Tại Cuộc thi Piano Quốc tế Fujairah lần thứ 6 tổ chức ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vừa qua, đoàn Việt Nam giành 3 giải: gồm giải Khuyến khích bảng A (dành cho thí sinh từ 8 đến 10 tuổi), giải Ba bảng B (dành cho thí sinh từ 11 đến 13 tuổi) và đặc biệt là giải Nhất bảng C (dành cho thí sinh từ 14 đến 17 tuổi) thuộc về em Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 2008) - Học sinh trung cấp 8/9, hệ đào tạo tài năng, khoa Piano, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đào tạo và phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là cần thiết. Họ hứa hẹn sẽ trở thành "lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước" [1] đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa nghệ thuật thế giới.
Sớm ươm mầm tài năng âm nhạc
Chia sẻ về mức độ cần thiết của việc đào tạo tài năng nghệ thuật trẻ, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết:
“Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đào tạo tài năng âm nhạc trên thế giới, đặc biệt là sự dịch chuyển thế mạnh trong đào tạo và biểu diễn âm nhạc từ châu Âu sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, chúng ta cần những chính sách dài hạn, đúng, nhanh và kịp thời từ Chính phủ để hỗ trợ đào tạo tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật và âm nhạc; có cơ chế phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ ngay từ nhỏ, mới có thể gặt hái thành công trên các đấu trường quốc tế.
Hiện nay, Chính phủ đã có chính sách, đề án bồi dưỡng hỗ trợ tài năng, học sinh, sinh viên trong lĩnh vực nghệ thuật như Quyết định số 1341/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Quyết định số 1437/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030" và đã có những thành công bước đầu.
Tuy nhiên, vẫn cần đánh giá cụ thể và điều chỉnh để chính sách triển khai thực tế có hiệu quả nhanh hơn về thời gian.
Ngoài ra, nên có thêm những giải pháp linh hoạt hơn, như mời chuyên gia nước ngoài về huấn luyện trong giai đoạn có tính lâu dài, tổ chức nhiều cuộc thi âm nhạc nội địa và quốc tế nhằm khuyến khích sự phát triển của đào tạo âm nhạc trong nước, tạo ra sân chơi để các tài năng được cọ xát và phát triển".
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là đơn vị có hệ đào tạo tài năng trình độ trung cấp và đại học để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương thông tin, sau khi có quyết định của Chính phủ theo Đề án 1314 từ năm 2016, đến 2020 Học viện mới có thể bắt đầu triển khai.
Do sự chậm trễ trong việc soạn thảo các quy định, xây dựng chương trình đào tạo cho các ngành từ trung cấp đến đại học, đến nay, sắp hết giai đoạn 1, một số ngành vẫn chưa có chương trình đào tạo hệ tài năng. Ngoài ra, trong quy trình thực hiện có nhiều quy định, đơn vị và cơ quan các cấp tham gia nên để phê duyệt 1 chương trình đào có thể mất đến nhiều năm.
Theo thầy Phương, để đào tạo hệ tài năng cần mở rộng chương trình ở trình độ trung cấp. Vì thời gian đào tạo các ngành âm nhạc ở trình độ trung cấp thường kéo dài từ 6 đến 9 năm (tùy theo ngành đào tạo).
Với những tiêu chuẩn cao của hệ đào tạo tài năng, có rất ít số lượng học sinh và sinh viên đáp ứng các điều kiện. Ví dụ, đối với ngành Piano của Học viện, sau hơn 5 năm triển khai chỉ có 16 học sinh, sinh viên đủ tiêu chuẩn theo học.
![Học sinh hệ đào tạo tài năng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. HVAM.png](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/zfryxqvsxr/2025_02_06/grey-beige-pink-scrapbook-mood-vision-board-photo-collage-1-7562-1164.png)
Cùng bàn luận về vấn đề trên, Tiến sĩ Đào Trọng Tuyên - Trưởng khoa Piano, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ, ngành Piano tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh với sự quan tâm của các bậc phụ huynh; không ít nghệ sĩ, giáo viên trẻ được đi tu nghiệp và đạt thành tích cao tại quốc tế đã về nước biểu diễn và giảng dạy. Tuy vậy, việc học piano chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hệ đào tạo tài năng ngành Piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được Nhà nước đầu tư nhằm phát hiện và bồi dưỡng các học sinh có nhiều tiềm năng trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, biểu diễn đỉnh cao để quay lại phục vụ xã hội.
Vì vậy, tiêu chí để được tuyển chọn vào hệ tài năng rất khắt khe. Học sinh phải học chương trình biểu diễn với khối lượng tác phẩm khó nhiều hơn so với các hệ đào tạo khác, nhiều tác phẩm đã ngang với chương trình tốt nghiệp đại học. Do đó, số lượng học sinh đang theo học không nhiều.
Đặc biệt, phía khoa Piano chú trọng việc hợp tác quốc tế, khoa thường tổ chức các khóa "master class" do các nghệ sĩ , giáo sư quốc tế tới giảng dạy để học sinh, sinh viên được tiếp cận nhiều phong cách biểu diễn khác nhau và khuyến khích người học tham gia nhiều cuộc thi piano trong nước và quốc tế nhằm rèn luyện bản lĩnh và có cơ hội để tỏa sáng.
Tiến sĩ Đào Trọng Tuyên nhấn mạnh: "Có thể nói, piano là một trong những nhạc cụ đơn giản khi bắt đầu, dành cho tất cả mọi người, nhưng để đạt tới sự điêu luyện, đây lại là nhạc cụ khó nhất và có sự cạnh tranh khốc liệt giữa những người theo học.
Do đó, nếu muốn theo đuổi ngành học này, học sinh, sinh viên ngoài tài năng bẩm sinh, phải có sự bền bỉ, kiên trì, nghị lực và cá tính mạnh mẽ; đặc biệt là không sa sút khi thất bại và không ngủ quên trên chiến thắng. Người nghệ sĩ nghiêm túc luôn phải hướng tới sự hoàn thiện và vượt lên chính mình".
Tài năng âm nhạc Việt Nam vươn xa nhờ được đầu tư đúng hướng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương, khi được đầu tư đúng hướng, học sinh, sinh viên Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với thế giới trong các cuộc thi âm nhạc. Minh chứng là giải Nhất bảng C của em Nguyễn Đức Kiên tại Cuộc thi Piano Quốc tế Fujairah.
Là người trực tiếp giảng dạy em Nguyễn Đức Kiên, thầy Phương nói: "Trong quá trình 8 năm học tập theo hệ tài năng trung cấp ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Kiên chứng tỏ tài năng trong nghệ thuật biểu diễn piano bằng nhiều giải thưởng qua các cuộc thi lớn nhỏ trong nước và quốc tế.
Thành công của Kiên tại cuộc thi ở Fujairah lần này vượt ngoài mong đợi của cả thầy và trò. Bởi đây là cuộc thi mang tính chuyên nghiệp cao, bao gồm 2 vòng thi trực tiếp và vòng loại được tổ chức tại 10 quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. Bảng C mà Kiên tham gia có nhiều thí sinh mạnh đến từ các quốc gia có truyền thống về piano cổ điển như Nga, Pháp, Ý, Anh, Mỹ, Nhật....
Ngoài ra, ban giám khảo cũng là các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà giáo hàng đầu thế giới trong lĩnh vực biểu diễn piano đến từ Nga, Anh, Ý, Pháp. Họ đặc biệt khắt khe và kỹ càng trong việc chọn lựa các thí sinh đi tiếp sau mỗi vòng thi.
Vì vậy, thành công của Kiên không chỉ là một giải thưởng mà còn là động lực lớn cho thế hệ nghệ sĩ piano trẻ tại Việt Nam. Kiên đã chứng minh rằng với sự quyết tâm, kỷ luật và tình yêu dành cho âm nhạc, bất kỳ ai cũng có thể vươn xa trên đấu trường quốc tế".
