Chủ trương và chính sách về phát triển bài báo khoa học quốc tế
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển các bài báo khoa học quốc tế của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nếu tính trong nửa đầu năm 2024 (01/01/2024 – 30/06/2024), Việt Nam xếp hạng 44 trong 229 quốc gia và vùng lãnh thổ về thành tựu bài báo khoa học thuộc loại kết quả nghiên cứu mới trên các tạp chí khoa học chuẩn Web of Science (WoS, Mỹ):
Trong đó, Việt Nam đã công bố 6.395 bài báo khoa học (chiếm 0.499%) trong số 1.280.909 bài báo khoa học trên toàn thế giới với chuẩn và loại đã nêu. Các cơ sở giáo dục đại học (viết tắt: ĐH) của Việt Nam đã đóng góp chính vào thành tựu này của cả nước [1]. Đây là xu hướng hội nhập tất yếu và cũng phù hợp với chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Luật khoa học và công nghệ, cũng như các văn bản hướng dẫn của Chính phủ.
Tại Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/ 2024 của Bộ chính trị [2], Mục 6 đã chỉ rõ là đối với khoa học và công nghệ thì phải thúc đẩy hội nhập sâu rộng và mở rộng hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Mục 4 của Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII [3] đã khẳng định là đội ngũ trí thức cần phải mở rộng hợp tác quốc tế, giao lưu học thuật với các quốc gia, tổ chức đối tác có nền khoa học công nghệ tiên tiến.
Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 đối với Luật khoa học và công nghệ [4], Khoản 10 Điều 20 chỉ rõ cá nhân được quyền tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ.
Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ [5] cũng đã chỉ rõ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học (Điểm a Mục 8). Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Khoản 4 Điều 18 trong Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ [6] khẳng định rằng các đại học đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công bố khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín; thúc đẩy nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Như vậy, việc thúc đẩy phát triển bài báo khoa học quốc tế là vấn đề rất chiến lược. Thành tựu bài báo khoa học quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực cho người làm nghiên cứu, các tổ chức nghiên cứu và cho cả đất nước. Đồng thời, thành tựu này tạo cơ sở cho việc chuyển giao tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho sự phát triển thông qua các sản phẩm tri thức mới, sản phẩm công nghệ mới và sản phẩm danh tiếng mới [7]. Do đó, những chủ trương và chính sách như đã nêu là rất phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước một cách có định hướng và bền vững, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay.
Rủi ro trong phát triển bài báo khoa học quốc tế
Việc công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế là hoạt động tất yếu và rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học nhưng đôi khi cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Một trong những rủi ro đã và đang và sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của cộng khoa học trong nước và trên toàn thế giới là một bài báo khoa học có thể bị điều tra và bị rút (retracted) bởi tạp chí khoa học và/hoặc nhà xuất bản nơi mà bài báo được công bố, dù bài báo này có thể đã được công bố sau nhiều năm. Việc một bài báo khoa học bị rút có thể nói là vấn đề không mong đợi trong hoạt động khoa học; do đó, điều này đương nhiên là điều bất thường trong hoạt động nghiên cứu.
Nói chung, việc một bài báo khoa học bị rút (retracted) có thể mang lại sự thất vọng không chỉ cho tác giả bài báo mà còn cho cả tạp chí đã đăng bài báo báo đó, cho tổ chức và cả quốc gia của tác giả. Thông tin rút bài khoa học đều được lưu trữ lâu dài trong các cơ sở dữ liệu khoa học trên thế giới nên có thể ảnh hưởng nhất định đến các bên liên quan.
Hiện nay, các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín như Scopus (Hà Lan), WoS (Mỹ) đều lưu giữ đầy đủ thông tin những bài báo khoa học bị rút đối với những tạp chí Scopus, WoS. Thêm nữa, cơ sở dữ liệu Retraction Watch thống kê và lưu giữ thông tin của hầu hết các bài báo khoa học bị rút từ các tạp chí quốc tế trên toàn thế giới.
Nhìn chung, tùy theo nguyên nhân của việc rút bài báo khoa học mà mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau. Nếu một tác giả liên tiếp có bài báo khoa học bị rút thì có thể thấy hoạt động nghiên cứu của tác giả này có dấu hiệu không bền vững.
