Đề xuất cho trường học được ký hợp đồng GV, thách thức và cơ hội ra sao?

06/12/2023 06:41
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để phát huy vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc xây dựng trường học tích cực, học sinh thân thiện,…

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện nay đang thiếu hơn một trăm ngàn giáo viên ở các cấp học, bậc học tăng so các năm học qua.

Tuy vậy, vẫn có những em sinh viên sư phạm vẫn còn đang thất nghiệp, đang làm trái ngành, vẫn mong muốn trở thành giáo viên nhưng thủ tục thi còn nhiều khó khăn, thi không đạt,…

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Đề xuất phương án cho các trường được ký hợp đồng, tuyển dụng giáo viên

Phát biểu tại sự kiện Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trong quá trình thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước.

Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện cả nước thiếu 127.583 giáo viên và con số này đang gia tăng không ngừng.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Nhà giáo đang bước đầu được triển khai và hướng tới mục tiêu tạo ra những thay đổi tích cực về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo. [1]

Thời gian qua, vấn đề thiếu giáo viên là vấn đề lớn ảnh hưởng đến việc giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục, khó nói đến chất lượng cao khi nhiều cơ sở thiếu hàng chục giáo viên.

Chính vì vậy, đề xuất trên thu hút được sự quan tâm của đông đảo đội ngũ quản lý ở các trường.

Thách thức và cơ hội cho các cơ sở giáo dục ra sao?

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế tuyển dụng để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động, góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên sau đó nhận được tín hiệu tích cực từ các cấp, các ngành.

Đa số ý kiến đều cho rằng đây là tín hiệu tích cực trong vấn đề giao tự chủ cho các trường, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các em sinh viên sư phạm có nhiều cơ hội để giảng dạy, các trường phải chủ động nâng cao chất lượng dạy và học để thu hút sinh viên sư phạm giỏi,…

Dưới đây là một số nguyên nhân mà người viết cho rằng việc tuyển dụng giao cho các cơ sở là một việc hết sức hợp lý.

Thứ nhất, trao quyền tự chủ cho các trường

Hiện nay, các cơ sở giáo dục dần dần được giao quyền tự chủ trong nhiều lĩnh vực, tiến tới giao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên thiếu là một điều hợp lý, khi Luật Nhà giáo được ban hành, việc này sẽ được cụ thể hóa hơn.

Các cơ sở giáo dục được tự chủ tuyển dụng sẽ tuyển dụng nhiều đợt trong năm, tuyển khi giáo viên thiếu, bỏ việc, nghỉ việc,…và chịu trách nhiệm với cấp trên về chất lượng tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động hay chấm dứt hợp đồng lao động.

Được tự chủ sẽ hạn chế thiếu giáo viên trong trường hợp cấp thiết, thiếu giáo viên trong thời gian dài.

Thứ hai, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu sẽ thuận lợi hơn

Khi các trường được tự chủ ký hợp đồng lao động, được tự chủ tuyển dụng cũng sẽ gắn với việc quản lý biên chế, viên chức,…việc điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang thiếu có thể sẽ thuận tiện hơn, có thể chỉ cần thống nhất của thủ trưởng đơn vị đi, thủ trưởng đơn vị đến.

Trường A thừa giáo viên Toán, trường B thiếu giáo viên Toán thì việc điều chuyển sẽ thuận lợi hơn nếu giáo viên thống nhất và 2 thủ trưởng đồng ý, khi đó sẽ giải quyết được một phần bài toán thừa thiếu cục bộ giáo viên.

Thứ ba, cơ hội nghề nghiệp mở rộng với sinh viên sư phạm

Lực lượng sinh viên sư phạm mới ra trường, đang học và chưa tìm được việc làm sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.

Hiện nay, theo Nghị định số: 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì việc tuyển dụng được quy định tại khoản 2 như sau: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.”

Tuy nhiên, đa số việc tuyển dụng được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh thực hiện nên mỗi năm chỉ tuyển dụng 1,2 lần, nhiều em không đạt nên rẽ sang hướng khác, trong khi nhiều trường vẫn còn thiếu giáo viên.

Nếu đề xuất trên được thông qua cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở, các em không đạt trường này có thể tuyển dụng ở đơn vị khác, cấp học khác,…

Điều này, cũng sẽ khiến các em sinh viên sư phạm nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện nếu muốn trúng tuyển vào các trường uy tín, nếu không nỗ lực sẽ mất đi cơ hội nghề nghiệp.

Thứ tư, cơ hội để các trường nâng cao hình ảnh, chất lượng

Nếu được tự chủ tuyển dụng, các trường phải cố gắng xây dựng hình ảnh tốt, môi trường làm việc tích cực, chất lượng tốt để sinh viên sư phạm giỏi đăng ký vào.

Nếu trường không tuyển đủ giáo viên phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, trong vài năm vẫn không tuyển đủ giáo viên thì phải điều chuyển hiệu trưởng hoặc phải bị xem xét trách nhiệm.

Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để phát huy vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc xây dựng trường học tích cực, học sinh thân thiện,…vì nếu môi trường mất đoàn kết, nhiều vấn đề tiêu cực chắc chắn sẽ không có sinh viên sư phạm giỏi đăng ký tuyển dụng vào, chất lượng sẽ khó mà nâng lên.

Các cơ sở giáo dục nên được giao quyền ký hợp đồng, được tuyển dụng giáo viên là xu thế hợp lý nên được áp dụng và nhân rộng để giao tự chủ cho các trường để các trường bổ sung kịp thời biên chế trong trường hợp thiếu giáo viên để hoạt động của trường diễn ra linh hoạt, kịp thời. Thực hiện mạnh mẽ việc giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên vừa hạn chế tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên vừa tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các hiệu trưởng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/chinh-sach-giao-duc/de-xuat-nha-truong-duoc-ky-hop-dong-lao-dong-de-giai-quyet-thieu-giao-vien-1268762.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa