Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông tư này có hiệu lực từ 05/01/2025.
Về đội ngũ giảng viên, thông tư bổ sung điểm d vào Khoản 2, Điều 3. Theo đó, giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hằng năm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong chương trình đào tạo.
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh hiệu quả nâng cao chất lượng đào tạo, yêu cầu mới trong thông tư có thể khiến các cơ sở giáo dục đại học tư thục gặp khó khăn.
Đảm bảo trách nhiệm của giảng viên chủ trì
Đề cập đến điểm mới này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Quản lý và Hữu nghị cho biết:
“Theo tôi, quy định này mang ý nghĩa bảo đảm sự ổn định, chất lượng và trách nhiệm trong công tác đào tạo. Yêu cầu trên giúp hạn chế tình trạng giảng viên chỉ đứng tên chủ trì ngành nhưng không tham gia vào quá trình đào tạo thực tế, đảm bảo nguyên tắc "người thực việc thực" nhằm từng bước cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, quy định còn giúp duy trì tính ổn định và cam kết lâu dài giữa giảng viên và nhà trường, đồng thời khuyến khích sự tham gia và phát triển của đội ngũ giảng viên trẻ.
Đặc biệt, quy định cho phép giảng viên không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định (cao hơn tuổi nghỉ hưu thông thường) tiếp tục đóng góp chuyên môn, qua đó tận dụng hiệu quả kinh nghiệm và năng lực đào tạo của họ".
Thầy Thư thông tin thêm, hiện nay, Trường Đại học Công nghệ Quản lý và Hữu nghị chưa mở ngành đào tạo mới. Khi có kế hoạch cụ thể, nhà trường sẽ căn cứ theo quy định trong Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT để chuẩn bị.
Được biết, các ngành đào tạo của Trường Đại học Công nghệ Quản lý và Hữu nghị đều đáp ứng đầy đủ điều kiện về giảng viên chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo đúng các quy định hiện hành.
Trong chiến lược phát triển, nhà trường chú trọng tăng cường tuyển dụng giảng viên trẻ và giảng viên được đào tạo ở nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đảm bảo đáp ứng yêu cầu của quy định mới.
Theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), điểm mới trong Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đội ngũ giảng viên trẻ học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu, đảm nhận vị trí giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, yêu cầu này cũng sẽ gây khó khăn bước đầu cho trường đại học, nhất là đối với các trường đại học tư thục. Các cơ sở giáo dục đại học này cần có đãi ngộ đặc biệt tốt về tiền lương, điều kiện làm việc để thu hút giảng viên có trình độ cao, trong độ tuổi quy định đến làm việc.
"Chúng ta muốn hướng tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về chuẩn cơ sở giáo dục đại học nhưng thực tế là chưa có đủ đội ngũ để hướng dẫn tiến sĩ" - thầy Luận nói thêm.
Mong muốn có thêm hướng dẫn sau khi thông tư có hiệu lực
Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Võ Quế - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Quang Trung (Bình Định), khi thông tư có hiệu lực, các trường đại học tư thục nói chung cũng như Trường Đại học Quang Trung nói riêng sẽ gặp một số khó khăn nhất định.
Với những ngành học đã được đào tạo trong thời gian dài, số lượng đội ngũ sẽ đảm bảo hơn cho việc mở ngành. Tuy nhiên, với những ngành mới, vấn đề về lực lượng là tương đối nan giải. Khi đưa thêm yêu cầu giảng viên chủ trì mở ngành là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ sẽ lại càng không dễ đáp ứng.
Bởi vậy, cần thiết phải đặt ra bài toán về số lượng, có điều tra, nghiên cứu về quỹ nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu mở ngành đào tạo.
Thầy Quế nói: "Các thầy cô vượt quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định, phần lớn đều là giảng viên có trình độ cao, đã trải qua quá trình dài học tập, nghiên cứu với kinh nghiệm dày dặn.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới không đặt ra yêu cầu về độ tuổi làm việc với các giáo sư, phó giáo sư. Không ít người dù đã cao tuổi nhưng vẫn minh mẫn, có thể cống hiến và mong muốn được tiếp tục trao truyền tri thức.
Bởi vậy, nếu chúng ta có thể tiếp tục sử dụng đội ngũ này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Cùng với đó là việc thực hiện bổ sung các giảng viên trẻ có trình độ. 2 điều trên nhằm mục đích vừa trọng dụng các giáo sư, phó giáo sư vừa tạo động lực để thế hệ trẻ nâng cao năng lực.
Theo tôi, mọi sự thay đổi đều nên có lộ trình để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo thực hiện tốt quy định."
Để "gỡ rối" cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục trong việc thực hiện Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận đề xuất: “Theo tôi, sau khi thông tư có hiệu lực cần được lấy ý kiến trong quá trình thực hiện, tiếp đó Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có văn bản hướng dẫn cụ thể để điều tiết.
Cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực để có chỉ dẫn, vì sẽ là thách thức đối với những ngành không có nhiều tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên phục vụ cho công tác mở ngành đào tạo.
Một mặt, chúng ta vừa cần tiếp tục sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên có trình độ cao sau khi đến tuổi nghỉ hưu, mặt khác tiếp tục thúc đẩy giảng viên trẻ phát triển, cống hiến”.