Như đã nói, việc có bài báo khoa học bị rút là điều không mong đợi trong nghiên cứu khoa học. Người làm nghiên cứu có bài báo khoa học bị rút có thể phải chịu những áp lực tâm lý hoặc học thuật trong hoạt động khoa học và/hoặc giảng dạy, và có thể dẫn đến những hệ lụy nhất định trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Các tổ chức nghiên cứu, đặc biệt là các đại học, có nhiều bài báo bị rút có thể giảm sút uy tín không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi toàn cầu. Khi đó, việc phát triển hợp tác nghiên cứu, thu hút các nguồn lực của các tổ chức này chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thậm chí là bị hoài nghi.
Đối với các đại học, nếu có nhiều bài báo khoa học bị rút thì chẳng những có thể phải chịu những ảnh hưởng như đã nói mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tham gia xếp hạng đại học, nhất là các bảng xếp hạng đại học mà trong đó ý kiến đánh giá của chuyên gia chiếm tỷ lệ cao như QS hay THE.
Việc có bài báo bị rút chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường học thuật nói chung như làm giảm độ tin cậy đối với các kết quả nghiên cứu của tác giả, giảm danh tiếng của cơ quan của tác giả và thậm chí ảnh hưởng đến uy tín học thuật của quốc gia.
Một thực trạng hiện nay có thể thấy là việc tác giả có bài báo khoa học bị rút đã làm cho lãnh đạo cơ quan của các tác giả giảm lòng tin và có thể hoài nghi về hiệu quả của việc đầu tư cho phát triển nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Việc có những bài báo khoa học đã được tài trợ kinh phí nghiên cứu hay được kinh phí thưởng nhưng sau đó bị rút có thể gây ra những lúng túng nhất định cho tác giả, các đơn vị quản lý và cho cả tổ chức.
Nguyên nhân bài báo khoa học bị rút
Nguyên nhân của việc bài báo khoa học bị rút thì cũng đa dạng. Có thể là lỗi kỹ thuật trong quá trình xuất bản, lỗi từ quá trình thẩm định của tạp chí khoa học trong giai đoạn bài báo đang được xét duyệt. Tuy nhiên, nguyên nhân thường xuyên nhất của việc rút bài là liên quan đến liêm chính nghiên cứu khoa học như gian lận, bịa đặt và đạo văn trong hoạt động nghiên cứu.
Thông thường, tạp chí khoa học sẽ xem xét sau khi có ý kiến phản ánh của chuyên gia từ trong nội bộ tạp chí hoặc từ bên ngoài về các dấu hiệu vi phạm. Một khi xác định được các dấu hiệu bị phản ánh là có cơ sở, tạp chí sẽ tiến hành điều tra. Tạp chí khoa học có thể tiến hành điều tra độc lập, đồng thời có thể yêu cầu tác giả giải trình. Trước khi có kết luận cuối cùng, tạp chí khoa học thường thông báo cho tác giả bài báo được biết để tác giả có thể phản biện. Nếu tác giả của bài báo khoa học không có ý kiến gì khác hoặc không thể phản biện lại các cáo buộc vi phạm (nếu có) của tạp chí thì tạp chí có thể tiến hành đăng thông tin rút bài báo một cách công khai.
Giải pháp xử lý tình huống bài báo khoa học bị rút ở các đại học
Về giải pháp xử lý tình huống bài báo khoa học bị rút ở các đại học (các tổ chức khác có thể làm tương tự), có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau [8, 9, 10]. Tuy nhiên, dù thế nào thì tác giả có bài báo khoa học bị rút rất cần chia sẻ khi gặp phải những rủi ro không mong đợi như thế. Tiếp theo, cơ sở giáo dục đại học nơi công tác của tác giả nên tổ chức xem xét cẩn thận và từ đó có kết luận trên tinh thần khách quan nhất sao cho các bên liên quan đều được bảo vệ một cách đầy đủ, phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế.
Khoản 2 Điều 20 của Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ [6] đã chỉ rõ là đại học phải có công cụ để kiểm soát liêm chính nghiên cứu khoa học. Do đó, mỗi đại học cần có một bộ phận chuyên xem xét và tư vấn về vấn đề này, thông thường là ủy ban đạo đức nghiên cứu (research ethics committee, REC) [11].
Sau khi lãnh đạo đại học có bài báo khoa học bị rút phê duyệt chuyển hồ sơ ra REC xem xét, REC thụ lý hồ sơ và cần làm việc trên tinh thần khách quan và chuyên nghiệp, nghiên cứu hồ sơ một cách cẩn trọng, thu thập đầy đủ minh chứng cần thiết và lắng nghe ý kiến của các bên liên quan trước khi tổ chức thẩm định và quyết nghị kết quả cuối cùng đối với vụ việc. Chắc chắn, tạp chí khoa học sẽ sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin về quyết định rút bài báo khoa học khi REC có yêu cầu. Mức độ ảnh hưởng đến tác giả có bài báo khoa học bị rút tùy thuộc vào bản chất của vụ việc và kết quả quyết nghị của REC.
Trong quá trình REC thụ lý và xem xét hồ sơ, tác giả của bài báo khoa học bị rút rất cần được bảo vệ quyền riêng tư, nếu có thể. Căn cứ vào quyết nghị của REC, lãnh đạo đại học của tác giả sẽ quyết định việc hình thức xử lý đối với vụ việc. Tùy thuộc vào nguyên nhân và/hoặc mức độ nghiêm trọng của việc rút bài báo khoa học, tổ chức sẽ cân nhắc mức độ xử lý phù hợp và đồng thời sẽ quyết định công khai kết quả xem xét hay chỉ cần xem xét nội bộ. Một khi đại học có kết quả quyết nghị của REC, việc thực hiện trách nhiệm giải trình (khi cần) cũng thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là đối với các cơ quan truyền thông.
Tinh thần chung là tác giả nên phối hợp chặt chẽ với REC và tác giả cũng cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể vượt qua sự cố không mong đợi như đã nêu trong nghiên cứu khoa học để có thể tiếp tục hoạt động nghiên cứu khoa học và cống hiến. Cũng cần lưu ý thêm, REC cũng đồng thời có giải pháp bảo vệ tác giả vì không loại trừ khả năng tạp chí khoa học cũng có phần trách nhiệm vì tổ chức thẩm định chưa chuyên nghiệp nên đã có thể dẫn đến những thiếu sót. Khi đó, REC có thể đại diện đại học làm việc với tạp chí khoa học để có thể phục hồi uy tín học thuật cho tác giả và phục hồi trạng thái bình thường của bài báo khoa học, trong trường hợp quyết định rút bài báo khoa học của tạp chí không đúng.
Các đại học cần thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Chính phủ về công tác đảm bảo liêm chính học thuật tại Điều 20 của Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 [6], cụ thể là “ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế” và “ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Trong đó, mỗi đại học nên có một REC trên cơ sở hỗ trợ của bộ phận đảm bảo liêm chính nghiên cứu. Khi đó, vấn đề vi phạm liêm chính nghiên cứu trong các đại học có thể sẽ được kiểm soát theo hướng tối ưu nhất. Nếu làm được như thế thì các nhà khoa học có thể có được hành lang an toàn về chính sách quản trị nghiên cứu khi thực hiện nghiên cứu khoa học, phát huy tốt nhất vai trò của đội ngũ trí thức trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển hoạt động khoa học công nghệ của nước nhà.
Tài liệu tham khảo
[1] TS. Lê Văn Út (2024); Xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các đại học Việt Nam trong nửa đầu năm 2024; Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ, 17/07/2024.
[2] Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/ 2024 của Bộ chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH TW Đảng Khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[3] Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH TW Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
[4] Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-VPQH ngày 08/07/2022 của Văn phòng Quốc hội đối với Luật khoa học và công nghệ.
[5] Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
[6] Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
[7] TS. Lê Văn Út (2024); Ba loại sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra tiền, Đại biểu Nhân dân, Văn phòng Quốc hội, 01/02/2024.
[8] TS. Lê Văn Út & ThS. Thân Đức Dũng; Giải pháp kiểm soát đạo đức và liêm chính nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Văn Lang; Báo cáo nghiên cứu chiến lược, Số 02/2024/SARAP-BC ngày 13/05/2024, Trường Đại học Văn Lang (42 trang).
[9] TS. Lê Văn Út & ThS. Thân Đức Dũng (2024); Phương pháp phân tích các dấu hiệu bất thường trong công bố khoa học của chuyên gia và các đề xuất chiến lược cho Trường Đại học Văn Lang; Báo cáo nghiên cứu chiến lược, Số 04/2024/SARAP-BC ngày 18/07/2024, Trường Đại học Văn Lang (25 trang).
[10] TS. Lê Văn Út & ThS. Thân Đức Dũng (2024); Các tạp chí khoa học trong Web of Science bị điều tra về các dấu hiệu vi phạm liêm chính xuất bản: Thực trạng và giải pháp chiến lược tại Trường Đại học Văn Lang; Báo cáo nghiên cứu chiến lược, Số 03/2024/SARAP-BC ngày 15/07/2024, Trường Đại học Văn Lang (31 trang).
[11] Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban đạo đức nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang, Số 1228/QĐ-ĐHVL, 12/08/2022.