Trường tinh hoa: Bước phát triển mới của giáo dục đại học tư thục ở Việt Nam

07/03/2023 06:42
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường đại học tư thục Việt Nam đã bước vào giai đoạn trưởng thành với sự ra đời và phát triển của số lượng không nhỏ các trường tinh hoa.

Theo một báo cáo chuyên đề về giáo dục đại học tư thục tại Hội nghị giáo dục đại học thế giới năm 2009, nếu không kể các cơ sở giáo dục đại học tư thục tôn giáo, thì nhìn chung các cơ sở giáo dục đại học tư thục có thể phân loại thành tinh hoa và đại trà/không tinh hoa [1].

Cơ sở giáo dục đại học tinh hoa được hiểu là cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ sinh viên được tuyển chọn khắt khe cùng với đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên chất lượng cao, thuộc top đầu trong xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Thông thường chỉ có một số đại học tư thục Mỹ được coi là đại học tinh hoa.

Ảnh minh họa: nguồn: Trường Đại học Phenikaa

Ảnh minh họa: nguồn: Trường Đại học Phenikaa

Hiểu như trên thì khái niệm tinh hoa mang tầm quốc tế. Trên thực tế, ở một số quốc gia vẫn có những cơ sở giáo dục đại học tư thục được xếp hạng cao trong hệ thống giáo dục đại học quốc gia.

Theo báo cáo nêu trên có thể coi đây là các cơ sở giáo dục đại học tinh hoa quốc gia. Theo phân loại giữa tinh hoa và đại trà/không tinh hoa thì các cơ sở này thường được gọi là bán tinh hoa. Dù rằng các cơ sở này không thể cạnh tranh với các đại học công lập hàng đầu của quốc gia, nhưng hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang ngửa với các cơ sở giáo dục đại học công lập hàng đầu trong tầng thứ hai (tức là tầng các cơ sở giáo dục đại học ứng dụng) của phân tầng giáo dục đại học.

Trong bài này, cơ sở giáo dục đại học tinh hoa được hiểu theo nghĩa tinh hoa quốc gia, hay là bán tinh hoa. Các cơ sở này có một số đặc trưng chung là tính tuyển chọn cao ở đầu vào; sinh viên có khả năng chi trả học phí cao; giảng viên tập trung chủ yếu vào giảng dạy và đào tạo hướng tới việc bảo đảm sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp; thường tập trung vào một vài lĩnh vực đào tạo để đi sâu vào một ngách của thị trường lao động, nổi bật nhất là lĩnh vực kinh doanh; nghiên cứu khoa học, nếu có cũng chỉ chuyên về nghiên cứu ứng dụng [1].

Vấn đề chất lượng của giáo dục đại học tư thục ở các nước đang phát triển

Ngoại trừ giáo dục đại học tư thục ở Mỹ được đánh giá cao về chất lượng, ý kiến chung thường cho rằng giáo dục đại học tư thục ở các nước khác, nhất là ở các nước đang phát triển, chủ yếu thuộc loại đại trà/không tinh hoa, tức là có nhiều yếu kém về chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2001, một nghiên cứu sâu của James Tooley [2] về giáo dục đại học tư thục ở 13 nước (Argentina, Brazil, Colombia, Peru, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Nam Phi, Zimbabwe, Nga, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ) cho thấy một bức tranh mới về sự phát triển mạnh của giáo dục tư thục cùng các đặc trưng khác biệt với giáo dục công lập ở sự mềm dẻo trong tổ chức và hoạt động; tính hiệu quả, tiết kiệm và không lãng phí trong sử dụng nguồn lực; tư tưởng canh tân và sáng tạo trong dạy và học, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội; tinh thần năng động trong đổi mới quản lý và sử dụng công nghệ hiện đại; ý thức bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

Công trình nghiên cứu cũng cho thấy, giáo dục tư thục ở các nước này đều đi lên từ đóng góp ban đầu nhỏ bé của các cổ đông và phát triển dần từ nguồn thu học phí là chính, tiến tới thành lập các tập đoàn giáo dục lớn như Objectivo ở Brazil (gồm 8 chuỗi lớn trường tư với đài truyền hình giáo dục), NIIT ở Ấn Độ (có 400 khuôn viên và đang mở rộng tới 18 nước)... Các thành tựu đạt được không phụ thuộc vào việc nhà trường có nhận được nguồn hiến tặng hay không, cơ sở nhà trường là đi thuê hay xây mới, hoạt động nhà trường là vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.

Bài học kinh nghiệm về việc nâng cao chất lượng của giáo dục đại học tư thục ở các nước đang phát triển này là:

Thứ nhất, nhà trường phải canh tân và sáng tạo không ngừng, chủ yếu đối với chương trình giáo dục (phải được cập nhật, bổ sung, chỉnh lý hàng năm), phương pháp dạy và học, chính sách nội bộ; thực hiện “mệnh lệnh công nghệ” để trường lớp phải là trường lớp của tương lai;

Thứ hai, công tác kiểm soát chất lượng phải được thực hiện với tinh thần nghiêm ngặt nhất thông qua các biện pháp đánh giá độc lập và các chỉ tiêu đánh giá cụ thể.

Thứ ba, công tác quản lý phải được phân cấp rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của từng đơn vị và cá nhân và phải được thực hiện trên cơ sở công nghệ thông tin, trên tinh thần bảo đảm chi phí – hiệu quả.

Thứ tư, nhà trường phải có chiến lược xây dựng thương hiệu, tạo uy tín và hình ảnh tin cậy trước công chúng.

Thứ năm, nhà trường phải góp phần thực hiện công bằng xã hội thông qua việc xây dựng cơ chế tín dụng riêng của nhà trường và chương trình phục vụ xã hội để đóng góp cho cộng đồng, địa phương.

Xu hướng phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục tinh hoa

Tiến trình cải thiện và nâng cao chất lượng của giáo dục đại học tư thục nêu trên dẫn đến sự ra đời của các cơ sở giáo dục đại học tinh hoa.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng vào khoảng năm 2010, việc ra đời của các cơ sở giáo dục đại học tư thục tinh hoa đã là một xu thế ở nhiều nước trên thế giới. Dẫn đầu là hệ thống giáo dục đại học tư thục ở Nhật Bản và Hàn Quốc với một số đại học tư thục tinh hoa đã mang tầm quốc tế.

Riêng trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam đều đã có một vài cơ sở giáo dục đại học tư thục tinh hoa. Đặc biệt đáng chú ý là trường hợp của Thái Lan: 40% sinh viên tư thục nước này học trong các cơ sở tinh hoa gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo trong những ngành nghề kinh doanh và công nghệ có liên quan [3].

Trong khu vực Nam Á, sự phát triển của các đại học tư thục tinh hoa ở Ấn Độ được coi là đang làm rung chuyển hệ thống giáo dục đại học Ấn Độ. Các đại học tư thục tinh hoa này, chủ yếu do các tập đoàn lớn đầu tư xây dựng, đều có chiến lược phát triển bài bản và đến nay, sau nhiều đợt sinh viên ra trường, đã tạo được niềm tin vững chắc đối với tất cả các bên liên quan, bao gồm chính quyền, doanh nghiệp, sinh viên, công chúng, xã hội.

Mặc dù số lượng đại học tư thục tinh hoa này còn khiêm tốn, nhưng thành công và thương hiệu của các đại học này đã và đang làm môi trường cạnh tranh trong thị trường giáo dục đại học ở Ấn Độ trở nên khốc liệt. Cả các đại học tư thục và công lập yếu kém đều đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nếu không có chiến lược đổi mới thích hợp để thu hút sinh viên theo học [4].

Trường đại học tinh hoa trong hệ thống giáo dục đại học tư thục Việt Nam

Hiện chưa có bất kỳ tiêu chí cụ thể nào cho việc nhận diện cơ sở giáo dục đại học tư thục tinh hoa. Cho đến nay, trong các tài liệu nghiên cứu, việc chỉ ra một cơ sở giáo dục đại học tư thục tinh hoa thường dựa trên một đánh giá so sánh về các yếu tố đảm bảo chất lượng giữa cơ sở đó với các cơ sở giáo dục đại học công lập có chất lượng cao trong cùng quốc gia.

Tuy nhiên, vì nhìn chung chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học công lập ở các nước đang phát triển còn nhiều bất cập nên việc coi một cơ sở giáo dục đại học tư thục là tinh hoa chỉ có ý nghĩa và giá trị tương đối trong phạm vi quốc gia đó.

Hiểu như vậy thì ở nước ta, việc theo đuổi tính tinh hoa, tức là bảo đảm để có sự ngang ngửa về chất lượng so với các cơ sở giáo dục đại học công lập được đánh giá cao về chất lượng, đã là mục tiêu của nhiều cơ sở giáo dục đại học tư thục. Điều này được thể hiện qua từng giai đoạn của tiến trình phát triển trong hơn 35 năm đổi mới của giáo dục đại học tư thục như sau:

Giai đoạn 10 năm đầu đổi mới (1986-1996) với chủ trương đa dạng hóa các hình thức đào tạo trong Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII), một số trường đại học ngoài công lập đầu tiên, chủ yếu là bán công, dân lập, đã được thành lập với mục đích chủ yếu là tạo thêm cơ hội học lên đại học cho thanh niên khi mà hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chịu sức ép rất lớn về quy mô phát triển.

Hiển nhiên, trong giai đoạn này, không thể có trường đại học ngoài công lập nào là tinh hoa. Nhưng, đã có một số trường (tên được viết theo thời điểm thành lập), như: Trường Đại học dân lập Thăng Long (thành lập năm 1988), Trường Đại học dân lập Ngoại ngữ-Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 1994), Trường Đại học dân lập Duy Tân (thành lập năm 1994), Trường Đại học dân lập Văn Lang (thành lập năm 1995), Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 1995) đã bền bỉ theo đuổi mục tiêu chất lượng thông qua các chính sách linh hoạt và từng bước nâng cao về tuyển sinh, chương trình đào tạo, công tác quản trị, đội ngũ giảng viên, hợp tác quốc tế và cơ sở vật chất-kỹ thuật.

Sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: website nhà trường

Giai đoạn 10 năm tiếp theo (1996-2006) với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) cùng việc thể chế hóa chủ trương này trong Luật Giáo dục 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2005), giáo dục đại học tư thục có sự bùng nổ trong phát triển và một thế hệ mới các trường tư thục xuất hiện với sự tham gia của các doanh nghiệp có thực lực tài chính (như FPT), tạo điều kiện để người học chuyển từ có cơ hội học lên đại học sang có cơ hội chọn trường đại học.

Trong bối cảnh đó, nhiều trường đại học ngoài công lập, như Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (thành lập năm 1996), Trường Đại học dân lập Hải Phòng (thành lập năm 1997), Trường Đại học dân lập Văn Hiến (thành lập năm 1997), Trường Đại học dân lập Hồng Bàng (thành lập năm 1997), Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen (thành lập năm 1999), Trường Đại học tư thục Nguyễn Tất Thành (thành lập năm 2005), Trường Đại học tư thục FPT (thành lập năm 2006), Trường Đại học tư thục Quốc tế Sài Gòn (thành lập năm 2007), Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 2007) nổi lên như các trường có chiến lược phát triển phù hợp và thành công để cạnh tranh về chất lượng với các trường đại học công lập trong thu hút sinh viên.

Giai đoạn từ 2006 đến nay với việc nước ta gia nhập WTO, ký cam kết về GATS (Hiệp định chung về thương mại dịch vụ - General Agreement on Trade in Services) trong giáo dục, một thị trường giáo dục đại học chính thức được hình thành và bức tranh giáo dục đại học tư thục trở nên rất phức tạp với đặc trưng nổi bật như sau: cạnh tranh trong giáo dục đại học trở nên dữ dội, không chỉ giữa các cơ sở tư thục với nhau mà còn giữa công lập với công lập, công lập với tư thục, trong nước với ngoài nước.

Những trường đại học dân lập nêu trên, nay đổi thành trường đại học tư thục (tên gọi cũng điều chỉnh), sau nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường, đã chứng minh được sự cam kết về chất lượng, tạo được niềm tin đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp, sinh viên, công chúng và xã hội, và vì vậy đã và đang trở thành các trường đại học tinh hoa trong giáo dục đại học tư thục Việt Nam.

Riêng Trường Đại học Duy Tân, kể từ năm 2021, đã có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới như QS World University Rankings, CWUR - Center of World University Rankings. Trường Đại học FPT đạt chuẩn xếp hạng quốc tế 3 sao QS Stars từ năm 2012. Vài năm gần đây, các trường như: Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH), Trường Đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) đạt chứng nhận tiêu chuẩn QS Stars 4 sao …

Đến nay, các trường đại học tinh hoa đã chiếm khoảng một phần tư trong hệ thống các trường đại học tư thục nước ta. Đó là một bước tiến đánh dấu bước chuyển quan trọng hướng đến nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học tư thục Việt Nam.

Thời gian trung bình để đạt được bước tiến này là khoảng 20 năm. Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu (thành lập năm 2006), được đánh giá là trường trẻ nhất đạt tiêu chuẩn 4 sao QS Stars vào năm 2021, cũng phải có 15 năm bền bỉ theo đuổi sự xuất sắc trong nâng cao chất lượng. Riêng Trường Đại học VinUni, trường đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam tuyên bố phát triển theo mô hình đại học tinh hoa, được thành lập vào cuối năm 2019, và đến năm 2022, đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn QS Stars 4 sao.

Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu chuyên sâu nào về các trường đại học tư thục tinh hoa của Việt Nam để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu lịch sử phát triển của các trường này, có thể thấy rằng các bài học kinh nghiệm cũng tương tự những bài học đã được đúc kết trong công trình nghiên cứu của Tooley nói ở đầu bài viết này.

Các trường đại học tư thục tinh hoa của Việt Nam, bất kể xuất phát điểm là thế nào, dù là trường thuộc sở hữu doanh nghiệp hay thuộc sở hữu một tập thể các nhà giáo, nhà khoa học, nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục, đều kiên trì và kiên định theo đuổi một triết lý giáo dục hướng đến sự hài lòng của người học, cùng các giải pháp bền bỉ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở phát huy các lợi thế mà nhà trường tư thục có được so với nhà trường công lập.

Kết luận

Đại dịch Covid-19 là một phép thử về sức khỏe đối với mọi hệ thống giáo dục đại học, cả công lập và tư thục, trên thế giới. Vượt qua đại dịch Covid-19, các trường đại học tư thục Việt Nam đã chứng tỏ khả năng chống chịu tốt và thực sự đã bước vào giai đoạn trưởng thành với sự ra đời và phát triển của số lượng không nhỏ các trường tinh hoa.

Điều đó khiến cho thị trường giáo dục đại học Việt Nam có sự thay đổi đáng kể nhìn từ góc độ lợi thế so sánh giữa trường công lập và trường tư thục. Các trường đại học công lập đang mất dần lợi thế về học phí thấp khi mà các trường này đang phải tăng học phí ngày càng cao để tiến tới mục tiêu tự bảo đảm mọi khoản chi, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong khi đó, các trường đại học tư thục có lợi thế hơn hẳn về quyền tự chủ cao hơn, về cơ cấu quản trị gọn nhẹ hơn, về cơ chế ra quyết định nhanh hơn, về khả năng đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động hiệu quả hơn, và về mức độ chống chịu với sự thay đổi tốt hơn. Tựu trung, nhìn từ góc độ cạnh tranh thị trường thì các trường đại học tư thục có kinh nghiệm và bản lĩnh hơn.

Vì vậy, ngoại trừ các đại học và trường đại học trọng điểm quốc gia có vị thế ưu đãi và đẳng cấp chất lượng đã được khẳng định, tất cả các trường đại học công lập còn lại đều đang đứng trước một mệnh lệnh cấp thiết. Đó là mệnh lệnh chất lượng. Vấn đề đối với các trường giờ đây không phải chỉ là phấn đấu để được công nhận về bảo đảm chất lượng theo các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu mà phải thực sự đổi mới căn bản và toàn diện về quản trị, quản lý, đào tạo, nghiên cứu, phục vụ xã hội; không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng, trở thành trường học của tương lai, nơi mà người học tìm thấy một môi trường học tập, trải nghiệm và sáng tạo tuyệt vời để sẵn sàng và tự tin bước vào một thị trường lao động đòi hỏi hơn và khó tính hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bjarnason, S. và cộng sự. 2009. A New Dynamic: Private Higher Education. Paris: UNESCO

[2] James Tooley. 2001. The Global Education Industry, Lessons from Private Education in Developing Countries. IEA studies in education ; no. 7 Washington, D.C. : World Bank Group.

[3] Daniel Levy. 2010. East Asian Private Higher Education: Reality and Policy. https://web.worldbank.org/archive/website01417/WEB/IMAGES/EASTAS-2.PDF

[4] Eldho Mathews. 2022. Elite private universities are shaking up the HE sector. University World News, 03 December 2022

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến