Là ngành học thuộc khối ngành Nghệ thuật, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây đòi hỏi người học có tư duy âm nhạc mang tính hệ thống và khoa học. Nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ phương Tây nếu có sự đầu tư đúng cách sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, đặc biệt là trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp.
![(Ảnh minh họa: nguồn website Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) unnamed (98).png](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_07/unnamed-98-3699-75.png)
Năng khiếu là yếu tố quyết định sự phù hợp với ngành học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Mai Anh - Trường phòng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Âm nhạc Huế cho biết, việc tuyển chọn sinh viên có tố chất về nghệ thuật, đặc biệt là với ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây là bước đầu tiên để nâng cao chất lượng đào tạo.
“Ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây là ngành nghệ thuật có tính đặc thù không giống với những ngành học khác, số lượng tuyển sinh hàng năm của trường cũng không quá lớn bởi lẽ yếu tố về năng khiếu là thước đo khả năng phát triển của sinh viên. Nguồn sinh viên học lên trình độ đại học đa phần được đào tạo bài bản từ trung cấp hoặc nếu các em học bên ngoài thì trình độ khi tham gia thi tuyển vào trường ít nhất đã phải đạt ở ngưỡng tương đương với trình độ trung cấp thì mới đáp ứng được yêu cầu.
Nhà trường xác định đào tạo trung cấp là tạo nguồn cho trình độ đại học nên vào năm 2024, cán bộ tuyển sinh cũng đã đến các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hay thông qua hoạt động biểu diễn tại thành phố Huế chiêu mộ những em có sở thích về ngành học để bắt đầu đào tạo”.
![Thạc sĩ Mai Anh - Trường phòng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế công tác tại Học viện Âm nhạc Huế. (Ảnh: NVCC) unnamed (99).png](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_07/unnamed-99-4531-5662.png)
Năng khiếu và thời gian trải nghiệm với nhạc cụ phương Tây cũng là yếu tố then chốt để Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn những thí sinh chất lượng. Thạc sĩ Lê Trí Toàn - Phó phụ trách khoa Biểu diễn nhạc cụ phương Tây của trường cho biết: “Nhà trường đang đào tạo trình độ đại học 4 năm, đa phần sinh viên đều là những em học lên từ hệ trung cấp sau 4,7 hoặc 9 năm tùy vào từng chuyên ngành. Điều đó cho thấy những sinh viên theo học ngành này đều có sự chuẩn bị từ rất sớm. Đặc biệt với những môn nghệ thuật bắt buộc người học phải có yếu tố trải nghiệm. Đây là cơ sở để nhà trường đánh giá, tuyển chọn người học có đủ tố chất, sở thích và xác định hướng đi cụ thể với nghề trong tương lai”.
![Thạc sĩ Lê Trí Toàn - Phó phụ trách khoa Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC) Thạc sĩ Lê Trí Toàn - Phó phụ trách khoa Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_07/ad-4nxeoiljvvyjq2ufgp4baeltz6vf5uxqc3vb0dtkkfzowoai4afrmguicu5yn5lmojoc-uhqkp8-wegvgiwgi2jv0c0qtttrgbckwhnzb9p7et5rwe2ejm5xuqa2j1m-iuup2qlzyig-3969.png)
Để theo đuổi ngành học này, các bạn sinh viên ngoài năng khiếu cũng cần trang bị những kỹ năng cơ bản về nhạc cụ, hiểu biết tường tận về từng đặc điểm cấu tạo, âm thanh cũng như tính chất của nhạc cụ đó.
“Để theo đuổi ngành học này, trước hết các bạn phải có tinh thần sáng tạo, say mê nghệ thuật. Tiếp đến là thời gian đầu tư học nhạc cụ. Ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh gồm nhiều chuyên ngành tương ứng với những nhạc cụ phương Tây khác nhau như: Piano, Violin, Viola, Cello, Trombone, Saxophone, Organ,... Việc am hiểu về nhạc cụ là điều rất quan trọng nên người học cần đầu tư vào việc luyện tập đủ nhiều để thành thạo. Điều này sẽ giúp các em có số điểm tốt khi thi tuyển.
Và một yếu tố rất cần với sinh viên để đáp ứng yêu cầu của ngành học là khả năng làm việc nhóm, bởi lẽ biểu diễn nhạc cụ phương Tây thường yêu cầu làm việc cùng dàn nhạc hoặc nhóm hòa tấu nên khả năng phối hợp và lắng nghe người khác là rất quan trọng”, thầy Lê Trí Toàn chia sẻ thêm.
Để theo học nghệ thuật cần đầu tư nghiêm túc từ sớm
Theo Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Âm nhạc Huế, để theo học ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây cần có sự chuẩn bị bài bản từ sớm.
“Không phải tự nhiên các em tìm đến và thi vào trường nghệ thuật, hay đột nhiên thay đổi nguyện vọng vào ngành học nghệ thuật mà đây là cả quá trình nghiêm túc học tập từ sớm, thậm chí rất sớm. Học nghệ thuật cũng cần đầu tư, trước hết người học cần sở hữu nhạc cụ mình học để luyện tập và làm quen với nhạc cụ mỗi ngày.
Với chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, các cơ sở giáo dục phổ thông cũng được khuyến khích đào tạo những bộ môn năng khiếu. Tôi nghĩ đây là một tiền đề tốt để các em học sinh tiếp cận và khai phá tiềm năng của mình”, thầy Mai Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó phụ trách khoa Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nếu không có sự đầu tư thực sự vào ngành học sẽ rất khó để sinh viên có thể gắn bó với con đường nghệ thuật: “Nghệ thuật là sự học hỏi và đầu tư không ngừng, nếu lười biếng và không chú tâm rèn luyện thường xuyên rất có thể định hướng của bạn sẽ không phù hợp với xu thế nghề nghiệp, rất khó phát triển.
Thực tế với những sinh viên tôi giảng dạy, có những em đã có trình độ cao ngay từ khi đang học trung cấp hay đại học, đó là những nhân tố sáng giá của chuyên ngành, hiếm có những bạn như vậy. Để đạt được điều này là cả một quá trình thực sự đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc và dành tâm huyết với nhạc cụ mà các em ấy theo đuổi”.
Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Mạch Thị Mỹ Thanh - cựu sinh viên chuyên ngành Piano, ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang là giảng viên khoa Piano cổ điển của trường đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khi chọn học ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây: “Khi thi tuyển vào ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, các bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức về nhạc cụ, điều này đòi hỏi thí sinh cần đầu từ học bài bản ít nhất 1 - 2 năm, có sự hướng dẫn từ giảng viên chuyên ngành. Với môn lý thuyết, tùy vào trình độ thi sẽ có sự tăng dần mức độ khó được hỏi đáp bởi các chuyên gia.
Điều quan trọng nhất là tâm sức các bạn bỏ ra để rèn luyện nhạc cụ là bao nhiêu, bản thân có thực sự yêu thích và có năng khiếu với ngành học hay không. Chương trình học ở Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh rất cụ thể chi tiết với các cấp độ rõ ràng, có những bạn thực tế đã theo học tới 13 năm tính cả trình độ trung cấp và đại học".
![Cô Mạch Thị Mỹ Thanh hiện đang là giảng viên khoa Piano cổ điển của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC) ad-4nxfrqkjhr42sm8sanaas19gnjv97ufetr9d0lfvlhl-khh9jmecfobrj0yeammpdzbjxxm7mzn95gf7fbh5277ixseojtwldcdbfwvsqaiq7sxrysfk4wa-1ore-sdbtomdy5djkg-1902.png](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_07/ad-4nxfrqkjhr42sm8sanaas19gnjv97ufetr9d0lfvlhl-khh9jmecfobrj0yeammpdzbjxxm7mzn95gf7fbh5277ixseojtwldcdbfwvsqaiq7sxrysfk4wa-1ore-sdbtomdy5djkg-1902.png)
Cơ hội việc làm đa dạng, năng lực càng cao thu nhập càng lớn
Một điểm ấn tượng là khi theo học ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây chính là rất dễ tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành, nhiều cơ hội phát triển năng lực. Theo Thạc sĩ Lê Trí Toàn: “Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành này ở trường luôn ở mức cao. Các em thường không quá khó khăn khi tìm kiếm việc làm vì hàng năm đều có những trung tâm biểu diễn hay đoàn biểu diễn liên hệ nhà trường nhờ giới thiệu các bạn có năng lực.
Các sinh viên học nghệ thuật cũng rất năng động, có khả năng tự kết nối với đơn vị tuyển dụng nên cơ hội việc làm rất lớn. Ngoài ra, có em chọn trở thành giảng viên, mở các trung tâm nghệ thuật riêng để tự vận hành. Tuy nhiên, để có thêm bước phát triển, tên tuổi, nếu có cơ hội giành học bổng hoặc tự túc du học nước ngoài thì đó đều là những cơ hội tốt để sinh viên nâng cao năng lực”, thầy Lê Trí Toàn thông tin thêm về ngành học.
Về phía Học viện Âm nhạc Huế, thầy Mai Anh cho biết nhà trường vẫn thường xuyên giữ kết nối với những đoàn biểu diễn nghệ thuật và sẵn sàng hỗ trợ sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm kiếm việc làm.
“Tại miền Trung có các đoàn biểu diễn nghệ thuật hoặc các đơn vị biểu diễn vẫn giữ liên hệ với nhà trường để kết nối, gặp gỡ sinh viên, từ đó tạo cơ hội để người học được trải nghiệm ở các môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Sinh viên học ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây được đánh giá là năng động, chính các em cũng tự kết nối để tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân", thầy Mai Anh thông tin.
![Sinh viên ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây được tạo cơ hội tiếp xúc với môi trường chuyên nghiệp. (Ảnh: website Học viện Âm nhạc Huế) ad-4nxex-i4yycwfmqlpirsrnescketgotravqkpdv2q43oquctj4dzcsn5ii3louirqyoligof9f51md1czqwvq54azmhw3fsv0lc-7uqebb8mu2axeat2j03k5wvhpnmgzxwopweo5ga-6043.png](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/ihubnataungyr/2025_02_07/ad-4nxex-i4yycwfmqlpirsrnescketgotravqkpdv2q43oquctj4dzcsn5ii3louirqyoligof9f51md1czqwvq54azmhw3fsv0lc-7uqebb8mu2axeat2j03k5wvhpnmgzxwopweo5ga-6043.png)
Trong khi đó, Thạc sĩ Mạch Thị Mỹ Thanh khẳng định, cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây khá phong phú. Các bạn có thể làm giảng viên đào tạo từng chuyên ngành ở cơ sở giáo dục đại học, cộng tác với những đoàn biểu diễn nghệ thuật hoặc tự mở trung tâm nghệ thuật... Mức thu nhập của sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp thực tế không có một con số cụ thể, năng lực càng tốt sẽ đi đôi với thu nhập càng cao.