"Đôi bên cùng có lợi" khiến học thêm, dạy thêm khó kiểm soát

01/10/2023 07:17
HƯƠNG MAI
GDVN- Thầy cô dạy thêm có thêm thu nhập hàng tháng và học sinh đi học thêm thường có điểm số cao hơn, đẹp hơn những bạn không đi học thêm ở nhà giáo viên.

Hàng chục năm nay, câu chuyện dạy thêm, học thêm vẫn liên tục được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng khi nó đang dẫn đến việc tốn khá nhiều thời gian của học sinh và tiền bạc của phụ huynh. Thậm chí đã trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều phụ huynh nghèo.

Chương trình 2006 đã học thêm và chương trình 2018 vẫn có tình trạng học thêm. Học sinh càng lớn càng học thêm nhiều.

Học sinh ở khu vực đô thị học thêm, học sinh nông thôn học thêm. Học sinh yếu cũng học thêm, học sinh giỏi cũng học thêm; học sinh trường chuyên, trường năng khiếu cũng miệt mài học thêm ở nhà thầy cô giáo, ở nhà trường, trung tâm gia sư.

Vòng xoáy học thêm khiến cho học sinh áp lực, mệt mỏi, nhàm chán khi học tập chính khóa ở trên lớp và điều quan trọng là hằng năm phụ huynh đang phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn cho con em mình. Nhưng không phải việc tích cực đi học thêm đều mang lại hiệu quả thiết thực cho học trò.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Một bài học nhưng học sinh đang được học đi, học lại nhiều lần

Chương trình 2006 tính đến nay đã được Bộ giảm tải khá nhiều lần, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều nội dung kiến thức sách giáo khoa đối với các lớp thuộc chương trình 2006 bằng Công văn 3280 và Công văn 4040 nên có rất nhiều bài học đã chuyển sang tự học, tự đọc, khuyến khích tự làm.

Thế nhưng, những năm qua học sinh luôn vất vả với kế hoạch dạy thêm tại trường của nhiều trường học, nhất là những em cuối cấp khi phải ôn tập, luyện thi khi nhà trường tổ chức. Nhiều giáo viên đã dạy thêm tại trường nhưng vẫn kéo học sinh đến nhà mình học thêm.

Vì thế, các bài học, kiến thức sách giáo khoa đã được học đi, học lại nhiều lần. Trong khi, nếu giáo viên dạy nhiệt tình, làm hết trách nhiệm thì bài học, bài tập sẽ giải quyết gọn gàng ở trên lớp thì học sinh không phải khổ sở với chuyện học thêm như hiện nay.

Thực tế, những năm đầu áp dụng chương trình 2006- khi mà kiến thức sách giáo khoa chưa được giảm tải như hiện nay nhưng việc học thêm lúc bấy giờ rất ít, thường chỉ xảy ra với học sinh cấp trung học phổ thông khi chuẩn bị cho việc thi và xét tuyển vào đại học. Học sinh tiểu học và trung học cơ sở rất hiếm khi học thêm.

Cũng những cuốn sách giáo khoa ấy, cũng kiến thức ấy nhưng đã được giảm tải và cũng phần lớn là những thầy cô ấy dạy đi, dạy lại hàng chục năm trời nhưng càng về sau thì dạy thêm, học thêm càng nhiều hơn, phức tạp hơn và giá phí học thêm cũng liên tục nhảy múa theo giá thị trường.

Chương trình 2018 được Bộ triển khai mấy năm gần đây về cơ bản là giảm tải nhiều kiến thức hàn lâm, lạc hậu và được bố cục theo từng chủ đề, mạch kiến thức đối với tất cả các môn học nhưng theo quan sát của người viết dạy thêm, học thêm ở tiểu học và một số môn cơ bản ở trung học phổ thông, trung học cơ sở vẫn xảy ra.

Phần nhiều các lớp dạy thêm hiện nay đang dạy trước chương trình chính khóa

Hình thức dạy thêm hiện nay có nhiều địa chỉ mà học sinh có thể tham gia học thêm, đó là ở trung tâm gia sư; nhà thầy cô giáo đang dạy chính khóa; thầy cô giáo có tiếng tăm ở các nhà trường và nhiều trường học tổ chức dạy thêm tại trường.

Tuy nhiên, phần lớn việc dạy thêm hiện nay là đang dạy trước chương trình chính khóa ở trên lớp và một khi trong lớp có học sinh đi học thêm là phần lớn những em còn lại cũng tham gia vì nếu không đi học thêm sẽ đuối với bạn bè trong lớp.

Theo hướng dẫn của Công văn 5512 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trước khi học bài mới, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ chuẩn bị sản phẩm học tập ở nhà.

Khi dạy và học chính khóa trên lớp, học sinh sẽ báo cáo sản phẩm học tập đã chuẩn bị trước, sau đó học sinh trong lớp nhận xét, trao đổi và giáo viên chốt lại vấn đề. Vậy nên, khi học sinh học chính khóa trên lớp thì những em đã học thêm đều đã biết nội dung, đáp số mà thầy cô sẽ dạy.

Khi học chính khóa trên lớp, có nhiều em rất hay xung phong trả bài những nội dung kiến thức của bài học. Nhưng, khi làm một ví dụ ngoài sách giáo khoa thì đa phần lại không làm được. Nhiều em đi học thêm ki vào giờ học chính khóa luôn mang theo vở học thêm, thầy cô hỏi đến đâu, trả lời đến đó nhằm đối phó với thầy cô và cũng là cách xung phong lên bảng làm bài tập để lấy điểm thường xuyên.

Vì thế, việc dạy thêm, học thêm hiện nay về cơ bản đáp ứng được tiêu chí “đôi bên cùng có lợi”. Thầy cô dạy thêm có thêm thu nhập hàng tháng và học sinh đi học thêm thường có điểm số cao hơn, đẹp hơn những bạn không đi học thêm.

Đặc biệt, những học sinh đi học thêm với thầy cô đang dạy chính khóa của mình thì bao giờ cũng có lợi thế hơn trong học tập về phần điểm số vì kiểm tra thường xuyên thường được mớm bài trước và kiểm tra định kỳ thì thầy cô cũng tiết lộ hoặc giải trước các dạng đề tương tự ở lớp học thêm.

Chính vì thế, học sinh ngày càng học thêm nhiều hơn với thầy cô dạy chính khóa để cải thiện điểm số, nếu thầy cô dạy chính khóa không dạy thêm thì các em mới học với những giáo viên khác.

Chương trình học giống nhau, nội dung kiểm tra thường xuyên cũng tương đối giống nhau, kiểm tra định kỳ cho từng khối chung đề mà trong các tổ chuyên môn thường thống nhất nội dung kiểm tra, thậm chí là người ra đề nên giáo viên dạy thêm luôn biết cách để hướng dẫn với học sinh học thêm của mình.

Học sinh càng được điểm cao thì “uy tín” của giáo viên dạy thêm càng lớn và học sinh các năm sau lại đến học thêm nhiều hơn. Vì thế, vòng xoáy của việc dạy thêm, học thêm không giảm mà ngày càng nhiều hơn.

Điều dễ thấy nhất là khi dạy thêm nhiều, giáo viên có thêm thu nhập; học sinh đi học thêm điểm số sẽ được cải thiện nhưng phía sau đó là rất nhiều những hệ lụy khó lường. Đó là một bộ phận học sinh thì mất đi động lực học tập, phấn đấu vì mọi bài tập, bài kiểm tra đã được thầy cô dạy thêm làm thay, làm giúp.

Thành tích ảo trong các nhà trường cũng được nâng lên đáng kể nhưng có một điều rất thật là phụ huynh phải chi rất nhiều tiền hàng tháng đều đều cho con em mình đi học thêm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI