7 nguyên nhân và 6 giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay

27/10/2023 06:50
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. So với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên

Vấn đề thiếu giáo viên luôn là chủ đề nóng được các cấp các ngành và ngành giáo dục luôn quan tâm lo lắng. Rất khó để thực hiện thành công, thực hiện tốt chương trình khi thiếu nhiều giáo viên.

Theo thống kê năm học 2021-2022, tổng số giáo viên tại các địa phương là 1.212.684 người. Số giáo viên thừa là 2.161 người và số giáo viên thiếu là 101.745 người. [1]

Sau khi các cấp các ngành duyệt biên chế, chỉ đạo ngành giáo dục quyết liệt tuyển biên chế, tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. So với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên. [2]

Như vậy, bức tranh thiếu giáo viên chưa có dấu hiệu dừng lại nếu không có những giải pháp quyết liệt, căn cơ, lâu dài.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Một số nguyên nhân khiến việc thiếu giáo viên trầm trọng hơn

Các nguyên nhân chính khiến tình trạng thiếu giáo viên nhiều được nhắc đến nhiều gồm:

Thứ nhất, mức lương giáo viên còn thấp, chưa tương xứng tính chất mức độ công việc

Giai đoạn hiện nay dù mức lương cơ sở đã tăng lên 1,8 triệu đồng mỗi tháng nhưng tổng thu nhập của giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 4-5 triệu đồng mỗi tháng, được liệt vào thu nhập thấp.

Giáo viên không có chế độ chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, không có thưởng tết, thưởng quý, thưởng hiệu quả công việc,…

Bên cạnh đó, hàng tháng giáo viên bị trừ những khoản như quỹ tương trợ, mái ấm công đoàn, quỹ thiên tai, trợ cấp lũ lụt,…

Thứ hai, tuyển dụng èo uột

Năm học trước thiếu nhiều giáo viên, tuy nhiên việc tuyển dụng theo chỉ tiêu cấp trên giao khá khiêm tốn, khi tuyển dụng thì cộng với số lượng giáo viên bỏ việc, nghỉ hưu con số giáo viên thiếu nhiều hơn, việc tuyển dụng không đủ bù đắp lực lượng giáo viên thiếu.

Việc tuyển dụng, tuyển dụng đặc cách vẫn còn nhiều khâu, tầng nấc trung gian, nhiêu khê.

Thứ ba, thiếu giáo viên nhưng vẫn phải giảm 10% biên chế

Hiện nay, giáo viên ở các cấp thiếu khá nhiều, việc tuyển dụng khó khăn, nhiều giáo viên bỏ việc nhưng nghịch lý là vẫn phải giảm 10% biên chế nên càng gây khó khăn cho việc đăng ký tuyển dụng.

Quy định như thế khiến các trường khó khăn trong việc đăng ký chỉ tiêu, nhu cầu tuyển dụng. Chính vì thế, điều này khiến các trường khó tuyển dụng đủ, tình trạng thiếu giáo viên sẽ diễn ra trong thời gian dài nếu không có giải pháp khắc phục.

Thứ tư, giáo viên áp lực lớn hơn

Dẫu biết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì giáo viên sẽ vất vả hơn, tuy nhiên khi thu nhập chưa cải thiện cộng với áp lực quá lớn về việc vừa phải thực hiện chương trình mới, vừa phải đối mặt với áp lực hồ sơ sổ sách, họp hành, phong trào, hội thi,…gia tăng thì giáo viên vô cùng vất vả, nhiều người đã không trụ nổi với nghề.

Thứ năm, thực hiện dân chủ ở cơ sở có nơi chưa nghiêm

Thực trạng mất dân chủ ở một số cơ giáo dục là có. Một số vị hiệu trưởng các trường chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, vẫn còn tình trạng hiệu trưởng như các "vua con" trong trường.

Một số hiệu trưởng còn thiếu, yếu về kỹ năng chuyên môn, sư phạm, đạo đức nghề nghiệp,…khiến nhiều giáo viên nản lòng.

Bên cạnh đó, một số giáo viên lạm quyền, tư lợi, thiếu ứng xử,…đạo đức cũng làm mất đi hình ảnh cao quý của nghề giáo.

Thứ sáu, giáo viên mất dần “quyền”

Giáo viên dạy học theo “chỉ tiêu” nên không để cho điểm thật, đánh giá thật vì sẽ bị cắt thi đua, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nếu không đạt “chỉ tiêu”.

Quyền cho điểm, đánh giá thật học sinh một phần bị tước đoạt bởi các “chỉ tiêu” cao ngất ngưởng, năm sau cao hơn năm trước,…

Theo Điều lệ trường học thì giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường, chỉ cần lỡ lời hoặc lỡ tay thì có thể bị buộc thôi việc vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người học.

Chỉ có người trong cuộc mới biết giáo viên bị áp lực lớn như thế nào khi đến lớp, đôi khi bị học sinh cá biệt “gài” to tiếng giáo viên, giáo viên nếu không “im lặng” thì sẽ bị ghi âm, quay phim tung lên mạng xã hội bất kỳ lúc nào.

Thứ bảy, mọi vi phạm của học sinh đều quy về vi phạm của giáo viên

Học sinh học yếu, học sinh bỏ học, học sinh chửi tục, quậy phá,…đều quy một phần lỗi của giáo viên.

Học sinh không đóng các khoản tiền bảo hiểm y tế, thân thể, học phí, quỹ ban đại diện phụ huynh, quỹ thiện nguyện,…đều là do giáo viên chưa làm hết trách nhiệm.

Giải pháp nào để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Để khắc phục tình trạng thiếu hàng trăm ngàn giáo viên cả nước không phải là điều dễ giải quyết trong giai đoạn hiện nay nếu không có sự chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành.

Thứ nhất, tiếp tục quyết liệt sáp nhập huyện, xã

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương vô cùng đúng đắn.

Cùng với sự đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý thì việc sáp nhập các đơn vị là bước tiến phù hợp nhằm tinh gọn đơn vị, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả nước.

Quyết liệt sáp nhập huyện, xã sẽ giảm được các trường học, góp phần giảm tải cho các đơn vị, góp phần giải quyết phần nào bài toán thiếu giáo viên.

Thứ hai, tiếp tục sáp nhập các trường học, thành lập các trường liên cấp

Thời gian qua, việc sáp nhập các cơ sở giáo dục tuy có thực hiện nhưng chủ yếu sáp nhập cơ học, chưa thật sự tinh gọn các đơn vị, chưa góp phần giảm biên chế giáo viên.

Người viết cho rằng thời gian tới, nên quyết liệt hơn nữa trong việc sáp nhập, sáp nhập thực chất, hạn chế việc sau khi sáp nhập vẫn còn nhiều điểm trường, bên cạnh đó nên thành lập các trường liên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông để nâng cao năng lực quản lý, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ ba, cải thiện lương thu nhập cho nhà giáo

Thực tế lương nhà giáo còn thấp, lương chưa phù hợp, còn nhiều hạn chế, bất cập trong chia hạng, xếp hạng, chênh lệch lương giáo viên quá lớn,…gây ra nhiều băn khoăn, tâm tư trong đội ngũ nhà giáo.

Nhà giáo cả nước, mong sớm được trả lương theo vị trí việc làm, thu nhập cải thiện, trả lương công bằng hơn để an tâm công tác, cống hiến, hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc, nghỉ việc, nghỉ hưu sớm.

Thứ tư, giao quyền tuyển dụng toàn diện cho các cơ sở giáo dục

Chính vì việc tuyển dụng qua nhiều tầng nấc, thủ tục trung gian nên dẫn đến giáo viên nghỉ việc, bỏ việc nhưng nhà trường lại không chủ động tuyển bổ sung biên chế khuyết khiến việc thiếu giáo viên khó giải quyết dứt điểm.

Người viết cho rằng, ủy quyền hoặc trao quyền tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục sẽ phần nào giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Nếu đã trao quyền tự chủ tuyển dụng, nếu trường nhiều năm liền không tuyển được giáo viên thì nên sa thải hoặc điều chuyển hiệu trưởng, hiệu trưởng phải có nhiệm vụ làm cho môi trường giáo dục tốt để mọi người đều mong muốn làm việc trong môi trường đó.

Thứ năm, điều chỉnh thời gian làm việc của giáo viên

Giai đoạn hiện nay, việc điều chỉnh thời gian làm việc của giáo viên theo hướng điều chỉnh tăng lên là một tất yếu, giáo viên phải làm việc nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn và sẽ được trả công tương xứng hơn.

Khó có thể cải thiện thu nhập khi bộ máy quá cồng kềnh hoặc làm việc thiếu hiệu quả.

Hiện nay, giáo viên tiểu học 23 tiết/tuần (mỗi tiết 35 phút) theo người viết là phù hợp cần giữ nguyên.

Đối với giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần, trung học phổ thông là 17 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút) nên được điều chỉnh thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông 20 tiết/tuần (trung học cơ sở tăng 1 tiết/tuần, trung học phổ thông tăng 3 tiết/tuần).

Thực hiện điều này, sẽ tinh giản được một số lượng lớn giáo viên, giáo viên sẽ thực hiện công việc tốt hơn.

Thứ sáu, tiếp tục thành lập và mở rộng trường ngoài công lập

Đây được xem là giải pháp vừa góp phần giảm tải cho các trường công lập, vừa tăng tính cạnh tranh lành mạnh, góp phần tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Người viết cho rằng nếu thực hiện quyết liệt các điều trên thì sẽ tinh giản được biên chế, giải quyết phần nào bài toán thiếu giáo viên vừa góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, là tiền đề để cải thiện nâng cao thu nhập của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong khối đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 29/NQ-TW.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/ca-nuoc-dang-thieu-101745-giao-vien-post229226.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/ca-nuoc-con-thieu-118253-giao-vien-mam-non-pho-thong-post237673.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam