Giáo viên nhiều nơi vẫn ngóng từng ngày để chờ được xếp và hưởng lương mới

16/10/2023 06:39
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều nơi, giáo viên mầm non đến trung học phổ thông vẫn chưa được nhận lương mới.

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và chùm Thông tư này có hiệu lực vào ngày 20/3/2021.

Tiếp theo, ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04 /2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023).

Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay (tháng 10/2023) lương giáo viên ở nhiều nơi vẫn chưa có gì mới, giáo viên các cấp có trình độ đại học vẫn đang hưởng lương theo hệ số từ 2,34- 4,98 như hàng chục năm qua. Những ngày qua, thông tin về việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương được bàn thảo thì chúng tôi vẫn đang mong ngóng được xếp, bổ nhiệm và hưởng lương mới theo Chùm thông tư 01-04.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Gần 3 năm giáo viên vẫn đang chờ đợi bổ nhiệm, xếp lương mới

Người viết còn nhớ, thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, nhiều giáo viên phải tranh thủ đi học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu theo hạng mới với hy vọng lương của mình sẽ được đảm bảo và không phải chuyển xuống hạng thấp hơn.

Một số giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 cũng vội vàng đăng ký học đại học vào các ngày cuối tuần để nhằm đáp ứng chuẩn trình độ theo hướng dẫn.

Tiếp theo, nhà trường yêu cầu giáo viên photo các loại văn bằng, chứng chỉ để làm minh chứng cho việc xếp hạng mới của mình. Ban giám hiệu, đội ngũ cốt cán của nhà trường triển khai họp hành, kiểm tra minh chứng của giáo viên mất rất nhiều thời gian, công sức.

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đã hướng dẫn khi thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề.

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Điều này cho thấy, để chuẩn bị cho việc chuyển hạng, xếp lương mới thì giáo viên dưới cơ sở đã phải đầu tư và chuẩn bị mất rất nhiều công sức.

Bởi lẽ, trong khoảng thời gian 3 năm vừa qua, giáo viên dưới cơ sở đã học nhiều loại chứng chỉ, phải thực hiện việc chuẩn bị hồ sơ minh chứng nhưng cuối cùng, mấu chốt cơ bản là hạng mới, lương mới cho giáo viên theo hướng dẫn của chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đến nay ở một số địa phương vẫn chưa thấy đâu.

Có điều, nơi có lương mới, nơi chưa có đã dẫn đến giáo viên nơi đã có thì vui mừng nhưng đối với những giáo viên nơi chưa có thì thấp thỏm chờ đợi.

Bất cập lương mới, nơi có, nơi vẫn chưa biết đến bao giờ

Thầy Nguyễn Đăng P. hiện là giáo viên trung học cơ sở đang công tác tại một tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cho biết hiện nay trên các trang mạng xã hội, một số giáo viên cho biết họ đã nhận được lương mới theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT nhưng chỗ thầy vẫn chưa thấy gì.

Cô Nguyễn Thị H. đang dạy tại một trường trung học cơ sở tại vùng Đông Nam Bộ cho biết hiện vẫn chưa được nhận lương mới, vẫn đang chờ đợi thời gian tới xem có hay không.

Thầy Lê Minh T. - giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố Long Xuyên (An Giang) cho biết trường của thầy đã có quyết định chuyển hạng và nhận lương mới theo hướng dẫn của Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT từ mấy tháng nay, một số huyện thị trên địa bàn An Giang cũng đã nhận lương mới từ nhiều tháng trước.

Thông qua tìm hiểu từ người thân, bạn bè và những chia sẻ của các đồng nghiệp, hiện nay đã có những địa phương thực hiện việc chuyển hạng, xếp lương mới và giáo viên đã được hưởng lương mới.

Tuy nhiên, cũng nhiều nơi giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông công lập vẫn chưa được nhận lương mới mà hàng tháng họ vẫn đang nhận lương theo hệ số cũ như nhiều năm qua.

Trong khi đó, chiều 19/9 vừa qua, phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1/7/2024”. [1]

Điều này cho thấy, nếu như mọi thứ diễn ra suôn sẻ theo lộ trình thì đến 01/7/2024 các cơ quan chức năng sẽ triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới và nhiều cán bộ, công chức, viên chức vẫn đang chờ đợi sự thay đổi này.

Cũng chính vì thế, nhiều giáo viên cũng đang nóng lòng vì từ nay đến ngày 01/7/2024 không còn xa nữa, nếu giáo viên ở nhiều trường, nhiều địa phương chưa thực hiện lương mới theo hướng dẫn của chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT sẽ là một thiệt thòi đáng tiếc.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-co-the-thuc-hien-cai-cach-tien-luong-tu-1-7-2024-20230919194756386.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG