Chương trình 2006, Bộ đã 7 lần điều chỉnh nhưng dạy thêm, học thêm có giảm?

14/05/2023 06:46
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bức tranh dạy thêm, học thêm ở các trường phổ thông hiện nay khá phức tạp và đang là nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh vì chi phí quá lớn.

Tình trạng dạy thêm, học thêm ở các cấp học phổ thông là nỗi ám ảnh của nhiều người bởi thực tế có nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình đi học thêm nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngoài chuyện phát sinh thêm chi phí hàng tháng, việc học sinh đi học thêm từ lúc mới chập chững bước vào lớp 1 cho đến 12 cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, động lực học tập của học trò.

Bởi lẽ, nhiều đơn vị kiến thức học đi, học lại nhiều lần dẫn đến sự nhàm chán, không còn sự hứng khởi cho học sinh, nhất là những em cuối cấp. Thế nhưng, học sinh đi học thêm bây giờ, nhất là ở khu vực thị thành đã như một điều mặc định.

Chương trình 2006 đã gần hoàn thành sứ mệnh để thay thế bằng chương trình 2018 nhưng nhiều người cho rằng, chương trình nào học sinh cũng phải đi học thêm. Tiền học thêm đang tốn gấp nhiều lần chi phí học tập chính khóa của học trò nên nó đang thực sự trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh nghèo.

Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet

Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet

Năm học 2022-2023 đang dần khép lại, chỉ còn năm học 2023-2024 nữa là kết thúc chương trình 2006 vì năm học 2024-2025 là chương trình mới sẽ áp dụng chương trình mới ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa năm 2006 chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề băn khoăn về tình trạng dạy thêm, học thêm trong những năm qua cũng như hiện nay.

Lúc đầu, chương trình 2006 được chê nặng, hàn lâm nên mới xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, từ khi ra đời cho đến nay, chương trình 2006 đã được Bộ điều chỉnh nội dung sách giáo khoa đến 7 lần nhằm giảm tải kiến thức nhưng học sinh vẫn phải học thêm như thường.

Đó là: trong năm học 2011-2012, trên cơ sở rà soát chương trình, sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải. Nhiều bài học đã được lược bỏ.

Tiếp theo phải kể đến các công văn như: Công văn số 791/HD-BGDĐT, ngày 25/6/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, bắt đầu từ năm học 2013-2014.

Trong đó, Công văn số 791/HD-BGDĐT hướng dẫn: “Rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành để loại bỏ những thông tin cũ, lạc hậu đồng thời bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp.

Phát hiện và xử lý sao cho trong phạm vi cấp học không còn những nội dung dạy học trùng nhau trong từng môn học và giữa các môn học; những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa không phù hợp mục tiêu giáo dục của chương trình hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; những nội dung trong sách giáo khoa sắp xếp chưa hợp lý; những nội dung không phù hợp với địa phương của nhà trường.

Cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong chương trình hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh thành những bài học mới, có thể chuyển một số nội dung dạy học thành nội dung các hoạt động giáo dục và bổ sung các hoạt động giáo dục khác vào chương trình hiện hành; xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối chương trình mới của các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế nhà trường.

Xây dựng các chủ đề liên môn: Chủ đề liên môn bao gồm các nội dung dạy học chưa được xây dựng trong chương trình các môn học hiện hành…”.

Tiếp đến là Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Công văn số 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 803/BGDĐT-GDTrH, ngày 13/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2).

Ngày 27/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn hướng dẫn: “việc điều chỉnh nội dung dạy học nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp”.

Ngày 02/11/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học lớp 5, lớp 9 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sau đó giáo viên cũng đã được tập huấn và bổ sung thêm một số nội dung đối với 2 lớp cuối 2 cấp học này nhằm hướng tới việc phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh khi bước sang cấp học mới.

Ngày 16/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022. Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn giảm tải thêm rất nhiều đơn vị kiến thức đối với các môn học.

Năm học 2022-2023 này, Bộ lại hướng dẫn cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thực hiện các lớp còn lại của chương trình 2006 (lớp 8,9; 11,12) thực hiện giảm tải theo Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH.

Như vậy, tính đến nay, chương trình 2006 đã có tới 7 lần tinh giản, điều chỉnh nội dung dạy học, nhiều bài học đã không còn dạy trong các tiết học chính khóa mà bỏ hẳn hoặc chuyển sang đọc thêm, hướng dẫn tự học…

Thế nhưng, điều mà chúng ta vẫn thấy là cho dù Bộ điều chỉnh đến 7 lần, kiến thức đã giảm đi một phần rất lớn so với ban đầu nhưng học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra. Hai năm học vừa qua, có những thời điểm học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì học sinh vẫn học thêm online như thường.

Muốn hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm, không đơn thuần là Bộ chỉ sửa Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT mà điều cốt lõi là cần kết hợp với các địa phương, nhà trường phải có chế tài quản lý dạy thêm, học thêm tốt hơn, sát sao hơn.

Bên cạnh đó, chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới phải chuẩn mực, khoa học và chọn lọc kiến thức để tránh tình trạng phải chỉnh sửa, tinh giản như chương trình 2006. Đặc biệt, áp lực thi cử cần phải được điều chỉnh hướng đề mở nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học trò.

Nếu không, tình trạng dạy thêm, học thêm đối với các cấp học phổ thông ngày càng phức tạp và rất khó quản lý. Gánh nặng tiền bạc sẽ tiếp tục đè lên vai phụ huynh và sẽ khó chấm dứt được câu chuyện đâu đó, giáo viên bằng cách này cách khác ép học sinh đi học thêm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG