Liệu trường học hạnh phúc có thay thế trường học thân thiện?

30/10/2023 06:31
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành tổng kết phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực.

Việc xây dựng trường học hạnh phúc hiện đang được một số tỉnh, thành phố quan tâm thực hiện, điển hình là mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Bộ tiêu chí và kế hoạch thực hiện trường học hạnh phúc trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Nhớ lại cách đây 15 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”.

Phong trào này hiện vẫn đang được triển khai và vì vậy vấn đề đặt ra là liệu trường học thân thiện rồi đây sẽ được thay thế bởi trường học hạnh phúc.

Bài viết này muốn tìm câu trả lời cho vấn đề nêu trên.

Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô và học trò được yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ảnh: Lã Tiến

Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô và học trò được yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ảnh: Lã Tiến

Trường học thân thiện

Mô hình trường học thân thiện được khởi xướng từ năm 1995 bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Theo đó, trường học thân thiện được hiểu là “trường học dựa trên tiền đề cơ bản là nhà trường được tổ chức và hoạt động vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Môi trường giáo dục phải an toàn, lành mạnh và được bảo vệ, có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, được trang bị đầy đủ nguồn lực và cung cấp các điều kiện phù hợp cho việc học tập” [1].

Đó là mô hình đa chiều dựa trên một tiếp cận toàn hệ thống nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc trong Công ước Quyền Trẻ em vào trong giáo dục, đủ mềm dẻo và linh hoạt để mỗi quốc gia có thể vận dụng phù hợp với bối cảnh và điều kiện riêng biệt của mình với mục đích tột cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.

Cho đến nay, mô hình này được triển khai rộng rãi ở khoảng 100 nước trên khắp thế giới với những bộ tiêu chí khác nhau, tùy theo bối cảnh kinh tế-xã hội của mỗi nước.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã ban hành bộ chuẩn quốc gia trường học thân thiện gồm 4 tiêu chuẩn (bao trùm và công bằng; dạy và học hiệu quả; môi trường an toàn, lành mạnh, năng động; tham dự tích cực của các bên có liên quan) với 15 tiêu chí.

Các bộ tiêu chí khác nhau nhưng cái đích là một. Đó là đảm bảo để mọi trẻ em đều được tiếp cận giáo dục có chất lượng và được nuôi dưỡng trong một môi trường thân thiện với trẻ em, nơi các em có thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Cách tiếp cận của Việt Nam vẫn giới hạn trong một phong trào thi đua mang tính tự giác, với nội dung cụ thể do từng nhà trường tự thiết kế xoay quanh 5 nội dung cơ bản là :1) Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; 2) Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; 3) Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; 4) Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; 5) Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.

Tuy là hoạt động mang tính tự giác nhưng việc xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực được coi là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi đơn vị trường học.

Vì thế, đến nay các trường vẫn nộp báo cáo đánh giá hằng năm lên cơ quan quản lý giáo dục địa phương theo bộ tiêu chí đánh giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các báo cáo cho thấy nhìn chung các trường đều được đánh giá xếp loại từ tốt đến xuất sắc; nhà trường đã và đang thực sự trở thành nơi mà mỗi ngày đến trường là một ngày vui; nhiều sáng kiến tiêu biểu của các thầy, cô giáo đã được biểu dương và tuyên truyền để nhân rộng; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; chính quyền địa phương, phụ huynh và các ban, ngành, tổ chức xã hội quan tâm, chăm lo hơn đến sự nghiệp giáo dục.

Phong trào đã được các địa phương đánh giá là đem lại những hiệu quả rõ rệt, có tác động tích cực đến việc xây dựng môi trường sư phạm, giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường học hạnh phúc

Mô hình trường học hạnh phúc được đề xuất vào năm 2014 bởi UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mô hình được phát triển trong bối cảnh những năm gần đây hạnh phúc đã được coi là một mục tiêu cơ bản của con người và trở thành một phần trong nghị trình chính sách toàn cầu.

Vì thế, mô hình này dựa trên quan điểm “chất lượng giáo dục và hạnh phúc ở trường học là không thể tách rời, còn hạnh phúc và hạnh tồn (well-being) không nên chỉ được coi là mục tiêu của các hệ thống giáo dục mà còn là phương tiện để đạt các chuẩn đầu ra tốt hơn cùng thành công trong cuộc sống và công việc sau này” [2].

Để triển khai mô hình này, trên cơ sở điều tra xã hội học và tham vấn ý kiến rộng rãi các nhà quản lý, nhà giáo, học sinh tại 654 trường học thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, UNESCO đã đưa ra khung trường học hạnh phúc gồm 22 tiêu chí thuộc 3 lĩnh vực: 1) Con người (liên quan đến các quan hệ xã hội); 2) Quá trình (liên quan đến các phương pháp dạy và học); 3) Môi trường (liên quan đến các yếu tố bối cảnh).

