Chuẩn bị bước vào năm học 2023-2024, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là thiếu giáo viên cho các môn học mới lại được nhiều địa phương lên tiếng. Tình trạng này cũng được nói nhiều trong 2 năm học vừa qua. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới đã được manh nha từ lâu, được Quốc hội cho phép lùi thời gian triển khai sao vẫn thiếu giáo viên đối với những môn học mới?
Trong khi, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ công bố vào chiều ngày 5/8/2016; ngày 28/7/2017, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua. Ngày 27/12/2018, Bộ thông qua chương trình môn học.
Năm học 2020-2021, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6. Năm học 2022-2023 triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Điều này cho thấy kể từ khi Bộ ban hành chương trình tổng thể đến khi triển khai giảng dạy ở các nhà trường thì thời gian đủ để ngành giáo dục chuẩn bị nhân lực cho các môn học mới nhưng mọi thứ đều có phần chậm trễ.
Ảnh minh hoạ: Trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội |
Thiếu giáo viên dạy các môn học mới, vì sao?
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cấp học phổ thông có thêm nhiều môn học mới, hoặc một số môn được đưa vào giảng dạy ở các cấp học khác nhau. Chẳng hạn, cấp tiểu học có thêm môn Tin học (môn học bắt buộc từ lớp 3); Hoạt động trải nghiệm.
Cấp trung học cơ sở có thêm các môn học mới: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm- Hướng nghiệp. Cấp trung học phổ thông có thêm các môn Nghệ thuật (Âm nhạc; Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương.
Tuy nhiên, khi triển khai chương trình mới ở các cấp học, nhiều địa phương đồng loạt lên tiếng về việc thiếu giáo viên các môn học mới. Cấp tiểu học thiếu giáo viên Tin học; cấp trung học cơ sở thiếu giáo viên tích hợp; cấp trung học phổ thông thiếu giáo viên nghệ thuật.
Cũng chính vì thiếu nguồn tuyển nên một số trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tin học. Cấp trung học cơ sở thì kết thúc năm học 2022-2023 mới có khóa sinh viên tích hợp đầu tiên ra trường để dạy cho năm học tới đây.
Việc bồi dưỡng, tạo nguồn tại chỗ cho giáo viên 5 môn độc lập ở chương trình 2006, đó là: Vật lí; Hóa học; Sinh học; Lịch sử; Địa lí để dạy 2 môn tích hợp: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí cũng chậm trễ, được triển khai rất nhỏ giọt vì nhiều lý do khác nhau.
Đặc biệt, đầu tháng 9/2021 là bước vào thực học cho năm học 2021-2022 Bộ triển khai dạy chương trình mới ở lớp 6 nhưng ngày 21/7/2021 Bộ mới ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí.
Trong khi đó, thông thường khi Bộ ban hành văn bản, các địa phương còn phải xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất kinh phí với Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) mới có thể mở lớp bồi dưỡng cho giáo viên.
Vì thế, 2 năm học vừa qua, gần như phần nhiều các trường trung học cơ sở công lập không có giáo viên tích hợp, Ban giám hiệu nhà trường vẫn đang bố trí, phân công giáo viên phân môn nào, phân môn đó dạy như khi chưa triển khai chương trình 2018.
Cấp trung học phổ thông phải tuyển mới hoàn toàn giáo viên Âm nhạc; Mĩ thuật vì 2 môn học này ở chương trình 2006 đã kết thúc ở học kỳ I của lớp 9. Tuy nhiên, chương trình 2018, 2 môn học này nằm trong nhóm môn lựa chọn cho tổ hợp. Đồng thời, 2 phân môn này nằm trong phân môn bắt buộc của môn Nội dung giáo dục địa phương.
Thế nhưng, vì không có giáo viên nên năm học 2022-2023 vừa qua, đa số các trường trung học phổ thông trên cả nước không thể xếp tổ hợp với các môn Âm nhạc; Mĩ thuật và năm học mới tới đây cũng vậy. Đối với môn Nội dung giáo dục địa phương thì 2 phân môn Âm nhạc; Mĩ thuật cũng không được dạy vì không có giáo viên.
Thời gian không ít sao chuẩn bị nhân sự cho các môn học mới lúng túng?
Nếu lấy mốc thời gian từ khi Bộ ban hành chính thức chương trình tổng thể vào ngày 28/7/2017 đến khi triển khai giảng dạy lớp 6 vào năm học 2021-2022 là hơn 4 năm nhưng nhân lực dạy 2 môn tích hợp ở nhiều địa phương chưa có.
Nhiều địa phương phải sang năm học 2022-2023 mới có thể sắp xếp, bố trí cho một bộ phận nhỏ giáo viên Vật lí; Hóa học; Sinh học; Lịch sử; Địa lí đi bồi dưỡng kiến thức để về dạy cả môn học tích hợp và hết năm lớp 7 vẫn đang phải bố trí giáo viên dạy theo phân môn. Một môn học vẫn có 2-3 giáo viên cùng giảng dạy.
Nhưng, cho dù tất cả giáo viên tại chỗ của 5 môn học chương trình 2006Vật lí; Hóa học; Sinh học; Lịch sử; Địa lí được bồi dưỡng đầy đủ theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT cũng khó có thể cáng đáng được cả môn tích hợp, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên.
Bởi lẽ trước đây, khi học đại học 4 năm hoặc cao đẳng 3 năm, khi ra trường chỉ dạy 1 môn học mà nhiều khi được phân công dạy khối mới của môn học đó nhưng vẫn có giáo viên gặp phải khó khăn thì giờ đây học 20-36 tín chỉ để dạy thêm 1- 2 phân môn còn lại của môn Khoa học tự nhiên sẽ không hề đơn giản, nhất là những giáo viên đã ra trường hàng chục năm nay.
Chúng ta đều biết, để làm tròn vai trò người thầy trên lớp thì giáo viên phải có kiến thức chuyên sâu về môn học và làm chủ được mọi tình huống sư phạm, hoạt động giảng dạy của mình trước học trò.
Nếu dạy cho hết bài, truyền thụ lại qua loa những kiến thức đã có sẵn trong sách giáo cho học trò thì có lẽ không khó, cái khó là biết tạo cho học trò làm chủ kiến thức để vận dụng vào thực tiễn và phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò như mục tiêu của chương trình mới là cái khó.
Đối với cấp trung học phổ thông, từ khi Bộ ban hành chính thức chương trình tổng thể đến khi triển khai giảng dạy ở lớp 10 là hơn 5 năm nhưng nguồn nhân lực môn Âm nhạc, Mĩ thuật cũng rất hiếm nguồn để tuyển.
Điều này cho thấy, ngành giáo dục chủ trương “tích hợp” một số môn học nhưng chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực đối với các môn học mới nhằm đáp ứng công việc mà ngành đã triển khai.
Việc đào tạo giáo viên phổ thông đúng chuẩn trình độ theo Luật giáo dục 2019 hiện nay mất 4 năm còn bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT mất 3 tháng.
Kể từ khi Bộ chính thức ban hành chương trình tổng thể đến nay đã hơn 6 năm, nếu tính từ khi công bố dự thảo chương trình đã hơn 7 năm trời nhưng khi triển khai các trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên nên đã có nhiều ý kiến trái chiều cũng là điều dễ hiểu.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.