Chia sẻ về hành trình tại "đấu trường" quốc tế, em Nguyễn Đức Kiên bày tỏ: “Đây không chỉ là cơ hội để em được thể hiện tài năng mà còn là dịp để em giao lưu với nhiều thí sinh trên thế giới.
Sau khi công bố kết quả, em được gặp ban giám khảo quốc tế. Họ là những giáo sư danh giá đang dạy piano ở các nhạc viện lớn trên thế giới. Những góp ý cho phần trình diễn của em, cũng như lời động viên của ban giám khảo giúp em mở rộng tầm nhìn về âm nhạc, học hỏi thêm nhiều kỹ thuật và phong cách biểu diễn khác nhau.
Ngoài ra khi tham gia cuộc thi có nhiều vòng, bản thân em cũng rèn được sự tập trung cao độ, bản lĩnh và khả năng quản lý cảm xúc dưới áp lực”.
Được biết, Đức Kiên nhận thông tin về Cuộc thi Piano Quốc tế Fujairah chỉ khoảng 2 tháng trước khi diễn ra. Trong thời gian chuẩn bị, ngoài buổi học với người hướng dẫn là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương, em còn được học các giáo sư đến từ Mỹ, Nga, Anh, Ý... Tuy số buổi không nhiều nhưng đây là trải nghiệm quý báu mà khoa Piano, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam mang đến cho Đức Kiên. Mỗi ngày em dành 4 đến 5 tiếng để học đàn, ngày nghỉ có thể học đến 6 tiếng.
![Em nguyễn đức kiên.png](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/zfryxqvsxr/2025_02_06/grey-beige-pink-scrapbook-mood-vision-board-photo-collage-2-2273-4484.png)
Nói về chặng đường theo đuổi piano của con, chị Nguyễn Hà Tâm Anh - phụ huynh của em Nguyễn Đức Kiên chia sẻ: “Gia đình tôi cho Kiên học đàn từ năm con 6 tuổi. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ cho rằng việc học đàn sẽ giúp con hình thành sự kiên nhẫn, tập trung và nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện. Âm nhạc giống như một niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống của Kiên.
Gia đình tôi không có ai theo nghệ thuật, bởi vậy, trong suốt quãng thời gian học tập của con, chúng tôi cũng phải tự mình mày mò để đồng hành với con. Kiên đi từ con số 0 đến hiện tại bằng tất cả sự khiêm tốn và cầu tiến. Con chia sẻ với tôi rằng, càng học càng thấy bản thân nhỏ bé trong thế giới nghệ thuật lớn lao, do đó phải không ngừng nỗ lực.
Sau chiến thắng tại các cuộc thi, Kiên luôn tự nhủ phải tiếp tục cố gắng bởi con nhìn thấy bản thân còn nhiều điều phải cải thiện, nhất là hiểu biết sâu hơn về âm nhạc".
Song song với việc học đàn, Đức Kiên vẫn hoàn thành việc học văn hóa. Một lúc thực hiện hai nhiệm vụ là điều không dễ dàng nhưng em luôn cố gắng cân bằng, để vẫn có thời gian vui chơi như bạn bè đồng trang lứa.
Chị Tâm Anh bày tỏ, dù vất vả nhưng Kiên có được niềm hạnh phúc khi hòa mình vào âm nhạc. Ngoài ra, khi theo học hệ đào tạo tài năng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đức Kiên cùng các bạn được tạo điều kiện tốt nhất cho việc học, từ chương trình đào tạo, giảng viên đến cơ sở vật chất. Đặc biệt, việc học piano ở các quốc gia khác thường tốn không ít chi phí nhưng ở Việt Nam, học sinh, sinh viên được hưởng ưu đãi rất lớn về học phí.
Tài liệu tham khảo:
[1]: Quyết định số 1341/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=185531