Xây dựng 'Trường học hạnh phúc' cần linh hoạt để tránh ganh đua, thành tích

10/01/2024 06:34
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" nên thay đổi cách dùng cụm từ "tiêu chuẩn" thành "nhóm tiêu chí" để không mang tính chất đánh giá, so sánh.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu hành vi chưa đẹp, nhất là để ngăn chặn bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang lấy ý kiến xây dựng Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc".

Theo dự thảo, Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm 3 tiêu chuẩn (tổng 15 tiêu chí): Về con người (5 tiêu chí); về dạy học và hoạt động giáo dục (6 tiêu chí); về môi trường (4 tiêu chí).

Căn cứ Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" có thể giúp các nhà trường đối chiếu, tự đánh giá và có giải pháp phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc.

Hiện, dự thảo đang nhận được nhiều quan tâm, chia sẻ góp ý từ lãnh đạo các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nên thay cụm từ "tiêu chuẩn" thành "nhóm tiêu chí"

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự thảo có 3 tiêu chuẩn, trong mỗi tiêu chuẩn lại có các tiêu chí riêng. Đây là thành quả nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn địa phương. Bộ tiêu chí đã bao quát khá đầy đủ và toàn diện các thành tố của một trường học hạnh phúc".

Nhà giáo Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Nhà giáo Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Trường học hạnh phúc là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh; là nơi thầy cô, học sinh vui sống, sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau; là mái nhà chung để mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một ngày vui.

Nếu dự thảo được thông qua, cô Lập cho rằng đây thực sự là điều ý nghĩa đối với Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu. Bởi, trước đó, nhà trường là một trong những cơ sở giáo dục phổ thông đầu tiên xây dựng trường học hạnh phúc ở Hà Nội.

"Thời gian đầu, khi Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu xây dựng trường học hạnh phúc gặp rất nhiều khó khăn vì phải tự tìm tòi và định hướng nên không tránh khỏi quan điểm "tự làm, tự đánh giá".

Nghiên cứu dự thảo bộ tiêu chí của Sở, tôi nhận thấy tất cả những tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra đều được nhà trường rất chú trọng và đang thực hiện trong thực tiễn. Do đó, dự thảo tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc của Sở nếu được ban hành sẽ giúp nhà trường có cơ sở để đối chiếu hoạt động, đi đúng hướng hơn khi xây dựng trường học hạnh phúc"

_Cô Lưu Thị Lập_

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu, những tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc thiên về giá trị cảm xúc và hướng đến lan tỏa chứ không đánh giá thứ bậc, điểm số. Với bộ tiêu chí, nếu các trường thực hiện nghiêm túc để hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc thực sự thì sẽ không trở thành ganh đua, bệnh thành tích. Tuy nhiên, nhằm phòng tránh bệnh thành tích hóa, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu đề xuất thay đổi cách dùng cụm từ "tiêu chuẩn" thành "nhóm tiêu chí" để không mang tính chất đánh giá, so sánh.

Nhiều năm nay, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy lấy sự tiến bộ và chỉ số hạnh phúc của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục của trường.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian qua, nhà trường cũng đã góp ý xây dựng Dự thảo Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Với 3 tiêu chuẩn (15 tiêu chí), không nên xem nhẹ tiêu chuẩn, tiêu chí nào. Bởi, trường học hạnh phúc là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau. Nếu chỉ tập trung vào 1 tiêu chuẩn, tiêu chí thì sẽ không đạt được mục tiêu cuối cùng là xây dựng trường học hạnh phúc.

"15 tiêu chí trong dự thảo được xem là khung để nhà trường có sơ sở đối chiếu, tự đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện và đưa ra giải pháp phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc.

Nếu dự thảo được thông qua, nhà trường sẽ căn cứ để phát triển những tiêu chí đã đạt được. Còn những tiêu chí chưa đạt được, nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu", thầy Nam cho hay.

Tiết học Âm nhạc của học sinh. Ảnh: website nhà trường

Tiết học Âm nhạc của học sinh. Ảnh: website nhà trường

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm quan niệm, trường học hạnh phúc không phải đích đến mà là hành trình. Trên hành trình đó, nhà trường luôn phải điều chỉnh, hoàn thiện để phát triển. Trường học hạnh phúc cũng không phải là mô hình khuôn mẫu. Do đó, Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” cũng nên được vận dụng một cách linh hoạt vào từng cơ sở giáo dục.

"Xây dựng trường học hạnh phúc phải hướng tới mục tiêu giáo dục phát triển con người, học sinh được phát hiện và phát huy năng lực tiềm ẩn, từ đó giúp các em tự trả lời câu hỏi “Tôi là ai?"

_Thầy Đàm Tiến Nam_

Nên giảm bớt các tiêu chí

Cùng bàn về dự thảo, thầy Nguyễn Ngọc Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy bày tỏ, nếu dự thảo Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được thông qua, việc triển khai bộ tiêu chí trong nhà trường khá thuận lợi. Tuy nhiên, đã là tiêu chuẩn, tiêu chí, nếu không được vận dụng một cách linh hoạt sẽ dễ nảy sinh ganh đua, rất lôi thôi.

Xây dựng trường học hạnh phúc không nên đưa ra những tiêu chí quá chi tiết, cụ thể mà chỉ dừng lại ở những nội dung khái quát. Bởi, nếu đi vào chi tiết tiêu chuẩn, tiêu chí, có thể sẽ đúng với cá nhân, cơ sở giáo dục này, nhưng lại chưa hợp lý với cá nhân, cơ sở giáo dục khác.

Trường hợp dự thảo thông qua, sau khi có chỉ đạo của chủ tịch hội đồng trường, nhà trường mới tiến hành triển khai. Trong quá trình thực hiện, nhà trường cũng sẽ vận dụng sáng tạo".

Góp ý cho dự thảo, theo thầy Phương, dự thảo có thể giảm bớt số lượng tiêu chí vì một khi xây dựng tiêu chí ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng của mỗi người. Tuy nhiên, để giảm số lượng tiêu chí trong dự thảo cũng cần phải họp bàn, thảo luận nhiều hơn.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm chơi kéo co. Ảnh: website nhà trường

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm chơi kéo co. Ảnh: website nhà trường

Thực tế, từ trước đến nay, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm khi xây dựng trường học hạnh phúc không đặt nặng các quy định tiêu chuẩn. Nhà trường thống nhất quan điểm: 1 tiết học phải đảm bảo học trò được hoạt động, tạo không khí hứng khởi, giáo viên sử dụng nhuần nhuyễn phương tiện dạy học và gắn lý thuyết với thực tế.

Khi đánh giá, nhận xét giáo viên, nhà trường thường xem xét giáo viên đó có truyền cảm hứng cho học trò, hướng dẫn các em tham gia hoạt động vận dụng kiến thức vào thực tiễn hay không.

Thêm nữa, nhà trường chú trọng lắng nghe, khảo sát nhận xét của học trò về thầy cô, tiết học,... vào thời điểm cuối mỗi học kỳ. Bên cạnh đó, trường cũng có phòng tâm lý học đường thực hiện hướng dẫn học trò ghi phiếu, điền nhận xét trên đường link, hoặc sẵn sàng tiếp nhận phản ánh về sự không hài lòng của các em hàng ngày.

Dự thảo Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng như sau:

I. TIÊU CHUẨN VỀ CON NGƯỜI

Tiêu chí 1

Học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên được tôn trọng, lắng nghe thấu hiểu, xây dựng được các mối quan hệ tích cực trong nhà trường dựa trên nền tảng tin tưởng, tôn trọng, bao dung, công bằng

Tiêu chí 2

Cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động làm gương cho học sinh trong các mối quan hệ, lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng, chia sẻ, hỗ trợ với đồng nghiệp và học sinh; thực hiện tốt 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố, phát huy nét đẹp thanh lịch văn minh của người Hà Nội

Tiêu chí 3

Các thành viên trong nhà trường được yêu thương, tôn trọng và bảo đảm an toàn, thân thiện

Tiêu chí 4

Xây dựng những giá trị, thái độ tích cực như: chính trực, tận tâm, lòng biết ơn, hợp tác, thấu cảm, sáng tạo, tự tin và khuyến khích hành vi tích cực, quản lý được những cảm xúc tiêu cực trong đối thoại tương tác và làm việc với đồng nghiệp, học sinh

Tiêu chí 5

Sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần của giáo viên, nhân viên, học sinh thông qua việc đảm bảo điều kiện làm việc, tôn vinh, ghi nhận vai trò của giáo viên, nhân viên, học sinh

II. TIÊU CHUẨN VỀ DẠY HỌC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

Tiêu chí 6

Tạo các điều kiện tốt nhất để học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định được năng lực, giá trị của bản thân, học sinh được công nhận, khuyến khích, động viên từ giáo viên, cha mẹ và nhà trường; phối hợp chặt chẽ: Gia đình – Nhà trường – Xã hội.

Tiêu chí 7

Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh; Cán bộ giáo viên, nhân viên thường xuyên sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực

Tiêu chí 8

Nội dung học tập bổ ích, lôi cuốn, mang tính ứng dụng cao, gắn với thực tiễn, học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên được tự do phản hồi, sáng tạo, được thể hiện quan điểm, ý tưởng có thói quen làm việc nhóm và hợp tác.

Tiêu chí 9

Năng lực và kỹ năng của giáo viên được thể hiện; phát huy được các phương pháp dạy học mới, sáng tạo phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Tiêu chí 10

Các hoạt động trải nghiệm, câu lạc bộ ngoại khóa các phong trào, các sân chơi và các sự kiện ở trong và ngoài nhà trường được tổ chức hiệu quả.

Tiêu chí 11

Triển khai các hoạt động đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho học sinh. Quan tâm đến sức khỏe tâm thần, quản lý căng thẳng thông qua công tác xã hội trong trường

III. TIÊU CHUẨN VỀ MÔI TRƯỜNG

Tiêu chí 12

Môi trường làm việc học tập thân thiện, an toàn, không có bạo lực học đường, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường

Tiêu chí 13

Xây dựng tiết học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc lấy sự tiến bộ của học sinh làm thước đo của hạnh phúc

Tiêu chí 14

Trường học đạt tiêu chuẩn về trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Tiêu chí 15

Tầm nhìn và công tác lãnh đạo của nhà trường hướng đến xây dựng Trường học hạnh phúc

Ngọc Mai