Hiện mô hình trường học hạnh phúc được triển khai chủ yếu tại một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Để mở rộng mô hình sang phạm vi toàn cầu, UNESCO đã phát triển khung trường học hạnh phúc toàn cầu với việc bổ sung vào 3 lĩnh vực nêu trên một lĩnh vực mới mang tính bao trùm.

Đó là lĩnh vực các nguyên tắc, bao gồm: văn hóa toàn trường về học tập, sáng tạo và đổi mới; niềm tin, sự bao dung và hợp tác giữa các thành viên cộng đồng; tôn trọng sự đa dạng và khác biệt; cam kết chuẩn mực, gắn kết và vui vẻ trong mọi không gian học tập.

Việc bổ sung các nguyên tắc này nhằm nhấn mạnh rằng mô hình trường học hạnh phúc nằm trong khuôn khổ của một tiếp cận chung, mang tính toàn cầu, là xây dựng văn hóa học đường.

Ở Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức vào tháng 04/2019 lễ phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”.

Từ đó đến nay, tại nhiều tỉnh thành, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào thi đua xây dựng trường học hạnh phúc, ban hành kế hoạch triển khai cùng bộ tiêu chí tạm thời về trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Các bộ tiêu chí này cũng đều xoay quanh 3 lĩnh vực được đề cập đến trong khung trường học hạnh phúc của UNESCO, về cơ bản tập trung vào việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học với những giá trị cốt lõi được xác định tùy theo từng nhà trường; tạo chuyển biến căn bản về cách dạy, cách học, cách làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, lấy học sinh hạnh phúc làm trung tâm, với mục đích tột cùng là đem lại những giá trị tích cực cho cả thầy và trò, nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiện phong trào đang ở giai đoạn đầu của việc triển khai nên chưa có đánh giá cụ thể về mức độ tác động.

Nhận diện trường học thân thiện và trường học hạnh phúc

Trả lời câu hỏi này, UNESCO cho rằng mô hình trường học thân thiện và mô hình trường học hạnh phúc có chung một số yếu tố, đặc biệt đó là việc cùng chú trọng đến sự hạnh tồn của người học và nâng cao chất lượng giáo dục hiểu theo nghĩa toàn diện chứ không chỉ giới hạn ở những kết quả nặng tính hàn lâm. Đồng thời, chúng cũng khác nhau ở một số khía cạnh.

Trong khi mô hình trường học thân thiện áp dụng cách tiếp cận dựa trên các quyền theo Công ước về Quyền Trẻ em, với phạm vi rộng hơn bao gồm cơ sở hạ tầng vật chất, sức khỏe, an toàn, an ninh, dinh dưỡng và sự hạnh tồn về tâm lý, thì mô hình trường học hạnh phúc tập trung vào hạnh phúc trong học tập để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, nó nhấn mạnh các khía cạnh tâm lý xã hội và cảm xúc của việc học tập nhằm thúc đẩy hạnh phúc trong bối cảnh trường học, tập trung vào sự đóng góp của trải nghiệm học tập đối với sức khỏe, sự hạnh tồn và phát triển của người học [2].

Nhận định trên là đúng xét về mặt hiện tượng của hai mô hình. Còn nếu xét về mặt bản chất thì có thể nói hai mô hình nói trên chỉ là hai trong nhiều mô hình khác nhau của cùng một tiếp cận. Đó là tiếp cận nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc xây dựng văn hóa học đường.

Cụ thể là, trong khoảng hơn 20 năm nay có một xu thế chung trên thế giới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục là chuyển từ cách tiếp cận từng phần, sang cách tiếp cận tổng thể, với những tên gọi khác nhau như: Xây dựng trường học thân thiện của UNICEF, Xây dựng văn hóa nhà trường của Mỹ, Xây dựng môi trường giáo dục của OECD, Học để làm người của APNIEVE (Asia-Pacific Network for International Education and Values Education), Giáo dục giá trị sống của ALIVE (Association for Living Values Education International), Xây dựng trường học hạnh phúc của UNESCO.

Thực chất của các mô hình này là chung một tiếp cận văn hóa học đường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, mà mục tiêu tột cùng là xây dựng và hoàn thiện nhân cách người học.

Ở đây cần hiểu văn hóa học đường không phải chỉ là các hoạt động bề nổi như các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, các hoạt động truyền thống, các nghi thức giao tiếp, các quan hệ ứng xử, mà trên hết là hệ thống các chuẩn mực, giá trị, niềm tin được bền bỉ xây dựng, phát triển và hoàn thiện theo thời gian, tạo nên đời sống nhà trường.

Hiểu như vậy thì mô hình trường học thân thiện và mô hình trường học hạnh phúc đều là các mô hình cụ thể của văn hóa học đường với cùng mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục, cùng hướng tới việc khắc phục các khuyết tật của mô hình nhà trường truyền thống thông qua việc chuyển trọng tâm từ học để biết, học để hành sang học để làm người, học để chung sống, trong một môi trường văn hóa với những lựa chọn ít nhiều khác nhau về chuẩn mực, giá trị và niềm tin.

Liệu mô hình trường học hạnh phúc có thay thế mô hình trường học thân thiện?

Cần chú ý rằng cả việc xây dựng trường học thân thiện lẫn trường học hạnh phúc đều là các hoạt động trong phong trào thi đua.

Điều khác là việc xây dựng trường học thân thiện thuộc phong trào thi đua toàn quốc được dẫn dắt bởi một văn bản chỉ đạo là Chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn việc xây dựng trường học hạnh phúc đến nay vẫn chủ yếu là phong trào thi đua được phát động từ sáng kiến và tính chủ động của các sở giáo dục và đào tạo.

Có điều trong mối quan hệ so sánh giữa hai mô hình thì dường như trường học thân thiện được nhìn nhận như là cái cũ, còn trường học hạnh phúc là cái mới.

Theo chiều hướng cái cũ sẽ nhường chỗ cho cái mới, cùng với việc các tỉnh thành thi đua xây dựng trường học hạnh phúc thì rất có khả năng là phong trào xây dựng trường học thân thiện sẽ kết thúc, nhường chỗ cho sự lên ngôi của phong trào xây dựng trường học hạnh phúc.

Nếu điều đó thực sự xảy ra thì những nỗ lực suốt 15 năm qua về xây dựng trường học thân thiện chỉ còn là kỷ niệm và các nhà trường lại bước vào một hành trình mới với những nỗ lực mới để xây dựng trường học hạnh phúc.

Nhìn từ góc độ cả trường học thân thiện và trường học hạnh phúc đều chỉ là những biểu hiện cụ thể khác nhau của văn hóa học đường thì sự thay thế như trên thực sự là một lãng phí về công sức, thời gian và tiền bạc của trong đổi mới tổ chức và hoạt động nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục.

Vì thế rất cần một nhận thức chung là không có chuyện mô hình này thay thế mô hình kia, mà chỉ có sự tiếp nối từ mô hình này đến mô hình kia, sự chuyển đổi giữa mô hình này và mô hình kia, thậm chí là sự lựa chọn tự do của các nhà trường theo mô hình này hoặc mô hình kia, cả hai mô hình đều có giá trị như nhau trong hành trình xây dựng văn hóa học đường phục vụ cho việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Điều quan trọng trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành tổng kết phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực.

Hiện nay bên cạnh những báo cáo rất tích cực của các địa phương và nhà trường, cũng có nhiều ý kiến cho rằng dù có đạt một số kết quả khích lệ, vẫn còn tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các nội dung thi đua, mà nghiêm trọng nhất vẫn là bệnh hình thức và thành tích trong thi đua, trong khi môi trường văn hóa trong trường học tiếp tục xuống cấp.

Vì vậy rất cần một đánh giá nghiêm túc về những mặt được và chưa được, những tồn tại và yếu kém, những bài học kinh nghiệm cần được đúc rút từ một hành trình 15 năm hướng đến mô hình trường học thân thiện.

Trên cơ sở đó, rất cần một cách nhìn nhận thực sự bản chất về trường học thân thiện và trường học hạnh phúc để tránh phát động một phong trào thi đua mới nhằm dùng một cái tưởng là mới để thay thế một cái tưởng là cũ.

Mới đây, nhân dịp khai giảng năm học mới 2023-2024, đề cập đến mô hình trường học hạnh phúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nói: “Một ngôi trường hạnh phúc trước hết phải do giáo viên, học sinh và phụ huynh cảm nhận. Về phía ngành giáo dục, việc quan trọng đầu tiên là làm thế nào để thúc đẩy môi trường văn hóa học đường. Văn hóa học đường khi được triển khai tốt, thể hiện qua các hoạt động của nhà trường, tự khắc nó đem đến các giá trị tích cực, từ đó sẽ làm cho giáo viên, học sinh thấy hài lòng, hạnh phúc”.

Như vậy, cách nhìn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra bản chất văn hóa học đường của cả trường học thân thiện và trường học hạnh phúc.

Để cách nhìn này tạo ra định hướng cho các cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các nhà trường có cách tiếp cận thực chất và hiệu quả đến việc xây dựng trường học hạnh phúc trong mối quan hệ với trường học thân thiện, tránh lãng phí và hình thức, rất cần sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc sớm hiện thực hóa chủ trương xây dựng văn hóa học đường như đã được quy định trong Chỉ thị năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1] UNICEF. 2009. Child-friendly schools manual. New York: UNICEF.

[2] UNESCO Bangkok Office, Asia and Pacific Regional Bureau for Education. 2016. Happy schools! A framework for learners well-being in the Asia-Pacific. Paris: UNESCO

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến