cần chuyển từ tư duy “kiểm đếm” sang “định lượng giá trị”, nhìn vào tác động học thuật, hiệu quả đào tạo, ảnh hưởng chuyên môn và tầm lan tỏa xã hội.
Ba là, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - đào tạo - phục vụ cộng đồng. Một giáo sư tốt không thể chỉ dạy giỏi hoặc nghiên cứu giỏi, mà phải biết tích hợp và truyền tải giá trị khoa học vào đời sống.
Bốn là, phù hợp với bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. Những người dẫn dắt học thuật phải hiểu thời đại, làm chủ công nghệ, và biết kết nối toàn cầu để đưa tri thức Việt vươn xa hơn.
Không chỉ là người dạy mà là người dẫn đường
Một dân tộc muốn vươn lên không thể thiếu đội ngũ trí thức tinh hoa - những người vừa có kiến thức uyên thâm, vừa có tấm lòng vì tương lai đất nước. Giáo sư, phó giáo sư - nếu được chọn đúng, bổ nhiệm đúng, trao quyền và giao trách nhiệm đúng – họ sẽ là người dẫn đường cho giáo dục đại học Việt Nam trong hành trình hội nhập và phát triển bền vững.
Họ là người truyền lửa cho học trò, khơi dậy đam mê trong cộng đồng học thuật, làm rạng danh nền giáo dục nước nhà không bằng những lời sáo rỗng, mà bằng chính cuộc đời học thuật và đạo học của mình.
Danh vị có thể được trao tặng, nhưng phẩm cách trí thức chỉ được chứng minh qua từng công trình, từng học trò, từng cống hiến.
Muốn có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đích thực, Nhà nước cần kiến tạo cơ chế chọn lọc dựa trên giá trị thật, nuôi dưỡng học thuật bằng niềm tin và sự trọng dụng đúng nghĩa. Đó là cách để tri thức trở thành động lực phát triển đất nước.